24/11/2024

Chúa Nhật IV Phục Sinh, năm C: Giáo hội trong cơn bão tố

Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay như mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành, nhìn vào Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên tất cả và đang chăn dắt đàn chiên của mình như Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Chúng ta đang thuộc về đàn chiên của Người, đang được Người dẫn tới nguồn nước hằng sống (x. Kh 7,17), và tham dự bàn tiệc mà chính Người là tấm bánh trường sinh để chia sẻ cho chúng ta sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Người biết rõ từng người chúng ta và bảo vệ chúng ta: “Tôi biết các chiên tôi và chiên tôi biết tôi, tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10,27-30).

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH, năm C

GIÁO HỘI TRONG CƠN BÃO TỐ

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

Nhập đề

Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay như mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành, nhìn vào Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên tất cả và đang chăn dắt đàn chiên của mình như Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

Chúng ta đang thuộc về đàn chiên của Người, đang được Người dẫn tới nguồn nước hằng sống (x. Kh 7,17), và tham dự bàn tiệc mà chính Người là tấm bánh trường sinh để chia sẻ cho chúng ta sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Người biết rõ từng người chúng ta và bảo vệ chúng ta: “Tôi biết các chiên tôi và chiên tôi biết tôi, tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10,27-30).

1. Cơn bão tố

Những lời mang lại niềm an ủi và hy vọng ấy giúp chúng ta nhìn thẳng vào thực tại trần thế với biết bao căng thẳng, xung đột, thậm chí khó khăn và bách hại có thể xảy đến cho Giáo Hội trong bất cứ thời đại nào.

Bài đọc thứ nhất (x. Cv 13,43-52) như giới thiệu cho chúng ta cuộc xung đột giữa những người Do Thái ở Antiôkia với Phaolô và Barnaba khi họ thấy hai vị giảng lời Thiên Chúa và cả thành tụ tập để lắng nghe. Họ cảm thấy bị xúc phạm vì hầu như người ta bỏ đạo Do Thái để đi theo đạo mới của Chúa Giêsu. Họ ghen tức, sách động và xúi giục những người khá giả, quyền thế trong thành để trục xuất hai tông đồ.

Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội vẫn luôn luôn gặp những khó khăn, và hiện nay, nếu chúng ta theo dõi trên các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí, phim ảnh, truyền hình và internet sẽ thấy Giáo Hội đang gặp cơn phong ba bão táp. Người bị công kích nhiều nhất lại là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Ngài là vị mục tử thay mặt Đức Giêsu nên người ta muốn đánh vào vị mục tử cho đàn chiên phải tan tác.

Cách đây vài ngày, trên mạng Yahoo Việt Nam, người ta đưa lên hình ảnh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ngồi ngủ gục trong thánh lễ. Trong cuộc công du dài với biết bao lễ nghi, và với tuổi 83 của một cụ già thì ngủ gục trong buổi lễ là chuyện thường! Rồi báo chí loan tin về một số vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ từ những thập niên 60-70 để chỉ trích. Những thông tin xuyên tạc như thế đã làm nhiều người chao đảo. Tuần trước, sau thánh lễ buổi chiều, một người nước ngoài đến gặp tôi và nói: “Thưa cha, xin cha cầu nguyện cho giáo hội Đức chúng tôi, vì rất nhiều người Đức muốn bỏ đạo khi nghe tin về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ”.

2. Sự thật cần khám phá

Hôm nay, khi nghe những lời an ủi của Đức Giêsu chúng ta hiểu rằng mình đang được mời gọi nhìn vào thực tế của đời sống để khám phá ra sự thật tại sao lại có những cuộc công kích như vậy.

Chúng ta nên biết rằng, khám phá của bác sĩ Sigmund Freud (1856-1939) về khoa phân tâm học với libido (bản năng cơ bản) ảnh hưởng đến toàn bộ con người và ông cho rằng nó cần phải được thoả mãn, nếu không sẽ làm cho con người trở nên bất bình thường. Vì thế, người ta coi những người đi tu là những người bất thường về tình dục. Hơn nữa, vị bác sĩ này còn khám phá ra mặc cảm Oedipus: từ thuở ấu thơ, con trai yêu mẹ, con gái yêu cha. Rồi người ta hô hào tự do trong đời sống tình dục, các phương tiện truyền thông bị lạm dụng để tung ra bao nhiêu sách báo, phim ảnh về tình dục, phổ biến rộng rãi khắp nơi. Chúng ta cũng cần nói đến sự đóng góp vào phong trào này của những người sống theo chủ nghĩa hiện sinh được các triết gia, văn sĩ như Jean Paul Sartre (1905-1980), Simone de Beauvoir (1908-1986) thúc đẩy.

Vài năm gần đây, khi phong trào bảo vệ trẻ em, bảo vệ nhân quyền nổi lên, người ta coi những vụ lạm dụng tình dục đối với trẻ em là một tội ác, có thể ảnh hưởng tai hại trong suốt cuộc đời của con người. Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, cứ 100 vụ thì có 40-60% vụ xảy ra tại gia đình, 5% vụ xảy ra tại trường học và không tới 2% vụ xảy ra trong tôn giáo (x. Công giáo và Dân tộc, số 1751, ngày 4-8 tháng 4-2010, tr. 29).

Những vụ kiện cáo về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ bùng nổ ở Hoa Kỳ trong khoảng vài năm gần đây và hầu hết các vụ lạm dụng đã xảy ra ở thập niên 60-70, tức khoảng 40-50 năm về trước. Ở trường học cũng có những thầy cô vuốt ve, ôm hôn những học trò nhỏ của mình. Nhưng người ta lại không kiện cáo gia đình hay trường học, mà chỉ kiện phía Công giáo, trong khi Công giáo chỉ chiếm 1% trong 4% vụ xảy ra trong các tôn giáo. Tại sao?

3. Những lý do tiềm ẩn trong cơn bão tố

Lý do đầu tiên là vì tài chính: ở bên Mỹ, toà giám mục có quỹ chung để trả lương, mọi chi phí sinh hoạt và cả những tiền bồi thường do vi phạm luật pháp cho các linh mục. Vì thế, nhiều luật sư và những tổ chức đã nhằm đến quỹ tài chính này để đưa ra những vụ kiện rất lớn, đòi mỗi vụ kiện vài ba chục triệu Mỹ kim bồi thường. Một vài giáo phận phải bán cả toà giám mục để lấy tiền bồi thường cho những vụ án tình dục.

Khi các giám mục Hoa Kỳ hiểu được chuyện này đã chia ra mỗi xứ đạo thành một đơn vị tài chính độc lập, mỗi giáo xứ phải chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở giáo xứ, nếu cha xứ nào gặp chuyện đó thì phải lấy quỹ của giáo xứ bồi thường, và quỹ của xứ chỉ có vài chục ngàn đô la. Từ đó không còn những vụ kiện lạm dụng tình dục của giáo sĩ nào xảy ra ở Mỹ, vì động cơ dẫn đến hầu hết chỉ là tài chính. Hiện nay, giáo hội Đức, Ý và Pháp cũng đang rơi vào tình trạng kiện cáo về lạm dụng tình dục giống như ở Hoa Kỳ, vì mỗi giáo phận có quỹ rất lớn để trả lương cho linh mục (x. Catholic Almanac 2009, tr. 78-79; 2010, tr. 81-82; Time số 29-3-2010).

Lý do thứ hai là những căng thẳng trong lĩnh vực xã hội, nhất là đối với các phương tiện truyền thông. Người ta đánh phá Giáo Hội và Đức Thánh Cha một cách thoả thích, đầy ác ý vì nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này đã bị Giáo hội Công giáo lên án để chống lại việc cổ vũ phá thai, đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính, thụ phong linh mục cho phụ nữ, sử dụng những phương pháp ngừa thai nhân tạo… của họ. Báo Paris Match của Pháp cách đây ba tuần giới thiệu một vụ lạm dụng tình dục của một linh mục với đoàn giúp lễ xảy ra cách đây hơn 24 năm nhưng người ta vẫn lôi ra (x. Paris Match, 25-31/3/2010, tr. 68-71). Đức Thánh Cha bị công kích vì anh của ngài là một linh mục đã từng đánh học sinh nặng nề, còn chính ngài khi là tổng giám mục ở Đức đã không phạt một linh mục lạm dụng tình dục. Người ta muốn phóng đại những chuyện này để bôi nhọ giáo sĩ, bôi nhọ Đức Thánh Cha (x. Thanh Niên, số 81, 22-3-2010, tr. 20).

Lý do thứ ba là chính trị. Ở Đức, Ý, những đảng phe hữu mang tên Thiên Chúa giáo, cổ vũ việc bảo đảm sự sống, không phá thai, không đồng tính…; còn phe tả gồm các đảng như đảng xã hội, đảng cộng sản, một số đảng khác. Trong sinh hoạt chính trị, hai phe tả-hữu nhiều lúc đối kháng và tìm dịp lôi kéo dân chúng dành phiếu cho mình. Những bài báo công kích Giáo hội Công giáo về lạm dụng tình dục cũng bị ảnh hưởng bởi sinh hoạt chính trị này.

Lý do khác nữa là từ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô lãnh đạo Giáo hội Công giáo, số người tín hữu tăng lên rất nhanh. Trong mấy chục năm qua (từ 1960) tỷ lệ Công giáo so với dân số toàn cầu đã sụt giảm từ 18,2% xuống còn 17,2%. Nhưng trong mấy năm gần đây, số tín hữu tăng lên rất nhiều: năm 2005, đang từ 17,2% dân số toàn cầu, năm 2007 tăng lên 17,30% và năm 2008 tăng 17,44%, nên nhiều thế lực đối kháng Công giáo đã công kích và muốn loại trừ ngài. Ẩn sâu hơn nữa còn là những vụ trở lại của tập thể lớn từ cộng đồng Anh giáo, hàng trăm ngàn người xin trở lại Công giáo. Đó cũng là những động lực gây nên những căng thẳng giữa tôn giáo và những người quá khích.

Kết luận

Suy nghĩ về những sự việc đã xảy ra, chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục, linh mục cũng như từng người tín hữu chúng ta luôn luôn trung thành trong sự hướng dẫn của người mục tử nhân lành là Chúa Giêsu.

Chúng ta hiểu rằng từ vị giáo hoàng cho đến từng người tín hữu, tất cả chúng ta đều là những con người yếu đuối và chúng ta được mời gọi để thanh tẩy cuộc sống như bài đọc thứ hai vừa tả: “Họ là những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Chúng ta thanh luyện mình trong sự hy sinh, đau khổ, tủi nhục mà Chúa Giêsu đã chịu trên thập giá khi đổ máu đào cứu chúng ta. Chúng ta được mời gọi thanh tẩy mình như vậy để mỗi ngày một trong sáng hơn đối với anh chị em và chấp nhận những bách hại, sỉ nhục, vu khống để cầu nguyện cho mọi người, dù thiện hay ác, luôn tìm được hạnh phúc, công lý và hoà bình.