24/11/2024

Tổ chức hoạt động bác ái xã hội trong cộng đồng theo Giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Hoạt động bác ái nhằm phục vụ con người, giúp con người phát triển toàn diện về lĩnh vực cá nhân và cộng đồng là các dân tộc. Muốn cho sự phát triển này tốt đẹp, cả cộng đồng phải tham dự vào hoạt động này. Vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh đến lĩnh vực tổ chức cộng đồng trong thông điệp đầu tiên của ngài (Caritas Deus est) ở phần hai, từ số 19-39 và trong thông điệp mới nhất (Caritas in Veritate) ở các chương IV và V, từ số 43-67. Chúng ta sẽ tìm hiểu tóm tắt các điểm cơ bản về lĩnh vực tổ chức cộng đồng trong giáo huấn của ngài.

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI XÃ HỘI TRONG CỘNG ĐỒNG THEO GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Bài trình bày Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu

Trong Hội nghị Thường Niên Caritas Việt Nam, ngày 29-6-2010

 

Lời mở

Hoạt động bác ái nhằm phục vụ con người, giúp con người phát triển toàn diện về lĩnh vực cá nhân và cộng đồng là các dân tộc. Muốn cho sự phát triển này tốt đẹp, cả cộng đồng phải tham dự vào hoạt động này. Vì thế, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh đến lĩnh vực tổ chức cộng đồng trong thông điệp đầu tiên của ngài (Caritas Deus est) ở phần hai, từ số 19-39 và trong thông điệp mới nhất (Caritas in Veritate) ở các chương IV và V, từ số 43-67.

Chúng ta sẽ tìm hiểu tóm tắt các điểm cơ bản về lĩnh vực tổ chức cộng đồng trong giáo huấn của ngài.

1. HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CẦN ĐƯỢC TỔ CHỨC TRONG CỘNG ĐỒNG

Trong nhiều thế kỷ trước đây, người ta quen nghĩ rằng:

– Bác ái xã hội là hoạt động cá nhân, tự nguyện, muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi, không mang một trách nhiệm nào đối với cộng đồng theo tinh thần của chủ nghĩa cá nhân.

– Ngược lại, bác ái xã hội là hoạt động do cộng đồng hay tập thể quyết định tất cả nên từng cá nhân không thể làm gì, không cần có sáng kiến nào vì chính xã hội lo cho từng cá nhân theo tinh thần của chủ nghĩa xã hội.

– Ngày nay, các khoa xã hội học đã giới thiệu một quan niệm mới: hoạt động bác ái xã hội bắt nguồn từ mỗi cá nhân ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng xã hội. Hoạt động này cần được tổ chức trong xã hội và cổ vũ trong cộng đồng để tất cả cùng chia sẻ phúc lợi cho nhau. Vì thế, cộng đồng cần phải giúp cá nhân nhận thức về trách nhiệm của mình và cần phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức hoạt động bác ái cho có hiệu quả tốt đẹp và bền vững trong xã hội.

+ Giáo hội Công giáo là một tập thể, một cộng đồng. Do đó, hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội Công giáo cũng cần được tổ chức trong chính cộng đồng để mọi tín hữu có thể tham gia và từ đó có thể tạo nên hiệu quả tốt đẹp cả về mặt xã hội lẫn truyền giáo.

+ Hơn nữa, muốn phát triển con người toàn diện, từng cá nhân không thể quan tâm và thực hiện được mọi lĩnh vực của đời sống con người, nên cần có sự phối hợp của cả cộng đồng.

+ Nếu không được tổ chức tốt, hoạt động bác ái xã hội có thể bị lạm dụng do những tham vọng của cá nhân hay của những tập thể trong cộng đồng dẫn đến sự hỗn loạn, tham nhũng, lãng phí và làm hư hoại những phương tiện vật chất cũng như tinh thần như chúng ta có thể thấy trong xã hội hiện nay.

2. MỘT VÍ DỤ

Trong phép lạ hoá bánh ra nhiều được thánh Luca kể lại ở chương 9,11b-17: Chúng ta thấy tầm quan trọng của tổ chức cộng đồng.

Ta hãy tưởng tượng nếu Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều và một mình phân phát bánh này cho tất cả đám đông thì cảnh tượng sẽ như thế nào khi 5.000 người đàn ông chen lấn, giành giật nhau lấy bánh từ tay Người? Ai được, ai không? Còn những phụ nữ và trẻ em có thể lao vào để giành giật với đám đàn ông khoẻ mạnh này không?

Đức Giêsu đã tổ chức tốt khi nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng 50 người một”. Rồi Người làm phép lạ nhân thừa bánh, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Mọi người đều ăn no và còn dư được 12 thúng bánh vụn.

3. GIÁO HUẤN CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI TRONG THÔNG ĐIỆP “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết: “Giáo Hội, trên phương diện là cộng đồng, phải thực thi bác ái, để được như vậy, đòi hỏi việc bác ái phải có tổ chức như tiền đề cho sự phục vụ chung có trật tự” (Thông điệp Caritas Deus est, số 20).

Việc Giáo Hội sơ khai tuyển chọn bảy “phó tế” (x. Cv 6,5-6) cho nhiệm vụ phân phát công bằng cho mọi người, nhất là các bà goá, cho thấy công tác bác ái cần được tổ chức và khởi đầu là khâu tuyển chọn nhân sự: “Chọn những người đầy Thần Khí và khôn ngoan” (x. Cv 6,1-6).

3.1. Đức Thánh Cha xác định: “Việc thực thi bác ái là bản chất của Giáo hội cũng y như việc phục vụ bí tích và rao giảng Phúc âm” (x. TĐ. Caritas Deus est, số 22, 25). Tuy nhiên, trong dòng lịch sử sau này, từ thế kỷ IV đến XX, Giáo Hội quá tập trung vào đời sống phụng vụ, bí tích mà quên phục vụ bác ái.

3.2. Đức Thánh Cha đã viết: “Phải công nhận rằng các vị đại diện Hội Thánh thật chậm trễ khi nhận ra vấn nạn về cơ cấu công bằng của xã hội được đặt ra cách mới mẻ” (x. TĐ. Caritas Deus est, số 27). Ngài đề nghị học hỏi giáo huấn đã được trình bày trong quyển Tóm lược Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004.

3.3. Muốn tổ chức tốt công tác bác ái của Hội Thánh cần phải:

+ Đào tạo con người có nghiệp vụ, chuyên môn, nhất là biết quan tâm đến kẻ khác bằng con tim (x. TĐ. Caritas Deus est, số 31a). Muốn thế phải giúp người làm việc bác ái gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô để đánh thức tình yêu trong họ và mở rộng con tim của họ cho tha nhân.

+ Hoạt động bác ái Kitô giáo phải độc lập khỏi các đảng phái và ý thức hệ:“Khi hoạt động bác ái của Giáo Hội được thực hiện như sáng kiến của tập thể, thì kế hoạch, dự đoán và sự cộng tác với những tổ chức khác tương tự cần thiết hơn là sự tự phát của cá nhân” (TĐ. Caritas Deus est, số 31b).

+ “Không thực thi bác ái như một phương tiện để chiêu dụ tín đồ”, nhằm áp đặt niềm tin của Giáo Hội lên kẻ khác nhưng giới thiệu chính là tình yêu, một tình  yêu nhưng không, thuần khiết, vô vị lợi (x. TĐ. Caritas Deus est, số 31c).

+ Những người chịu trách nhiệm về các hoạt động bác ái của Giáo Hội: “bắt đầu từ các giáo xứ, đến các giáo hội địa phương (giáo phận), từng miền, cho đến Giáo Hội toàn cầu” là các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và từng tín hữu giáo dân. Họ cần ý thức rằng: “Việc thực thi bác ái là một hoạt động của Giáo Hội, hoạt động này được trình bày như một phần bản chất của bổn phận căn bản của các ngài, tương tự như việc phục vụ cho Lời Chúa và các bí tích” (x. TĐ. Caritas Deus est, số 32).

+ Hoạt động bác ái này là do “tình yêu Đức Kitô thúc bách họ” (x. 2 Cr 5,14, Gl 5,14) thi hành một cách quảng đại, vô vị lợi (x. TĐ. Caritas Deus est, số 33).

+ Hoạt động này đòi hỏi họ phải sẵn sàng cộng tác và đồng thuận với tổ chức xã hội khác (x. TĐ. Caritas Deus est, số 34).

+ Họ cần hoạt động trong tinh thần khiêm tốn, tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Chúa (x. TĐ. Caritas Deus est, số 31c).

4. THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE KHAI TRIỂN VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI TRONG CỘNG ĐỒNG

4.1. Chủ đề: Thông điệp được ký ngày 29-6-2009, cách đây đúng 1 năm với chủ đề “Về sự phát triển nhân bản toàn diện trong bác ái và chân lý”.

Thông điệp này nhằm khai triển và mở rộng ý nghĩa, mục đích và tổ chức hoạt động bác ái đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trình bày trong thông điệp đầu tiên của ngài là Caritas Deus est, ký ngày 25-12-2005.

4.2. Xác định từ ngữ:

Phát triển không chỉ đơn giản là sự biến đổi từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao mà là một sự lớn mạnh được thực hiện cho con người và vạn vật một cách toàn diện theo ý Đấng Tạo Hoá.

Bác ái: tình yêu bao la, vĩnh hằng của Thiên Chúa, đã đặt vào trong con người để con người mở rộng ra cho Đấng Siêu Việt.

Chân lý cũng không còn chỉ là sự hoà hợp giữa lý trí và sự vật (Veritas est conformitas intellectus cum re) nhưng là mở rộng tâm trí cho Đấng là nguồn của mọi khôn ngoan và tri thức.

Toàn diện: về mọi phương diện gồm thể chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới.

Nhân bản: lấy con người làm gốc vì “con người là con đường của Giáo Hội” (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) và cũng là con đường của Thiên Chúa.

4.3. Lĩnh vực tổ chức cộng đồng

– Ngày nay “tình liên đới phổ quát là một sự kiện. Nó không những là một lợi ích đối với chúng ta nhưng còn là một trách nhiệm” (x. TĐ. Populorum Progessio, số 17; TĐ. Caritas in Veritate, số 43). Nếu là một trách nhiệm thì tất cả mọi người được mời gọi để liên kết với nhau trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Chúng ta lưu ý rằng người Việt Nam thường đóng kín, nghi kỵ, ít cộng tác liên đới với nhau.

– Tình bác ái đòi hỏi ta phải nhận ra các sự thật trong cộng đồng nhân loại và tìm cách giải quyết các vấn đề thật sự đó:

+ Vấn đề gia tăng dân số thường bị coi như làm chậm đà phát triển xã hội. Từ đó dẫn đến việc làm giảm số sinh bằng những biện pháp ngừa thai, phá thai cũng như phong trào bảo vệ sự sống và các phong trào chống đối (x. TĐ, số 44-45)

+ Vấn đề liên hệ giữa kinh doanh và đạo đức (x. TĐ, số 46).

+ Vấn đề lao động quốc tế (x. TĐ, số 47).

+ Vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên (x. TĐ, số 48).

+ Vấn đề năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên (x. TĐ, số 49).

+ Vấn đề cần được quản lý với tất cả trách nhiệm (x. TĐ, số 50).

+ Vấn đề Giáo Hội có trách nhiệm với thiên nhiên (x. TĐ, số 51).

4.4. Sự cộng tác của gia đình nhân loại

Muốn giải quyết được các vấn đề trên đây, cộng đồng nhân loại cần lưu ý các điểm sau:

– Sự cô đơn là 1 hình thức nghèo đói nhất: bị bỏ rơi, không được yêu thương, khó yêu thương. Nó là hậu quả của việc từ chối tình yêu Thiên Chúa, tự đóng khung chính mình, tự cho mình là đủ.

Điều này thúc đẩy mỗi người cần thoát ra chính mình để cùng hoạt động cho sự phát triển của cả gia đình nhân loại. Một thành viên Caritas và mỗi tổ chức Caritas phải nêu gương cộng tác và liên đới (x. TĐ, số 53).

– Trong sự cộng tác, cần tôn trọng từng cá nhân. Con người cần được tôn trọng trong tất cả mối tương quan của mình theo hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa (x. TĐ, số 54): vừa đồng nhất, vừa khác biệt.

Trong sự cộng tác này, nền nhân bản đòi hỏi sự tôn trọng văn hoá và tôn giáo của mỗi dân tộc cũng như từng cá nhân (x. TĐ, số 55).

– Muốn phát triển trọn vẹn: Thiên Chúa phải có chỗ đứng trong lĩnh vực cộng đồng (x. TĐ, số 56) nghĩa là mỗi tôn giáo cũng như Kitô giáo phải được công nhận trong xã hội.

– Sự cộng tác không chỉ nhằm vào kinh tế nhưng phải trở thành 1 cơ hội tốt đẹp để gặp gỡ về mặt văn hoá và nhân bản cho mọi người (x. TĐ, số 59).

– Việc viện trợ phát triển cho các nước nghèo cũng phải được tổ chức để tạo nhiều hiệu quả, được nhiều người cộng tác và tạo nên tình liên đới giữa các dân tộc (x. TĐ, số 60).

– Công tác đào tạo, giáo dục là hết sức cần thiết trong việc cổ vũ và thực hiện tình liên đới của gia đình nhân loại (x. TĐ, số 61).

– Đức Thánh Cha đã đề cập rõ ràng đến các vấn đề sau đây để nói lên tính cách cộng đồng cho các hoạt động bác ái xã hội: hiện tượng di dân (x. TĐ, số 62), thất nghiệp và nghèo đói, tổ chức công đoàn cho những người lao động (x. TĐ, số 63), tổ chức tài chính (x. TĐ, số 65), mạng liên kết toàn cầu của những người tiêu dùng (x. TĐ, số 66), Tổ chức Liên Hiệp Quốc và các thẩm quyền quốc tế (x. TĐ, số 67).

Kết luận

Hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội Công giáo theo gương hoạt động của một Chúa Ba Ngôi là một hoạt động mang tính cách cộng đồng hơn cả. Nó diễn tả một Thiên Chúa yêu thương mọi loài mọi vật và muốn tất cả cùng chia sẻ tình yêu và ân phúc cho nhau. Vì cộng đồng gồm nhiều cá nhân và tập thể xã hội nên cần phải được tổ chức chặt chẽ nhưng đồng thời cũng cần phải để cá nhân được tự do phát huy sáng kiến và ân sủng riêng tư của mỗi người. Caritas Quốc tế cũng như Caritas Việt Nam được giao phó cho việc tổ chức hoạt động bác ái xã hội cần phải nhận lãnh trách nhiệm để mời gọi sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa: mỗi giáo phận, mỗi dòng tu nam nữ, mỗi tập thể tín hữu giáo dân được mời gọi để đồng hành trong hoạt động bác ái xã hội. Ước mong Hội nghị này sẽ là điểm khởi đầu cho việc liên kết đó.