28/11/2024

204.377 người nghiện chỉ bắt đi cai được… 33

7 tháng đầu năm 2014, TAND mới chỉ đưa vào cơ sở bắt buộc 33 trường hợp, một con số quá nhỏ so với 204.377 người nghiện có hồ sơ quản lý. Đây là vấn đề “nóng” tại phiên giải trình thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai

 

204.377 người nghiện chỉ bắt đi cai được… 33

 

7 tháng đầu năm 2014, TAND mới chỉ đưa vào cơ sở bắt buộc 33 trường hợp, một con số quá nhỏ so với 204.377 người nghiện có hồ sơ quản lý. Đây là vấn đề “nóng” tại phiên giải trình thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, do Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hôm qua (27.9).

 


Công an TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) vất vả xử lý một con nghiện gây án trong khách sạn – Ảnh: Nguyễn Long

 

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cảnh báo số người nghiện của VN trong mấy năm qua chỉ tăng mà không giảm. Nếu không tập trung giải quyết vấn đề này thì tình hình ma túy, tội phạm liên quan đến ma túy sẽ rất phức tạp. Đặc biệt, người nghiện không quản lý chặt chẽ dễ trở thành tội phạm nguy hiểm. Trường hợp Lê Văn Luyện ở Bắc Giang là ví dụ, khi lên cơn nghiện đã giết cả gia đình nạn nhân.

Khắp nơi chưa… hướng dẫn

 

 
 

Thủ tục cai nghiện tuy có trục trặc, nhưng nếu tập trung sẽ làm được. Vì vậy, các bộ cần tập trung tiếp thu, rút kinh nghiệm, dứt khoát phải làm quyết liệt hơn. Tôi mong có nhiều cuộc giám sát, nếu các cấp các ngành và xã hội không vào cuộc, cả xã hội không giải quyết được

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

 

 

ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) chất vấn: “Trong báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH đổ cho nhiều ngành công an, tư pháp, tòa án, y tế… Việc đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc nguyên nhân chậm là do đâu? Do chậm trễ triển khai hay là do chưa dự đoán được những vướng mắc trong quá trình thực hiện?”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, từ đầu năm đến nay, các địa phương chưa đưa được người nghiện vào các trung tâm bắt buộc vì gặp khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân được ông Đàm đưa ra là còn một số văn bản của các bộ, ngành chưa ban hành theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn) như: hướng dẫn về thẩm quyền, thủ tục quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy; hướng dẫn kinh phí thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Việc tổ chức thực hiện giữa các ngành tại địa phương chưa chặt chẽ. Sở Y tế chưa tiến hành tập huấn xác định tình trạng nghiện cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Công an tỉnh chưa hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sở Tư pháp chưa hướng dẫn thẩm tra hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tòa án chưa hướng dẫn thẩm tra trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, ông Đàm nói.

“Con đường đưa người đi cai dài như đi từ Hà Nội vào TP.HCM”

 

 
 

Gần 50% số người nghiện ma túy là nông dân

 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm, đến cuối tháng 8.2014, cả nước có gần 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Ba năm trở lại đây, số người nghiện đều tăng qua các năm. Năm 2011 là 158.414 người; năm 2012: 172.000 (tăng 8,57%); năm 2013: 181.396 người (tăng 5,46%); 8 tháng đầu năm 2014, tăng 0,8%. Trong số người nghiện có 96% nam giới, 50% ở độ tuổi 16 – 30, 0,02% dưới 16 tuổi. Tất cả các tỉnh, TP đều có người nghiện; gần 90% quận, huyện và khoảng 60% xã phường, thị trấn đã có người nghiện ma túy.

Còn theo số liệu mới nhất được Bộ Công an khảo sát trên toàn quốc, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 204.377. Số có việc làm không ổn định là 41%, không việc làm 44%. Thành phần nghiện hút nhiều nhất là nông dân 49,57%, các thành phần tiểu thương, ngành nghề khác 42,8%, công nhân 6,71%. Cả nước có 142 trung tâm cai nghiện và mới chỉ quản lý 32.200 người.

 

 

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề: “Trình tự thủ tục hồ sơ xác định người nghiện quá phức tạp, qua nhiều cơ quan hành chính. 7 tháng đầu năm, tòa án cấp huyện chỉ đưa ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 33 trường hợp. Những trường hợp này có đảm bảo đúng trình tự pháp luật hay không?”.

Ông Bùi Ngọc Hòa, Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng do chưa ban hành các biểu mẫu hướng dẫn cụ thể nên tại các địa phương việc thực hiện còn chưa thống nhất và lúng túng. Trả lời câu hỏi của một đại biểu tại sao thực trạng nghiện ma túy xảy ra ngày càng nhiều và các địa phương vẫn chưa đưa vào trung tâm cai nghiện được, ông Hòa nói: “Trình tự thủ tục lập hồ sơ qua rất nhiều bước. Nghị định, luật có hướng dẫn nhưng triển khai chưa đồng bộ. Thêm vào đó, điều kiện vật chất của các cơ sở thực hiện còn nhiều vấn đề phức tạp”. Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho rằng, “mấu chốt vấn đề” ở đây là lập hồ sơ đưa đi cai nghiện, thủ tục rườm rà.

Nghe vậy, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đã thốt lên: “Con đường đưa người đi cai dài như đi từ Hà Nội vào TP.HCM”. Rồi bà Mai quay sang chất vấn Bộ Tư pháp: “Để triển khai thực hiện quy định biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần bao nhiêu loại giấy tờ?”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng liệt kê hàng loạt nghị định, văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực này, và cho biết theo Nghị định 111/2013 cần phải ban hành 43 biểu mẫu. Bộ Tư pháp 29 biểu mẫu, Bộ Công an 13 biểu mẫu… “Vậy tổng cộng để đưa người nghiện đi cai cần 43 biểu mẫu hay sao?”, bà Mai hỏi lại. Thứ trưởng Bộ Tư pháp lúng túng, nhờ cấp dưới trả lời. Bà Mai truy tiếp: “Đề nghị Bộ Tư pháp cho biết cụ thể có bao nhiêu biểu mẫu. 10, 20 hay 30?”. Phía Bộ Tư pháp xin khất để rà soát lại.

Mặc dù đã ban hành nhiều văn bản, song ông Tụng thừa nhận, thực tế vẫn còn vướng hướng dẫn của các bộ ngành, như: chưa xác nhận tình trạng cai nghiện, bản thân quy định của các nghị định khó khả thi như quy định phải thông báo bằng văn bản cho người nghiện khi lập hồ sơ trước khi đưa vào trung tâm, dẫn đến người nghiện bỏ trốn khỏi địa phương, rồi xác nhận tình trạng cai nghiện của cơ quan y tế chưa cụ thể, việc cấp giấy xác nhận của địa phương…

Sẽ có tòa chuyên trách người nghiện

Trước giải trình của các bộ, bà Trương Thị Mai bày tỏ: “Có lẽ Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB-XH cần phải phối hợp xử lý lại. Nếu không cải cách mạnh thì con đường ra các quyết định còn rất là dài. Xử lý nhanh sẽ giải quyết được tâm tư bức xúc của xã hội. Còn nếu ban hành chậm người nghiện có thể gây rối trật tự an toàn xã hội”. Lấy dẫn chứng từ việc Công an TP.HCM rất gian nan khi xử lý đối tượng nghiện ma túy, nhưng không đưa được vào các trung tâm cai nghiện, bà Mai đề nghị Bộ Y tế cần phải có xác nhận tình trạng ma túy, hướng dẫn tập huấn và quản lý thuốc. Các Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tư pháp sớm có biểu mẫu hồ sơ liên quan đến thủ tục xác nhận người nghiện ma túy. Bộ Công an hướng dẫn tiêu chí đối tượng nghiện ma túy thuộc nhóm côn đồ, hung hãn vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về các giải pháp cụ thể, bà Mai đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về ma túy, đồng thời ủng hộ đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH xây dựng luật Dự phòng và cai nghiện ma túy. Bà Mai cho biết thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ủng hộ trình luật Tổ chức TAND (sửa đổi), trong đó sẽ có tòa chuyên trách để ra quyết định đối với các vụ việc vi phạm hành chính, tập trung lớn nhất là đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tham dự phiên giải trình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phê bình các bộ đã chậm ban hành các văn bản liên quan. “Thủ tục cai nghiện tuy có trục trặc, nhưng nếu tập trung sẽ làm được. Vì vậy, các bộ cần tập trung tiếp thu, rút kinh nghiệm, dứt khoát phải làm quyết liệt hơn. Tôi mong có nhiều cuộc giám sát, nếu các cấp các ngành và xã hội không vào cuộc, cả xã hội không giải quyết được”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thu Hằng