01/11/2024

Thế giới đang thất bại trong cuộc chiến chống Ebola?

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) hôm 2-9 cảnh báo rằng thế giới có khả năng sẽ không kiềm chế nổi sự bùng phát của dịch Ebola. Hãng tin AFP dẫn lời chủ tịch quốc tế của MSF Joanne Liu khẳng định đợt dịch Ebola hiện nay là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, kể từ khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố Ebola là vấn đề khẩn cấp toàn cầu thì các nước vẫn chưa có động thái quyết liệt với dịch bệnh này.

 

Thế giới đang thất bại trong cuộc chiến chống Ebola?

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) hôm 2-9 cảnh báo rằng thế giới có khả năng sẽ không kiềm chế nổi sự bùng phát của dịch Ebola.  

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ở trung tâm chăm sóc người bệnh Ebola của tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Monrovia, Liberia - Ảnh: AFP

MSF kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp thiết bị y tế cũng như gửi thêm nhân sự giúp cho các quốc gia Tây Phi khống chế dịch bệnh.

Hãng tin AFP dẫn lời chủ tịch quốc tế của MSF Joanne Liu khẳng định đợt dịch Ebola hiện nay là giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, kể từ khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố Ebola là vấn đề khẩn cấp toàn cầu thì các nước vẫn chưa có động thái quyết liệt với dịch bệnh này.

“Thế giới đang thất bại trong cuộc chiến kiềm chế cơn dịch này. Lãnh đạo các nước đang thất bại trong việc kiểm soát mối đe dọa xuyên quốc gia này” – bà Liu nhấn mạnh

Bà Liu kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ thêm giường cho mạng lưới bệnh viện ở khu vực có dịch bệnh và gửi thêm những nhân viên có kỹ năng cũng như triển khai các phòng thí nghiệm cơ động khắp Guinea, Sierra Leone và Liberia.

MSF khẳng định các vùng dịch đang thiếu trầm trọng giường cho bệnh nhân Ebola, chỉ tính riêng thủ đô Monrovia của Liberia hiện đang cần đến 800 giường. Các trung tâm y tế ở Liberia và Sierra Leone đang quá tải và ngày nào cũng có bệnh nhân Ebola tử vong ngay trong chính cộng đồng đang sinh sống nên nguy cơ lây lan càng cao.

“Mỗi ngày chúng tôi phải chuyển người bệnh đi vì quá tải” – điều phối viên của MSF ở Monrovia, Stefan Liljegren cho biết.

Theo WHO, dịch Ebola từ khi bùng phát đến nay đã làm 1.552 người thiệt mạng và 3.062 nhiễm bệnh. Với tỉ lệ lây nhiễm hiện nay, WHO quan ngại phải mất từ 6 tháng đến 9 tháng và tiêu tốn ít nhất 480 triệu USD mới có thể khống chế được sự bùng phát của dịch bệnh và lúc đó sẽ có khoảng 20.000 người có khả năng bị ảnh hưởng.

Cùng lúc, Tổ chức nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo khủng hoảng lương thực nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra ở các vùng đang bị cách ly vì dịch Ebola ở Tây Phi, càng đẩy khu vực này rơi vào nguy cơ của sự nghèo đói.