Ung thư và hệ luỵ
Cả thế giới đang lo lắng dịch bệnh Ebola, thì ở xứ ta, tai hoạ Ebola đâu chưa biết, chỉ biết đang đối mặt từng giờ với một sự thật khủng khiếp: đại dịch ung thư. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, VN là một trong những nước đứng đầu về bệnh ung thư, mỗi năm có hơn 75.000 người thiệt mạng do ung thư.
Ung thư và hệ luỵ
Cả thế giới đang lo lắng dịch bệnh Ebola, thì ở xứ ta, tai hoạ Ebola đâu chưa biết, chỉ biết đang đối mặt từng giờ với một sự thật khủng khiếp: đại dịch ung thư. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, VN là một trong những nước đứng đầu về bệnh ung thư, mỗi năm có hơn 75.000 người thiệt mạng do ung thư.
Lâu nay chúng ta hay choáng bởi con số khoảng 11.000 người chết mỗi năm do tai nạn giao thông, nhưng so với ung thư cũng chỉ bằng 1/5 mà thôi. Thật khủng khiếp. Ung thư như lưỡi hái bén của tử thần nhắm vào con người ở mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi nghề nghiệp, mọi vùng, gây ra những hậu quả xã hội cực kỳ nghiêm trọng.
Còn nhớ những năm 60 – 80 thế kỷ trước, tức cách nay vài chục năm, cả miền Bắc chỉ có một Bệnh viện K chuyên trị ung thư nhưng luôn vắng vẻ, “nhàn nhã” so với những bệnh viện khác. Tuy nhiên, ung thư vẫn là nỗi kinh hoàng, bởi gần như cứ bị nó hỏi thăm thì y như bị gạch tên ra khỏi cuộc sống. Đến nay, dù y học không đến nỗi bó tay nhưng cả nhân loại vẫn phải loay hoay chống chọi.
Cách tốt nhất là đề phòng, ngừa ung thư từ xa, loại những nguyên nhân tiếp tay cho bệnh. Lý thuyết thì thế, còn trên thực tế ở nước ta, ung thư đã phổ biến đến mức con người buộc phải sống cùng nó, như kiểu “sống chung với lũ”. Có những làng bị gọi là “làng ung thư”, có những gia đình liên tiếp người chết bởi ung thư, những bệnh viện bệnh nhân ung thư thường xuyên quá tải, những cuộc đời, thậm chí rất trẻ, đang đầy hy vọng bị ngắt ngang đau đớn do ung thư. Ung thư trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm, hằng ngày. Hệ luỵ nó gây ra đâu chỉ là cướp đi những mạng người mà dưới nhiều góc độ: kinh tế, xã hội, đời sống sinh hoạt, tâm lý… đều rất lo ngại. Chỉ cần một gia đình có người bị ung thư là xáo trộn tất cả, phải dồn tiền bạc vào chạy chữa (cực kỳ tốn kém), tài sản tiêu tan, kinh tế kiệt quệ. Đương nhiên không thể không chữa nhưng phần lớn kết quả là tiền mất, người chết. Sự tàn phá của ung thư đã xóa đi bao cuộc sống gia đình, tạo thêm gánh nặng khủng khiếp cho xã hội, không dễ gì khôi phục được.
Biết mối nguy ung thư là vậy nhưng dường như dân ta vẫn thờ ơ. Chữa ung thư tại bệnh viện chỉ là xử lý phần ngọn, điều quan trọng là phải trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh: môi trường ô nhiễm nặng, các nguồn thực phẩm ngày càng mất an toàn, những thói quen sinh hoạt nguy hiểm… Một khi vẫn còn những doanh nghiệp xả thải đủ thứ chất độc hại ra môi trường; các loại thực phẩm, trái cây, rau củ bị tẩm ướp hoá chất bảo quản tuỳ tiện; vẫn còn thái độ chỉ cốt nặng túi tiền coi nhẹ mạng sống con người; những thói quen sinh hoạt (hút thuốc lá, uống rượu) quá độ; những cảnh báo về hiểm hoạ ung thư chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh… thì hệ luỵ từ ung thư vẫn như lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu, chẳng chừa ai.
Nguyễn Thông