26/12/2024

Thiếu nước, điện phập phù

TT – “Suốt 23 năm qua, từ khi vận hành đến nay, đây là lần đầu tiên nước hồ Hòa Bình xuống thấp kỷ lục, thiếu hụt so với năm 2009 (năm hạn nặng nhất) đến cả chục mét nước” – ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, buồn bã thông báo với chúng tôi chiều 9-9.

Thiếu nước, điện phập phù

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Sáu, 10/09/2010

 

TT – “Suốt 23 năm qua, từ khi vận hành đến nay, đây là lần đầu tiên nước hồ Hòa Bình xuống thấp kỷ lục, thiếu hụt so với năm 2009 (năm hạn nặng nhất) đến cả chục mét nước” – ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, buồn bã thông báo với chúng tôi chiều 9-9.

Chiều 9-9, khi chúng tôi có mặt tại hồ Hòa Bình, anh Nguyễn Văn Huân (xóm Tháu, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình) đang vớt củi trên lòng hồ nói: “Lúc trước chỉ đi vài ngày là kiếm được đầy thuyền củi, cũng chưa bao giờ đi quá vài chục cây số để vớt củi. Năm nay nước cạn, không có lũ nên không có củi, đi hai tuần về mới được một thuyền. Mọi năm một ôtô khoảng 14m3 củi giá 800.000 đồng nay lên 1,4 triệu đồng, biết là được giá nhưng cũng đành chịu, phải ngồi thuyền chờ nước lên”.

Thiếu nước vì lũ không về

Anh Huân cho biết mọi năm tàu thuyền ở bến này đậu kín để chở ngô từ Sơn La về và chở cát từ Hòa Bình lên Sơn La. Năm nay chỉ lèo tèo vài chiếc chờ nước lên để chở cát và ngô. Vừa rồi, đội tàu của cảng phải bán bớt tàu do nước quá cạn không chở được cát lên thủy điện Sơn La.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết đến 16g hôm qua, mực nước thực đo tại hồ Hòa Bình là 100,07m, trong khi đúng dịp này năm 2009 mực nước hồ là 109m, còn trung bình nhiều năm trước đạt tới 117m. Theo ông Thành, để toàn bộ tám tổ máy vận hành trơn tru theo đúng thiết kế thì lưu lượng nước về hồ phải đạt từ 2.400m3/giây trở lên. Nhưng thực tế từ đầu mùa lũ đến nay, lưu lượng nước về hồ lúc cao nhất cũng chỉ đạt 1.500-1.600m3/giây. Đặc biệt hơn, năm nay không có trận lũ nào đổ về hồ Hòa Bình.

Sản lượng điện thấp hơn năm 2009

Nước hồ cạn, lưu lượng giảm nên ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất điện. Ông Thành cho biết nếu năm 2009 nước đã cạn, lưu lượng giảm và sản lượng cũng đã giảm nhiều so với mọi năm, thì năm 2010 tình hình còn bi đát, nghiêm trọng hơn. Cụ thể, hết tháng 8-2009, sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt trên 5,6 tỉ kWh, thì sang năm 2010 do thiếu nước nên hết tháng 8-2010 tổng sản lượng điện cũng chỉ đạt 4,9 tỉ kWh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, kỹ sư Hoàng Văn Lợi (phòng kỹ thuật) cho biết thêm mực nước hụt so với năm ngoái tương đương trên 2 tỉ m3 nước và lượng nước này đủ để sản xuất ra khoảng 500 triệu kWh điện. Còn tại thời điểm này, do thiếu nước nên mỗi ngày Nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ sản xuất 30-35 triệu kWh.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình cho rằng từ năm 2009 đã ít mưa, thiếu nước, lại hạn hán nên kéo dài sự ảnh hưởng sang năm nay. Trong khi đó năm 2010 cũng hạn hán, đầu năm hồ phải ba lần xả nước chống hạn cho hạ lưu. Đặc biệt, do ảnh hưởng của El Nino nên năm 2010 rất ít mưa, lượng mưa thấp, mùa lũ không có trận lũ nào khiến hồ đã cạn càng thêm cạn. Hơn nữa, từ 15-5-2010 thủy điện Sơn La đã nút cống chặn dòng tích nước nhằm chuẩn bị cho việc phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay nên nguồn nước thượng nguồn sông Đà đã bị chặn lại ở Sơn La, không còn đổ dồn về Hòa Bình nữa. Hiện thủy điện Sơn La đã đóng chín cửa, chỉ còn để ba cửa đưa nước xuống Hòa Bình.

Như vậy, nguồn nước dùng để chạy tám tổ máy phát điện chỉ trông chờ vào nguồn nước trong hồ chứa, lượng nước từ 3/12 cửa của thủy điện Sơn La và lượng nước bổ sung rất nhỏ từ các suối đổ ra sông Đà từ Sơn La về Hòa Bình.

Thủy điện miền Trung cũng thiếu nước

Đến thời điểm này, mực nước trên các hồ chứa của các nhà máy thủy điện Pleikrông, Ialy đang rất thấp so với cùng thời điểm các năm trước. Lượng mưa ít, diễn biến thời tiết không bình thường nên khả năng tích nước hạn chế. Giám đốc Công ty thủy điện Ialy Tạ Văn Luận cho biết so với mọi năm, thời điểm này lượng nước tích được ở các hồ chứa đã gần đầy, nhưng hiện giờ các hồ chứa chỉ trên mực nước chết một ít. “Các năm trước mực nước các cao trình đạt 515m so với mặt nước biển nhưng hiện giờ chỉ đạt khoảng 497m, thấp hơn mọi năm hơn 15m” – ông Tạ Văn Luận nói.

Ông Luận cho rằng vẫn còn sớm để khẳng định về phương án phát điện sắp tới. “Tuy nhiên, tám tháng đầu năm nay lượng điện phát chỉ đạt 50%, trong khi lượng nước tích được thấp so với những năm trước cũng là chuyện đáng lo ngại” – ông Luận nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Đình Bản – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương – cho biết mực nước về hồ thủy điện A Vương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009. Theo đó, mực nước đo vào chiều 9-9 tại lòng hồ A Vương chỉ đạt cao trình 350,45m, so với mực nước dâng bình thường là 380m và chỉ cao hơn mực nước chết chừng 10m. Điều này đồng nghĩa với việc hồ A Vương đang thiếu hụt khoảng 200 triệu m3 nước. Hiện lưu lượng nước về hồ đo được vào khoảng 58,7m3/giây.

Đ.BÌNH – V.LÂM – N.NAM – Đ.NAM

Thủy điện Đồng Nai 3 chậm tích nước, thiệt hại 1.000 tỉ đồng

Thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk P’Lao, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông) có vốn đầu tư 4.800 tỉ đồng, gồm hai tổ máy, công suất 180 MW. Hiện  đơn vị thi công đang lắp đặt hai tổ máy theo đúng kế hoạch để phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 10 năm nay. Tuy nhiên kế hoạch này xem ra khó thực hiện. Ông Đàm Quang Trung, chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long, cho biết đến thời điểm này vẫn còn gần 100 hộ dân chưa được di dời ra khỏi lòng hồ nên chưa thể đóng van tích nước và khó có khả năng những hộ này di dời khỏi lòng hồ trước 15-9 – thời điểm cuối cùng trong năm nay mà ngành điện có thể đóng van tích nước.

Việc đóng van tích nước hồ chứa thủy điện Đồng Nai 3 (đồng thời cũng là hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 4 – hai tổ máy, công suất 340 MW) đã buộc phải lùi thời gian nhiều lần. Theo kế hoạch, thủy điện Đồng Nai 3 đóng van tích nước vào tháng 6-2009 nhưng vì nhiều lý do (giá vật liệu xây dựng tăng phải điều chỉnh dự toán, tiến độ di dân lòng hồ chậm…) nên Chính phủ cho phép dời thời gian tích nước sang tháng 6-2010.

Ông Phạm Văn Cúc, phó trưởng ban quản lý thủy điện 6, cho biết thủy điện Đồng Nai 3 buộc phải tích nước trước 15-9, vì sau thời điểm này dễ có mưa lớn trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Việc đóng van tích nước phải dựa theo lưu lượng nước chảy, nếu lưu lượng nước trên 300m3/giây thì không thể đóng cửa van vì áp suất lớn dễ làm kẹt van, mức độ thiệt hại là rất lớn và có thể nguy hiểm đến đập chính. Do vậy, nếu không di dời hết dân ra khỏi lòng hồ trước 15-9, việc tích nước có thể lùi lại năm sau và kế hoạch phát điện cũng sẽ lùi lại một năm. Việc chậm tích nước một năm với Đồng Nai 3 ngành điện sẽ thiệt hại 1.000 tỉ đồng.

LÊ BÌNH

Cung ứng điện luôn căng thẳng

Về việc nhiều địa phương bị cắt điện, một phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết nguyên nhân là do một số sự cố chứ không phải do thiếu hụt điện, dẫn đến phải cắt điện luân phiên ở một số khu vực. Theo quan chức này, hiện khí cung cấp cho một số nhà máy điện đang khó khăn, bên cạnh đó nhiều nhà máy điện đang bị sự cố sau một thời gian dài chạy không bảo dưỡng. Vị phó tổng giám đốc cho biết trong quá trình vận hành hệ thống điện, thỉnh thoảng có xảy ra các sự cố và một số nơi bị cắt điện là khó tránh khỏi. Riêng thông tin huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng một tuần bị cắt điện hai buổi, lãnh đạo EVN cho biết sẽ kiểm tra lại chứ nguyên tắc không thể cắt điện cả huyện theo cách như thế.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), từ ngày 4-9 đến nay do sự cố của các nhà máy nhiệt điện và sự cố nguồn khí Nam Côn Sơn cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ nên nguồn cung cấp điện cho một số nơi không đáp ứng đủ nhu cầu của phụ tải, dẫn đến hệ thống tự động sa thải theo tần số nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Theo thông báo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, một số khu vực trên địa bàn TP.HCM đã bị hệ thống sa thải tự động gây gián đoạn cung cấp điện vào khoảng thời gian cao điểm sáng và chiều. Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh chỉ số cài đặt tần số hoạt động của hệ thống tự động sa thải phụ tải giữa các tuyến dây nhằm tránh xảy ra tình trạng một khu vực bị gián đoạn cung cấp điện nhiều lần.

* Theo báo cáo của EVN, hiện đơn vị này đang cung ứng được khoảng 304 triệu kWh/ngày, mức cao so với thời gian căng thẳng nhất của mùa khô (tháng 6, tháng 7-2010 có thời điểm chỉ cung ứng được 270-280 triệu kWh/ngày). Một phó tổng giám đốc EVN nói: “Trong cả tám tháng đầu năm, lúc nào cung ứng điện cũng căng thẳng”. Theo quan chức này, năm nay miền Nam không thấy lũ, nhiều nhà máy thủy điện lớn phía Nam vì thế chạy cầm chừng, khó khăn, đến nay mới hoàn thành khoảng 30% sản lượng cả năm.

C.V.KÌNH

Về việc nhiều địa phương bị cắt điện, một phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết nguyên nhân là do một số sự cố chứ không phải do thiếu hụt điện, dẫn đến phải cắt điện luân phiên ở một số khu vực. Theo quan chức này, hiện khí cung cấp cho một số nhà máy điện đang khó khăn, bên cạnh đó nhiều nhà máy điện đang bị sự cố sau một thời gian dài chạy không bảo dưỡng. Vị phó tổng giám đốc cho biết trong quá trình vận hành hệ thống điện, thỉnh thoảng có xảy ra các sự cố và một số nơi bị cắt điện là khó tránh khỏi. Riêng thông tin huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng một tuần bị cắt điện hai buổi, lãnh đạo EVN cho biết sẽ kiểm tra lại chứ nguyên tắc không thể cắt điện cả huyện theo cách như thế.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), từ ngày 4-9 đến nay do sự cố của các nhà máy nhiệt điện và sự cố nguồn khí Nam Côn Sơn cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ nên nguồn cung cấp điện cho một số nơi không đáp ứng đủ nhu cầu của phụ tải, dẫn đến hệ thống tự động sa thải theo tần số nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Theo thông báo của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, một số khu vực trên địa bàn TP.HCM đã bị hệ thống sa thải tự động gây gián đoạn cung cấp điện vào khoảng thời gian cao điểm sáng và chiều. Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh chỉ số cài đặt tần số hoạt động của hệ thống tự động sa thải phụ tải giữa các tuyến dây nhằm tránh xảy ra tình trạng một khu vực bị gián đoạn cung cấp điện nhiều lần.

* Theo báo cáo của EVN, hiện đơn vị này đang cung ứng được khoảng 304 triệu kWh/ngày, mức cao so với thời gian căng thẳng nhất của mùa khô (tháng 6, tháng 7-2010 có thời điểm chỉ cung ứng được 270-280 triệu kWh/ngày). Một phó tổng giám đốc EVN nói: “Trong cả tám tháng đầu năm, lúc nào cung ứng điện cũng căng thẳng”. Theo quan chức này, năm nay miền Nam không thấy lũ, nhiều nhà máy thủy điện lớn phía Nam vì thế chạy cầm chừng, khó khăn, đến nay mới hoàn thành khoảng 30% sản lượng cả năm.

C.V.KÌNH