26/11/2024

ĐTC Phanxicô: Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn ra đi

VATICAN – Trưa Chúa Nhật Ngày 1.6, gần 100.000 tín hữu hành hương đã về Quảng trường Thánh Phêrô để nghe bài giáo huấn của Đức Thánh Cha, đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và nhận phép lành từ ngài. Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đã triển khai ý tưởng về ngy lễ Chúa Thăng Thiên. Ngài nhấn mạnh đến việc “ra đi” của người môn đệ Chúa. Đây là lệnh truyền chứ không phải là chọn lựa.

ĐTC Phanxicô: Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn ra đi
 
VATICAN – Trưa Chúa Nhật Ngày 1.6, gần 100.000 tín hữu hành hương đã về Quảng trường Thánh Phêrô để nghe bài giáo huấn của Đức Thánh Cha, đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và nhận phép lành từ ngài.

Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đã triển khai ý tưởng về ngy lễ Chúa Thăng Thiên. Ngài nhấn mạnh đến việc “ra đi” của người môn đệ Chúa. Đây là lệnh truyền chứ không phải là chọn lựa. Mọi người, mọi cộng đoàn, mọi dòng tu đều phải ra đi để làm chứng cho Chúa. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng triển khai một ý tưởng khác là nhờ những thương tích của Đức Giêsu, chúng ta đã được tha thứ mọi tội lỗi. Đức Giêsu về trời nhưng Ngài không rời bỏ chúng ta, Ngài vẫn hiện diện với chúng ta qua Giáo Hội. Ngài vẫn đồng hành với chúng ta, dù chúng ta không thấy Người.
 


Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của ngài:

“Xin chào anh chị em,

Ngày hôm nay, ở Ý và ở nhiều nước khác mừng lễ Chúa Thăng Thiên, việc này xảy ra 40 ngày sau Lễ Phục Sinh. Giêsu xa rời các môn đệ và thế giới (x. Cv 1,2.9). Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật lại lệnh truyền của Đức Giêsu dành cho các môn đệ: lời mời gọi hãy ra đi, hãy lên đường để loan báo cho muôn dân biết thông điệp cứu độ (x. Mt 28,16-20). “Ra đi”, hay đúng hơn là “lên đường”, trở thành từ khoá của ngày lễ hôm nay: Đức Giêsu khởi hành tiến về với Cha và ra lệnh cho các môn đệ khởi hành tiến về thế giới.

Đức Giêsu lên đường, thăng thiên, nghĩa là trở về với Cha, Đấng đã sai Ngài xuống thế. Ngài đã hoàn thành việc của mình và bây giờ Ngài trở về cùng cha. Nhưng ở đây không gợi lên cho chúng ta sự xa cách, vì Ngài vẫn luôn ở cùng chúng ta, theo một dạng thức khác. Với sự thăng thiên của mình, Chúa Phục Sinh đã thu hút cái nhìn của các tông đồ – và của cả chúng ta nữa – về tầm cao của Thiên Đàng để cho chúng ta thấy cùng đích của hành trình của chúng ta là chính Chúa Cha. Chính Ngài cũng đã từng nói rằng Ngài ra đi là để dọn chỗ cho chúng ta ở trên Thiên Đàng. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn hiện diện ở đây và hoạt động nơi những biến cố của lịch sử con người với quyền năng và ân sủng của Thánh Thần Ngài; Ngài ở cạnh mỗi người chúng ta, dù chúng ta không thế tỏ tường bằng mắt, nhưng có Ngài ở đó! Ngài đồng hành với chúng ta, hướng dẫn chúng ta, cầm tay chúng ta và nâng chúng ta dậy mỗi khi chúng ta vấp ngã. Đức Giêsu phục sinh ở kề bên những Kitô hữu bị bắt bớ và bị phân biệt đối xử; ngài ở gần tất cả chúng ta, hôm nay, ngài hiện diện ở đây, nơi quảng trường này; Thiên Chúa luôn ở với chúng ta! Anh chị em có tin đều này không? Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nói lớn lên: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Khi trở về Trời, Đức Giêsu mang đến với Chúa Cha một món quà. Món quà nào vậy? Những thương tích của Ngài. Thân thể của Ngài hết sức tuyệt đẹp, không có những vết thâm tím, không có những đau vết đau từ đòn roi, nhưng còn lại những thương tích. Khi ngài về với Chúa Cha, Ngài sẽ chỉ cho Chúa Cha thấy những thương tích ấy và Ngài nói với Chúa Cha rằng: “Cha ơi, Cha nhìn này, đây là giá phải trả cho ơn tha thứ mà Cha đã ban”. Khi Chúa Cha nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta, không phải vì chúng ta tốt lành, nhưng vì Đức Giêsu đã trả thay cho chúng ta. Nhìn đến những thương tích của Đức Giêsu, Chúa Cha sẽ động lòng thương yêu. Đây là điều mà Đức Giêsu làm trên Thiên Đàng hôm nay: cho Chúa Cha thấy giá phải trả cho ơn tha thứ, đó chính là những thương tích của Ngài. Chúa Cha luôn luôn tha thứ, vì Người nhìn thấy những thương tích của Đức Giêsu, Người nhìn thấy tội lỗi chúng ta và Người tha thứ tất cả.

Nhưng Đức Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta qua Giáo Hội mà Ngài đã sai đi để nới rộng sứ mạng. Lời cuối cùng Đức Giêsu nói với các môn đệ là lệnh truyền hãy ra đi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy.” (Mt 28,19). Đây chính xác là một lệnh truyền, không phải là một chọn lựa! Cộng đoàn Kitô giáo là một cộng đoàn “ra đi”, “lên đường”. Giáo Hội được khai sinh để ra đi. Anh chị em có thể hỏi tôi: thế thì những cộng đoàn trong đan viện thì sao? Vâng, những cộng đoàn này “ra đi” bằng lời cầu nguyện, bằng con tim mở ra với thế giới, với những chân trời của Thiên Chúa. Thế còn những người già, người bệnh thì sao? Họ cũng vậy, họ ra đi bằng lời cầu nguyện và kết hiệp với những thương tích của Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã nói với các môn đệ được sai đi: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (c. 20). Không có Đức Giêsu, tự sức chúng ta, chúng ta không thể làm gì được! Trong hoạt động tông đồ, sức mạnh của chúng ta, nguồn lực của chúng ta, cơ cấu của chúng ta không đủ, dù là rất cần thiết. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh của Thánh Thần Ngài, công việc của chúng ta, dù được tổ chức tốt, cũng sẽ không thể sinh hiệu quả. Vì thế, chúng ta hãy ra đi để nói cho mọi người biết Đức Giêsu là ai.

Cùng với Đức Giêsu, Đức Maria, mẹ chúng ta, luôn đồng hành với chúng ta. Bây giờ, Mẹ đã ở trong nhà Cha, Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng, và chúng ta hãy khẩn cầu cùng Mẹ trong lúc này; như Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta, Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, cũng đồng hành với chúng ta.”

Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha gợi nhắc với mọi người về Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội hôm nay, với chủ đề: Truyền thông hướng đến phục vụ nền văn hóa gặp gỡ. Ngài chia sẻ rằng các phương tiện truyền thông xã hội có thể phục vụ cho cảm thức hiệp nhất của gia đình nhân loại, sự liên đới và dấn thân để nhân phẩm con người được tôn trọng. Ngài xin mọi người hãy cầu nguyện để việc truyền thông trong mọi hình thức có thể giúp cho việc gặp gỡ giữa con người, cộng đồng, quốc gia; một cuộc gặp gỡ đặt nền tảng trên sự tôn trọng và lắng nghe nhau.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc đến một vị vừa được phong Chân Phước ở Collevalenza, rồi Ngài gửi lời chào đến tất cả các khách hành hương đang có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô.