27/11/2024

Chuyện cổ tích về “mẹ Ngân”

15 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, cô giáo Nguyễn Thị Ngân (thôn Ngàn Ván, xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) thành công với hai lớp mầm non tình thương nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em nghèo trưởng thành.

 

Chuyện cổ tích về “mẹ Ngân”

15 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, cô giáo Nguyễn Thị Ngân (thôn Ngàn Ván, xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) thành công với hai lớp mầm non tình thương nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em nghèo trưởng thành.
15 năm qua, cô Ngân đã nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em nghèo từ mái nhà đơn sơ – Ảnh: N.Cát

 

Trong mảnh chiếu cói trải rộng giữa sàn nhà cấp bốn lụp xụp, gần 30 trẻ nhỏ từ 18 tháng đến 3 tuổi ngồi thành vòng tròn đang hí hoáy xếp từng chiếc cốc nhựa chồng lên nhau.

“Ở đây đồ chơi ít, chủ yếu tự tay cô làm ra hoặc mua những vật dụng về cho các con tập nhận diện sắc màu” – cô Ngân cười xuề xòa.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

 

Trích lương đóng học phí cho trò

Nói về lớp học của cô Ngân, cô Ngô Thị Vân – hiệu trưởng Trường mầm non An Dương – cho biết: “Từ khi mở lớp học tình thương đến nay, cô Ngân đã tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh gửi con từ sáng đến tối. Cháu nào nhà nghèo thì toàn bộ số tiền từ học phí đến các khoản đóng góp khác đều do cô giáo Ngân trích từ tiền lương đóng cho. Năm 2007, cô Nguyễn Thị Ngân được Bộ GD-ĐT tặng cúp lưu niệm và vòng nguyệt quế trong hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến trong giáo dục – đào tạo”.

 

Lớp học tình thương của cô Ngân khởi đầu từ một chuyến du lịch vào Đà Nẵng năm 1993.

Hành trình khám phá vùng đất mới biết bao điều lạ, đặc biệt lần đầu trông thấy lũ trẻ trong lớp mầm non thành phố biết đi vệ sinh đúng chỗ, cô Ngân chợt nhớ đến lũ trẻ quê mình: “Tại sao mười mấy tháng tuổi các con đã tự biết đi vệ sinh đúng chỗ, được chơi trò chơi, còn lũ nhóc quê mình vẫn bới đất bới cát ngoài đường, lang thang nhếch nhác suốt ngày?”.

Lý trí thúc giục trái tim bằng mọi giá phải làm cho được, về nhà cô Ngân liền giấu mẹ đăng ký đi học bổ túc ở tuổi 30, khi bạn bè đã yên bề gia thất.

Năm 1995, hoàn thiện chương trình bổ túc trình độ THCS ở xã, cô Ngân tiếp tục học THPT tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên. Gian nan, vất vả vì nhà quá nghèo, nghèo đến nỗi muối ăn cũng chia nhau từng chút, lại càng cực khổ hơn khi phải khai thấp 10 tuổi cô mới được nhận vào lớp đào tạo trung cấp giáo viên mầm non tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Yên.

Hè năm 2014, kết thúc sự nghiệp học hành truân chuyên, chọn vị trí “đắc địa” là ngôi nhà mẹ xây cho em gái, cô Ngân về mở lớp mầm non “huy động” trẻ em nghèo đến học. Lấy gạo của nhà nấu cơm cho trẻ ăn, thời gian đầu đối với cô Ngân là trường kỳ kháng chiến. Vậy mà cũng có không ít điều ra tiếng vào khi nhiều người trong làng dị nghị, đay nghiến cô là “đồ dở hơi, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”…

Bất chấp lời tiếng gièm pha, lớp học của cô Ngân cứ thế đông dần. Tiếng lành đồn xa, không chỉ phụ huynh học sinh ở các xã lân cận Quang Tiến, Ngọc Vân, Ngọc Châu mà ở tận tỉnh Thái Nguyên… nhiều cha mẹ cũng kéo đến xin cho con theo học.

“Mẹ Ngân” ơi, đừng chết!

Cô Ngân 45 tuổi, không chồng. Nếu như không bước vào lớp, hẳn ai cũng sẽ tin rằng tiếng gọi “mẹ Ngân ơi” tròn trịa, ngọt ngào cất lên từ miệng lũ trẻ là dành cho một cô giáo mầm non còn trẻ.

Hơn một lần Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) gửi cô về để gia đình lo hậu sự vì căn bệnh u xơ tử cung không thể cứu chữa.

Đó là những ngày giáp Tết Nguyên đán 2007, cô Ngân ngã bệnh phải nằm viện điều trị hai tháng liền ròng rã. Hôm bệnh viện trả cô Ngân về, dân làng kéo đến thăm hỏi chật kín cả sân vườn, đông nhất là lũ trẻ 3-5 tuổi.

Nghe chúng gọi “Mẹ Ngân ơi đừng chết”, “Cô chết rồi con biết học ai”, nhiều người thương tâm không kìm nổi nước mắt.

“Lúc đó mơ hồ, mình giục giã thâm tâm phải cố gắng, thật cố gắng để sống. Chết đi rồi, ai sẽ trông lũ trẻ cho bố mẹ chúng ra đồng, lớp học kia ai sẽ thay mình dạy đây. Chẳng nhẽ bao nhiêu công sức đổ bể hết sao. Không được chết, mình bắt buộc phải sống…” – giọng cô Ngân tràn đầy tâm huyết. Bao nhiêu yêu thương cô Ngân dồn cả vào tâm sức, gắng ăn uống và tập tành đi lại như một đứa trẻ mới lên ba.

Rồi một điều kỳ diệu đã xảy ra, sức khỏe cô Ngân dần hồi phục. Ba tháng sau, cô trở lại khỏe mạnh như người bình thường trong niềm hân hoan hạnh phúc của lũ trẻ. Giành lại sự sống từ tay thần chết, đến nay một năm cô Ngân vẫn hai lần về Bệnh viện Bạch Mai để truyền máu trong sự ngỡ ngàng, sửng sốt của các bác sĩ đã trả cô về năm xưa.

15 năm chiến đấu với cái nghèo mở lớp học nhưng chỉ đến khi sáp nhập vào Trường mầm non xã An Dương, cô Ngân mới chính thức được công nhận là giáo viên và nhận mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Tất cả số tiền đó, cô Ngân lại để dành mua gạo ăn, mua sách cho các con đi học.

NGUYỆT CÁT