27/11/2024

Linh đạo Thánh Thể

Linh đạo Thánh Thể là linh hồn của một cộng đoàn Giáo Hội cố gắng vượt qua những chia rẽ và những tranh chấp và làm nổi bật sự đa dạng của các đặc sủng và của các thừa tác vụ được dùng để phục vụ sự hợp nhất của Giáo Hội, phục vụ sự sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

 Linh đạo Thánh Thể

Viếng thăm mục vụ tại Ancône
Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc gia Ý lần 25
Xưởng đóng tàu Ancône
Chúa Nhật XXIV TN, 11/9/2011

Anh chị em rất thân mến!

Cách đây 6 năm, chuyến tông du đầu tiên tại Ý dưới triều đại Giáo Hoàng của tôi đã đưa tôi đến Bari tham dự Đại hội quốc gia lần 24. Hôm nay, tôi đến đây để long trọng bế mạc Đại hội lần 25 tại Ancône. Tôi tạ ơn Chúa về những thời khắc mãnh liệt của Giáo Hội đã củng cố tình yêu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và làm cho chúng ta quy tụ chung quanh Thánh Thể! Bari và Ancône, hai thành phố hướng về biển Adriatique; hai thành phố phong phú về lịch sử và về đời sống Kitô giáo; hai thành phố hướng về phương Đông, về nền văn hoá và tu đức Đông Phương; hai thành phố mà các chủ đề của các Đại hội Thánh Thể gíup chúng ta xích lại gần nhau hơn: tại Bari, chúng ta đã nhắc lại «không có Chúa Nhật, chúng tôi không thể sống được»; và ngày hôm nay chúng ta lại gặp nhau qua chủ đề «Thánh Thể cho đời sống thường nhật».

Trước khi trình bày với anh chị em một vài suy nghĩ, tôi xin được cảm ơn tất cả anh chị em đã đến đây tham dự Thánh lễ này: và qua anh chị em, tôi xin được ôm vào lòng cách thiêng liêng toàn thể Giáo Hội tại Ý. Tôi gửi lời chào cảm ơn đến Chủ tịch Hội đồng Giám mục là Đức Hồng Angelo Bagnasco đã thay mặt anh chị để chào đón tôi một cách thân tình; đến vị Đặc sứ của tôi tại Đại hội này là Đức Hồng y Giovanni Battista Re; đến Đức Tổng giám mục Ancône-Osimo, là Đức cha Edoardo Menichelli, đến các giám mục trong vùng, các giám mục vùng Marches và đông đảo các giám mục từ khắp đất nước đã quy tụ về đây. Cùng với các ngài, tôi xin chào các linh mục,  phó tế, những người sống đời thánh hiến, và các tín hữu giáo dân mà trong đó tôi thấy đông đảo các gia đình và các bạn trẻ. Tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với các cấp chính quyền dân sự và quân sự, và tất cả những ai, dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, đã cộng tác để mang lại thành quả cho biến cố này.

“Lời này chướng tai quá! Ai nghe cho được?” (Ga 6,60). Khi nghe Đức Giêsu trình bày về bánh sự sống trong hội đường Capharnaüm, phản ứng của các môn đệ, mà số đông đã bắt đầu bỏ Đức Giêsu, thì không khác với phản ứng của chúng ta trước sự tận hiến hoàn toàn bản thân của con người Đức Giêsu. Bởi vì thật sự chấp nhận việc tận hiến này có nghĩa là đánh mất chính mình, để cho Chúa hoàn toàn sử dụng và biến đổi hữu thể chúng ta, như Thánh Phaolô đã nhắc lại trong bài đọc II: “Nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, chúng ta cũng chết cho Chúa. Vậy, dầu sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

“Lời này chướng tai quá! Ai nghe cho được?”, lời này chướng tai, bởi vì lắm khi chúng ta lẫn lộn tự do với việc thiếu vắng những mối quan hệ, chúng ta xác tín là chúng ta có thể tự quản mà không cần Thiên Chúa được xem là người giới hạn tự do của chúng ta. Đây là một ảo tưởng không chóng thì chầy cũng vỡ mộng và làm cho chúng ta lo âu và sợ hãi, và ngược đời thay, lại làm cho chúng ta nuối tiếc những chuỗi ngày trong quá khứ: «Phải chi chúng tôi chết bởi bàn tay Đức Chúa trong đất nước Ai Cập…» – người Do Thái đã nói như thế trong sa mạc như chúng ta vừa nghe (Xh 16,3). Trong thực tế, chỉ khi chúng ta mở lòng đón nhận Thiên Chúa, chỉ khi nào chúng ta đón nhận hồng ân của Ngài, thì chúng ta mới thực sự trở nên tự do, được giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi làm biến thể gương mặt của con người, và có khả năng phục vụ lợi ích thật của tha nhân.

“Lời này chướng tai quá! Ai nghe cho được!”; lời này chướng tai, bởi vì con người thường rơi vào ảo ảnh của quyền hành muốn «biến những hòn đá thành bánh». Sau khi đặt Thiên Chúa ra ngoài lề xã hội, hay dung thứ cho Ngài như một chọn lựa cá nhân không được can thiệp vào đời sống công, một số ý thức hệ đã nhắm tổ chức xã hội bằng sức mạnh của quyền hành và của kinh tế. Lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy một cách bi thảm rằng mục tiêu bảo đảm cho mọi người sự phát triển, cuộc sống sung túc về mặt vật chất và hoà bình bằng cách loại trừ Thiên Chúa và sự mạc khải của Ngài, rốt cuộc lại mang đến cho con người những hòn đá thay vì bánh ăn. Anh chị em thân mến, bánh là «kết quả của lao công con người», và chân lý này chứa đựng toàn bộ trách nhiệm được giao phó cho bàn tay và khối óc của chúng ta, nhưng trước tiên, bánh cũng là «hoa màu ruộng đất» đón nhận mặt trời và mưa sa từ trên cao: đây là một ân huệ mà ta phải cầu xin, bởi vì nó loại trừ khỏi con người chúng ta óc kiêu ngạo và giúp chúng ta cầu xin Chúa với niềm tin tưởng của kẻ khiêm nhường: «Lạy Cha chúng con (…), xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày» (Mt 6,11).

Con người không có khả năng ban cho mình sự sống, con người chỉ hiểu được mình khởi đi từ Thiên Chúa: chính mối tương quan với Ngài làm cho nhân tính của chúng ta được vững chắc và cho cuộc đời chúng ta được tốt đẹp và công chính. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện. Tiên vàn chúng ta phải tái khám phá tối thượng quyền của Thiên Chúa trên thế giới và trong cuộc đời chúng ta, bởi vì chính tối thượng quyền của Thiên Chúa cho phép chúng ta khám phá chân lý về bản tính của chúng ta, và khi biết và vâng theo ý Thiên Chúa chúng ta mới tìm thấy lợi ích thực sự của chúng ta. Hãy dành thời gian và không gian cho Thiên Chúa, để Ngài có thể là tâm điểm cốt lõi của cuộc đời chúng ta.

Chúng ta phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ nguồn suối nào để tái khám phá và tái khẳng định tối thượng quyền của Thiên Chúa? Từ Thánh Thể; nơi đây Thiên Chúa gần gũi chúng ta đến độ biến mình thành lương thực nuôi sống chúng ta, nơi đây Ngài biến mình sinh lực nâng đỡ chúng ta trên con đường lắm khi trắc trở, nơi đây Ngài hiện diện như một người bạn có sức biến đổi chúng ta. Lề luật được Chúa ban qua Môisen đã được xem là «bánh bởi Trời», nhờ đó Israel trở thành dân Chúa, nhưng trong Đức Giêsu, lời sau cùng và dứt khoát của Thiên Chúa đã hoá thân thành nhục thể, đến gặp  chúng ta như một Nhân vị. Người, Lời vĩnh cửu, là Manna thật, là Bánh Sự Sống (x. Ga 6,32-35) và làm những công việc của Thiên Chúa là tin vào Đức Kitô (x. Ga 6,28-29). Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã gồm tóm toàn bộ cuộc đời của mình vào trong một hành động được in sâu vào trong lời đại chúc tụng vượt qua dâng lên Thiên Chúa, một hành động được Đức Giêsu sống với tư cách là Con luôn tạ ơn Chúa Cha vì tình yêu bao la của Ngài. Đức Giêsu bẻ bánh và chia cho các môn đệ, nhưng hành động này lại mang một nét sâu xa mới, bởi vì Người đang trao ban chính bản thân mình. Người cầm chén rượu và chia cho các môn đệ, để tất cả có thể uống cùng một chén, nhưng với cử chỉ này, Người ban «giao ước mới trong Máu Người», Người trao ban chính bản thân mình. Đức Giêsu thể hiện trước hành động tình yêu tột cùng, vâng theo Thánh ý Cha: hiến mình trên Thánh giá. Người ta sẽ lấy đi mạng sống của Người trên Thánh giá, nhưng ngay từ bây giờ, Người đã dâng hiến mạng sống mình. Như thế, cái chết của Đức Kitô không bị giản lược vào một cuộc hành quyết vũ phu, nhưng được Người biến thành một hành động tình yêu tự do, một hành động trao ban, vượt qua cái chết một cách khải hoàn, và tái khẳng định sự tốt đẹp của công trình sáng tạo do bàn tay Thiên Chúa thực hiện, công trình đã bị tội lỗi huỷ hoại, nhưng rốt cuộc đã được Đức Kitô cứu chuộc. Hồng ân bao la này, chúng ta có thể nhận được trong Bí tích Thánh Thể: Thiên Chúa hiến mình cho chúng ta, để mở rộng cuộc đời chúng ta đón nhận Ngài, để đặt cuộc đời chúng ta trong mầu nhiệm tình yêu Thánh giá, để chúng ta được thông phần vào mầu nhiệm vĩnh cửu là nguồn gốc của chúng ta, và để trải nghiệm trước cuộc sống viên mãn trong Thiên Chúa, trong khi mong chờ ngày chúng ta được sống cuộc sống đó.

Nhưng khởi đi từ Thánh Thể để tái khẳng định tối thượng quyền của Thiên Chúa đòi chúng ta điều gì trong cuộc sống thường nhật? Các bạn thân mến, hiệp lễ kéo chúng ta ra khỏi tính cá nhân chủ nghĩa, thông truyền cho chúng ta tinh thần của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, và làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người; hiệp lễ liên kết chúng ta với anh chị em cách sâu xa trong mầu nhiệm hiệp thông là Giáo Hội, trong đó một tấm Bánh duy nhất làm cho nhiều người trở nên một thân mình duy nhất (x. 1Cr 10,17), thể hiện lời kinh của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai được tường thuật trong sách Didachè: «Cũng như tấm bánh được bẻ ra này trước kia rải rác trên các núi đồi, và sau đó được đưa về để trở thành một, thì cũng thế, Giáo Hội của Chúa cũng được quy tụ về từ khắp chân trời góc biển thành vương quốc của Ngài» (IX, 4). Thánh Thể nâng đỡ và biến đổi toàn bộ cuộc sống thường nhật. Như tôi đã nhắc lại trong Thông điệp đầu tiên của tôi, «Hiệp thông Thánh Thể bao gồm cả hai thực tại được yêu mến và yêu người khác». Chính vì thế, «một cuộc cử hành Thánh Thể mà không đi đến việc thực thi bác ái một cách cụ thể thì thực chất đã bị chia cắt» (Deus caritas est [Thiên Chúa là Tình yêu ], s. 14).

Giáo Hội 2000 năm lịch sử có rất nhiều vị thánh mà cuộc đời là dấu chỉ hùng hồn nói lên sự kiện khi ta hiệp thông với Chúa và khởi đi từ Thánh Thể, thì lúc đó sẽ có một hình thức lãnh nhận trách nhiệm một cách mới mẻ và mãnh liệt trên mọi lĩnh vực của đời sống cộng đoàn; như thế, sẽ có một hình thức phát triển xã hội mới mẻ và tích cực đặt trọng tâm trên con người, đặc biệt khi đó là người nghèo, bệnh tật hay đang lâm cơn túng quẫn. Được nuôi dưỡng bằng chính thân mình Đức Kitô, đó là con đường để ta không sống lạ lẫm hay lãnh đạm với số phận của những anh chị em chúng ta, nhưng đúng hơn là chấp nhận cùng luận lý tình yêu và luận lý tự hiến của Thánh giá; ai biết quỳ gối trước Thánh Thể, lãnh nhận thân mình Đức Kitô thì không thể không quan tâm, trong thói quen của cuộc sống thường nhật, đến những tình huống bất xứng với con người; ai biết cúi mình trước tiên trước những con người đang sống trong cơn quẫn bách, ai biết bẻ bánh của mình cho người đang đói và biết chia nước cho người đang khát, ai biết mặc cho người trần truồng và thăm viếng bệnh nhân và người đang bị giam cầm (x. Mt 25,34-36). Người ấy sẽ có thể nhận ra trong mỗi con người cùng một Thiên Chúa, Đấng đã không ngần ngại thí mạng sống mình cho chúng ta và để cứu rỗi thế gian.

Như thế, một linh đạo Thánh Thể sẽ là phương dược thật chữa trị cá nhân chủ nghĩa và tính ích kỷ thường ghi dấu trong cuộc sống thường nhật. Linh đạo này sẽ giúp ta tái khám phá tính trao ban nhưng không, chấp nhận vị trí trung tâm của những mối tương quan, khởi đi từ gia đình, và quan tâm đặc biệt để xoa dịu những vết thương của những gia đình ly tán. Linh đạo Thánh Thể là linh hồn của một cộng đoàn Giáo Hội cố gắng vượt qua những chia rẽ và những tranh chấp và làm nổi bật sự đa dạng của các đặc sủng và của các thừa tác vụ được dùng để phục vụ sự hợp nhất của Giáo Hội, phục vụ sự sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Linh đạo Thánh Thể là con đường để phục hồi phẩm giá cho những ngày sống của con người, và như thế, phục hồi phẩm giá cho lao công của con người, tìm cách giao hoà với thời gian dành cho lễ hội và gia đình, và dấn thân làm việc để giải quyết tình trạng việc làm bấp bênh và vấn nạn thất nghiệp. Linh đạo Thánh Thể cũng giúp chúng ta tiếp cận những hình thái mỏng giòn của con người, ý thức chúng không phương hại đến giá trị của con người, nhưng  đòi hỏi sự gần gũi, chấp nhận và giúp đỡ con người. Khả năng giáo dục được đổi mới sẽ nhận được sức mạnh từ Bánh Sự Sống, quan tâm làm chứng cho những giá trị cơ bản của cuộc sống, của kiến thức về di sản tinh thần và văn hoá; sức sống của Bánh Sự Sống sẽ làm cho chúng ta có thể sống trong kinh thành của con người, luôn sẵn sàng hy sinh cho chân trời công ích để xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy bắt đầu từ vùng đất Marches này với sức mạnh của Thánh Thể trong một sự thẩm thấu thường xuyên giữa mầu nhiệm chúng ta đang cử hành với bối cảnh cuộc sống thường nhật của chúng ta. Không có cái gì mang tính  nhân văn đích thực mà lại không tìm thấy trong Thánh Thể hình thức thích hợp để sống một cách sung mãn: như thế, ước gì cuộc sống thường nhật trở nên một nơi ta có thể thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần, để trong mọi tình huống, ta có thể sống tối thượng quyền của Thiên Chúa, được xem như một phần trong mối tương quan với Đức Kitô và như một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa Cha (x. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Sacramentum caritatis [Bí tích tình yêu], s. 71). Vâng, đúng thế, «con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra» (Mt 4,4): chúng ta sống theo Lời Chúa là bánh sự sống, đến mức dâng hiến toàn thân cho Chúa với sự hiểu biết của tình yêu như Thánh Phêrô: «Lạy Chúa, chúng con biết đi theo ai đây? Ngài mới có những lời ban lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin, và chúng con nhận ra Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa» (Ga 6,68-69).

Như Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cũng hãy trở nên một «cung lòng», sẵn sàng ban tặng Đức Giêsu cho con người thời đại chúng ta, thức tỉnh ước muốn sâu xa của con người muốn được cứu độ đến từ một mình Đức Kitô. Tôi chúc cho toàn thể Giáo Hội tại Ý hành trình bình an với Đức Kitô là Bánh Sự Sống! Amen.