Một nghề nguy hiểm
Tại hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn do Bộ Lao động – thương binh và xã hội phối hợp với Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại VN (IC-VVAF) và Tổ chức Hỗ trợ nạn nhân bom mìn (CPI) tổ chức ngày 4-12-2013, ông Bùi Hồng Lĩnh – thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết: cả nước vẫn còn hơn 21% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn với khoảng 800.000 tấn bom mìn đe dọa.
Một nghề nguy hiểm
Quảng Trị là nơi được coi là “túi bom” và cũng là nơi vẫn đang tồn tại cái nghề kinh sợ này, dù chiến cuộc đã lùi xa gần 40 năm.
Nổ là xong!
Người dân huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn chưa thể quên cái chết thê thảm vì tháo bom kiếm sống của hai anh em ruột dân tộc Vân Kiều vào cuối tháng 7-2013. Đó là Hồ Li Va (sinh năm 1993) và Hồ Văn Na (sinh năm 1996) trú tại thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa. Ngày 28-7-2013, hai thanh niên này sang Lào tìm thấy một quả bom. Hôm sau, họ cùng hai người Lào ở bản May, huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào) bắt tay tháo bom để lấy kim loại. Bom nổ, hai anh em chết ngay tại chỗ, hai người Lào bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.
Bà Nguyễn Thị Mai (thôn An Thái Thượng, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) bùi ngùi nhìn bức ảnh người con trai đầu Lê Văn Thắng đã chết vì tháo đạn. Anh Thắng nếu còn sống nay cũng đã 45 tuổi. Bà Mai kể chuyện giọng buồn ai oán. Một trưa hè anh Thắng theo bạn bè mở một quả đạn pháo 105 li ở góc khuất trong làng. Một tiếng nổ vang trời đinh tai nhức óc.
Dân làng thất kinh vì hầu như nhà ai cũng có người thân làm nghề tháo mở đạn bom. Cả làng náo loạn như ong vỡ tổ, vợ gọi tên chồng, mẹ chạy tìm con, trẻ em khóc thét lên vì hoảng sợ. Mọi người chạy đến nơi chỉ thấy hai thi thể nằm trong vũng máu, quả đạn đã xé nát người ném những mảnh vụn thịt da vào gốc cây quanh đó. Vậy là tang tóc phủ trùm bóng đen lên đầu làng cuối xóm.
Hai đám tang đưa vội trong cùng một ngày khi người thân không còn đủ nước mắt gọi tên người ruột thịt trong nỗi đau đứt ruột sinh ly tử biệt. Dân làng nhắc nhau tránh xa bom đạn. Nhưng rồi mươi ngày sau người ta lại vác cuốc tìm đến đạn bom như thể phải buộc vào một định mệnh mưu sinh nghiệt ngã không thể chối từ. Bà Mai vẫn giọng ngậm ngùi: “Cả làng ni đều đi kiếm đạn bom. Biết chết mà ai cũng lao vô, vì không lao vô thì lấy chi mà sống. Làng ni người chết với bị thương nhiều lắm”.
Tôi gặp ông Trần Quế cũng người làng An Thái Thượng. Ông Quế cho biết nhà mình cũng có một người con trai sắp cưới vợ tên Trần Lương. Rồi một sáng anh con trai vác cuốc lên đồi Nhà Vệ. Lát sau nghe tiếng nổ lớn, nhiều người hoảng loạn tìm đến thì nạn nhân đã tắt thở. Vậy là làng có thêm một đám tang. Một đám cưới chỉ mãi là dự định khi người con trai đã nằm sâu ba tấc đất, còn người con gái thì lỡ làng.
Một gia đình khác cũng không kém phần bi thảm. Hai anh em Đào Trung và Đào Thành cùng “say mê” bom đạn. Một lần hai anh em cùng mở kíp đạn thì bất ngờ phát nổ, người em cụt mất hai ngón tay, một mắt bị hỏng, may mà thoát chết. Tưởng vậy rồi sẽ yên. Nhưng một tháng sau, khi họ hì hục mở một quả đạn cối 81 li tai họa lại giáng xuống. Lần này người em thịt nát xương tan, còn người anh thủng ruột, máu me lênh láng phải chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. May còn giữ được mạng. Từ đó người anh “giã từ vũ khí”.
Chuyện chết không toàn thây đối với người dính vào nghề tháo gỡ bom đạn đã là chuyện sinh nghề tử nghiệp “chấp nhận thương đau”. Anh Trần Lộc, một người lính xuất ngũ có thâm niên trong nghề này, vào tận rừng xa tháo bom. Bom nổ, người làng phải nhặt nhạnh từng mảnh thi thể của anh. Một con người khỏe mạnh nặng hơn 50 cân nay chỉ lượm được một dúm thịt trong lòng bàn tay.
Chiều mưa miền Trung tê tái, ông Quế ngồi bấm đốt ngón tay nói cả làng có hơn 30 người chết vì tháo gỡ đạn bom, còn người bị thương, tàn phế thì nhiều, nhiều lắm. Ông thở dài chép miệng nói một câu nghe đến lạnh lùng mà tái tê: “Nổ là xong!”.
Một người dân đang thử máy rà bom mìn – Ảnh: Xuân Dũng |
Quen tay thôi!
Ngay cả người lính muốn hiểu biết về đạn bom nhất thiết phải qua trường học chính quy đào tạo về quân khí. Chưa kể phải còn thực tập, rèn luyện, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tế mới có thể rà phá, tháo gỡ bom mìn. Vậy mà chỉ cần một giây lơ đãng, chủ quan cũng có thể đánh đổi bằng cả tính mạng. Còn với những người dân tháo gỡ bom mìn thì hầu như không ai qua một trường lớp nào cả. “Giáo trình” của họ chỉ là những bài học ngắn truyền miệng từ những người đi trước và “kinh nghiệm” sau mỗi lần đối mặt tử thần. Nếu may mắn sống còn thì họ còn có lần sau để áp dụng vào thực tế kinh hoàng.
Dụng cụ của họ giản đơn đến mức khó tin: cưa, búa, kìm, ve, kim băng. Dụng cụ hơi giống của một ông thợ mộc tay ngang vừa hao hao của một thợ gò thùng mà nhiều người từng thấy. Những dụng cụ sơ sài như vậy mà lại dám thi gan cùng đạn bom tinh xảo được chế tạo từ những máy móc tối tân và những chuyên gia vũ khí hàng đầu.
Tôi nhớ ông Lê Văn Hoàng ở làng An Thái Thượng, vùng quê Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, một người có thâm niên trong nghề sinh tử từng “giảng bài” cho tôi về cách thức tháo gỡ đạn bom. Theo ông, việc này “chẳng khó khăn chi mấy”. Ví như muốn tháo lựu đạn an toàn thì chỉ cần mở chốt rồi lấy kim băng cài lại; đạn M.79 thì ngăn không cho đầu đạn quay đủ vòng để phát nổ; còn các loại cối 60 li, 80 hay 81 li hoặc đạn pháo 105 li,155 li và cả 175 li cũng “không có gì phức tạp”.
“Cứ dùng ve, búa đục vào đúng giữa vạch chia tách đầu đạn và thân đạn, rồi cứ thế mà lấy thuốc nổ và sắt, thép, nhôm, đồng… Thứ mô cũng bán được tiền” – ông Hoàng kể với giọng rất thản nhiên. Mỗi ngày kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng, hay khá hơn một hai trăm ngàn, có khi “được quả bom” thì coi như “trúng mánh” tiền triệu. Tất nhiên với điều kiện là bom không nổ. Tôi ù tai khi nghe ông Hoàng cười nói: “Quen tay là được”.
Khi đạn bom không còn sẵn như trước thì dân làm nghề lại sắm một chiếc máy rà giá vài trăm ngàn đồng. Loại máy rà này cũng thật đơn giản, được thiết kế phỏng theo nguyên lý máy dò bom mìn nhưng giản lược đến mức tối thiểu. Nó chỉ có một chiếc tai nghe và bộ phận cảm ứng. Nếu phát hiện kim loại hoặc đạn bom dưới đất, máy sẽ phát tín hiệu vào tai nghe. Vậy là đào bới, tháo mở.
Loại máy này được đưa ra từ phía Nam và bày bán nhiều trên thị trường. Đến nhà ông Phùng Hoan ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, thấy ở góc nhà hai chiếc máy rà loại này dùng để hai vợ chồng “làm thêm”, nhất là sau những trận mưa lũ, bom đạn thường trồi lên. Gia chủ vui vẻ kể: “Ở vùng này nhiều nhà sắm máy rà. Người ta đi rà bom mìn nhiều lắm, ra tận Quảng Bình, có người còn sang tận Lào. Làm chi kiếm được đồng bạc thì làm thôi. Khi mới vô nghề ai cũng sợ, lâu rồi thành quen”.
PHẠM XUÂN DŨNG
Tại hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn do Bộ Lao động – thương binh và xã hội phối hợp với Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại VN (IC-VVAF) và Tổ chức Hỗ trợ nạn nhân bom mìn (CPI) tổ chức ngày 4-12-2013, ông Bùi Hồng Lĩnh – thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, kiêm phó trưởng ban thường trực chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh – khẳng định vấn đề hậu quả bom mìn vẫn đang là thời sự. Ông Lĩnh cho hay từ năm 1975-2013 cả nước vẫn còn hơn 21% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn với khoảng 800.000 tấn bom mìn đe dọa. Đã có hơn 40.000 người tử vong và 60.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.Trung bình mỗi năm có 1.500 người chết và 2.300 người bị thương do bom mìn, trong đó gần 50% là trẻ em dưới 16 tuổi. Miền Trung là nơi tập trung nhiều nạn nhân bom mìn; chỉ tính riêng sáu tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi đã có đến gần 23.000 người tử vong, chiếm gần 1/4 tổng số nạn nhân bom mìn của cả nước. Riêng tỉnh Quảng Trị đã có hơn 7.000 nạn nhân bom mìn, trong đó có gần 2.600 người tử vong. |