26/12/2024

Hoàng Hậu Nam Phương

Nhắc đến Hoàng hậu Nam Phương người ta nhớ đến một nhan sắc tuyệt vời. Người ta có thể chê trách đời công – đời tư – chuyện nầy chuyện nọ của Cựu hoàng Bảo Đại nhưng không ai tiếc cho tư cách của Hoàng hậu Nam Phương một điều gì.

 Hoàng Hậu Nam Phương

Mối nhân duyên với cựu hoàng Bảo Đại và thân phận một hoàng hậu lưu vong

Đăng Bởi  - 
Nguyễn Hữu Thị Lan khi học bên Pháp

Nguyễn Hữu Thị Lan khi học bên Pháp

Nhắc đến Hoàng hậu Nam Phương người ta nhớ đến một nhan sắc tuyệt vời. Người ta có thể chê trách đời công – đời tư – chuyện nầy chuyện nọ của Cựu hoàng Bảo Đại nhưng không ai tiếc cho tư cách của Hoàng hậu Nam Phương một điều gì.
Mối nhân duyên cùng cựu hoàng Bảo Đại

Mười năm học tập ở Pháp, năm 1932 vua Bảo Đại “hồi loan”. Bảo Đại (sinh 1913) là một ông vua đẹp trai, có Tây học, ham thích thể thao, săn bắn và âm nhạc, là hình ảnh lý tưởng của con gái Việt Nam, đặc biệt là con gái Huế thời bấy giờ và mãi nhiều năm về sau. Nhiều nhà quyền quý,  có con gái đều nhắm đến vị Hoàng đế trẻ tuổi nầy.

Sau ngày Bảo Đại về nước, bà Từ Cung – mẹ đẻ của vua Bảo Đại, đã chọn cô Bạch Yến ([1]) con ông Phó bảng Nguyễn Đình Tiến quê ở làng Chí Long (Phong Điền, Thừa Thiên) để chuẩn bị tiến cung.  Cô Bạch Yến  được dạy đàn ca, thơ phú, dạy ăn nói, đi lại cho đúng với lễ nghi trong cung cấm. Hằng ngày cô được tắm gội bằng sữa dê để giữ làn da đẹp. Nhưng rồi thật bẽ bàng, cuối cùng cô Bạch Yến đã không được Bảo Đại lưu ý.

Nguyễn Hữu Thị Lan khi học bên Pháp
Bởi vì ông đã được vợ chồng ông Charles – nguyên Khâm sứ Trung Kỳ, người đỡ đầu cho Bảo Đại trong thời gian du học tại Pháp, sắp xếp cho cưới cô Nguyễn Hữu Thị Lan (sinh 1914), con một nhà hào phú Nam bộ là ông Nguyễn Hữu Hào (gốc Gò Công). Bà còn là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ – người giàu nhất Nam bộ đầu thế kỷ XX. Nguyễn Hữu Thị Lan rất đẹp, có Tây học giống như Bảo Đại. Bà nhận lời tỏ tình của Bảo Đại với điều kiện Bảo Đại và triều đình của ông phải cam kết thực hiện những việc sau:

   1. Bà phải được tấn phong hoàng hậu ngay trong ngày làm lễ cưới;

   2. Được giữ nguyên đạo Thiên Chúa, các con sinh ra đều được rửa tội và được giữ đạo.

   3. Bảo Đại được tự do giữ đạo cũ là Phật Giáo.

   4. Phải được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai bắt buộc ai về tôn giáo.

Việc phong hoàng hậu cho Bà Nguyễn Hữu Thị Lan gặp phải chủ trương “Tứ bất lập” của triều Nguyễn (từ thời Minh Mạng). Nhà Nguyễn không lập hoàng hậu, không lập thái tử, không đặt chức tể tướng, không lấy đỗ Trạng Nguyên. Việc hoàng hậu nước Nam và các hoàng tử, công chúa của Bà được rửa tội và theo đạo Thiên Chúa là một thách thức đối với triều đình Nguyễn vốn sùng đạo Nho. Nếu xét kỹ hơn, trong lịch sử, đạo Thiên Chúa từng là thù địch của dòng họ Nguyễn. Xưa nay ông hoàng làm lễ nạp phi, bà chúa hạ giá cho con cháu các đại thần khi có quyết định của nhà vua không ai phải xin phép ai nữa cả. Thế mà bây giờ Bảo Đại muốn lấy Nguyễn Hữu Thị Lan thì phải xin phép Giáo hoàng ở tận bên La mã. Thật là một chuyện rắc rối.

Người ta kể lại rằng: Đáng lẽ Nguyễn Hữu Thị Lan còn đòi thêm điều nầy: Bà “là người có đạo, chỉ một vợ một chồng, chứ không được như các vua Nguyễn có đến 9 bậc phi tần”.Nhưng Bà đã không đưa điều kiện đó ra vì trong một buổi bàn về chuyện nạp phi, Bảo Đại đã nói công khai với đình thần rằng ông “chống lại tục đa thê của vua chúa Việt Nam”.

 

Nhắc đến Hoàng hậu Nam Phương người ta nhớ đến một nhan sắc tuyệt vời. Cách phục sức của bà giản dị nhưng mẫu mực. Hình ảnh bà mặc triều phục đội mũ miện hoàng hậu, mặc áo rộng đội khăn vành dành riêng cho hoàng hậu, mặc quốc phục áo dài, để đầu trần hay vấn khăn đều là “mẫu nghi” của phụ nữ Việt Nam thế kỷ qua.

 

Những điều kiện bà Nguyễn Hữu Thị Lan đưa ra rất khắt khe, những người trung thành với nhà Nguyễn đã nghĩ “Bảo Đại khó lòng thỏa mãn được”. Nhưng họ không hiểu rằng Bảo Đại là một sản phẩm đào tạo ở bên Tây, những ràng buộc của lễ giáo cũ làm sao ngăn cản được quyết tâm của ông. Họ càng không hiểu nổi việc hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan do thực dân Pháp đặt định chứ không có trời đất nào định cả. Bảo Đại đã đồng ý, người Pháp tác hợp rồi, có triều đình bù nhìn nào, lễ giáo nào ngăn cản được họ nữa?

 

Nghe tin Bảo Đại sắp cưới Nguyễn Hữu Thị Lan, cô Bạch Yến hết sức thất vọng. Để khỏi lỡ duyên, cô được gia đình gả cho ông Phạm Đình Ái, người Quảng Nam, mới tốt nghiệp kỹ sư hóa học bên Tây về.

Nguyễn Hữu Thị Lan trong ngày nhận ngôi vị hoàng hậu với cái tên Nam Phương

Đám cưới của Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan được tổ chức vào ngày 20.3.1934. Sau đó Bảo Đại tấn phong ngay cho cô Lan làm Hoàng hậu với cái tên Nam Phương[2].

Để phù hợp với nếp sống theo phương Tây, trước khi làm lễ cưới, Bảo Đại đã cho sửa nội thất điện Kiến Trung cổ kính thành một cung điện tân tiến với đầy đủ tiện nghi của người châu Âu. Nhà có nhiều phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc. Người phục vụ cũng khác với các triều trước. Không có thái giám, ngoài nam nữ người Việt, nhà vua còn tuyển dụng cả người Pháp, đặc biệt trong lãnh vực chăm sóc các con vua.

Thông điệp của cựu hoàng hậu

Với tư cách hoàng hậu, Nam Phương đã giúp cho vua Bảo Đại trong các hoạt động ngoại giao, đón tiếp các quốc khách, giao thiệp với Pháp.  Nam Phương là vị Đệ nhất phu nhân Việt Nam đầu tiên được giao phụ trách các công việc xã hội, làm khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, giúp đỡ người nghèo, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Hoàng hậu Nam Phương có với Bảo Đại 5 người con. Hai hoàng tử và ba công chúa. 

Hưởng ứng Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn, vào ngày 30.8.1945, vua Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu - đại diện của Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 9 năm 1945, ông ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao” trong chính phủ. Hoàng hậu Nam Phương và 5 người con rời điện Kiến trong Đại Nội, về sống với bà Từ Cung ở Cung An Định bên bờ sông An Cựu. Hoàng hậu được mời tham gia nhiều hoạt động ủng hộ Cách mạng như tham gia “Tuần lễ vàng” quyên góp vàng bạc làm chiến phí chuẩn bị đương đầu với sự trở lại Việt Nam của thực dân Pháp.  

Ngay cả khi có công chúa và hoàng tử, HH Nam Phương vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của mình
Tuy Việt Nam đã được độc lập nhưng quân Pháp vẫn chưa từ bỏ ý đồ chiếm đóng Đông Dương. Chúng dựa vào thế lực của quân Anh gây hấn ở miền Nam, Nam Việt Nam thực hiện kế hoạch tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam – quê hương của bà, đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè trên thế giới yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp. Thông điệp nầy về sau được người Pháp đăng lại trong cuốn Hồ Chí Minh Abd –El  Krim của Jean Renaud do Guy Boussac xuất bản năm 1949 tại Paris, từ trang 234 đến 235:        

  Bản lược dịch Việt ngữ: 

            “Thông điệp của Cựu Hoàng hậu Nam Phương

  “Bà Vĩnh Thụy – Cựu Hoàng hậu Nam Phương, phu nhân của Cựu Hoàng đế Bảo Đại, ông hoàng Vĩnh Thụy, xin gởi thông điệp sau đây đến bạn bè châu Âu và thế giới.

  Nước Việt Nam đã thoát khỏi ách thống trị đế quốc Pháp và Nhật Bản.

  Khi thoái vị, phu quân tôi, Cựu hoàng đế Bảo Đại, đã tuyên bố:     “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Bản thân tôi, cũng đã từ bỏ không thương tiếc, những đặc quyền của một bà hoàng hậu, đoàn kết cùng chị em phụ nữ để giúp gìn giữ nền độc lập thiêng liêng của nước nhà.

Trong giờ phút nầy máu đang chảy trên đất Nam bộ – cái nôi của thời thơ ấu của tôi. Biết bao sinh linh đã bị thiêu đốt bởi lòng tham đầy tội ác của một số thực dân Pháp được hậu thuẫn bởi một số quân Anh  hành động đi ngược lại chủ trương của Đồng Minh mà Pháp là một thành viên.

Tôi kêu gọi tất cả những ai đã đau khổ vì những tội ác gây nên bởi cuộc Đại chiến vừa qua hãy hành động để chấm dứt sự hung bạo không có tên gọi đang hoành hành trên đất nước tôi.

 Thay mặt cho 13 triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả những thân hữu của tôi, bạn bè của nước Việt Nam, hãy bênh vực cho Tự do.

 Đòi hỏi các chính phủ của các bạn can thiệp nhằm thiết lập một nền hòa bình chân chính, công minh, là các bạn đã tuân theo cái trách nhiệm khẩn cấp của con người, và đón nhận lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào chúng tôi.

                                                                (Bà Vĩnh Thụy - Cựu hoàng hậu Nam Phương).       
Thực dân Pháp căn cứ vào Thông điệp nầy và Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại kết án vợ chồng bà phản bội nước Pháp – nước đã cưu mang giáo dục vợ chồng bà.
 
Bà luôn giữ thế uy nghi và tự tin của một hoàng hậu kể cả khi bị thực dân Pháp kết án
Cuối đời lưu vong và ngôi lăng mộ khiêm tốn như thường dân

Vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh và sự đổ vỡ của gia đình, cuối đời bà giấu mình trong trang trại Domain de la Perche làng Chabrignac thuộc hạt Corrèze, vùng Limousin ở miền trung tây nước Pháp. Sau năm năm làm dân ngụ cư làng Chabrignac bà đã âm thầm từ giã cuộc đời ở đó (9.1963).

Lăng mộ của bà giản dị như ngôi mộ của một thường dân. Bà qua đời ở một nơi quá xa đất nước, nên không mấy người Việt Nam biết rõ phần đời sau của bà. Đầu năm 2.000, trên đường đi tìm dấu tích vua Hàm Nghi ở nước ngoài tôi hân hạnh được đến viếng mộ và thắp hương cho bà. 

Trên ngôi mộ đơn sơ dựng một tấm bia đá, mặt trước tấm bia ghi dòng chữ Hán:

Đại Nam Nam Phương Hoàng Hậu chi lăng” (Dịch nghĩa: Lăng của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam).

Mặt sau ghi dòng chữ Pháp:

Ici repose l’impératrice d’Annam née Marie Thérèse Nguyen Huu Thi Lan” - (Dịch nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Mari Têre-dờ Nguyễn Hữu Thị Lan).  

 
Mới đây báo điện tử của Pháp (lepopulaire.fr) đăng bài “Bà Hoàng hậu đẹp vẫn ngự trong tim” (La belle impératrice demeure dans les coeurs) thể hiện tình cảm của người Pháp dành cho bà
Vì nhan sắc và đức độ của bà, dù bà làm dân Chabrignac chỉ có 5 năm mà người dân Chabrignac rất tự hào về bà. Họ xem bà là một cô-rê-diên (correzienne) chính cống.

Tháng 6.2010, báo điện tử của Pháp (lepopulaire.fr) đăng bài “Bà Hoàng hậu đẹp vẫn ngự trong tim” (La belle impératrice demeure dans les coeurs) thể hiện tình cảm của người Pháp dành cho bà. Ông Lucien Boudy – một cựu xã trưởng Chabrignac, cho tác giả bài báo trên biết Hoàng hậu Nam Phương “Là một mệnh phụ phu nhân hết sức đẹp đẽ,  thân thiện rộng rãi với dân làng. Bà cũng rất nhân đạo và yêu thương với người hầu kẻ hạ trong nhà” (…est une dame très élégante, mais surtout très généreuse avec la population. Elle était aussi très humaine et sympathique avec les salariés du domaine). Chính vì quý mến ấy mà khu trang trại Domaine de la Perche và ngôi lăng khiêm tốn của bà đã được tôn tạo đưa vào phục vụ du lịch.

Dù chưa có nhiều người đến Chabrignac viếng thăm lăng mộ của bà, nhưng trong lòng người Việt Nam, phụ nữ Việt Nam luôn có hình ảnh đẹp của bà. Với lòng ngưỡng mộ sẵn có, không sớm thì muộn hài cốt của bà cũng sẽ có dịp được cải táng về quê hương.  

 


[1]  Bà cô của diễn viên điện ảnh Diễm My ngày nay

[2]  Hương thơm của phương Nam

Nguyễn Đắc Xuân