27/11/2024

Bài 4. Kitô học ứng dụng: Công việc nên làm trong tháng

Mỗi tháng sống là một thời gian vừa đủ dài để ta đặt những kế hoạch ngắn hạn cho đời sống của mình. Nếu bạn đã lập kế hoạch năm, bạn có thể phân chia kế hoạch đó theo đơn vị từng tháng cho dễ thực hiện.

 Bài 4. Kitô học ứng dụng

CÔNG VIỆC NÊN LÀM TRONG THÁNG

Mỗi tháng sống là một thời gian vừa đủ dài để ta đặt những kế hoạch ngắn hạn cho đời sống của mình. Nếu bạn đã lập kế hoạch năm, bạn có thể phân chia kế hoạch đó theo đơn vị từng tháng cho dễ thực hiện. Nếu trong tháng có những kế hoạch đặc biệt do quyết định từ tháng trước hay công việc bất ngờ cần làm ngay, bạn có thể sắp xếp lại chương trình sống. Sau đây là một vài việc nên làm.

1. Tĩnh tâm tháng

Nhiều cộng đồng linh mục hay tu sĩ vẫn có thói quen tĩnh tâm tháng, nhưng chưa thể hiện được hiệu quả cao nhất vì chưa biết làm tổng kết tháng, mà chỉ tập trung vào việc nghe giảng. Còn ít tín hữu giáo dân làm việc này vì chưa thấy được ích lợi rất lớn lao của nó trong việc sống đạo và truyền đạo. Chúng tôi xin giới thiệu vài việc nên làm để bạn tĩnh tâm cho hiệu quả.

Bạn có thể dành chừng 2 giờ trong buổi sáng, chiều hay tối, của ngày cuối tháng để tĩnh tâm tháng. Nếu quá bận, bạn có thể làm vào ngày đầu tháng mới. Nơi tĩnh tâm: ở gia đình hay ở một chỗ yên tĩnh nào đó như ở 1 góc nhà thờ, tu viện, vườn cây, công viên…

Mục đích:

– Nhìn lại 1 tháng đã qua để tổng kết mọi công việc trong tháng.

– Hoạch định chương trình hành động trong tháng tới.

– Tạ ơn Chúa về các ơn Ngài ban và xin chúc lành cho tháng mới.

 

2. Tổng kết tháng vừa qua

Công việc này dơn giản chỉ là cộng tất cả các dữ liệu trong tháng để chuẩn bị cho việc tiếp theo là nhận định các sự kiện và hoạt động của tháng. Việc làm này kéo dài khoảng từ 30 phút đến 1giờ tuỳ công việc nhiều hay ít.

Cách làm: Bạn nên in sẵn (photocopy) các mục cần tổng kết trên một tờ giấy khổ A4 cho từng tháng gọi là Bảng Tổng Kết Tháng. Trên tờ này có phần trống để ghi các số liệu. Đây chỉ là bản nháp cho việc tổng kết.

Bạn mở sẵn lịch bàn, bắt đầu từ ngày đầu tháng cho đến ngày cuối tháng và cẩn thận ghi từng mục trong bản tổng kết. Bạn có thể ghi bằng hình thức đếm theo số lần, số giờ và ghi số tổng cộng ở cuối mỗi mục, hoặc có thể đánh giá theo 3 mức độ: khá (+), trung bình (TB), kém (-) ở một số mục không thể tính được số lần hay số giờ.

Sau khi làm tổng kết các số liệu trên bản nháp, bạn ghi lại bảng này trong cuốn Sổ Đời Sống của bạn. Công việc này tốn chừng 15-20 phút. Sổ này rất quan trọng vì lưu giữ các sự kiện và số liệu thuộc đời sống của bạn, nên cần được cất giữ cẩn thận. Bạn nên mua một cuốn sổ đẹp, dày chừng 150-200 trang, khổ 15x23cm, có bìa cứng để dễ bảo quản.

Tuỳ theo bạn là linh mục, tu sĩ hay giáo dân mà bạn có thể chọn hoặc thêm vào các mục trong Bảng Tổng Kết Mẫu sau đây.

Tháng….. năm 2014

1. Sự kiện: ghi vắn tắt những biến cố hay sự kiện chính xảy ra trong tháng mà chúng ảnh hưởng đến mình.

2. Đạo đức, gồm các mục: Dâng ngày (DN), Xưng tội (XT), Tĩnh tâm (TT), Thánh lễ (TL), Cám ơn sau rước lễ (CO), Đàng Thánh Giá (ĐTG), Đường Ánh Sáng (ĐAS), Lần hạt (LH), Suy niệm (SN), Giờ kinh phụng vụ (GKPV), Viếng Thánh Thể (VTT), Xét mình (XM),… Đối với linh mục, tu sĩ, bạn có thể thêm các mục như Giải tội (GT), Giảng lễ (GL), Bí tích (BT)… Cộng (số giờ hay mức độ + TB -).

3. Học hành: Môn học, Ngoại ngữ, Tư liệu, Internet, Sách báo,.. Cộng (số giờ).

4. Sinh hoạt: Làm việc, Di chuyển, Đoàn thể Công giáo, Mua sắm, … Cộng (số giờ).

5. Sức khoẻ: Thể dục, Thể thao, Ăn uống, Ngủ, Giải trí, Đau bệnh,… Cộng (số giờ hay lần).

6. Tương quan xã hội: Khách thăm, Thư nhận, Thư gửi, Điện thoại, Bác ái, Thăm viếng, … Cộng (số giờ).

7. Tài chính:

Thu:  Cá nhân, Lương, Ân nhân, Gia đình, Đặc biệt, …. Cộng (số tiền).

Chi: Cá nhân, Người nghèo, Gia đình, Đặc biệt, … Cộng (số tiền).

Tổng cộng: Thu:…………. Chi:………..

Sai biệt (giữa thu và chi): ………..

8. Tổng cộng: Tổng số giờ làm việc các mục chia cho số ngày trong tháng, để ra kết quả là số giờ trung bình làm việc mỗi ngày.

9 . Ghi nhớ: ân nhân trợ giúp, mắc nợ ai cần trả…

10. Kế hoạch tháng sau: ghi vắn tắt những việc cần làm trong tháng sau.

Sau đây là Mẫu Tổng kết tháng

 TỔNG KẾT THÁNG

Tháng ……….. năm…………


1. Sự kiện: ………………………………………..

………………………………………………………..

………………………………………………………..

………………………………………………………..

………………………………………………………..

………………………………………………………..


 

2. Đạo đức:    DN    XT    TT    TL    CƠ     Đàng      Đường AS     LH     NN    GKPV  

                      ….    ….    ….    .…     …..       ..….           ……        .….    ..…   ….…    

                   VTT    STT     XM                                                                    Cộng: …………

 ..….    ..….     ..….

3. Học hành:  Môn học    N.ngữ    Tư liệu    Internet    Sách báo                 Cộng: …………

     …….        …….       …….      …….        …….          

4. Sinh hoạt:  Làm việc     Di chuyển   Đoàn thể CG    Mua sắm                 Cộng: ………….

                        ……..          ………         …………       ……….   

5. Sức khoẻ:  T.dục    T.thao    Ăn uống    Ngủ    Giải trí    Đau bệnh           Cộng: ……….

                    ……..     ……..     ………    …….   ………      ………

6. T.quan XH:  Khách thăm   Thư nhận   Thư gửi   Điện thoại   Bác ái   Thăm viếng Cộng:…..

                           …………      …………     .………     ………     .…….      ….……       

7. Tài chính:

Thu:    Cá nhân       Lương          Ân nhân        Gia đình        Đặc biệt             Cộng:  ………

            ………..    ………….     ………….      …………      .…………     

Chi:   Cá nhân     Ng.nghèo      Gia đình        Bác ái       Đặc biệt                     Cộng:  ………

          ………..     …………     ….………      ……….      …………   

Sai biệt: ……………………………………………………

8. Tổng cộng:  Tổng số giờ làm việc/số ngày…..     Trung bình mỗi ngày 

                           …………………………..                 …………………..           

9. Ghi nhớ: ………………………………………

………………………………………………………..

………………………………………………………..

………………………………………………………..

    

10. Kế hoạch tháng tới: …………………….

………………………………………………………..

………………………………………………………..        

Sau cùng, bạn có thể ghi các số liệu của tháng vào Bảng Tổng Kết Năm trong cột của tháng đó. Công việc này tốn khoảng 10 phút.

3. Nhận xét về các hoạt động trong tháng

Sau phần ghi dữ liệu, bạn nên dành chừng 15-30 phút để phân tích, nhận xét hay so sánh với số liệu tháng trước để xem mình có tiến bộ hay thụt lùi trong một số lĩnh vực, cũng như xem phần kế hoạch năm hoàn thành được bao nhiêu trong tháng. Bạn cũng có thể tìm ra những nguyên nhân tạo nên những thành công hay thất bại, những rối loạn, bệnh tật để điếu chỉnh hoặc thay đổi cách sống thế nào trong thời gian tới. Vì thế công việc này rất quan trọng và cần ơn soi sáng của Chúa.

Thí dụ: Tôi thất bại trong kỳ thi vừa qua là vì dành nhiều giờ cho việc chơi games, số giờ chơi games là 45g. Vậy tôi sẽ bớt xuống còn 15g.  Tôi có triệu chứng bệnh tiểu đường là vì chiều tối nào cũng nể bạn uống bia. Tôi chỉ gặp bạn 1 tuần 1 lần, vào chiều thứ Ba…

4. Kế hoạch tháng sau

Sau phần suy nghĩ và nhận xét, bạn sẽ dễ dàng thấy mình cần thay đổi gì để lập kế hoạch cho tháng mới. Bạn có thể ghi vắn tắt những việc cần làm trong lịch để bàn hay trong lịch tháng của bạn để dễ nhớ.

5. Bí tích Hoà Giải

Bạn có thể xin lãnh nhận bí tích Hoà Giải vào dịp tĩnh tâm tháng sau khi tổng kết sinh hoạt tháng. Việc xưng tội này sẽ giúp bạn nhận thêm nhiều ơn Chúa, dù bạn không có tội trọng cần xưng ngay, để bắt đầu đoạn đường mới tốt đẹp hơn.

Nếu trong khi xét mình xưng tội, bạn thấy mình cần sửa đổi một vài tật xấu (bỏ lễ Chúa Nhật, ham đi xem bói, thủ dâm…) hay cơn nghiện nào (rượu, ma tuý, bài bạc, trò chơi trực tuyến, phim sex, …) bạn có thể tra cứu ở phần Lời Khuyên Mục Vụ để lên chương trình hành động cho tháng mới, năm mới.

Thực hành:

– Bạn thường xưng tội mỗi tháng, vài ba tháng 1 lần hay vào dịp chuẩn bị lễ Giáng sinh, Phục Sinh?

– Bạn xưng với bất cứ linh mục nào hay luôn xưng với cha linh hướng của bạn để xác định được bước tiến trên đường tu đức?

– Bạn xét mình theo tiêu chuẩn nào: Mười Điều Răn, Sáu Điều Luật Hội Thánh hay Tám Mối Phúc Thật?