25/11/2024

Bệnh tay chân miệng tăng mạnh

Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng một số tỉnh, thành phố có số mắc cao và tăng hơn so với cùng kỳ 2013 như TP.HCM (tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng 34,4%), Cà Mau (tăng 15,5%), Kon Tum (tăng 69,7%), Đắk Lắk (tăng 3,9%).

 

Bệnh tay chân miệng tăng mạnh

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lo ngại, bên cạnh sởi lan rộng, bệnh tay chân miệng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62 địa phương, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng một số tỉnh, thành phố có số mắc cao và tăng hơn so với cùng kỳ 2013 như TP.HCM (tăng 28,9%), Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng 34,4%), Cà Mau (tăng 15,5%), Kon Tum (tăng 69,7%), Đắk Lắk (tăng 3,9%).

Trong diễn biến khác, các ngày gần đây cả nước ghi nhận thêm 30 – 35 ca mắc sởi mỗi ngày. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.784 trường hợp mắc sởi trong số 11.800 trường hợp sốt phát ban tại 61/63 tỉnh, thành phố; 131 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Tại các bệnh viện tuyến T.Ư, số bệnh nhân nhập viện mới những ngày gần đây đã giảm hơn so với những ngày đầu tháng 4 khoảng 10 – 30% nhưng số bệnh nhân đang điều trị giảm không rõ rệt.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, số bệnh nhân đang điều trị sởi vẫn ở mức cao (240 người), chủ yếu là các ca sởi có biến chứng nặng; mỗi ngày vẫn thêm 20 – 30 ca nghi sởi nhập viện. Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị sởi cho 65 bệnh nhân; nhập viện mới 5 – 8 bệnh nhân/ngày. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện còn 85 bệnh nhân đang điều trị và 10 – 40 ca nhập viện mới/ngày.

Liên Châu