Giới thiệu mục đích, nội dung, phương pháp giá trị và kỹ năng sống

Các bạn thân mến, tập tài liệu Sống 1 là phần đầu trong bộ tài liệu huấn luyện có tựa đề “Hướng tới nền nhân bản toàn diện và liên đới” của Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam.

Các bạn thân mến,

Tập tài liệu Sống 1 là phần đầu trong bộ tài liệu huấn luyện có tựa đề “Hướng tới nền nhân bản toàn diện và liên đới” của Uỷ ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam. 

MỤC ĐÍCH 

Mục đích của bộ tài liệu này là đào tạo các giá trị sống nền tảng và tập luyện những kỹ năng cơ bản cho các người điều hành và hội viên Caritas VN để phát triển đời sống cá nhân và xã hội nhằm xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới trong cộng đồng nhân loại.

Các giá trị sống được đề cao trong Tin Mừng, nhất là qua bản Hiến chương Nước Trời, được Công đồng Vatican II cổ vũ và được liệt kê trong bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, gồm: bác ái, tôn trọng, hợp tác, tin tưởng, khoan dung, khiêm tốn, công bình, quảng đại, trung thực, trong sạch, hoà bình, hy sinh, huynh đệ, tự do, trách nhiệm và hy vọng. Chắc chắn còn một số giá trị khác đang được nhiều người và tổ chức khác nhau cổ vũ.

Song song với những giá trị sống đó là các kỹ năng sống. Kỹ năng là gì? Kỹ năng là khả năng vận dụng vào thực tế những kiến thức thu nhận được trong một lĩnh vực nào đó. Còn những kỹ năng sống là những khả năng học được qua việc đào tạo, luyện tập để thể hiện những giá trị mình đón nhận thành những hoạt động có hiệu quả trong đời sống thường ngày. Trong dòng lịch sử, Kitô giáo cũng như nhiều tôn giáo khác đã giới thiệu được những giá trị sống nền tảng qua lời dạy của Chúa, sự suy tư của các nhà tư tưởng, triết học, thần học, nhưng lại ít quan tâm đến các kỹ năng. Trong mấy thế kỷ gần đây, khoa học kỹ thuật đã khám phá ra những định luật, phương pháp, kỹ năng tác động đến vũ trụ vạn vật và nhất là đến đời sống con người, nhưng lại ít quan tâm đến các giá trị sống.

Vì thế, chúng tôi đã tổ chức những khoá huấn luyện cơ bản để giới thiệu các giá trị sống và đào tạo các kỹ năng sống. Bộ tài liệu này tóm tắt những điểm cơ bản trong khoá huấn luyện như một cố gắng khởi đầu để nối kết các giá trị sống với kỹ năng sống cơ bản cho người tín hữu Kitô. 

NỘI DUNG

Trong tập Sống 1 này, chúng tôi giới thiệu ba giá trị sống đầu tiên là bác ái, tôn trọng và hợp tác kèm theo những kỹ năng sống tương quan.

Bác ái: giá trị nền tảng và đầu tiên là tình yêu. Bác ái là tình yêu rộng lớn, chan hoà cho mọi người, mọi vật. Con người trước tiên yêu mình và muốn sống trẻ, khoẻ, đẹp mãi; từ đó con người cần có những kỹ năng ăn, uống, hít thở, tổ chức đời sống, sử dụng thời giờ hợp lý để phát triển thể chất và tinh thần. Con người còn thể hiện tình yêu đối với anh chị em đồng loại, với vạn vật quanh mình và nhất là với Thiên Chúa Tạo Hoá, nguồn của chân thiện mỹ, qua những tâm tình yêu mến, ca tụng, biết ơn, xin ơn… Như thế, con người cần đến kỹ năng cầu nguyện để có thể nối kết với nguồn lực của mình.

Tôn trọng: là giá trị sống bắt nguồn từ việc biết mình, biết người, nhất là hiểu biết về con người Việt Nam hiện nay. Chúng tôi giới thiệu kỹ năng phân loại cá tính của Gaston Berger với bảng trắc nghiệm và giải đáp để mỗi người chúng ta có thể khám phá cá tính của mình với những đặc điểm, nhu cầu, phẩm chất, khả năng, khuyết điểm và cả những đường hướng để sửa mình, giúp người. Đồng thời chúng tôi cũng giới thiệu kỹ năng giao tiếp với thái độ tôn trọng người khác.

Hợp tác: sau khi biết rõ mình và hiểu người với những khác biệt về nhiều mặt, chúng ta được mời gọi để cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo tồn sự sống và xây dựng hạnh phúc cho muôn loài, cũng như hợp tác với mọi người để cùng với Đức Giêsu Kitô cứu độ thế giới. Kỹ năng cần thiết để thể hiện giá trị sống này là biết lắng nghe, biết chọn lựa đối tượng hợp tác và biết hướng tới công ích. 

CÁCH TRÌNH BÀY

Mỗi giá trị sống được trình bày cách đơn giản để giúp các người tham dự khoá học dễ dàng tiếp nhận và truyền lại cho người khác. Mỗi giá trị khởi đầu với “Những điểm suy ngẫm”, sau đó là một số “bài học cơ  bản” kèm theo các kỹ năng thực hành.
Những điểm suy ngẫm về giá trị giới thiệu những tư tưởng chủ đạo về giá trị đó qua lời dạy của Chúa trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của Giáo Hội hay trong lời phát biểu của các nhà tư tưởng lớn.

Các bài học cơ bản về giá trị sẽ triển khai các điểm quan trọng cần biết về giá trị để giúp người tham dự xác tín về giá trị sống nhờ đó họ quyết tâm học hỏi và thực hành các kỹ năng liên quan. Các hoạt động giá trị được giới thiệu trong mỗi bài cách ngắn gọn để người tham dự thực hiện tại khoá học hay ở nhà với mục đích giúp học viên sống giá trị mình đón nhận.

Phần phụ lục và diễn giải ở cuối mỗi bài sẽ giúp học viên hiểu hơn và đào sâu vấn đề để rồi chính họ lại trở thành nhà đào tạo giá trị cho người khác.

PHƯƠNG PHÁP

Các bài học trong tập Sống 1 mang tính hướng dẫn cho người tham dự để chính họ khám phá bài học theo tinh thần sáng tạo của phương pháp năng động tập thể.
Phương pháp này mời gọi mọi người tham gia khoá học biết lắng nghe nhau, tích cực chia sẻ và giao tiếp với bạn học qua các buổi suy ngẫm, khám phá, tiếp nhận thông tin, thảo luận đề tài, phát triển kỹ năng và đưa các giá trị vào thực tế của đời sống.

Phương pháp này mời gọi học viên tích cực và chủ động tạo nên một bầu khí tin tưởng, yêu thương ngay từ đầu khoá học vì luôn ý thức sự hiện diện sống động của Chúa Ba Ngôi, nhất là của Đức Giêsu Kitô qua các buổi suy ngẫm, cầu nguyện, tĩnh lặng trước Thánh Thể và nhất là Thánh lễ mỗi ngày.

Trong sinh hoạt thường ngày, các học viên được mời gọi để cùng làm việc chung với  nhau như phân công dọn bàn ăn, rửa chén bát, tập hát, chơi thể thao, chuẩn bị Thánh lễ và các phương tiện trình bày, đổi chỗ trong phòng ăn, phòng họp để có nhiều dịp làm quen và chia sẻ với nhau.

LỜI KÊU GỌI

Các bạn thân mến,

Tập Sống 1 này, dù được chúng tôi cưu mang từ lâu và soạn thảo tương đối kỹ lưỡng, nhưng có thể vẫn còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi mong ước được các bạn đóng góp ý kiến và thêm vào những điểm còn thiếu sót để tập sách hoàn chỉnh hơn và đem lại nhiều ích lợi cho tất cả chúng ta.

Xin chân thành cám ơn các bạn.