Viết tiếp ước mơ từ đôi chân
Cậu học trò nghèo không có đôi tay Nguyễn Minh Trí, nhân vật trong bài viết “Ước mơ được viết bằng chân” trên Tuổi Trẻ ngày nào, giờ là sinh viên năm thứ nhất ĐH An Giang.
Viết tiếp ước mơ từ đôi chân
Nguyễn Minh Trí và những nét chữ đầu tiên - Ảnh: Mai Bửu Minh |
Sinh ra không có đôi tay nhưng với nghị lực của mình, cậu học trò tật nguyền ấy đã biến đôi chân trở nên kỳ diệu làm được mọi thứ.
Từ đôi chân kỳ diệu
“Khi có điều kiện em sẽ về quê mở lớp phổ cập tin học giúp bà con nông dân. Đó cũng là cách đáp lại những tấm lòng gần xa từng giúp đỡ cho mình” NGUYỄN MINH TRÍ |
Nhà Trí nằm bên đoạn kênh vắng heo hút giữa cánh đồng xã vùng sâu Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang). Trí là con út trong gia đình nghèo có tới năm anh em, lúc sinh ra đã không có đôi tay, nhờ chịu khó luyện tập mà mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, tắm rửa, chải đầu, mặc và giặt quần áo… cậu đều tự làm lấy. Dần dà đôi chân cậu còn làm được những việc như nấu ăn, trồng cây, quét nhà, chăn nuôi, đặc biệt thêu và vẽ rất có nét. Mọi người bảo Trí là cậu bé có đôi chân kỳ diệu.
Ông Nguyễn Văn An, cha Trí, nhớ lại khi nhìn chúng bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường cậu ham lắm, cứ nằng nặc đòi đi học. Những lúc ông dạy chữ cho người anh kế, Trí luôn ngồi kế bên để đọc theo rồi miệt mài tập viết bằng chân. Bàn chân phải đè lên giữ cuốn vở, hai ngón cái và trỏ của bàn chân trái kẹp cây viết ngọ nguậy cố nắn nót từng nét. Em ngồi lì cặm cụi hàng giờ, hai ngón chân bị phồng rộp da, tê cứng vẫn không nản. Mỗi lần nhìn con tập viết, vợ chồng ông không cầm được nước mắt. Họ động viên, tìm cách giúp đỡ con. Dần dà cây viết trở nên dễ bảo đã cho những con chữ rõ nét, tròn trịa ngày một đẹp hơn.
Ngày đầu tiên Trí đến trường nhập học, nhìn đứa trẻ không có đôi tay thầy cô đều tỏ vẻ ái ngại, Trí lẳng lặng dùng chân mở chiếc cặp lấy quyển vở lật ra, rồi kẹp cây bút chì viết liền một hơi. Dòng chữ đẹp đều đặn hiện ra trước bao ánh mắt ngỡ ngàng, thế là cậu được nhận vào lớp. Trong lớp luôn có cái bàn khá đặc biệt, có tới hai băng ghế đặt ở cuối dãy để Trí ngồi nhổm chân trên đó ghi chép bài.
Gia đình không có đất canh tác, mấy anh chị lớn lần lượt bỏ học sớm cùng cha mẹ quanh năm đi làm thuê rồi lập gia đình riêng. Trường xa gần bốn cây số, Trí thường lội bộ, còn mùa nước nổi thì tự bơi xuồng ngày hai buổi đi về. “Thầy cô đều khen Trí chịu khó, ham học, ngoan hiền. Năm học nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhiều năm được nêu gương là học sinh tiêu biểu của trường” – cô Lê Hồng Ngọc Rạng Đông, giáo viên chủ nhiệm cũ của Trí, kể.
Trí lên bảng giải toán khi đang học lớp 3 năm 2004 Ảnh: Mai Bửu Minh |
Sinh viên công nghệ thông tin
Sau hai bài viết “Không tay Trí vẫn còn đôi chân” và “Ước mơ được viết bằng chân” trênTuổi Trẻ, đông đảo bạn đọc gần xa đã đóng góp ủng hộ Trí gần 45 triệu đồng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng tặng 5 triệu đồng để giúp Trí có điều kiện viết nên ước mơ với đôi chân kỳ diệu của mình. Năm 2008 Trí nhận được học bổng “Vươn lên” của báo Tuổi Trẻ. |
Nhờ số tiền được hỗ trợ cha mẹ Trí thuê đất trồng lúa, chăn nuôi thêm để có điều kiện lo cho con học hành. Hằng ngày ngoài buổi học, cậu chăm sóc đàn vịt, ếch, cá, những kỳ nghỉ hè còn theo phụ thu hoạch lúa. “Gia đình Trí rất chí thú làm ăn, riêng em tuy không có đôi tay nhưng rất cần mẫn, siêng năng, là một tấm gương vượt khó cho nhiều thanh thiếu niên noi theo” – ông Nguyễn Thế Xiêu, chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Tây, nói.
Gần đây thuê đất trồng lúa thường thua lỗ, chăn nuôi ếch, cá lắm khi cũng bị rớt giá khiến nhiều vụ gần như trắng tay. Biết hoàn cảnh gia đình mình, Trí chỉ nộp hồ sơ dự thi vào ĐH An Giang để học gần nhà, đỡ gánh nặng cho cha mẹ già. Trí kể hồi nhỏ mình từng ước mơ trở thành thầy giáo, với năng khiếu về hội họa sẽ làm thêm nghề họa sĩ. Qua tư vấn của thầy cô, phần cũng thích máy tính nên cậu chọn ngành công nghệ thông tin.
Trí hiện là sinh viên ngành công nghệ thông tin ĐH An Giang - Ảnh: Giang Phạm |
Kỳ tuyển sinh năm ngoái người cha đưa con xuống trường rồi vội vàng trở về với công việc làm thuê tất bật. “Vợ chồng tui cầu mong cho con thi đậu, cố gắng làm lụng dành dụm tiền chuẩn bị cho con đi học sắp tới” – ông An nói.
Trí được nhóm sinh viên tình nguyện giúp đỡ, đưa đón đến điểm thi. Trong phòng thi, giám thị đặt cái bàn đặc biệt dành cho thí sinh không có đôi tay này. Hôm hay tin cậu học trò nghèo không có đôi tay trúng tuyển đại học, cả xóm nghèo, thầy cô, bạn bè đều mừng cho Trí. Cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, cả nhà cậu ngỡ ngàng, nghẹn ngào trong nước mắt…
Thấy ở ký túc xá của trường bất tiện cho sinh hoạt đối với mình, Trí theo người bạn thân cũng học cùng ngành ở ĐH An Giang thuê nhà trọ ở, hằng ngày hai sinh viên nghèo lội bộ lên giảng đường, thay nhau nấu ăn để tiết kiệm chi phí.
Trên giảng đường Trí sử dụng tới hai chiếc ghế, một để ngồi và một làm bàn ghi chép bài vở bằng chân. Khi thực hành trên máy tính và vào thư viện tra cứu thông tin, Trí ngồi hơi ngửa ra phía sau, chân trái gác lên bàn điều khiển bàn phím và con chuột, hai ngón chân cái và trỏ bấm gõ cũng khá nhanh nhạy.
ĐỨC VỊNH