Chúa Nhật XIX Thường Niên, năm C: Tin và hành động
Các bài Thánh Kinh hôm nay tập trung vào chủ đề: người tín hữu hãy sống và diễn tả lòng tin thành những hành động cụ thể. Đó là nội dung giáo huấn của bài học Thánh Kinh hôm nay nhằm tóm tắt mối tương quan giữa đức tin và hành động. Bây giờ chúng ta thấy rõ ràng, nhưng cách đây 100 năm thì không rõ ràng như vậy. Cách đây vài ba thế kỷ, giáo huấn này càng không rõ ràng như thế. Nhiều người đọc Thánh Kinh và không biết chỉ cần có một mình lòng tin hay phải diễn tả lòng tin thành những hành động cụ thể. Nhiều giám mục, linh mục cũng căn cứ vào Thánh Kinh nhưng lại dạy những thái độ trái ngược nhau. Có người nhấn mạnh đến lòng tin vì thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Rôma và Galat, nhắc nhở rằng: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3,28; x. Gl 2,16). Nhưng thánh Giacôbê lại nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Vì thế, phải diễn tả đức tin thành những hành động cụ thể chứ không phải chỉ nói rằng mình có đức tin là đủ. Người ta không biết phải theo Phaolô hay theo Giacôbê?
CHÚA NHẬT XIX TN – C
TIN VÀ HÀNH ĐỘNG
Hành Khất Kitô
UBBAXH-Caritas Việt Nam
Nhập đề
Các bài Thánh Kinh hôm nay tập trung vào chủ đề: người tín hữu hãy sống và diễn tả lòng tin thành những hành động cụ thể.
1. Ý nghĩa lời Chúa dạy
Giống như các tổ phụ Do Thái trong bài đọc thứ nhất (Kh 18,6-9) đã tin vào lời Thiên Chúa hứa sẽ ban Đất Hứa cho họ, nên đã bỏ đất Ai Cập khi đang làm nô lệ để đi vào hoang mạc chịu bao nhiêu gian nan thử thách.
Giống như Abraham, trong bài đọc thứ hai (Dt 11, 1-2. 8-19), khi tin vào lời hứa của Thiên Chúa là sẽ làm cho ông trở thành tổ phụ của một dân tộc đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển, ông đã bỏ quê hương, bỏ thần linh để đi ngang qua sa mạc đến vùng đất Do Thái bây giờ. Nhưng trong suốt cuộc sống trần thế ông cũng không nhìn thấy dân tộc Chúa hứa, cả Isaac con ông và Giacop cháu ông, cũng không nhìn thấy, nhưng ông vẫn tin. Sống trong niềm tin ấy, ông đã dám hiến tế người con duy nhất theo lệnh của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta hãy tin vào lời hứa của Cha Trên Trời, vì “Ngài đã ban Nước trời cho chúng ta, hãy tin và đừng sợ” (x. Lc 12,32). Hãy sống tốt đẹp để không đi tìm của cải vật chất nơi mối mọt có thể đục khoét và trộm cướp có thể lấy đi, để tìm những của cải trên trời vĩnh viễn, tốt đẹp. Hãy sống như người đầy tớ trung tín và khôn ngoan lúc nào cũng tỉnh thức đối với người chủ của mình, nhất là diễn tả thành những hành động tích cực: không chè chén say sưa khi chủ vắng nhà, không làm hại hay bắt nạt những tôi trai tớ gái mà người chủ đã giao phó (x. Lc 12, 32-40).
Chúng ta đã được trao phó trách nhiệm quản lý những ân sủng của Chúa. Khi thánh Phêrô hỏi: “Thầy nói dụ ngôn đó là cho chúng con hay cho mọi người?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy nói cho anh em, vì anh em đã được ban rất nhiều ân sủng. Ai được ban nhiều thì sẽ bị đòi nhiều”. Chúng ta là những người được Chúa ban cho rất nhiều ân sủng. Chúa cho chúng ta những lời giáo huấn thật rõ ràng để chúng ta diễn tả lòng tin của chúng ta thành những hành động cụ thể trong đời sống, để có thể lôi cuốn những người khác theo Chúa, theo Đức Giêsu và tìm được Nước Trời như Chúa Cha đã ban cho chúng ta (x. Lc 12,41-48).
2. Những kiểu giải thích không đồng nhất trong lịch sử
Đó là nội dung giáo huấn của bài học Thánh Kinh hôm nay nhằm tóm tắt mối tương quan giữa đức tin và hành động. Bây giờ chúng ta thấy rõ ràng, nhưng cách đây 100 năm thì không rõ ràng như vậy. Cách đây vài ba thế kỷ, giáo huấn này càng không rõ ràng như thế. Nhiều người đọc Thánh Kinh và không biết chỉ cần có một mình lòng tin hay phải diễn tả lòng tin thành những hành động cụ thể. Nhiều giám mục, linh mục cũng căn cứ vào Thánh Kinh nhưng lại dạy những thái độ trái ngược nhau.
Có người nhấn mạnh đến lòng tin vì thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Rôma và Galat, nhắc nhở rằng: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy” (Rm 3,28; x. Gl 2,16). Nhưng thánh Giacôbê lại nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Vì thế, phải diễn tả đức tin thành những hành động cụ thể chứ không phải chỉ nói rằng mình có đức tin là đủ. Người ta không biết phải theo Phaolô hay theo Giacôbê?
Thánh Gioan tổng hợp cả 2 bằng con đường tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người đó” (1 Ga 4,16). Một khi đã ở trong tình yêu đối với Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em mình vì Thiên Chúa ở trong người anh em và “Ai nói yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối” (1 Ga 4,20). Người ta không biết ai đúng, ai sai, nên theo Gioan hay như thế nào?
Chính những giám mục, linh mục, tu sĩ dựa vào những đoạn Thánh Kinh như vậy để chọn lựa những thái độ sống khác nhau và dạy tín hữu hành động theo mình. Do đó, có tín hữu nói rằng: “Tôi giữ đạo tại tâm” nên không cần đi lễ đọc kinh gì cả. Tôi có tình yêu Chúa là đủ! Người ta bãi bỏ những hành động, thậm chí cả những bí tích. Khi có tội, ta chỉ cần úp mặt vô tường xin lỗi Chúa là xong!
Một số nhà thần học Công giáo dạy rằng phải hoàn thành hành động mà không cần để ý đến đức tin của người có hành động. Ví dụ: Khi đến dự lễ, một linh mục giả truyền phép, người tín hữu lên rước lễ vẫn được ơn Chúa như thường vì thánh lễ đã hoàn thành hoặc vào xưng tội với một linh mục giả tội lỗi vẫn được tha.
Người ta còn đi xa hơn nữa: vào năm 1592, khi Columbus khi tìm ra châu Mỹ đã bắt tất cả những thổ dân rửa tội hoặc những binh lính Tây Ban Nha, khi chiếm Philippines, cũng bắt tất cả dân chúng rửa tội, vì người ta nghĩ rằng nếu được rửa tội là sẽ lên thiêng đàng, mặc cho người dân có muốn hay không…
3. Tại sao lại có nhiều quan niệm khác nhau trong Giáo Hội?
Ngày nay với những phương tiện đầy đủ, chúng ta được đọc toàn bộ Thánh Kinh nên thấy rằng giáo thuyết của Phaolô không chống lại giáo thuyết của Giacôbê hay của Gioan, nhưng ngày xưa thì không được như thế.
Vào thế kỷ thứ nhất, các cộng đồng giáo hội chỉ có một ít miếng da thuộc ghi lại một số đoạn Thánh Kinh nhỏ và dùng trong thánh lễ. Vào thế kỷ thứ 9, Trung Quốc mới làm ra những con chữ bằng chì và in thành những tập sách nhỏ. Còn ở khắp thế giới người ta phải chép các bản kinh bằng tay gọi là thủ bản. Chúng ta thấy Đường Tăng sang Tây Trúc Ấn Độ để xin các bản kinh của Phật. Những bản văn sao chép lại, thì “tam sao thì thất bản”, nên mỗi người hiểu một cách.
Đến thế kỷ 15, khi ông Johann Gutenberg (1397-1439), người Đức, được thế giới công nhận là ông tổ của ngành in, phát minh ra khuôn đúc chữ in, làm ra những chữ in bằng chì, máy in bằng gỗ, người ta mới bắt đầu in ra những tập sách Thánh Kinh nhỏ. Mãi đến đầu thế kỷ XIX-XX, những nhà giàu có mới bắt đầu có những cuốn sách Thánh Kinh trọn bộ; còn quảng đại quần chúng thì đến đầu thế kỷ XX mới đọc được những bản Thánh Kinh như vậy, nhưng bằng tiếng Latinh vì tiếng Latinh là loại ngôn ngữ dùng trong khoa học và giới trí thức.
Đến năm 1965, Công đồng Vaticanô II mới cho phép và cổ vũ việc dâng thánh lễ với những bản văn Thánh Kinh bằng tiếng địa phương. Ở Việt Nam, khoảng năm 1965, mới bắt đầu có cuốn Thánh Kinh bằng tiếng Việt.
Hiểu được hoàn cảnh lịch sử và văn hoá như thế, chúng ta không lạ khi biết có nhiều giám mục hay linh mục đọc được một đoạn Thánh Kinh nào thì nghĩ đó là Lời Chúa và giải thích theo suy tư của mình. Nếu đọc được đoạn thư Phaolô thì chỉ biết có Phaolô, đọc được Giacôbê thì biết có Giacôbê, nên có những chủ trương sống đạo khác nhau. Chính vì thế cuộc sống đạo của người tín hữu chưa được hướng dẫn bằng những bộ giáo lý tổng hợp như chúng ta đang có.
Hiểu được như vậy, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình để diễn tả lòng tin thành những hành động cụ thể trong đời sống. Càng diễn tả bao nhiêu, chúng ta càng sống trọn vẹn bấy nhiêu vì con người của ta gồm hai phần là thể xác và tâm linh. Hơn nữa, Ngôi Lời Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối đã làm người như chúng ta để dạy chúng ta con đường đạo đức thật sự và hành động như Người.
Kết luận
Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy diễn tả lòng tin và tình yêu thành những hành động trọn vẹn để hoàn thành trách nhiệm Chúa giao phó như những người quản lý những ân sủng của Thiên Chúa. Cha Trên Trời muốn ta chia sẻ những ân sủng ấy cho anh chị em mình và từ đó lôi kéo họ tin vào Chúa Giêsu Kitô để hình thành nên Nước Trời giữa lòng trần thế.
Nước của Thiên Chúa không phải ở đâu xa. Đó là nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình là chính những ân sủng chúng ta đang nắm giữ, đang xây dựng cho mọi người dân Việt cũng như cho gia đình nhân loại cảm nghiệm được Nước Trời đang ở giữa chúng ta.