Hành động theo mệnh lệnh trái tim
Chẳng phải đại gia giàu có nhưng ông Nguyễn Hữu Nghĩa (53 tuổi) vẫn đứng ra trả khoản nợ lương tiền tỉ cho gần 400 công nhân Công ty TNHH PIA Toàn Cầu (Q.12, TP.HCM) bị chủ công ty bỏ trốn trước kỳ trả lương hai ngày.
Hành động theo mệnh lệnh trái tim
Chẳng phải đại gia giàu có nhưng ông Nguyễn Hữu Nghĩa (53 tuổi) vẫn đứng ra trả khoản nợ lương tiền tỉ cho gần 400 công nhân Công ty TNHH PIA Toàn Cầu (Q.12, TP.HCM) bị chủ công ty bỏ trốn trước kỳ trả lương hai ngày.
Ngay chính ông cũng là nạn nhân khi công ty này còn nợ ông bốn tháng tiền thuê xưởng gần 1 tỉ đồng.
Lần đầu tiên trong đời ông Nghĩa nhận được những tin nhắn khiến ông phấn chấn tinh thần. Những tin nhắn mừng vui, tri ân và cả động viên mà công nhân dành cho ông khi họ biết để trả khoản nợ lương gần 2,5 tỉ đồng cho họ, ông Nghĩa đã phải đi vay mượn, kể cả với lãi cao mới đủ tiền.
“Người đàn ông number one”
Ông Nghĩa kể rằng ông cũng bần thần, rối bời khi biết tin chủ công ty bỏ trốn. Một thời gian dài trước khi bỏ trốn, công ty nhiều lần năn nỉ để giãn khoản tiền thuê xưởng, máy móc. Đến khoản điện, nước ông cũng đứng ra gánh giùm với hi vọng công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn để cả ông cùng công nhân không phải long đong vì đứt gánh giữa đường.
“Tiền đóng học phí cho con mình có thể kiếm sau, trước mắt phải lo giúp công nhân đang không có cơm ăn, chốn ở. Lúc bình thường tôi cũng hay làm từ thiện, giúp người này người kia, nay những người cần giúp đỡ nhất đang ở ngay trước mắt, sao có thể làm ngơ” Ông Nguyễn Hữu Nghĩa |
Tin ban giám đốc bỏ trốn lan ra, cả khu xưởng rối như canh hẹ. Chị Nguyễn Thị Kim Xuân, làm ở xưởng đã sáu năm nay, kể công nhân như chết đứng. Nhiều người thậm chí vẫn chưa nhận tiền thưởng tết, phép năm và đang trông chờ lương tháng để trả tiền trọ, đong gạo. Ngày nào cũng có người gọi điện kêu khóc vì thiếu thốn tiền ăn, không có tiền trọ, chủ nhà dọa đuổi. Lúc bình thường, không ít người vẫn còn phải vay mượn mới đủ tiền sống. Vậy mà tới ngày nhận lương lại trắng tay. Cả xưởng chới với, người về quê, người đi tìm việc làm thời vụ với tiền lương bèo bọt lay lắt qua ngày.
“Làm từ 7g30-18g30 mà lương chỉ 120.000 đồng/ngày nhưng cũng phải ráng, chứ tiền đâu mà sống” – chị Xuân kể. Suốt một tháng chị không có tiền gửi về nuôi con nhỏ đang ở với ông bà lớn tuổi ngoài quê. Hoàn cảnh càng túng quẫn hơn với chị Lê Thị Hương (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) bởi đang mang thai bảy tháng, chồng làm thợ hồ tận Đồng Tháp bữa đực bữa cái. Không có lương, muốn về quê cũng không có tiền, Hương phải nhắm mắt vay mượn khắp nơi để trả tiền phòng và lo ăn uống. Nhiều lúc cô gái trẻ sắp làm mẹ phải rớt nước mắt sợ hãi không biết sẽ xoay xở những ngày sắp tới như thế nào.
Công nhân trong lúc tuyệt vọng lao vào tranh giành, mang máy móc đi bán để cấn nợ, nhưng cơ quan chức năng đã ngăn chặn và niêm phong theo quy định bởi tất cả nhà xưởng và máy móc đều là tài sản công ty đi thuê. Đang trong lúc cùng quẫn, cái tin ông Nghĩa trả lại lương khiến những người như chị Xuân, chị Hương mừng rơi nước mắt. Chị Xuân đã có tiền gửi về cho con, còn chị Hương trang trải nợ nần và lên đường về quê ngay sau đó để lo sinh nở.
Những người ở lại thì vui mừng không tả xiết bởi không chỉ được trả lương, ông Nghĩa còn thông báo đã tìm được một công ty khác đồng ý nhận toàn bộ công nhân cũ vào làm với chế độ lương thưởng, thâm niên như cũ. Công nhân cũng không phải mất công làm lại hồ sơ, mà sẽ bàn giao hồ sơ cũ sang công ty mới. Những ngày lao đao của họ rồi sẽ qua.
Không thể nhắm mắt làm ngơ
Ngày 10-5, gặp ông Nghĩa trước nhà xưởng sau năm ngày ông đứng ra trả hết lương cho công nhân, ông bảo vẫn còn đang giải quyết nhiều việc để ngày 19-5 công nhân chính thức vào làm ở công ty mới. Sau một tháng trời đôn đáo, bạc đầu vì suy nghĩ, ông đã được ngủ ngon.
Người cựu chiến binh từng đi lính ở chiến trường Campuchia kể lại ông xuất ngũ năm 1980 với vết thương ở phổi do bị mảnh đạn ghim vào. Là thương binh 1/4, ông vẫn giỏi làm kinh tế, trở thành nhân vật trên báo Tuổi Trẻ khi là người sản xuất áo thun in phim phổi thành công. Đến năm 2001, ông mua đất xưởng để làm công ty may mặc và sáu năm sau, ông chuyển qua cho thuê. Lần đầu tiên gặp cảnh này nên lúc đầu ông chỉ biết phó mặc cho chính quyền giải quyết. Nhưng mỗi lần đi ra đi vào xưởng, những công nhân cứ túm lấy ông kêu khóc: “Chú ơi, cứu lấy con với. Bây giờ con biết làm sao? Con biết đi đâu?”. Ông cũng tận mắt chứng kiến cảnh công nhân đã đến hẹn trả tiền nhà trọ nhưng tay trắng, đeo balô đứng ở bên đường, bơ vơ chẳng biết về đâu. Lòng ông cào xót. Xưởng đổi chủ nhiều lần nhưng không ít công nhân đã gắn bó với ông cả chục năm trời, nghĩa nặng tình sâu.
Tìm hiểu các vụ nợ lương, chủ bỏ trốn trước đây, ông thấy mọi chuyện đều đi vào bế tắc. Nhà xưởng, máy móc, sản phẩm bị niêm phong cả năm trời và công nhân may mắn nhất cũng chỉ nhận được khoản tiền ứng hỗ trợ của Nhà nước khoảng 1 triệu đồng sau một thời gian dài lay lắt. Trước mắt cuộc sống của nhiều công nhân đang chẳng biết vin vào đâu, bảy nữ công nhân mang thai sẽ sống thế nào? Ông không cầm nổi lòng mình, quyết định phải xắn tay vào giải quyết, phải hành động để cùng họ vượt qua khó khăn.
Đứng trước 385 gương mặt thất thần, mòn mỏi, ông Nghĩa trấn an họ bằng câu nói: “Bản thân tôi cũng là nạn nhân như các bạn, nhưng tôi sẽ đứng ra tìm cách giải quyết”. Gần hai tuần sau đó, ông cùng phòng quản trị, kế toán và cả đại diện UBND Q.12 tìm đến các đối tác của PIA để kêu gọi từ tâm hỗ trợ trả lương cho công nhân vì các công ty này đang còn hàng giao PIA gia công. Nhưng mất nhiều tuần mà kết quả chẳng bao nhiêu trong khi công nhân đang cần tiền trông đứng trông ngồi. Sau một đêm suy nghĩ, ông quyết định dốc hết tiền túi ra để trả lương cho họ trước. Không có đủ tiền, ông chia ra trả thành hai đợt: đợt đầu mỗi người nhận 1,5 triệu đồng, đợt sau ông vay mượn thêm 500 triệu đồng để trả hết số lương còn lại. Tổng cộng hai đợt ông trả lương gần 2,5 tỉ đồng. Nhiều công nhân vắng mặt không nhận được tiền, ông cất cẩn thận phong bì lương chờ ngày họ đến lấy.
Ông bảo ông chẳng giàu có gì, thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào khoản cho thuê xưởng. Hai con đang học hành dang dở ở Mỹ cũng sắp đến ngày đóng học phí. Lúc đó chỉ còn khoản tiền dành dụm nhiều năm nay để chu cấp cho các con và đây cũng là lý do khiến ông đắn đo nhiều nhất trước khi quyết định. Nhưng ông không ngần ngại bởi: “Tiền đóng học phí cho con mình có thể kiếm sau, trước mắt phải lo giúp công nhân đang không có cơm ăn, chốn ở. Lúc bình thường tôi cũng hay làm từ thiện, giúp người này người kia, nay những người cần giúp đỡ nhất đang ở ngay trước mắt, sao có thể làm ngơ”.
Khi nhiều công ty đánh tiếng thuê lại xưởng, máy móc, ông Nghĩa mừng lắm, đề nghị Phòng lao động – thương binh và xã hội quận cho ông nhận lại xưởng kinh doanh, tạo việc làm mới cho công nhân và đã được chấp thuận. Nhưng ông không chịu để công ty mới ép mà “kén cá chọn canh” đủ kiểu để có lợi nhất cho công nhân. Cuối cùng ông đặt bút ký với một công ty đã đáp ứng được tất cả yêu cầu của ông: hỗ trợ công nhân một khoản tiền 500.000 đồng, nhận lại toàn bộ công nhân cũ với lương thưởng, thâm niên và hỗ trợ thai sản cho công nhân cũ mang thai.
Số tiền bỏ ra chẳng biết có đòi lại được hay không, nhưng ông bảo đến giờ này ông cảm thấy rất hạnh phúc và nhẹ lòng vì đã hành động theo mệnh lệnh trái tim. Niềm vui càng nhân lên gấp bội khi hai người con ở xa nghe chuyện đều hết lòng ủng hộ việc làm nghĩa tình của ông.
Trường hợp đầu tiên Theo thông tin từ Phòng lao động – thương binh và xã hội Q.12, ngày 10-4 khi xảy ra sự việc, quận đã cử người đến xác minh, phát hiện ông Lee Sang Soo, đại diện pháp luật của Công ty TNHH PIA Toàn Cầu, đã xuất cảnh, không thể liên lạc. Cơ quan chức năng đã niêm phong máy móc, nhà xưởng để làm cơ sở giải quyết quyền lợi cho công nhân. Tính các khoản nợ từ lương, tiền thuê xưởng, máy móc cho đến bảo hiểm, công ty nợ hơn 7,5 tỉ đồng. Riêng nợ lương gần 2,5 tỉ đồng. Tất cả máy móc, nhà xưởng đều là tài sản PIA Toàn Cầu đi thuê. Đại diện Phòng lao động – thương binh và xã hội Q.12 cho biết quận đã đồng ý để ông Nguyễn Hữu Nghĩa đứng ra trả nợ cho người lao động và nhận ủy quyền để đòi quyền lợi. Đây là trường hợp đầu tiên có người đứng ra chịu trách nhiệm khi có chủ doanh nghiệp bỏ trốn ở Q.12. Nhiều trường hợp tương tự cũng xảy ra ở huyện Hóc Môn, Củ Chi nhưng không có chủ xưởng nào đứng ra để giải quyết, công nhân gặp rất nhiều khó khăn, kiện tụng kéo dài. Sau khi ông Nghĩa trả lương cho công nhân, quận đã dỡ niêm phong để ông tiếp tục nhận công ty khác vào hoạt động, linh động giải quyết việc làm cho người lao động. |
VŨ THỦY – YẾN TRINH