Làm lại cuộc đời: Phải quyết tâm dữ lắm
“Giờ mà cho tui trúng mấy tờ vé số độc đắc, rồi biểu tui vướng lại con đường nghiện ngập, tù tội ngày trước thì chắc chắn tui không chọn. Bởi vì, có bao nhiêu tỉ đồng đi nữa mà dính vô lại thì cũng hết tiền và tiêu đời!”.
Làm lại cuộc đời: Phải quyết tâm dữ lắm
“Giờ mà cho tui trúng mấy tờ vé số độc đắc, rồi biểu tui vướng lại con đường nghiện ngập, tù tội ngày trước thì chắc chắn tui không chọn. Bởi vì, có bao nhiêu tỉ đồng đi nữa mà dính vô lại thì cũng hết tiền và tiêu đời!”.
|
Anh Lê Trọng Nghĩa (33 tuổi, ngụ ở P. Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM) chân chất nói như vậy.
“Nghĩ lại thấy nhục”
Anh Nghĩa cho biết vào năm 16 tuổi, anh theo đám bạn hút chích ma tuý. Sau hơn một năm, gia đình phát hiện và đưa đi cai. Trở về chưa được bao lâu, Nghĩa tái nghiện. Năm 2000, Nghĩa bị bắt và chịu mức án 15 tháng tù giam vì tội trộm cắp tài sản. Ra tù khoảng 2 tháng, Nghĩa lại chìm vào con đường nghiện ngập, trộm cắp. Và lần này hình phạt tăng lên 24 tháng tù giam. Mãi đến năm 2011, anh Nghĩa mới dứt khỏi “nàng tiên nâu” và trở lại với đời.
|
|
Nghĩa kể rằng số tiền anh đã đốt vào ma tuý nhiều không kể xiết. Ngày nào “bèo” lắm cũng hết 3 – 4 triệu đồng. Không ít đồ đạc, tài sản trong nhà Nghĩa đội nón ra đi. Thậm chí, đã có thời điểm, Nghĩa bán đứt mảnh đất của gia đình lấy 1,4 tỉ đồng để hút chích, tiêu xài.
“Dính vô cái này là quằn quại trong vòng lẩn quẩn. Lúc vui lúc buồn gì cũng có cớ tìm đến nó. Vui thì ăn mừng, còn buồn thì xả xì- trét. Hồi đó, tụi tui thường vô karaoke để có chỗ hút chích. Chơi ma tuý xong là lo đi kiếm tiền cho cữ mới. Ban ngày cũng như ban đêm, ban đêm cũng như ban ngày. Mà kiếm tiền ở đâu? Chỉ bằng cách làm chuyện bậy, làm bất cứ thứ gì để có tiền. Hồi đó, cái cửa sắt mục của người ta mà tui cũng gỡ lấy. Bây giờ nghĩ lại thấy mắc cỡ và nhục quá”, Nghĩa tâm sự. Anh nhắc đi nhắc lại: “Ai có cho vàng để chơi lại, tui cũng không dám nữa. Sợ lắm rồi! Giờ thoát ra được, thấy thoải mái ghê”.
Điểm tựa
Sau khi hồi gia, vào năm 2008, qua mai mối của mẹ ruột, anh Nghĩa bắt đầu để ý một cô bạn gái ở P. Cát Lái (Q.2). Anh vui vẻ nói: “Cô ấy hiền và cũng lo làm ăn lắm. Cổ biết hết ráo cái quá khứ của tui. Nhờ vậy mới thông cảm, thương nhau và chịu lấy”. Nghĩa kể tiếp: “Đến năm 2011, tui cưới vợ, sinh con và dứt ma tuý. Nói chung, việc từ giã nó không hề dễ dàng, phải quyết tâm dữ lắm vì nó hay hiện ra trong não mình để cám dỗ”. Anh đúc kết: “Đừng thử dù chỉ một lần. Câu nói này tui thấy quá trúng!”.
Đặc biệt, theo anh Nghĩa, cái chết của ba anh càng khiến anh tỉnh thức. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ rõ lời trăn trối của người cha: “Ba già rồi, cái mạng ba chết cũng không làm sao. Chỉ khi nào con bỏ được ma tuý, ba chết mới thực sự nhắm mắt”. Nghĩa tâm tư: “Ba tui làm một đời không mang tai mang tiếng, còn tui đã làm cho ba mang tiếng xấu. Ngay cả khi sắp chết, ba không nghĩ gì đến bản thân mình mà chỉ lo khuyên nhủ tui. Cho nên, tui thấy xót xa lắm. Lúc làm đám tang ba, tui thiếu thuốc vật vã ghê hồn nhưng dứt khoát nghe theo ý nguyện của ông, không bao giờ chơi nữa”.
Được biết, một trong những công việc hiện tại của anh Nghĩa là trông coi hàng chục phòng trọ cho gia đình, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Nghĩa thổ lộ, mẹ anh đã cho anh quyền sử dụng số tiền trên. Tuy nhiên, Nghĩa giả sử rằng, nếu mẹ thấy cần thiết lấy lại số tiền trên, anh cũng sẽ không kêu ca gì. Vì sao? “Đồng tiền không giá trị bằng tình nghĩa của mẹ dành cho tui. Hồi đó, mẹ bị hao tổn biết bao tiền của, chịu cực khổ trăm bề vì tui, rồi còn lặn lội đi thăm nuôi tui trong những trường trại. Bởi vậy, bất cứ chuyện gì làm cho mẹ vui thì tui cũng làm, để bù đắp lại phần nào. Mỗi khi đi đâu, nghe mẹ có chuyện gì là tui cấp tốc chạy về liền”.
Anh Bột
Bột là tên gọi thân mật ngoài đời của anh Nghĩa. Bột cho hay mấy năm nay, anh thường trở thành đề tài cho nhiều người ở làng trên, xóm dưới. Một số gia đình có con ăn chơi lêu lổng, họ hay lấy anh Bột để hăm he, để so sánh. Một trong những câu cửa miệng của họ là: “Không tin hỏi thằng Bột hồi đó nó quậy ra sao, bây giờ nó được như vậy”. Anh Bột nhìn nhận: “Ban đầu, ai mà ám chỉ quá khứ của mình, mình cảm thấy tự ái, khó chịu lắm. Nhưng nếu người ta đi thẳng vào vấn đề, hỏi làm sao bỏ được ma tuý thì mình thấy vui lây, bởi dù sao mình cũng bỏ được nó”.
Không chỉ chia sẻ đơn thuần, anh Bột còn đóng vai trò như người trong cuộc để thấu hiểu, đồng cảm hơn với những gia đình trên. Bột nhẩm tính, trong số những người tìm đến mình, có lẽ bác Sáu (cũng ngụ ở Q.2) là người anh đồng hành lâu hơn cả. Anh kể: “Bác Sáu có con trai nghiện heroin, nó kêu bác cung phụng cho nó 1 ngày 1 triệu đồng, không có là nó đập phá. Bác ấy trông thiểu não y chang ông già mình hồi xưa. Cho nên, mình nguyện giúp được cái gì cho bác là mình sẵn lòng giúp. Có hôm, mình chở bác lên Thủ Đức để tìm hiểu cách điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone… Hiện giờ, con bác chưa bỏ hẳn nhưng đã chịu uống methadone, bớt phá phách hơn nên bác Sáu cũng bớt buồn”.
Với sự khuyến khích của địa phương, nhất là của Đoàn thanh niên, anh Nghĩa thường xuyên tham gia sinh hoạt trong CLB Sức sống mới, tuyên truyền phòng chống ma tuý, HIV/AIDS. Năm 2013, anh được Uỷ ban Hội LHTN TP.HCM tuyên dương gương thanh niên tiến bộ.
Phan Ngọc Quốc Anh, Bí thư Đoàn thanh niên P. Bình Trưng Tây, Chủ nhiệm CLB Sức sống mới cho biết: “Anh Nghĩa là thành viên nòng cốt của CLB Sức sống mới. Anh đã tham gia sinh hoạt rất tích cực trong CLB, thường đóng vai trò đầu tàu. Không mặc cảm về hoàn cảnh của mình, anh mạnh dạn đứng ra chia sẻ kinh nghiệm để anh em cùng học hỏi. Với quá trình phấn đấu và nghị lực vươn lên, anh trở thành một trong những gương thanh niên tiên tiến điển hình ở địa phương và cấp thành TP.HCM”. |
Như Lịch