27/12/2024

Chúa Nhật III Thường Niên, năm C: Sứ mạng Kitô hữu

Hôm nay chúng ta bước vào tuần thứ ba của mùa Thường Niên. Những Chúa Nhật đầu tiên của năm mới và của mùa Thường Niên luôn có tính định hướng cho cuộc đời người tín hữu.

CHÚA NHẬT III TN, năm C 

SỨ MẠNG KITÔ HỮU

Người Hành Khất Kitô

Caritas Việt Nam

 

Nhập đề

Hôm nay chúng ta bước vào tuần thứ ba của mùa Thường Niên. Những Chúa Nhật đầu tiên của năm mới và của mùa Thường Niên luôn có tính định hướng cho cuộc đời người tín hữu. Tuần thứ I, chúng ta đã tìm hiểu tinh thần nhập thế của Đức Giêsu khi hoà mình với tội nhân dưới dòng sông Giođan. Tuần thứ II vừa qua, trong phép lạ ở tiệc cưới Cana, chúng ta biết mình là môn đệ Đức Giêsu để làm chứng cho tình yêu giữa Thiên Chúa với con người, và con đường tình đó dẫn ta đi đến đâu.

Tuần thứ III này, các bài Thánh Kinh, nhất là bài Tin Mừng, giải đáp cho ta biết phải làm gì để diễn tả tình yêu khi gợi lên sứ mạng cao quý của người tín hữu:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi

Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi

Để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

Cho người mù biết họ được sáng mắt,

Trả tự do cho người bị áp bức,

Công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).

1. Những công việc gây tranh cãi

Khi nghe Đức Giêsu kể ra các việc mà Người sẽ thực hiện trong sứ mạng của Người, và cũng là sứ mạng của chúng ta, nhiều nhà thần học đã giải thích khác nhau, từ đó dẫn đến những thái độ dấn thân đối nghịch nhau.

Nhiều tín hữu cho rằng rao giảng Tin Mừng là chuyện đơn giản, nhất là đối với linh mục, tu sĩ và giáo lý viên! Cứ học vài khoá thần học, vài khoá giáo lý, thêm một ít câu Thánh Kinh thuộc lòng, ít chuyện vui, chuyện đời trong những tập sách Học làm người, Hạt giống tâm hồn… là có thể rao giảng được rồi! Loan báo Tin Mừng không phải chỉ cho kẻ nghèo hèn, mà cho cả người giàu sang nữa! Nhưng, hàng chục triệu người nghèo đói, tật bệnh ở Việt Nam hình như chưa thích nghe loại Tin Mừng này. Điều họ cần và mong có được là “cơm áo gạo tiền”, là thuốc men, viện phí, học phí. Nếu chúng ta không tích cực rao giảng Tin Mừng thật sự của Đức Giêsu thì sẽ có thêm những người nghèo bị chó cắn chết chỉ vì ít hạt cà phê rơi rụng như bà Phạm Thị Ngắn ở vùng cao nguyên Đăk Lăk mà báo Tuổi Trẻ đã đưa tin (x. www.tuoitre.com.vn, Thứ Bảy, 23-1-2010).

Các việc khác như: cho người mù được sáng mắt thì quá xa vời! Thử hỏi có mấy ai đủ quyền năng để làm cho người mù được thấy bao giờ? Còn chuyện công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha là thế nào? Không lẽ phải làm như Bao Công phá án giải oan trong một đất nước theo pháp quyền như ở Việt Nam!?

Trong Hội nghị Tổng kết Công tác của ngành Kiểm sát năm 2009, tại Huế, vào ngày 11-1-2010, Nhà nước báo cáo có hàng chục ngàn vụ án phải điều tra bổ sung, hàng trăm người vô tội bị kết án oan sai, và trong số hơn 300.000 vụ việc chưa được thi hành án thì có khoảng 210.000 vụ việc không có điều kiện thi hành (x. Tuổi Trẻ, Thứ Ba, 12-1-2010, tr.1). Việc đấu tranh cho công lý và tự do bằng Tin Mừng của Chúa Giêsu hình như vẫn còn rất cần tại đất nước của chúng ta.

Nhiều người tín hữu không biết phải sống và hành động thế nào theo lời dạy của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh hiện nay. Có người thờ ơ, có người lại quá bức xúc trước những vấn đề xã hội, có người muốn dấn thân cho sứ mạng cứu độ, nhưng cũng có nhiều người lại nghĩ có dấn thân cũng chẳng được kết quả gì!

Đức Giêsu hiểu rõ những hoàn cảnh khó khăn của từng người chúng ta. Người mời gọi chúng ta tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người và Người ban tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp ta hoàn thành sứ mạng cao quý ấy. Chúng ta có nghĩa vụ cứu độ người khác vì tất cả chúng ta đều là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô như thánh Phaolô đã diễn tả trong bài đọc II (x. 1Cr 12,12-30).

2. Hành động như Đức Giêsu

Tuy nhiên, Đức Giêsu mong chúng ta thực hiện sứ mạng không phải theo những cách suy  nghĩ khác nhau của con người thời nay mà hãy hành động như Người.

Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn không phải là lặp đi lặp lại những câu sáo ngữ thuộc lòng trong Thánh Kinh, nhưng là làm cho người khác cảm nghiệm được sự hiện diện sống động đầy quyền năng của Đức Giêsu trong đời sống của mỗi người chúng ta. Đức Giêsu là Tin Mừng sống động, Người đã làm phép lạ hoá bánh cá ra nhiều cho hàng ngàn người đói được no nê, đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho những ai tin vào Người. Đó là tin vui, tin mừng mà chúng ta mang đến cho người nghèo và phép lạ đó cần được làm lại trong thời đại chúng ta, ngay trong “hôm nay”, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh chúng ta vừa nghe (x. Lc 4,21).

Nhưng làm sao chúng ta có quyền năng để thực hiện những phép lạ đó?

Chúng ta thử nhìn lại và cùng suy nghĩ: cuộc hành hương Đức Mẹ La Vang năm 2008 của 500.000 người Công giáo đã tốn khoảng 300 tỷ đồng. Số tiền đó đủ để nuôi sống hàng trăm ngàn người nghèo, chữa lành hàng chục ngàn bệnh nhân, giúp cho hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên nghèo có học phí đi học trong một năm. Đó là phép lạ mà chúng ta có thể làm được nhân danh tình yêu của Đức Giêsu. Thế nhưng, phép lạ đó đã không xảy ra vì chúng ta đã chọn cách loan báo Tin Mừng khác!

Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha cũng không phải là phá án, giải oan nhưng cần được hiểu sâu xa hơn. Đức Giêsu đã xua trừ ma quỷ để giải thoát rất nhiều người khỏi sự kiềm chế của ác thần. Ngày nay, nhiều người chỉ tin vào khoa học kỹ thuật và chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, chối bỏ sự có mặt của thiên thần, quỷ dữ và hồn ma của những người đã khuất. Họ không hiểu được rằng tinh thần của mình luôn mở rộng, con người có thể bị tác động bởi những tinh thần khác (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 130). Nhiều người đã bị giam cầm khi nghe theo lời xúi giục của ác thần trong tâm hồn mình khi chiều theo những tham vọng và dục vọng. Vì thế, chúng ta cần giúp họ cảm nghiệm được sự hiện hữu của Thiên Chúa như tinh thần tuyệt đối, cảm nghiệm được thế giới siêu nhiên, sự hiện hữu của thiên thần để có thể vượt qua những cơn cám dỗ và sống xứng với địa vị cao quý của con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu sẵn sàng can thiệp để chúng ta giúp anh em mình thoát khỏi vòng kiềm chế của ma quỷ. Chúng ta có tin điều đó không? Nếu tin thì chúng ta sẽ phát huy được quyền năng chữa lành của Đức Giêsu!

Cho người mù được sáng mắt cũng mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Đức Giêsu đã chữa lành nhiều người mù để minh chứng Người là ánh sánh thật chiếu soi mọi  người, là chân lý mang lại sự giải thoát cho họ. Tuy nhiên, nhiều người thời nay đã để cho mình bị những ý thức hệ đối kháng, những chủ nghĩa sai lạc lôi kéo và dẫn vào con đường của nghi kỵ, chiến tranh, hận thù. Họ đã tự biến mình thành những người mù! Chúng ta có nhiệm vụ giới thiệu cho họ con đường sáng của Đức Giêsu qua đời sống tràn ngập niềm vui, bình an và hy vọng.

Trả lại tự do cho người bị áp bức cũng gợi lên cho chúng ta hiểu rằng khi Đức Giêsu tha tội cho con người, giúp họ vượt qua những đam mê dục vọng là Người mời gọi con người sống trong tự do cao quý của con cái Thiên Chúa. Nhiều người ngày nay không biết rằng mình đã đánh mất tự do. Khi chiều theo những tham vọng và dục vọng, họ trở thành những con nghiện của thời đại, bị lệ thuộc vào ma tuý, rượu bia, thuốc lá, tivi, internet, game online, phim sex,… Chúng ta được mời gọi cùng giúp nhau vượt qua những sự lệ thuộc để sống đúng tự do của con cái Thiên Chúa.

Công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã ban Thánh Thần của Người cho ta với biết bao ân sủng để ta thể hiện được quyền năng của Người. Khi lòng chúng ta mở rộng, tâm trí không còn bị giới hạn bởi những tư tưởng và chủ nghĩa quá khích, chúng ta sẽ phát huy được những khả năng vô biên để giúp gia đình nhân loại sống trong bình an, hạnh phúc và phát triển trọn vẹn, bền vững như Đức Giêsu đã thực hiện qua đời sống của những tín hữu thời giáo hội sơ khai.

 

Kết luận

Hôm nay Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại sứ mạng cao quý của người tín hữu để tiếp tục hành động như Người. Xin Chúa giúp chúng ta thực hiện sứ mạng ấy và xin cho mỗi người chúng ta cùng giúp nhau hoàn thành sứ mạng Kitô hữu trong cuộc đời mình.