11/01/2025

Crimea sống còn là nhờ lòng tin, cậy, mến

Mô tả tình hình hiện nay ở Crimea, Đức cha Jecek Pyl, Giám mục Phụ tá Odessa-Simferopol, cho biết: “Chúng tôi đã bị cắt đứt với phần còn lại của đất nước. Chúng tôi chỉ có thể giao tiếp qua điện thoại và email. Ngay cả các gói viện trợ cũng bị kẹt lại ở biên giới.”

Crimea sống còn là nhờ lòng tin, cậy, mến
 
WHĐ (11.04.2014) – Mô tả tình hình hiện nay ở Crimea, Đức cha Jecek Pyl, Giám mục Phụ tá Odessa-Simferopol, cho biết: “Chúng tôi đã bị cắt đứt với phần còn lại của đất nước. Chúng tôi chỉ có thể giao tiếp qua điện thoại và email. Ngay cả các gói viện trợ cũng bị kẹt lại ở biên giới.”

Suy nghĩ về tương lai bấp bênh của đất nước, Đức cha Pyl nhấn mạnh rằng Crimea rất cần đến lời cầu nguyện của mọi người và chỉ có thể sống còn nhờ vào hồng ân đức tin, cậy, mến của Kitô giáo. “Đức tin giúp chúng tôi nhìn những sự việc xảy ra với lăng kính của Thiên Chúa quan phòng; chúng tôi hướng về tương lai với niềm cậy trông vì biết rằng Thiên Chúa luôn ở bên chúng tôi trong lúc khó khăn này; còn tình yêu đối với Thiên Chúa và với anh em giúp chúng tôi không để cho lòng hận thù lớn lên trong tim mình.”

Mặc dù lâm vào tình trạng khan hiếm tài nguyên, Giáo hội Công giáo đã chăm lo cho  các gia đình gặp khó khăn. Sau cuộc trưng cầu ý dân dẫn đến việc sát nhập Crimea vào nước Nga, các ngân hàng Ucraina đã đóng cửa nhường chỗ cho các ngân hàng của Liên bang. Tiền Nga chỉ mới bắt đầu lưu hành và trong giai đoạn chuyển tiếp, người dân không thể truy cập tài khoản ngân hàng của mình hoặc nhận được tiền lương hay tiền hưu trí. “Chúng tôi đang cố gắng đối phó với tình trạng khẩn cấp này bằng cách trao tặng thực phẩm và thuốc men, đặc biệt cho các gia đình đông con. Chúng tôi cũng giúp cho các tín hữu Công giáo Hy Lạp đang tham dự các cử hành phụng vụ của chúng tôi vì tất cả các linh mục của họ đã bỏ đi.”

Các giáo sĩ Công giáo Roma đã ở lại trên bán đảo còn đang tranh chấp này nhưng vẫn chưa rõ ràng rằng họ sẽ có thể ở lại như thế nào. Có vẻ như Moskva đang yêu cầu người Ukraina không thuộc Crimea phải có thị thực và nhiều giáo sĩ đang phục vụ tại Giáo phận Odessa-Simferopol là người Ba Lan và có giấy phép lưu trú dài hạn do chính phủ Ukraina cấp.

Sự ly khai cũng đã phá hỏng nhiều năm thương thảo giữa Giáo hội Công giáo và Kiev về việc trả lại các tài sản của Giáo hội bị tịch thu trong thời kỳ Xô viết. “Có vẻ như mặc dù Nhà thờ Sebastopol – đã bị dùng làm nhà hát dưới thời Cộng Sản – sắp được trao trả cho Giáo hội, nhưng tất cả những nỗ lực ấy lại trở thành con số không”. Việc xây dựng và giấy phép trùng tu bây giờ trở nên vô dụng. Nhưng Đức cha Pyl không chịu thua: “Chúng tôi đã phải bắt đầu lại rất nhiều lần và chúng tôi sẵn sàng bắt đầu lại một lần nữa. Điều quan trọng là đừng ai cản đường chúng tôi.”

Khoảng một tuần trước, Đức cha đã gửi thư cho các cư dân Crimea, kêu gọi họ “đừng để cho tình huynh đệ của người dân trên bán đảo này mất đi”. Tổng giám mục Lazarus của Simferopol và Crimea thuộc Giáo hội Chính thống Nga cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. “Các Kitô hữu của mọi hệ phái đã cầu nguyện trong tinh thần hiệp nhất để ngăn chặn các cuộc xung đột huynh đệ tương tàn có thể xảy ra. Thực tế đã không có đổ máu khi Crimea nằm dưới sự kiểm soát của Nga: đó là một dấu hiệu của sức mạnh của lời cầu nguyện của chúng tôi.”

Nhiều linh mục Chính thống giáo thuộc Toà Thượng phụ Kiev đã rời Crimea vì sợ rằng Moskva có thể nuốt chửng Giáo hội của họ hoặc thậm chí cấm họ hiện diện trên bán đảo này. Đứng trước tình trạng thiếu linh mục, các tín hữu của Giáo hội Ukraina đã chọn đến với Giáo hội Công giáo thay vì Giáo hội Nga. “Các tín hữu của họ bày tỏ mong muốn cầu nguyện với chúng tôi và tôi đã đón nhận ngay. Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa”.

Trong khi đó, mối quan hệ với cộng đồng Hồi giáo vẫn ổn định, mặc dù có các báo cáo rằng binh lính của Chechnya và các nước cộng hòa Nam Tư cũ đã đến Crimea. “Tình hình vẫn yên tĩnh nhưng những tin tức chúng tôi nhận được từ các phương tiện truyền thông là đáng báo động.”

(Theo Vatican Insider)