27/12/2024

Bài suy niệm Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình

58 năm linh mục, 40 năm giám mục, trong đó có 35 năm trong chức vị tổng giám mục, với biết bao biến cố lớn lao trong lịch sử dân tộc, biết bao khó khăn về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, mà Sài Gòn lại là trung tâm của những đổi thay và biến động, ta mới hiểu rằng ngài đã chơi rất hay, rất tốt trên sân bóng cuộc đời. Có lẽ ít có một cầu thủ nào trong lịch sử dân tộc và Giáo hội Việt Nam đã chơi hay và chơi đẹp trong một thời gian dài đến thế! Và cũng ít có ai từng gặp nhiều sự thay đổi và khó khăn đến thế, nhất là sau biến cố 1975 với sự ra đi của gần 1 triệu người ở miền Nam Việt Nam. Ngài chịu đựng những thay đổi ấy giống như một cầu thủ phải đá trên những sân bóng tốt xấu khác nhau, vào những thời tiết mưa nắng khác nhau, với những đội bóng có chiến thuật khác nhau, với những cầu thủ chơi tốt và không thiếu những cầu thủ chơi xấu đã cản phá, chèn ngã, làm ngài đau điếng. Thế mà lúc nào ta cũng thấy ngài hăng sau dẫn dắt đồng đội để đá hay, chơi đẹp, tạo niềm vui cho bao người.

HÃY CHƠI ĐẸP!

LBBT: Nhân dịp sinh nhật 100 năm của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Caritas Việt Nam xin gửi đến độc giả bài giảng “Hãy chơi đẹp” của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nhân lễ giỗ 49 ngày của ngài, ngày 18-8-1995, tại Nhà thờ Chính toà Sài Gòn. Bài giảng như tóm tắt toàn bộ cuộc đời của Đức Tổng Phaolô để mời gọi mọi người chúng ta hãy chơi đẹp trên sân cỏ cuộc đời như ngài.

Kính thưa Đức cha Aloisiô,

Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo hữu thân mến,

Hôm nay, nhân kỷ niệm 49 ngày qua đời của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, với lòng thành kính biết ơn và để tưởng nhớ người cha nhân hậu, chúng ta dâng thánh lễ cầu nguyện cho ngài. Trong bầu khí thân mật của gia đình, chúng ta muốn gợi lại một vài kỷ niệm nho nhỏ về người đã khuất, hy vọng còn một chút gì để nhớ, để thương, để gìn giữ như một di sản tinh thần mà ngài gửi lại cho chúng ta trong cuộc hành trình trần thế đã qua của ngài.

Đối với tôi, một trong những kỷ niệm sâu đậm về Đức Tổng lại liên quan đến bóng đá. Ai ở gần Đức Tổng đều biết ngài hồi nhỏ thích đá bóng và lớn lên ham xem bóng đá như thế nào. Dù bận bịu với đủ thứ công việc, với những thánh lễ lâu giờ ban ngày, thế nhưng ngài vẫn không bỏ qua những trận đấu bóng quốc tế được chiếu trực tiếp trên truyền hình đêm hôm trước. Ngài say mê theo dõi các cuộc tranh tài trong Cúp Bóng Đá Thế giới hay Cúp Bóng Đá Âu châu đến nỗi bọn trẻ chúng tôi nhiều khi khó lòng theo kịp.

Trong dịp lễ Bát Tuần 1990 tổ chức ở Tiểu Chủng viện Thánh Giuse, lễ xong, đáng lẽ vào phòng ăn để các giám mục chào mừng, ngài gọi riêng Cha Khảm và tôi ra nhắc nhở: “Phải làm sao giúp cho giới trẻ sống đạo tích cực hơn”. Ba cha con ngồi nói chuyện khá lâu khiến một vài Đức Cha phải ra mời ngài vào phòng tiệc. Tôi nhớ mãi câu ngài nói: “Hãy nhắc các bạn trẻ chơi đẹp trên sân cỏ cuộc đời”, vì đó đang là thời kỳ của Vòng Chung kết Giải Vô địch Bóng Đá Quốc tế Italia 1990.

Có lẽ cuộc đời của Đức Tổng và của chúng ta, xét về khía cạnh nào đó, giống như cuộc đời của một cầu thủ bóng đá. Thánh Phaolô cũng đã từng so sánh đời mình và đời người như một vận động viên điền kinh phải luôn lao mình thật nhanh về phía trước và bỏ lại hết quá khứ đàng sau. “Ngài đã chạy đến cùng và đã giữ vững Đức Tin” (2 Tm 4,7). Thời gian ở Tiểu Chủng viện, rồi Đại Chủng viện Truyền giáo tại Rôma của Đức Cha là những năm tháng tôi luyện cái đầu, con tim và đôi chân, cho đến khi thụ phong linh mục năm 27 tuổi, cũng là năm ngài chính thức bước vào sân cỏ cuộc đời với bao trận đấu lớn nhỏ.

58 năm linh mục, 40 năm giám mục, trong đó có 35 năm trong chức vị tổng giám mục, với biết bao biến cố lớn lao trong lịch sử dân tộc, biết bao khó khăn về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, mà Sài Gòn lại là trung tâm của những đổi thay và biến động, ta mới hiểu rằng ngài đã chơi rất hay, rất tốt trên sân bóng cuộc đời. Có lẽ ít có một cầu thủ nào trong lịch sử dân tộc và Giáo hội Việt Nam đã chơi hay và chơi đẹp trong một thời gian dài đến thế! Và cũng ít có ai từng gặp nhiều sự thay đổi và khó khăn đến thế, nhất là sau biến cố 1975 với sự ra đi của gần 1 triệu người ở miền Nam Việt Nam.

Ngài chịu đựng những thay đổi ấy giống như một cầu thủ phải đá trên những sân bóng tốt xấu khác nhau, vào những thời tiết mưa nắng khác nhau, với những đội bóng có chiến thuật khác nhau, với những cầu thủ chơi tốt và không thiếu những cầu thủ chơi xấu đã cản phá, chèn ngã, làm ngài đau điếng. Thế mà lúc nào ta cũng thấy ngài hăng say dẫn dắt đồng đội để đá hay, chơi đẹp, tạo niềm vui cho bao người.

Trong tư cách mục tử, ngài chính là một đội trưởng của “Đội Bóng Giêsu Sài Gòn”. Đối với bất cứ ai, ngay cả những kẻ chơi xấu, ngài cũng vẫn hiền hoà, nhã nhặn với nụ cười yêu thương chân thành nở trên môi, chỉ muốn sao dẫn bóng qua họ để đem chiến thắng về cho đội nhà.

Ngài chạy khắp sân cỏ để điều động đồng đội. Chương trình làm việc dày đặc mỗi ngày của ngài đã nói lên sự căng thẳng của trận đấu. Đôi khi, do thiếu cầu thủ, ngài phải thay thế cả thủ môn để bảo vệ khung thành, bảo vệ niềm tin, sự thật, công lý cho đội bóng mình. Vị trí nào ngài cũng chu toàn. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngài cũng có bóng trong chân, không phải lúc nào ngài cũng đón đỡ chính xác và đưa bóng kịp thời cho đồng đội. Đôi lần ngài đã mất bóng, đã sút ra ngoài khung thành của đối phương hay đã để lọt lưới nhà. Đó cũng là chuyện bình thường tự nhiên hay rủi ro bất thường trong đời cầu thủ. Nhưng đối với khán giả bên ngoài, người ta ồ lên tiếc rẻ, trách móc. Có những cổ động viên cuồng nhiệt ủng hộ bên này thì la ó phản đối, ủng hộ bên nọ lại vỗ tay hoan hô. Thế là ngài được đánh giá theo quan điểm, tình cảm của từng phe nhóm.

Cầu thủ xuất sắc này đã được nhiều nhà báo phỏng vấn, được nhiều người bình luận. Những phóng viên nhà báo được quyền viết về ngài theo ý họ, hoặc đánh giá ngài theo đường lối, chủ trương của họ. Ngài hiểu rằng khi nổi tiếng, người ta sẽ dễ trở thành “mục tiêu cho kẻ khác chống đối” (x. Lc 2,34), phê bình như lời ông cụ Simêon tiên đoán cho “cầu thủ siêu đẳng” Giêsu, Người Anh Cả của ngài. Đôi khi, ngài buồn phiền vì người ta không trích dẫn hết câu nói hay hiểu sai câu phát biểu của ngài, nhưng rồi ngài vẫn cười vui và cứ chơi hết mình vì cầu thủ chỉ muốn chơi đẹp chứ đâu phải nhà báo, nhà văn mà viết hay, nói khéo!

Cho đến nay, người ta vẫn thắc mắc không biết ngài chơi cho phe nào, đội nào. Thấy ngài xuất sắc quá nên đội nào cũng muốn ngài đá cho đội họ, muốn ngài thuộc về phe họ. Bài đọc 1 hôm nay có thể giúp ta trả lời cho câu hỏi ấy. Người ta đã từng hỏi ngài như Giôsuê hỏi người lạ: “Ông thuộc về phe chúng tôi hay phe địch?” (x. Gs 5,13-15), và câu trả lời rất rõ ràng: “Không!”. Đức Tổng cũng đã từng trả lời rất rõ ràng như thế trong những bài phát biểu: ngài chẳng thuộc về phe nào cả, vì ngài đến trần gian để chơi theo đúng ý của Thiên Chúa như vận động viên Phaolô, vị thánh bổn mạng của ngài. Vì thế, ai cũng có quyền kéo ngài về phe của mình vì ngài muốn là anh em của mọi người.

Muốn hiểu rõ ngài thật sự đá cho ai, thì phải hỏi người chủ hay ông bầu của ngài là Thiên Chúa. Chính Vị đó đã đặt ngài vào sân cỏ cuộc đời để ngài chơi bóng, mang lại niềm vui, sự thư giãn cho mọi người sau những giờ phút sống căng thẳng, mệt mỏi. Chúng ta, dù là những khán giả ngoài sân hay cầu thủ trong sân, nếu biết thoát khỏi những cay cú vì ăn thua, vì cá độ, chúng ta sẽ hiểu rõ ngài hơn và mới chơi đẹp như ngài, mới quý mến và thương nhớ ngài hơn. Trong tang lễ vừa qua, chúng ta đã hiểu điều đó qua lòng quý mến, ngưỡng mộ của mọi người dành cho ngài.

Bây giờ, ngài đã giã từ sân bóng, giã từ cuộc đời để ngồi nghỉ, nhường chỗ cho những cầu thủ khác, cho lớp trẻ chúng ta chơi tiếp. Chúng ta hãy cố gắng chơi thật hay, thật đẹp như ngài; nhất là như Giêsu, cầu thủ gương mẫu và tuyệt vời trong lịch sử và cũng là thủ quân xuất sắc nhất của đội bóng chúng ta.

Sau những trận đấu ở trần thế này, tất cả chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau nơi Nhà Cha trên Trời, nơi họp mặt những cầu thủ xuất sắc của “Đội Bóng Giêsu” như lời nguyện của Ngài hôm nay: “Lạy Cha, những người Cha ban cho con thì con cũng muốn rằng, con ở đâu thì họ cũng ở đó với con” (Ga 17,24).

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn