10/01/2025

ĐHY Parolin cử hành cầu nguyện cho các vị tử đạo mới của Kitô giáo

Nigeria, Pakistan, Indonesia, Iraq, Kenya, Tanzania, Cộng hoà Trung Phi… Có cả một danh sách dài các khu vực nơi đó người Kitô hữu ngày nay vẫn đang phải gánh chịu các cuộc khủng bố, phân biệt đối xử, mất tự do tôn giáo và tử đạo.

ĐHY Parolin cử hành cầu nguyện cho các vị tử đạo mới của Kitô giáo


WHĐ (16.04.2014) – Nigeria, Pakistan, Indonesia, Iraq, Kenya, Tanzania, Cộng hoà Trung Phi… Có cả một danh sách dài các khu vực nơi đó người Kitô hữu ngày nay vẫn đang phải gánh chịu các cuộc khủng bố, phân biệt đối xử, mất tự do tôn giáo và tử đạo. Không phải là ngẫu nhiên mà trong Thánh Lễ cử hành vào ngày 6-4 ở Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng “ngày nay, trong thế kỷ 21, Giáo hội của chúng ta là một Giáo hội của các vị tử đạo”. Chính trong bối cảnh này, Cộng đoàn Thánh Egidio đã quy tụ nhau tại Vương cung thánh đường Santa Maria ở Trastevere vào dịp Tuần Thánh hằng năm, để tưởng nhớ các vị tử đạo mới của Kitô giáo.

Hôm thứ Ba 15-4, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã chủ sự buổi cầu nguyện cho những người nam nữ sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Phúc Âm. Hiện diện trong buổi cầu nguyện còn có đại diện các Giáo hội khác và các cộng đoàn Kitô hữu đã được ghi dấu máu các vị tử đạo.

Giải thích đoạn Phúc Âm thánh Maccô được đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa, Đức hồng y Parolin đã nêu lên mối liên kết giữa chứng từ tình yêu của các Kitô hữu không chạy trốn sự nhạo báng và viễn cảnh của cái chết vì lòng trung thành với Thiên Chúa, với chính Chúa Kitô vì tình yêu đối với Chúa Cha đã chịu đựng sự chế nhạo của những người đi ngang qua cây Thánh giá. “Buổi cầu nguyện hôm nay cho thấy họ vẫn còn được nhớ đến, bởi vì di sản của họ vẫn sống. Di sản này khởi nguồn từ cuộc sống thường rất khiêm tốn và yếu đuối, nhưng thấm đẫm tình yêu”.

Ngày nay cũng thế, “trong nhiều bối cảnh khác nhau, nhiều anh chị em của chúng ta vẫn là đối tượng của sự thù hận chống Kitô giáo. Không phải họ bị bách hại vì tranh giành quyền lực thế gian, chính trị, kinh tế hay quân sự, nhưng chính bởi vì họ là những chứng nhân kiên trì của một cung cách sống khác, đó là cung cách khiêm hạ, phục vụ, tự do, dựa trên đức tin. Trong sự yếu đuối của họ, họ gần gũi với chúng ta, họ chỉ cho chúng ta thấy rằng sức mạnh từ Thiên Chúa mà đến và chúng ta luôn có thể đi ra và đến với những người ở xa, ngay cả với những người xem ta như kẻ thù”.

Sau đó Đức hồng y Parolin nhấn mạnh điểm này bằng cách lặp lại lời quả quyết sâu sắc của Đức giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Người môn đệ sẵn sàng mạo hiểm đời mình, thậm chí chấp nhận tử đạo, để làm chứng cho Đức Giêsu, nhưng mục tiêu không phải là muốn có kẻ thù, mà là để thấy Lời của Thiên Chúa được đón nhận và sức mạnh giải thoát và đổi mới của Lời được tỏ lộ”.

(L’Osservatore Romano 15-04-2014)