Người góp công lớn cho cải lương
Bà Ba Ngoạn sinh con trai là Nguyễn Ngọc Cương, sau này trở thành một trong những người tiên phong gầy dựng cải lương trong buổi đầu hình thành. Ông cũng là người đào tạo ra những ngôi sao Năm Phỉ, Bảy Nam, Ngọc Sương, Thanh Tùng…
Người góp công lớn cho cải lương
Bà Ba Ngoạn sinh con trai là Nguyễn Ngọc Cương, sau này trở thành một trong những người tiên phong gầy dựng cải lương trong buổi đầu hình thành. Ông cũng là người đào tạo ra những ngôi sao Năm Phỉ, Bảy Nam, Ngọc Sương, Thanh Tùng…
|
Bỏ ngành y, theo sân khấu
Bà Ba Ngoạn cho con trai Nguyễn Ngọc Cương qua Pháp du học, để sau này làm bác sĩ. Học được một năm thì ông Cương bỏ trường y, đăng ký vô trường sân khấu. Một cậu bé khi sinh ra đã mang dòng máu nghệ sĩ trong người, rồi cả thời ấu thơ lúc nào cũng nghe tiếng sáo tiếng đờn, thấy ánh đèn màu lộng lẫy, thuộc từng bộ diễn của nghệ sĩ, thì làm sao không “nhiễm”, không mê cho được. Dĩ nhiên bà Ba Ngoạn muốn con làm bác sĩ để rạng rỡ và ổn định, vì thời đó bác sĩ rất danh giá, lương cao, huống chi là bác sĩ từ Pháp về. Nhưng rồi bà cũng phải chiều theo sở thích của con. Nhờ vậy mà sau này sân khấu có một người thúc đẩy phát triển lên một giai đoạn rực rỡ khác: hình thành bộ môn cải lương.
Khi ông Nguyễn Ngọc Cương đi Pháp về thì cải lương chưa có, chỉ mới manh nha với hình thức đầu tiên là “ca ra bộ” đang được ưa chuộng ở Mỹ Tho (với gánh của thầy Năm Tú), và Vĩnh Long, Sa Đéc (với gánh của thầy Andre Thận). Ông Cương bèn gom một số nhóm đờn ca tài tử ở Sài Gòn lại và phát triển “ca ra bộ” tại Sài Gòn.
NSND Kim Cương vừa kể mà tay vừa “ra bộ”, miệng cười vui sướng như chính mình đang diễn lúc đó: “Ba tôi mời mấy ông thợ hớt tóc ráp vô đờn ca chơi, rồi đặt lời, kêu bà Năm Phỉ, Năm Xoàn… đứng ra ca, ca tới câu nào thì làm động tác theo câu đó. Bà nội thấy người ta thích quá, bèn chọn những ngày chủ nhật cho dàn tài tử này lên hát ở bộ ván gõ trong nhà, ai tới coi thì cứ chồng một xấp 10 xu như “tiền vé”, là được vô coi. Tiền xu không đếm, cứ chồng đúng 10 xu thì độ cao bấy nhiêu đó”. Dù gọi đờn ca tài tử nhưng không phải nghĩa “nghiệp dư”, mà người chơi rất chuyên nghiệp, rất giỏi. Họ lại làm những nghề bình thường như hớt tóc, làm ruộng, tối tối ôm đờn xúm nhau lại ca hát. Thành ra ông Ngọc Cương biết ai đờn hay thì mời về, bất luận làm nghề gì.
Gánh cải lương lớn nhất nhì miền Nam
Khoảng năm 1918, từ các nhóm “ca ra bộ”, các gánh cải lương đầu tiên đã hình thành, là gánh thầy Năm Tú, gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông, gánh Trần Đắc của ông Trần Đắc Nghĩa… Ông Ngọc Cương thành lập luôn gánh cải lương Phước Cương vào năm 1926. Tên Phước Cương là ghép từ chữ Ngọc Cương và chữ Lê Công Phước (tên của Bạch Công Tử George Phước, Mỹ Tho lừng lẫy cùng thời với Hắc Công Tử Trần Trinh Huy, Bạc Liêu). Ông Nguyễn Ngọc Cương và ông Lê Công Phước từng đi học sân khấu tại Pháp nên quen biết nhau và cùng ảnh hưởng Tây học, nên quyết chí làm một sân khấu mang chất Tây học nhiều hơn. Cải lương đáp ứng được những điều kiện đó, vì nó mở ra một phương thức biểu diễn mới mẻ mà hai ông có thể áp dụng những kiến thức sân khấu mình học ở Pháp vào. Cho nên gánh Phước Cương tập hợp toàn những nghệ sĩ nổi tiếng như Năm Phỉ, Ba Vân, Phùng Há, Tám Danh, Ba Du, Hai Nữ… Sau này Bạch Công Tử tách ra lập gánh riêng tên là Huỳnh Kỳ và cưới bà Phùng Há. Còn lại mình ông Ngọc Cương quản lý gánh Phước Cương nhưng lực lượng vẫn rất mạnh.
Năm 1931, gánh Phước Cương tham dự liên hoan sân khấu tại Pháp (gọi là Đấu xảo thuộc địa Paris) được công chúng và báo chí hoan nghênh nhiệt liệt, nổi bật nhất là tài năng của cô đào đẹp Năm Phỉ. Cũng cần nói thêm, ông Nguyễn Ngọc Cương còn một công lao nữa là đem những cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo về nhờ ông Năm Châu dịch ra tiếng Việt, hoặc ông cùng dịch với ông Năm Châu, rồi sau đó Năm Châu chuyển thể thành kịch bản cải lương, để gánh Phước Cương tập tuồng biểu diễn. Nhờ vậy mà cải lương có chất Tây học rất rõ, thu hút được những trí thức khó tính. Và gánh Phước Cương đi diễn từ bắc tới nam, nổi tiếng với câu nói trong dân gian “Nam Cương, Bắc Ứng”, nghĩa là “miền Nam có ông bầu Cương, miền Bắc có ông bầu Ứng”.
Theo lời NSND Kim Cương thì: “Cải lương mới manh nha nên chưa đủ đào kép, ba tôi phải đào tạo thôi”. Và trong hồi ký Trôi theo dòng đời của NSND Bảy Nam cũng có viết: “Chính ông đã đưa các tài tử như cô Ái Liên, cô Bạch Mai, cô Mỹ Tiên, anh Năm Nghĩa, Năm Phồi, Ba Giáo, Bảy Bửu… lên sân khấu. Những người này trước đây chỉ biết ca chứ chưa diễn lần nào, sau này đều trở thành diễn viên xuất sắc”. (Còn tiếp)
Cuộc hôn nhân với 2 chị em Ông Nguyễn Ngọc Cương có người vợ đầu tiên là bà Năm Nhỏ, cô đào hát bội tài sắc trong gánh của mẹ mình (bà Ba Ngoạn). Hai người chia tay, ông cưới bà Năm Phỉ, rồi lại chia tay, cưới bà Bảy Nam, em ruột Năm Phỉ. Khi ông mất, bà Bảy Nam phải gánh vác đoàn hát Phước Cương trong vất vả. Nhưng nền tảng hiện đại mà ông để lại đã truyền sang cô con gái Kim Cương để hình thành đoàn kịch nói đầu tiên mạnh nhất miền Nam – đoàn kịch Kim Cương.
|
Hoàng Kim