Xác một con hươu non hai đầu đã được tìm thấy trong rừng rậm ở bang Minnesota (Mỹ), mà theo nhận định của giới chuyên gia thuộc Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên Minnesota, đây là trường hợp vô cùng hiếm.
“Thậm chí chúng tôi không thể tính toán được mức độ hiếm có của nó”, theo nhà nghiên cứu về loài hươu Gino D’Angelo đang công tác tại Đại học Georgia.
Đây cũng là trường hợp hươu hai đầu lần đầu tiên có thể sống đến lúc chào đời. Những trường hợp trước đó chỉ được ghi nhận dưới dạng bào thai. Lâu nay, các ca song sinh liền thân xảy ra phổ biến hơn ở gia súc, như cừu, bò, thậm chí cả mèo, nhưng hiếm khi nào xuất hiện trong thế giới hoang dã. Trong số 19 ca song sinh liền thân ở động vật hoang dã từ năm 1671 đến 2006, chỉ có 5 ca thuộc loài hươu nai.
Các chuyên gia Mỹ vừa tiến hành mổ tử thi, chụp cộng hưởng từ (MRI) và CT xác hươu hai đầu tại Phòng thí nghiệm chẩn đoán thú y của Đại học Minnesota. Hình ảnh cho thấy mẫu vật có chung một cơ thể, nhưng phần cột sống tách ra từ ngực, nên chúng có hai xương cổ tách biệt và hai đầu hoàn chỉnh. Khi đặt vào nước, hai lá phổi chìm thẳng xuống đáy, xác nhận chúng chưa từng hít thở không khí vào thời điểm chào đời, và các cơ quan nội tạng cũng không phát triển đủ để con vật tội nghiệp có thể sống được.
Dựa trên kết quả mổ xác, mẫu vật có hai hệ thống tiêu hoà khác nhau, nhưng chỉ một bộ máy kết nối hoàn chỉnh đến hậu môn. Xác hươu cũng cho thấy rõ hai quả tim bên trong một túi ngoại tâm, hai lá lách, và một quả gan phát triển không hoàn chỉnh.
“Cấu trúc nội tạng của hươu cho thấy con vật không thể nào sống được”, chuyên gia D’Angelo chỉ ra. Tuy nhiên, hươu con được tìm thấy trong bộ dạng lông được chải chuốt chỉnh tề và trong tư thế tự nhiên, cho thấy hươu mẹ cố gắng chăm sóc con của mình sau khi chuyển dạ, theo báo cáo đăng trên chuyên san The American Midland Naturalist. Hiện xác hươu đang được trưng bày tại trụ sở Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên Minnesota ở TP.Paul.
PHI YẾN