26/11/2024

Chúa Nhật Phục Sinh A – 2014: Ngôi mộ trống là nơi đo lường tình yêu

Trong đêm canh thức Chúa Phục Sinh vừa qua cũng như sáng Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội luôn luôn giới thiệu ngôi mộ trống. Bởi vì ngôi mộ trống là bằng chứng cho cuộc sống lại của Đức Giêsu và là một nơi để mỗi người tín hữu đo lường tình yêu của mình đối với Người.

 

Ngôi mộ trống là nơi đo lường tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Trong đêm canh thức Chúa Phục Sinh vừa qua cũng như sáng Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội luôn luôn giới thiệu cho chúng ta ngôi mộ trống. Bởi vì ngôi mộ trống là bằng chứng cho cuộc sống lại của Đức Giêsu và là một nơi để mỗi người tín hữu chúng ta đo lường tình yêu của mình đối với Người.

1. Ngôi mộ là bằng chứng cho cuộc sống lại

Chúng ta có hai bằng chứng về cuộc sống lại của Chúa Giêsu: thứ nhất là ngôi mộ trống, thứ hai là những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Ngôi mộ trống là một bằng chứng gián tiếp, nghĩa là không chỉ rõ Đấng Phục Sinh. Còn những lần hiện ra có ý nghĩa trực tiếp, tức là một số người đã được Chúa hiện ra để họ cảm nghiệm được Người thật sự sống lại và làm chứng cho Người.

Đối với tất cả các tín hữu, ngôi mộ trống là một bằng chứng quan trọng bởi vì ngôi mộ này nói lên Chúa Giêsu thật sự đã chết, Người đã được mai táng sau khi bị hành hình, bị giết chết trên thập giá. Ngôi mộ ấy cũng đã được quan tổng trấn Rôma niêm phong và chính quyền Do Thái đã cắt lính canh gác cẩn thận. Nhưng ngôi mộ ấy đã trống rỗng vì không còn xác Đức Giêsu ở đó. Cho đến ngày nay, nếu ai có dịp sang Đất Thánh Israel, vẫn thấy ngôi mộ đó trống rỗng.

Trống rỗng, bởi vì đã có một biến cố hết sức lạ lùng xảy ra tại ngôi mộ vào buổi sáng sớm ngày thứ ba sau khi Chúa Giêsu chết: thiên thần hiện đến, có trận động đất lớn đã lăn tảng đá che cửa mộ sang một bên, thiên thần báo tin cho những người phụ nữ rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Những người lính canh đã bỏ chạy. Một số phụ nữ và các môn đệ như Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ ấy mà không gặp khó khăn gì từ phía chính quyền (x. Mt 28,1-10; Ga 201-9).

Người ta đưa ra giả thiết: có thể các môn đệ Đức Giêsu đến lấy cắp xác rồi phao tin đồn nhảm rằng Người đã sống lại. Nhưng, nếu các môn đệ thật sự làm chuyện đó thì họ phải ôm xác Chúa Giêsu chạy đi thật nhanh khỏi hiện trường để không bị lính canh bắt giữ và tra hỏi. Bài Tin Mừng Gioan đã kể lại rằng những khăn và vải liệm được xếp gọn gàng, để riêng một chỗ, như muốn phản bác lại giả thuyết trên. Hơn nữa, khi còn sống Đức Giêsu đã không cứu nổi chính mình, thì khi chết, Người cứu được ai khiến cho các môn đệ phải ăn cắp xác!? Nếu các môn đệ lấy thi hài bất động ấy họ sẽ phải đối mặt với chính quyền Rôma cũng như Do Thái và chắc chắn họ không thể tự do đến thăm mộ nhiều lần, nhiều người mà không bị bắt giữ như kể lại trong Phúc Âm. Vì thế, các sự kiện xảy ra ở ngôi mộ trống chứng minh rằng Đức Giêsu thật sự sống lại. Ngôi mộ trống là bằng chứng cho tất cả mọi người muốn tìm hiểu về Đấng Phục Sinh

2. Ngôi mộ trống còn là một nơi đo lường tình yêu đối với Đức Giêsu

Đối với tín hữu, ngôi mộ trống còn là một lời mời gọi để diễn tả tình yêu đồng thời cũng nơi đo lường tình yêu của họ đối với Đấng Phục Sinh.

Đối với môn đệ thời xưa, mộ táng xác Chúa Giêsu là nơi nguy hiểm vì có lính canh gác, đến đó có thể bị bắt giữ, tù tội. Đó cũng là nơi biểu lộ sự bất công, áp bức, nhục nhã của những người nghèo hèn, khốn khổ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đối với những người đạo đức theo truyền thống thị đó là nơi bẩn thỉu, ô uế vì chôn táng người chết, chẳng nến đến gần.

Đối với môn đệ thời nay, mộ táng Chúa Giêsu đang có hầu như ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tất cả những nơi nào có bạo lực, cường quyền, tham nhũng, bất công, ác đức thì luôn có những con người nghèo khó phải gánh chịu, bị an táng ở đó như Chúa Giêsu. Họ là thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội: những người vô gia cư, nghiện ngập, tỵ nạn, những người bản địa (x. ĐGH Phanxicô, Niềm vui Phúc Âm, số 210). Họ là nạn nhân của các kiểu buôn người khác nhau, bị giết trong những kho chứa hàng lậu, những ổ gái điếm, những trẻ em bị bắt đi ăn xin, những người lao động chui (x. Sđd., số 211), những phụ nữ bị bạo hành trong các gia đình (x. Sđd., số 212) và các thai nhi vô tội bị giết chết ngay từ trong bụng mẹ (x. Sđd., số 213).

Đối với rất nhiều người tín hữu, họ có thể ở yên trong nhà, giống như các môn đệ khác, không cần chạy đến mộ. Họ bằng lòng với những nghi lễ trang nghiêm, với những cuộc hành hương đến các nơi thánh thiêng, với hoạt động xã hội từ thiện nào đó để có thể vừa cảm nghiệm được mình thật sự có lòng yêu người nghèo, đồng thời có thể mang lại một chút danh giá nào đó cho mình. Họ cảm thấy an toàn với lòng đạo đức của mình.

Một số người đã được tình yêu của Đức Giêsu thôi thúc, như các phụ nữ, như Gioan và Phêrô mà chúng ta đọc trong bài Tin Mừng hôm nay, tìm đến ngôi mộ đang an táng những Giêsu mà con người loại bỏ. Chính khi tìm đến nơi đó, họ biểu lộ tình yêu của mình đối với Đức Giêsu và tuỳ vào mức độ cao thấp của tình yêu mà họ cảm nghiệm nhanh hay chậm sự hiện diện của Đấng Phục Sinh.

3. Các yếu tố của tình yêu đối với Đức Giêsu

Trong bài Phúc Âm của Gioan, chúng ta có thể kể ra 3 đặc tính của tình yêu đối với Đức Giêsu được diễn tả qua 3 hành động cụ thể: liên đới vì biết thao thức, quan tâm đến người khác, mãnh liệt vì tất cả đều chạy và khiêm tốn vì biết dừng bước trước cửa mộ để nhường nhịn người khác của 3 môn đệ.

Họ thao thức suốt đêm không ngủ, chỉ mong chờ trời sáng, đợi luật nghỉ ngày Sabat kết thúc là họ vội vã đến ngôi mộ chôn táng Đức Giêsu. Yếu tố đầu tiên của tình yêu luôn luôn là liên đới với người khác và thao thức vì những nỗi bất công mà biết bao người mang hình ảnh Giêsu đang phải chịu trên khắp thế giới. Có liên đới với nhau như thế người ta mới cảm thông được nỗi bất hạnh, bất công người khác đang chịu cũng là của mình để mang dầu, thuốc đến xức như Maria Magdala.

Yếu tố thứ hai của tình yêu đối với Đức Giêsu là mãnh liệt, nghĩa là luôn thúc đẩy ta phải chạy theo khả năng của mình, chứ không phải là đi đứng chậm rãi, khoan thai, bình thường như mọi người. Chạy có nghĩa là không chấp nhận cái gì có tính bình thường trong cuộc sống như mọi người, mà làm cái gì đó mãnh liệt hơn, tốt đẹp hơn, hoặc chịu đựng khó nhọc hơn, hy sinh cao cả hơn. Người tín hữu được tình yêu Đức Kitô thúc đẩy luôn luôn phải chạy như các môn đệ trên đây.

Yếu tố thứ ba của tình yêu là khiêm tốn để biết phải dừng lại, nhường bước cho người khác. Maria Magdala đã đến mồ trước tiên, chị có quyền vào trong để xem chuyện gì xảy ra, nhưng chị đã dừng lại để về báo cho Phêrô. Gioan cũng chạy đến trước Phêrô, nhưng đến cửa mồ ông cũng dừng lại để nhường cho Phêrô vào trước. Mỗi người chúng ta có thể giàu hơn, khoẻ hơn, đẹp hơn, tài năng hơn, nhiều ân sủng hơn, làm được nhiều việc tốt hơn người khác. Chúng ta có quyền ưu tiên để ngồi những chỗ cao hơn, đón nhận những địa vị tốt đẹp hơn, để được ca tụng xứng đáng hơn nhưng chúng ta cần biết dừng lại. Dừng lại là khiêm tốn để chờ người khác, để nhường bước cho người khác giống như Đức Giêsu đã âm thầm chịu đựng tất cả, đón nhận cả cái chết nhục nhã trên thập giá và mai táng trong mồ.

4. Mức độ tình yêu để cảm nghiệm Chúa Phục Sinh

Chính trong tính cách thao thức, chạy tới và dừng lại đó mà ai ở trong mức độ cao hơn thì người đó cảm nghiệm được Chúa Giêsu sớm hơn. So sánh giữa Maria, Gioan và Phêrô một cách tượng trưng, chúng ta thấy có 3 mức độ khác nhau.

Phêrô cũng thao thức, cũng chạy tới, cũng dừng lại ở mộ; nhưng có lẽ ông ở mức độ thấp nhất nên Phúc Âm không nói đến Phêrô như thế nào, chỉ biết là “ông chưa hiểu Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Gioan đã thao thức nhiều hơn, chạy nhanh hơn Phêrô, đã dừng lại để nhường bước cho Phêrô nên chỉ qua những dấu hiệu của khăn liệm và băng vải, “ông đã thấy và đã tin”. Maria đã thao thức nhiều nhất, đã chạy đến mồ trước nhất và đã nhường cho cả hai Phêrô và Gioan nên khi chị đứng lại khóc bên mồ vì tưởng người ta đã lấy mất xác Chúa thì Chúa Giêsu hiện ra nói với chị rằng “Maria!”. Chị nhận ra Người và nói “Rabbouni! Nghĩa là Lạy Thầy” và chị ôm được Người trong vòng tay của mình (x. Ga 20,11-18).

Chính khi tình yêu đối với Chúa Giêsu ở mức độ cao nhất như Maria, mỗi người chúng ta sẽ cảm nghiệm được Đức Giêsu Phục Sinh sống động trong vòng tay của mình. Bấy giờ chúng ta mới trở thành chứng nhân cho Đấng Phục Sinh với sứ mạng Người uỷ thác.

Lời kết

Đó cũng là lời cầu chúc của chúng tôi gửi đến anh chị em trong Mùa Phục Sinh này. Xin cho mỗi người chúng ta có một tình yêu liên đới, mãnh liệt và khiêm nhường nhất đối với Đấng Phục Sinh, để chúng ta có thể ôm được Người trong vòng tay của mình và trở thành chứng nhân cho Người.