28/11/2024

Người thầy ngành sinh học

Với GS-TS Lê Quang Long, cả cuộc đời lao động khoa học, dù đã 90 tuổi ông không chịu lùi bước trước bất cứ thử thách nào. Hết mình với nghiên cứu khoa học và đổi mới phương pháp đến độ tài hoa trong giảng dạy, đó là phong cách Lê Quang Long.

 

Người thầy ngành sinh học

Với GS-TS Lê Quang Long, cả cuộc đời lao động khoa học, dù đã 90 tuổi ông không chịu lùi bước trước bất cứ thử thách nào. Hết mình với nghiên cứu khoa học và đổi mới phương pháp đến độ tài hoa trong giảng dạy, đó là phong cách Lê Quang Long.

 

 

 GS-TS Lê Quang Long
GS-TS Lê Quang Long (ngồi giữa) cùng đồng nghiệp và học trò – Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Tôi đến nhà riêng khi GS-TS Lê Quang Long đang chuyển ngữ tiểu thuyết Kiếp người của nhà văn Hữu Ước sang tiếng Anh. Bản thảo các trang dịch được ông xếp gọn thành từng cặp. Nhìn những dòng chữ viết tay ngay ngắn mà hầu như ít sửa chữa ấy, đủ biết rằng vốn ngoại ngữ của ông uyên bác đến mức nào. Ông vốn xuất thân từ một gia đình quan lại thời Pháp thuộc. Mẹ là công chúa Lương Diên, con vua Thành Thái, chị ruột vua Duy Tân, chị họ vua Bảo Đại. Cha là Lê Quang Thiết, từng là Chánh sứ đại diện Nam triều cạnh Toàn quyền Đông Dương, và sau này là Thủ hiến 16 tỉnh miền Trung.

 

 
 

Trí thức ở Việt Nam thời nào cũng có, nơi nào cũng có, không phân biệt tầng lớp xã hội, và đều yêu nước. Lãnh đạo của ta nên như mặt trời phân phát ánh sáng hào phóng và công bằng cho muôn loài, không phân biệt cây quý trong vườn thượng uyển hay hoa đồng cỏ nội. Hãy cho mọi công dân được hưởng quyền phát huy tài năng, nâng cao chuyên môn để phục vụ được tối đa.

 

GS-TS Lê Quang Long

 

 

Cuộc đời ông đã ám ảnh tôi về số phận một trí thức tham gia cách mạng mà gặp nhiều trắc trở. Từ Thư ký Hội đồng khoa học Trường ĐHSP Hà Nội lúc mới thành lập, sau đó những học trò của ông được đào tạo từ Liên Xô trở về với tấm bằng phó tiến sĩ (PTS – nay là TS), Lê Quang Long không có học vị dần bị đẩy ra khỏi vị trí chuyên môn của mình. Ông cần có một tờ giấy thông hành để được đứng trên bục giảng, nếu không, với lý lịch của mình thời ấy, ông dễ dàng bị đẩy ra khỏi môi trường khoa học. Đúng lúc đó, nhờ có chủ trương đào tạo PTS trong nước của Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Cảnh Toàn, năm 1970, Lê Quang Long cùng với Phan Nguyên Hồng và Phan Cự Nhân (đều thuộc khoa sinh học) là người mở màn việc đào tạo “ông nghè” nội địa. Luận án PTS của Lê Quang Long mang tên: “Một số dẫn liệu bước đầu về sinh lý – sinh thái của cá rô phi thuần hóa Việt Nam” đã gây được tiếng vang về một cuộc bảo vệ có một không hai trong lịch sử khoa học giáo dục nước ta.

Buổi bảo vệ luận án có một không hai

Buổi bảo vệ được tổ chức rất hoành tráng dù trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ. Trường ĐHSP Hà Nội đã mời được gần 100 nhà khoa học khắp nơi về dự: GS Đào Văn Tiến, GS Lê Khả Kế và nhà lâm nghiệp huyền thoại xứ Huế Thái Văn Trừng, người Việt Nam đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án TS khoa học Liên Xô…

Đối với luận án của nghiên cứu sinh Lê Quang Long, có 5 nhận xét khen là rất tốt “vượt qua mức luận án PTS ở Liên Xô”, “xứng đáng là luận án TS theo tiêu chuẩn của Liên Xô”… Nhưng điều làm Lê Quang Long choáng váng nhất là bản nhận xét của TSKH Đặng Thu, người có học vị cao nhất ở Việt Nam về sinh lý thời ấy, công tác tại Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam, phản biện một, đã kê khai tới 19 trang về các điểm sai của luận án. Thêm vào đó, còn chuyện cơ quan phản biện tập thể là Trạm nghiên cứu thủy sản Đình Bảng, bồi thêm một bản phản biện với 9 điểm chê, không kèm theo lời khen nào…

Sau khi Lê Quang Long trình bày luận án trong 30 phút, thư ký hội đồng khoa học đọc các phản biện nhận xét, kéo dài đến gần 40 phút. Trên hai trang giấy dài, TSKH Đặng Thu đã trích dẫn một loạt dẫn liệu của Lê Quang Long về các nhiệt độ thấp mà cá rô phi đã phải chịu đựng trong các đợt gió mùa qua mấy mùa đông liền ông nghiên cứu ở Hà Nội. TSKH Đặng Thu còn thông báo trước hội đồng: ông đã cất công đến đài khí tượng ở đường Láng để đối chiếu với các bản nhiệt độ đài đã ghi được vào các thời điểm đó và phát hiện các bản ghi nhiệt độ của nghiên cứu sinh Lê Quang Long không khớp với các bản ghi của đài Láng! Trên cơ sở đó, phản biện một đã đặt câu hỏi: “Vậy anh Long lấy những số liệu của mình ở đâu ra?”.

Cuối cùng nghiên cứu sinh được trả lời, trong đúng 15 phút! Lê Quang Long cần phải bác bỏ được lời buộc tội nặng nề nhất của phản biện một: nghiên cứu sinh “đã vi phạm tính trung thực khoa học bằng cách bịa ra dẫn liệu nghiên cứu”.

GS-TS Lê Quang Long nhớ lại kỷ niệm trên với một sự tự hào về tính trung thực của người làm khoa học:

– Tôi đã bình tĩnh trả lời: “Những mâu thuẫn trong số liệu mà anh Thu đã phát hiện là hoàn toàn đúng. Tôi chỉ xin phép hỏi anh một chi tiết: Các nhiệt độ của đài Láng được ghi ở đâu? Ở trong không khí, cao hơn mặt đất một mét. Còn tôi thì nghiên cứu cá, nên dĩ nhiên là ghi nhiệt độ của nước, thấp hơn mặt ao một mét. Lẽ nào anh Thu không biết khi gió mùa tràn về, nhiệt độ không khí thường lạnh xuống trước còn nhiệt độ nước thì mãi 5 – 10 giờ sau mới lạnh theo. Còn khi đợt gió mùa chấm dứt, thì nhiệt độ không khí ấm lên trước, một thời gian dài sau nhiệt độ nước mới ấm theo? Vậy nên xin anh Thu cho tôi nhắn lại một lời: Dù là TSKH chính quy ở Liên Xô về và chỉ viết có 19 trang, nếu không lưu ý thì người ta vẫn có thể sơ hở như thường, đúng không?”.

Hội trường im lặng trong một phút rồi bỗng òa lên những tiếng cười vui sảng khoái và lác đác tiếng vỗ tay. TSKH Thái Văn Trừng quay sang người bên cạnh và nói to: “Khá lắm! Thế mới gọi là bảo vệ luận án chứ!”. Cuối cùng, Lê Quang Long đã đỗ ông nghè nội địa với 100% phiếu thuận!

Đỉnh cao của nghệ thuật dạy học

Ngoài các công trình khoa học, mà từ sau khi bảo vệ luận án PTS đến nay, GS-TS Lê Quang Long đã biên soạn 100 đầu sách gồm sách giáo khoa sinh học phổ thông, sách tham khảo, giáo trình ĐH, chuyên đề sau ĐH và từ điển. Ngoài ra, ông đã đào tạo ra một thế hệ học trò đầu ngành sinh học trong cả nước.

GS-TSKH Trần Kiên – nguyên Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội đã nói về sắc thái độc đáo trong nghệ thuật dạy học của thầy Lê Quang Long: “Hệ thống kiến thức bài giảng của thầy được cấu trúc với những nét riêng độc đáo và đặc sắc, trong đó có sự nhuần nhuyễn hợp lý giữa khái niệm, định nghĩa với các ví dụ về những sự kiện khoa học của bài giảng. Các ví dụ của thầy đưa ra, ngoài thủ thuật khơi gợi tính tò mò của sinh viên, nó còn đầy đủ đến kỳ lạ và chính xác đến ngạc nhiên về năm tháng, nơi xảy ra sự việc, nguồn gốc sự việc. Nắm vững kiến thức, nắm vững tình huống, thầy thiên biến vạn hóa khôn lường bài giảng theo ngẫu hứng… Cái hay trong bài giảng của thầy là nghệ thuật dẫn dắt sinh viên đi từ phát hiện này sang phát hiện khác, kích thích tính tò mò, cái mà thầy định nói: Những trọng tâm của bài! Có thể nói thầy đã đạt được đỉnh cao của nghệ thuật dạy học”.

Còn GS-TS-NGƯT Phan Trọng Cung – Chủ nhiệm bộ môn động vật học Trường ĐH Nông nghiệp nhớ về người thầy đặc biệt nhất và gần gũi nhất: “Quả thật từ tư cách đến nếp sống của thầy đã hình thành phong cách, nếp nghĩ của cuộc đời tôi sau này. Chính tôi đã học được cách sơ đồ hóa bài giảng của thầy làm cho bài giảng sinh động, học sinh dễ nhớ và để lại nhiều ấn tượng đẹp cho sinh viên. Những cái đó đã thấm vào tôi lúc nào không biết. Sau này tôi trở thành một giảng viên đại học, không những sinh viên trong nước mà nước ngoài cũng “mê” nghe tôi giảng bài “theo phong cách Lê Quang Long”. 

 

 

 GS-TS Lê Quang Long

 

GS-TS Lê Quang Long sinh ngày 29.3.1925. Ngoài giảng dạy trong nước, ông còn tham gia giảng dạy ở các trường ĐH nước ngoài như ĐH Viên Chăn (Lào), Đại học Phnom Penh (Campuchia), ĐH Antananarivo (Madagasca)… Ông đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Trung tâm thông tin và chuyển giao tiến bộ sinh học Việt Nam; Cố vấn sư phạm của chính phủ Pháp và các tổ chức quốc tế về dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp (AUPELF – UREF); Ủy viên Hội đồng quốc tế về giáo dục khoa học tự nhiên (ICASE) thuộc UNESCO…

Các tác phẩm chính: Hóa điện phản xạ và trí nhớ (1973); Từ điển tranh về các loài cây(2004) – giải nhì Sách hay và giải nhì Sách đẹp - giải thưởng Sách Việt Nam 2004; Từ điển tranh về các loại quả củ (2007) – giải thưởng Sách Việt Nam 2007; Thế giới những điều em muốn biết (5 tập)…

GS-TS Lê Quang Long trong ngày bảo vệ luận án phó tiến sĩ (1970)

 

Kiều Mai Sơn