10/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp các giáo sư và sinh viên các Đại học Dòng Tên ở Roma

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 10-4-2014 dành cho các giáo sư và sinh viên thuộc các đại học của Dòng Tên ở Roma, ĐTC kêu gọi hãy liên kết chặt chẽ việc học hành nghiên cứu với đời sống thiêng liêng.

Đức Thánh Cha tiếp các giáo sư và sinh viên các Đại học Dòng Tên ở Roma
 
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 10-4-2014 dành cho các giáo sư và sinh viên thuộc các đại học của Dòng Tên ở Roma, ĐTC kêu gọi hãy liên kết chặt chẽ việc học hành nghiên cứu với đời sống thiêng liêng.

Khoảng 2.000 người, gồm các ban giám đốc, giáo sư, sinh viên và các nhân viên thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriana, Thánh Kinh Học viện, và Giáo hoàng Học viện Đông phương, là 3 cơ sở giáo dục cao đẳng thuộc Dòng Tên hoặc được Toà Thánh uỷ thác cho dòng điều khiển. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ Giáo dục Công giáo, một số ồng y, giám mục, Cha Nicolas, SJ, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, các vị viện trưởng của 3 Đại học.

Sau khi đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng của các cơ sở giáo dục này toạ lạc tại Roma, nơi gìn giữ ký ức về các Tông đồ và các vị tử đạo, ĐTC nhấn mạnh đến tương quan giữa việc học hành nghiên cứu và đời sống thiêng liêng, đồng thời khẳng định: “Sự dấn thân của anh chị em về mặt trí thức, giảng dạy và nghiên cứu, học hành, và trong việc huấn luyện tổng quát, càng được phong phú và hữu hiệu nếu được linh hoạt nhờ lòng yêu mến đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, nhờ tương quan vững chắc và hòa hợp hơn giữa việc học và cầu nguyện.

Một thách đố của thời đại chúng ta ngày nay là thông truyền kiến thức và cung cấp một chìa khoá giúp hiểu biết sinh động, chứ không phải chồng chất những ý niệm không có liên hệ gì với nhau.”

ĐTC nhận xét: “Nhà thần học nào tự mãn với tư tưởng đầy đủ và đóng kín của mình, là một nhà thần học xoàng. Nhà thần học và triết học tốt có một tư tưởng không đầy đủ nhưng luôn cởi mở đối với sự cao cả của Thiên Chúa và của chân lý, luôn phát triển, theo qui luật của Thánh Vincent de Lérins: được củng cố qua năm tháng, được mở rộng qua thời gian, và được đào sâu hơn với tuổi tác” (Commonitorium primun, 23: PL 50, 668). Nhà thần học nào không cầu nguyện và không thờ lạy Thiên Chúa thì rốt cục sẽ chìm sâu trong thái độ tự yêu đáng kinh tởm.”

Cũng trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói đến đặc tính Giáo Hội của các đại học Giáo hoàng và khẳng định:

“Mục đích việc học hành nghiên cứu trong mỗi đại học Giáo hoàng là Giáo Hội. Việc nghiên cứu và học hành phải được hội nhập vào đời sống bản thân và cộng đoàn, với sự dấn thân truyền giáo, tình bác ái huynh đệ và chia sẻ với người nghèo, chăm sóc đời sống nội tâm với Chúa. Các học viện của anh chị em không phải là những cái máy để sản suất các thần học gia và triết gia; đó là những cộng đoàn trong đó ta tăng trưởng và sự tăng trưởng diễn ra trong gia đình.”

ĐTC nói thêm: “Trong gia đình đại học có đoàn sủng cai trị được uỷ thác cho các bề trên, có đoàn sủng phục vụ của các nhân viên không giảng huấn là điều không thể thiếu được để kiến tạo bầu không khí gia đình trong đời sống thường nhật, và cũng để tạo nên một thái độ nhân bản và khôn ngoan cụ thể, làm cho các sinh viên ngày nay trở thành những người có khả năng xây dựng nhân loại, thông truyền chân lý trong chiều kích con người, biết rằng nếu thiếu lòng từ nhân và vẻ đẹp thuộc về một gia đình làm việc, thì rốt cuộc họ sẽ trở thành một nhà trí thức bất tài, một nhà đạo đức không có lòng tốt, một nhà tư tưởng thiểu vẻ đẹp huy hoàng, và chỉ được trang điểm bằng những thái độ vụ hình thức mà thôi.” (SD 10-4-2014)