9.200 trẻ mắc bệnh tim mỗi năm
Rất nhiều khó khăn trong điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em như thiếu nhân lực, trang thiết bị, thuốc… đã được đặt ra tại hội nghị khoa học nhi khoa năm 2014. Theo PGS Minh Phúc, số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
9.200 trẻ mắc bệnh tim mỗi năm
Cảnh bệnh nhi và người thân nằm ngoài hành lang khoa tim Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 28-8) – Ảnh: Hữu Khoa
Hội nghị do Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phối hợp với Hội Nhi khoa TP.HCM tổ chức ngày 28-8.
PGS.TS Vũ Minh Phúc – trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1, chủ nhiệm bộ môn nhi Trường đại học Y dược TP.HCM – đã nêu ra những khó khăn, bất cập trong quá trình điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em qua báo cáo đề tài “Những thách thức trong xử trí bệnh tim bẩm sinh tím” tại hội nghị.
Theo PGS Minh Phúc, số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Nếu quản lý thai kỳ tốt…
Chỉ khoảng 50 bác sĩ được đào tạo bài bản về tim mạch nhi VN hiện có 19 bệnh viện điều trị bệnh tim ở trẻ, trong đó TP.HCM có 10 bệnh viện, Hà Nội năm bệnh viện, còn lại Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Kiên Giang mỗi tỉnh thành có một bệnh viện. Trong số 19 bệnh viện này chỉ có năm bệnh viện phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh, gồm Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Viện Tim TP.HCM. Chưa kể mạng lưới bác sĩ tim mạch nhi rất mỏng và chỉ tập trung ở các TP lớn. Theo thống kê, cả nước có khoảng 50 bác sĩ được đào tạo bài bản về tim mạch nhi, trong số này chỉ 20 bác sĩ có thể phẫu thuật được những bệnh tim bẩm sinh rất khó, rất nặng ở trẻ sơ sinh và cũng tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Huế. |
Mỗi năm nước ta có khoảng 9.200 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó có 3.000 ca tim bẩm sinh tím (tim bẩm sinh nặng-PV).
Số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh tăng một phần do khả năng phát hiện bệnh tốt hơn nhờ phương tiện chẩn đoán, hỗ trợ chẩn đoán tốt hơn (máy siêu âm tim, chụp CT cắt lớp, chụp MRI, chụp DSA…), kiến thức kỹ năng của các bác sĩ nhi khoa trong việc phát hiện tim bẩm sinh cao hơn, còn lại là nguyên nhân quản lý thai kỳ chưa tốt.
Theo PGS.TS.BS Minh Phúc, nếu quản lý thai kỳ tốt, số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ không cao. PGS Minh Phúc khẳng định như vậy vì có những nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em có thể phòng ngừa được như đái tháo đường của thai kỳ, nhiễm trùng bào thai, chẩn đoán tiền sản…
Cụ thể, một bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ sinh con bị tứ chứng Fallot gấp ba lần so với bà mẹ không mắc bệnh, hoặc hàng loạt trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh do người mẹ nhiễm Rubella.
Ngoài ra, bác sĩ không phát hiện được những bệnh tim bẩm sinh nặng trong thai kỳ nên đã không thể tham vấn cho gia đình biết khi trẻ mắc bệnh đó sẽ không có khả năng cứu chữa, để từ đó có quyết định chấm dứt thai kỳ.
Điều trị trong tình trạng nghèo nàn
Tuy cả nước đều triển khai siêu âm tim bào thai, song thực tế chỉ những TP lớn mới thực hiện được chứ ở các tỉnh hầu như không có chuyên gia để thực hiện, hoặc nếu có làm thì độ tin cậy không cao nên bệnh nhân dồn hết lên TP. Do vậy, số bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh được phát hiện sớm rất thấp. Đa số bệnh nhi đến bệnh viện trong tình trạng nặng như thiếu oxy rất nặng, tím tái, bệnh nhân suy tim, thậm chí sốc…
Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến chỉ định điều trị phẫu thuật, trì hoãn chỉ định phẫu thuật và ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.
Không chỉ thiếu nhân lực mà cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ cũng rất thiếu, hầu như không bệnh viện nào trên cả nước có một xe chuyển bệnh đạt chuẩn quốc tế. Khu vực hoạt động về chuyên khoa cũng thiếu rất nhiều như bơm tiêm, máy thở, monitor, máy siêu âm tim, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, giường trong hồi sức.
PGS Minh Phúc kết luận: “Chúng ta đã xử lý cho bệnh nhân trong điều kiện rất nghèo nàn”. Ngay cả hai loại thuốc rất thiết yếu trong điều trị bệnh tim là PGE1, milrinone, được thế giới sử dụng để cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh thì chúng ta lại rất thiếu.
Milrinone chập chờn lúc có lúc không, còn PGE1 đang đứt hàng phải đi năn nỉ rất nhiều nơi nhưng vẫn không được nơi nào duyệt, không được quan tâm vì cho rằng thuốc này không quan trọng, không thiết yếu. Nhưng theo bác sĩ Minh Phúc, nếu không có loại thuốc này khoảng 3.000 trẻ mắc bệnh tim nặng sẽ tử vong.
Sau khi nghe những tồn tại PGS.TS.BS Minh Phúc nêu ra tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết thời gian qua Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện đã cố gắng cung ứng những loại thuốc cấp cứu cho bệnh nhân.
Riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có kiến nghị với Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế đã gửi công văn đến Cục Quản lý dược- Bộ Y tế để xin phép nhập những loại thuốc này.
THÙY DƯƠNG