Chúa Nhật I Mùa Chay – A – 2014: Bối cảnh xã hội của gia đình Việt Nam với những thử thách và cám dỗ
Giáo Hội quan tâm rất nhiều đến gia đình vì gia đình là nền tảng của xã hội, và mỗi gia đình giống như một tế bào xây dựng nên toàn thân là Giáo Hội, là cộng đồng dân tộc, là toàn thể nhân loại. Nền tảng có vững chắc, tế bào có mạnh khoẻ thì chúng ta mới hy vọng gia đình đó ổn định và bền vững.
Bối cảnh xã hội của gia đình Việt Nam
với những thử thách và cám dỗ
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Trong Mùa Chay Thánh năm 2014 này, chúng ta được mời gọi suy niệm và sống theo chủ đề “tân Phúc Âm hoá Gia đình” do Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị. Đức Thánh Cha Phanxicô mới gửi một thư mục vụ cho các gia đình vào ngày 25/2/2014 vừa qua mời gọi tín hữu quan tâm đến gia đình. Vào tháng 10 năm nay, Giáo Hội toàn cầu sẽ tổ chức một thượng hội đồng giám mục thế giới ngoại lệ ở Rôma để bàn về “Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của việc loan báo Tin Mừng”. Rồi ngày Quốc tế gia đình tại Philadelphia,Hoa Kỳ, vào tháng 9/2015 và tháng 10/2015 cũng sẽ có một thượng hội đồng giám mục thế giới thường lệ bàn về gia đình.
Như thế chúng ta thấy Giáo Hội quan tâm rất nhiều đến gia đình vì gia đình là nền tảng của xã hội, và mỗi gia đình giống như một tế bào xây dựng nên toàn thân là Giáo Hội, là cộng đồng dân tộc, là toàn thể nhân loại. Nền tảng có vững chắc, tế bào có mạnh khoẻ thì chúng ta mới hy vọng gia đình đó ổn định và bền vững.
Hôm nay, tuần I mùa Chay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về bối cảnh xã hội của gia đình Việt Nam với những thử thách và cám dỗ trong việc Phúc Âm hoá gia đình.
1. Các thử thách và cám dỗ
Chúng ta có thể nói rằng những thử thách và cám dỗ mà Đức Giêsu chịu trong hoang địa suốt 40 đêm ngày cũng đang được lặp lại trong rất nhiều gia đình mà chúng ta là những thành phần.
1.1. Thử thách về nghèo đói và cám dỗ hành động ích kỷ để thoát đói nghèo
Nghèo đói là thử thách mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải. Nhưng đứng trước thử thách này, ta có thể bị cám dỗ làm bất cứ chuyện gì, dù là sai trái, mờ ám để thoát nghèo đói như quỷ dữ yêu cầu Chúa Giêsu dùng quyền lực của Đấng Mesia biến đá thành bánh cho riêng mình.
Do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế và quản lý yếu kém của Nhà nước, nhiều gia đình cũng lâm vào tình trạng đói khổ như Chúa Giêsu. Hơn 18 triệu người VN không kiếm nổi 20.000 đồng/ngày. 8 triệu người phải xa gia đình để làm việc, sống chen chúc trong những căn phòng chật chội. Hàng triệu phụ nữ dôi ra do mất quân bình dân số về giới tính không thể lập gia đình theo luật hôn nhân một vợ một chồng. Họ là những phụ nữ có trình độ văn hoá kém, không có nghề nghiệp nên nhiều người đành nhắm mắt lấy chồng nước ngoài, hay sống bám vào một người đàn ông trong cơn túng đói, hoặc phải làm những nghề nhạy cảm trong các hàng quán, rượu bia, cà phê, massage, tiếp viên phòng trọ, …
1.2. Thử thách về lòng tin yêu đối với Chúa và cám dỗ đòi một phép lạ để có xác tín về tình yêu này
Chúa Giêsu ý thức mình là Con Thiên Chúa và đặt tất cả lòng tin yêu vào Chúa Cha. Nhưng quỷ dữ muốn làm cho Người nghi ngờ nên nhiều lần gợi ý: “Nếu ông là con Thiên Chúa” (Mt 4,3.6). Quỷ cám dỗ Người gieo mình từ nóc đền thờ xuống để xem Chúa Cha có ra tay bảo vệ mình như một chứng cứ tình yêu không?
Những thành viên trong gia đình chúng ta ngày nay cũng đang bị thử thách về tình yêu và lòng chung thuỷ: lời kết ước hôn nhân mà người ta trao cho nhau trong ngày cưới nhiều khi bị phá vỡ vì sự yếu đuối của người này hay người kia khiến người ta muốn đưa nhau ra toà ly dị. Việt Nam hiện có hơn 24 triệu hộ gia đình, nhưng có vài triệu hộ là của những người đã ly hôn. Ở VN hiện nay, số vụ ly hôn là 31-40%, nghĩa là cứ 10 gia đình thì có 3-4 gia đình ly hôn.
Sống trong ý thức hệ vô thần: chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, nhiều gia đình chỉ gắn bó tạm thời với nhau và chỉ yêu nhau bằng tình yêu tự nhiên của con người với con người. Tình trạng không chung thuỷ trong gia đình bắt nguồn từ những quan niệm hôn nhân chỉ là một khế ước dân sự giữa con người với nhau, chứ không phải là do Thiên Chúa kết hợp, nên nó không có tính cách một vợ một chồng và bền vững suốt đời. Hơn nữa, lòng chung thuỷ còn bị phá vỡ bằng những kiểu sống thử trước hôn nhân, phim ảnh đồi truỵ, những quan hệ tình dục dễ dãi giữa nam nữ. VN hiện đang có hơn 5 triệu người xem phim ảnh đồi truỵ hằng đêm. Hàng trăm ngàn người làm nghề mãi dâm. Chúng ta thấy khắp nơi, phố nào cũng có những nhà nghỉ, cho thuê với giá 60.000-70.000đ/giờ; 100.000đ/2giờ; 250.000đ/đêm để đáp ứng nhu cầu quan hệ tình dục. Kết quả là VN có khoảng 2 triệu ca phá thai mỗi năm mà 300.000 ca là do các bà mẹ còn ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm Nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr. 358).
1.3. Thử thách về của cải cùng với cơn cám dỗ tôn thờ vật chất và nô lệ cho quyền lực
Ai trong chúng ta cũng đều mong ước một đời sống sung túc, có nhiều của cải vật chất và cả những phương tiện tinh thần để phát triển con người và xã hội. Nhưng mong ước này dẫn đến một thử thách là muốn chiếm hữu càng ngày càng nhiều và một cám dỗ triền miên là coi tiền bạc, quyền lực như những vị thần quyền năng để bái thờ và làm nô lệ cho chúng.
Nhiều gia đình ngày nay đang rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm: dù không đói khổ, nhưng do phải điều hành sản xuất, cung cấp dịch vụ, buôn bán ngày Chủ Nhật đắt hơn ngày thường, nên nhiều người bắt mình và cả công nhân của mình làm việc luôn ngày Chủ Nhật, nhiều khi chẳng kịp đi lễ hay dự lễ vội vàng. Nhiều bữa ăn, buổi đọc kinh trong gia đình bị bỏ vì các ca học, ca làm không còn cho phép các thành viên gia đình ăn chung, đọc kinh chung với nhau.
Nhiều thành viên bị ảnh hưởng của ý thức hệ duy vật, duy thực coi tiền của là trên hết, chỉ quan tâm đến làn da, quần áo, nhà cửa, xe cộ, vật chất bên ngoài. Người ta muốn kiếm lợi thật nhiều bằng bất cứ giá nào, dù phải bán hàng giả, sản xuất hàng độc hại. Đúng như lời tên cám dỗ hứa hẹn với Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi” (Mt 4,9).
2. Tân Phúc Âm hoá gia đình
Đứng trước những thử thách và cám dỗ của gia đình ấy, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tân Phúc Âm hoá gia đình.
2.1. Giáo Hội mời gọi chúng ta đổi mới
Nhiều người chúng ta trong Mùa Chay Thánh quen làm 3 việc, đó là: cầu nguyện, chay tịnh, thực hành bác ái (x. Mt 6,1-6.16-18). Nhưng từ mấy chục năm nay, gia đình Công giáo không thay đổi tốt hơn, gia đình nhân loại dường như còn tệ hại hơn. Số người tin theo Chúa Giêsu trong các gia đình ngày càng ít hơn. Riêng ở VN, suốt 130 năm qua tỷ lệ người Công giáo so với dân số vẫn giữ nguyên 7%. Vì thế, Giáo Hội yêu cầu chúng ta đổi mới về lòng nhiệt thành, về phương pháp và cách biểu hiện trong việc Phúc Âm hoá (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm Nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr. 46).
2.2. Một thí dụ cụ thể
Nhiều gia đình Công giáo rơi vào tình trạng nghèo túng. Có những gia đình đói ăn thật sự nhưng không biết thoát khổ như thế nào.
Người ta đổ tội cho chính quyền quản lý nền kinh tế yếu kém, nhưng chính người Công giáo cần nhìn lại cách sống, cách làm việc của mình. Chúng tôi đã thăm giáo phận Bùi Chu ở miền Bắc. Đây là giáo phận rất nghèo vì người đông, đất ít, không có nguồn lợi nào ngoài nghề nông và đi biển. Điều lạ lùng là nhiều xứ đạo dồn hết tiền của, nguồn lực vào việc xây nhà thờ, nhà nguyện. Trong một giáo xứ, ngoài nhà thờ chính, có tới 5,7 nhà thờ họ, mỗi cái tốn vài tỷ đồng, mà chỉ cách nhau một vài trăm mét! Nếu dành để số tiền xây dựng những nhà thờ không cần thiết ấy cho những hoạt động giáo dục, bỏ đi thói đua tranh, ghen tị thì nhiều giáo xứ có thể đã giàu có lên rồi.
Anh em Công giáo Hàn Quốc trái lại rất giàu. Giáo hội Hàn Quốc giúp cho Giáo hội Rôma cả chục triệu Mỹ kim mỗi năm trong khi Giáo hội Việt Nam lại ngửa tay xin từng học bổng du học nước ngoài. Giáo Hội Hàn Quốc có khoảng 4 triệu tín hữu trong khi chúng ta có 6 triệu. Từ 1% người Kitô hữu vào năm 1949 đến nay (2014) đã tăng lên tới 31% và quyết tâm đến năm 2050 sẽ là 50% dân số. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hàn quốc vào năm 1963 là 80 đôla Mỹ mỗi đầu người, so với Việt Nam Cộng Hoà là gần 200 đôla Mỹ, thì năm 2013 là 25.000 USD so với Việt Nam chúng ta là gần 2.000 đôla Mỹ. Thật ra, việc theo Chúa Kitô phải làm cho chúng ta sung túc và giàu có như anh em Công giáo Hàn Quốc chư không phải nghèo đi (x. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tài liệu Hội thảo Khoa học quốc tế 11- 2013, tr.430-446; SĐD. tr. 282).
Nhưng đó là những vấn đề chúng ta sẽ bàn đến trong tuần sau khi tìm hiểu cuộc tân Phúc Âm hoá gia đình là gì và đòi chúng ta đổi mới như thế nào.
Lời kết
Hôm nay chúng ta hãy nhìn vào bối cảnh xã hội của gia đình VN với những thử thách và cám dỗ để học biết cách chiến đấu và chiến thắng như Chúa Giêsu. Một áp dụng cụ thể là chúng ta dành vài phút trước khi ngủ đêm để đọc 1,2 câu Lời Chúa. Chúng ta sẽ thấy Lời Chúa như 1 dòng nước thanh tẩy, giúp cho ký ức ta sạch những hình ảnh dâm đãng, bạo lực, ma quái do những phim ảnh, trò chơi tạo nên đồng thời giúp ta ngủ yên. Hơn nữa, Lời Chúa còn là 1 thứ lương thực diệu kỳ để ta sống dồi dào sự sống siêu việt của Thiên Chúa và chiến thắng mọi cơn cám dỗ trong cuộc đời.