27/12/2024

Chúa Nhật V Phục Sinh, năm C: Điều răn mới về Tình yêu

Trong mấy tuần Phục Sinh vừa qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa cái chết cũng như cuộc sống lại của Chúa Giêsu, để gia nhập vào đàn chiên Chúa. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về bản chất người Kitô hữu cũng là bản chất của những con chiên thuộc về đàn của Người. Vậy bản chất đó là gì? Bản chất đó được thể hiện như thế nào? Trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, nhiều công đồng, huấn quyền đã bàn về đề tài này. Hôm nay, với lời lẽ đơn sơ, chúng ta cùng tìm hiểu bản chất người Kitô hữu.

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, năm C

ĐIỀU RĂN MỚI VỀ TÌNH YÊU

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

Nhập đề

Trong mấy tuần Phục Sinh vừa qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa cái chết cũng như cuộc sống lại của Chúa Giêsu, để gia nhập vào đàn chiên Chúa. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về bản chất người Kitô hữu cũng là bản chất của những con chiên thuộc về đàn của Người. Vậy bản chất đó là gì? Bản chất đó được thể hiện như thế nào?

Trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, nhiều công đồng, huấn quyền đã bàn về đề tài này. Hôm nay, với lời lẽ đơn sơ, chúng ta cùng tìm hiểu bản chất người Kitô hữu.

1. Bản chất người Kitô hữu: diễn tả tình yêu Thiên Chúa

Đức Thánh Cha (ĐTC) Bênêđictô XVI, dựa trên giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, đã xác định một cách đơn giản rằng: bản chất của người Kitô hữu chính là diễn tả tình yêu cứu độ của Chúa cho mọi người. Trong thông điệp đầu tiên, Deus Caritas est “Thiên Chúa là Bác ái” (x. 1Ga 4,8), ngài xác định bản chất của Thiên Chúa là tình yêu rộng lớn, là bác ái và bản chất của người Kitô hữu cũng là bác ái vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa nên nhận được tình yêu của Thiên Chúa và diễn tả tình yêu ấy cho mọi người.

ĐTC mời gọi chúng ta tìm hiểu thêm vì trong dòng lịch sử nhân loại người ta nghĩ về bản chất này chưa trọn vẹn. Trong nhiều thế kỷ, hình như đời sống đạo tập trung vào việc dự lễ, cầu kinh và đón nhận các bí tích, nghĩa là diễn ra ở trong nhà thờ. Nhưng khi ra khỏi nhà thờ, hoà mình vào đời sống xã hội, hầu như không ai còn nhận ra tính cách đặc biệt của người tín hữu. Với Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội xác định thêm yếu tố thứ hai trong đời sống tín hữu, đó là truyền giáo, là rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người. Các sắc lệnh của Công đồng Vaticanô II (Ad Gentes: Đến với Muôn dân và Actuositatem Apostolicam: Hoạt động Tông đồ) nói rằng bản chất của Giáo Hội cũng như của từng người tín hữu là truyền giáo. Yếu tố thứ ba mà ĐTC muốn nhấn mạnh trong thông điệp đầu tiên, sau mấy chục năm làm tổng trưởng thánh bộ giáo lý đức tin, ngài thấy một điều mà chúng ta quên, đó là thể hiện tình bác ái. Bác ái cần được diễn tả thành những hành động cụ thể trong đời sống.

Trong số 22 của thông điệp, ĐTC đã tóm gọn 3 yếu tố phụng tự, truyền giáo và bác ái làm thành bản chất duy nhất của người tín hữu. Ngài xác định rằng: chúng ta phải gắn bó với Thiên Chúa trong đời sống bí tích, cầu nguyện để nhận được tình yêu, sức mạnh, quyền năng của Người và diễn tả ra bên ngoài thành những hành động cụ thể, đó là những hoạt động bác ái. Khi diễn tả tốt đẹp thì những hành động đó mang tính cách truyền giáo và sẽ lôi kéo nhiều người đến với Chúa Giêsu Kitô.

2. Mười Điều Răn: thể hiện lòng mến Chúa, yêu người

Câu hỏi tiếp theo quan trọng hơn là: Bản chất đó được thể hiện như thế nào? Câu trả lời đơn giản là: Bản chất tình yêu ấy được thể hiện qua việc con người tuân giữ các điều răn của Chúa trong đời sống hằng ngày (x. 1Ga 5,1-4).

Những điều mà ĐTC giới thiệu về bản chất rất phù hợp với điều mà Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta hôm nay: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Tất cả đời sống của chúng ta tập trung vào điều răn yêu thương, vì Thiên Chúa là tình yêu, là bác ái.

Trong lịch sử dân tộc Do Thái, Thiên Chúa đã ban cho họ mười điều răn (x. Xh 20,1-21; Đnl 5,1-33), và mười điều răn này tóm gọn trong 1 điểm duy nhất: mến Chúa hết lòng và yêu thương người khác như chính mình (x. Mt 22,34-40; Lc 10,25-28; Mc 12,28-33). Chỉ có 1 tình yêu nhưng gồm 10 cách diễn tả, đó là: thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự; không được kêu tên Ngài một cách vô cớ; giữ ngày Sabat đối với dân Do Thái hay ngày Chúa Nhật đối với tín hữu ngày nay. Còn đối với con người phải: thảo kính cha mẹ; chớ giết người; chớ làm điều dâm dục; chớ lấy của người; chớ làm chứng dối; chớ muốn vợ chồng người; chớ tham của người. Mười điều răn diễn tả tình yêu thương và xác định những hành động chúng ta không được phép làm, nếu vi phạm là chúng ta xúc phạm đến tình yêu của Chúa và cắt đứt mối quan hệ với Ngài.

Chúa Giêsu hôm nay, trong tư cách là Thiên Chúa, cũng ban cho chúng ta điều răn yêu thương như trong Cựu Ước, nhưng với tính cách mới mẻ: “như Thầy đã yêu thương anh em”. Nhìn vào đời sống của Chúa Giêsu với những hành động và lời rao giảng của Người, chúng ta biết được tính cách mới mẻ của điều răn mới. Chúa Giêsu không tăng gấp số lượng điều răn, không thêm nhiều chi tiết vì Người chỉ muốn kiện toàn các điều răn cũ (x. Mt 5,17). Người chỉ nói cho chúng ta một điểm duy nhất: “Hãy yêu thương nhau”, còn tính cách mới mẻ được giới thiệu trong đời sống của Người, nhất là trong bài giảng về Tám Mối Phúc (x. Mt 5,1-12).

3. Đối chiếu tám mối phúc với mười điều răn

Tám mối phúc nói lên tính cách mới mẻ so với mười điều răn. Ba mối phúc đầu tiên tương ứng với ba điều răn đầu nói lên các điểm cần thiết của lòng mến Chúa, năm mối phúc sau tương ứng với bảy điều răn tiếp theo nói lên tính cách mới mẻ của lòng yêu người.

– Nếu điều răn thứ nhất ngăn cấm ta thờ các loại ngẫu tượng vật chất như tiền bạc, danh vọng… thì người thờ phượng Chúa đích thực phải là người có tinh thần nghèo khó. Tinh thần nghèo khó là biết mình không có gì ngoài những cái Chúa ban và đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào Ngài vì Chúa là tất cả.

– Tinh thần thứ hai là hiền hoà. Khi điều răn thứ hai nhắc chúng ta đừng lôi danh Chúa ra trong những cuộc tranh chấp; mối phúc thứ hai nhắc nhở chúng ta rằng Chúa biết chúng ta, biết rõ mọi sự nên hãy phó thác tất cả cho Ngài. Ngài sẽ bảo vệ quyền lợi cho chúng ta, vì thế: phúc cho ai hiền hoà vì họ sẽ được Đất Hứa làm cơ nghiệp.

– Mối phúc thứ ba nói lên tinh thần cách mạng, tinh thần giải phóng vượt lên trên lề luật (x. Mt 19,16-22; Mc 2,23-28) của Đức Giêsu. Thay vì nhắc nhở hãy giữ ngày Sabat với những điều luật tỉ mỉ của người Do Thái hay đi dự lễ, đọc kinh, xưng tội, rước lễ trong ngày Chúa Nhật; Người nói: “Phúc cho ai than khóc vì họ sẽ được an ủi”. Khi chúng ta hiểu được sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa và nhìn vào thân phận tội lỗi của mình mà than khóc, lúc bấy giờ Chúa sẽ an ủi chúng ta. Chúng ta vượt lên trên những nghi thức, hình thức của phụng tự để đi vào tinh thần mới mẻ của Chúa Giêsu, nhận ra Thiên Chúa thánh thiện và luôn vượt qua tội lỗi để gắn bó với Người trong đời sống.

Năm mối phúc sau tương ứng với bảy điều răn diễn tả tình yêu người. Sở dĩ có 5 phúc là vì điều răn thứ 6 và thứ 9 được thay bằng: “phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Có một tâm hồn trong sạch, ta sẽ nhìn thấy Chúa trong mình, trong mọi người, mọi vật để tôn trọng thay vì lạm dụng, khai thác theo lòng dục của mình. Điều răn thứ 7 và thứ 10 được thay bằng: “phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”. Có lòng thương xót ta mới chia sẻ và tặng ban cho người khác những ân huệ vật chất hay tinh thần thay vì chiếm đoạt, tham lam. Điều răn thứ 4: “thảo kính cha mẹ” được thay thế bằng mối phúc: “phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Nếu chỉ yêu thương và thảo kính cha mẹ của mình thôi thì tình yêu đó còn giới hạn, hẹp hòi. Chúng ta phải nhìn vào gia đình rộng lớn có Thiên Chúa là cha và mọi người, mọi vật là anh em của nhau để có tinh thần xây dựng hoà bình trong gia đình nhân loại và vũ trụ, như thế mới xứng đáng là con cái của Cha Trên Trời.

Điều răn thứ 5 “chớ giết người” được thay bằng mối phúc: “phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính”. Thay vì xúc phạm đến thân xác, giết hại người khác, chúng ta dám để cho người khác vu khống, hành hạ, bách hại chúng ta vì Chúa Giêsu giống như Người dám hy sinh chết trên thập giá. Hiểu được lẽ hy sinh của tình yêu, ta sẽ được Chúa ban tặng những gì cao cả nhất vì Thiên Chúa là nguồn sự sống và Đức Giêsu đã sống lại. Điều răn thứ 8: “chớ làm chứng dối” được thay thế bằng mối phúc: “phúc cho ai đói khát sự công chính vì sẽ được no thoả”. Với tinh thần khát khao xây dựng công lý, chúng ta sẽ nói thật, làm thật thay vì dối trá với nhau.

4. Yêu như Chúa Giêsu

Như thế, tám mối phúc mở ra cho chúng ta con đường tích cực, mới mẻ, con đường tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa và của Đức Giêsu cho thời đại Tân Ước. Có yêu như thế ta mới làm cho mọi người cảm nghiệm được tình yêu của người môn đệ của Chúa Giêsu. Yêu như thế ta mới vượt trên lề luật (x. Lc 18,18-23) và chu toàn lề luật (x. Rm 13,8-14).

Tình yêu ấy không gói gọn trong một tình cảm riêng tư nhưng mở ra cho tất cả mọi người, mọi vật, cho cả những ai bách hại, đóng đinh mình. Tình yêu đó không phải chỉ tìm hạnh phúc, lợi nhuận cho mình mà mang ý nghĩa hy sinh: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình, anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 14,13-14).

Tình yêu ấy không phải chỉ là những nhịp đập trong trái tim nhỏ bé yếu ớt của con người nhưng bắt nguồn từ quả tim rộng lớn, bao la của Thiên Chúa. Đó là tình yêu chân thành mà Cha Trên Trời “đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Qua đời sống cầu nguyện, kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta đón nhận dồi dào ân sủng và tình yêu của Cha Trên Trời. Lúc bấy giờ chúng ta mới đủ sức yêu thương, hy sinh như thánh Phaolô nói: “Bác ái là kiên nhẫn, hiền hoà…, bác ái là tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Cuối cùng, tình yêu ấy không phải là những lời nói suông mà được diễn tả bằng những hành động cụ thể, thực tế trong đời sống như Đức Giêsu: thấy người ta đói thì cho ăn, thấy ai bệnh thì chữa lành, bị quỷ ám thì giải thoát, tội lỗi thì tha thứ, chết thì cho sống lại… Chúng ta được mời gọi gắn bó với Thiên Chúa để có thể diễn tả tình yêu thành những hành động cụ thể và phi thường trong đời sống hằng ngày.

Kết luận

Hôm nay, suy nghĩ về bản chất người tín hữu dựa trên tình yêu Thiên Chúa và tính cách mới mẻ trong tình yêu mà Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta qua điều răn mới của Người, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta được làm môn đệ của Chúa Giêsu. Nhiều người tín hữu hãy còn sống trong tinh thần Cựu Ước, xét mình xưng tội theo mười điều răn chứ chưa sống theo tinh thần của tám mối phúc. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta thật sự yêu thương nhau để chúng ta có thể mang lại hạnh phúc, bình an và những gì tốt đẹp cho nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta./.