Cáp treo vào Sơn Đoòng, nên không?
Ông Trương An Ninh – chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình – cho biết: UBND tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương và thống nhất cho phép Tập đoàn Sun Group (đơn vị đã làm cáp treo lên núi Bà Nà – Đà Nẵng) khảo sát để nghiên cứu xây dựng cáp treo ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Cáp treo vào Sơn Đoòng, nên không?
Nếu có làm hệ thống cáp ở Sơn Đoòng thì cũng chỉ để đưa khách lên rồi quay xuống lại chứ không có chuyện xây dựng các khu nghỉ dưỡng.
Du khách cắm trại ngủ qua đêm trong hang động Sơn Đoòng – Ảnh: Ryan Deboodt |
Trước sự quan tâm của dư luận về thông tin khảo sát làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng (thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ), UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ động cung cấp thông tin về chủ trương này cho báo Tuổi Trẻ, với mục đích muốn lắng nghe ý kiến phản biện trước khi có quyết định chính thức.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương An Ninh – chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình – cho biết: “Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) được xem là “mỏ vàng” du lịch của Quảng Bình, nên phải được khai thác để phục vụ người dân VN và cộng đồng thế giới chứ không thể để phí”.
“UBND tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương và thống nhất cho phép Tập đoàn Sun Group (đơn vị đã làm cáp treo lên núi Bà Nà – Đà Nẵng) khảo sát để nghiên cứu xây dựng cáp treo ở Vườn quốc gia PN-KB”.
“Dự án vẫn đang trong giai đoạn tiền khả thi. UBND tỉnh chưa chính thức đưa ra quyết định cho phép hay không làm dự án này, vì còn tuỳ thuộc việc chủ dự án có đáp ứng được các yêu cầu của tỉnh và Tổ chức UNESCO hay không” - ông Ninh nói.
Một dòng sông ngầm trong hang Sơn Đoòng – Ảnh: Ryan Deboodt |
* Nhiều người lo ngại cáp treo sẽ phá vỡ cảnh quan PN-KB và làm giảm giá trị nguyên sơ của di sản thiên nhiên thế giới?
– Trước hết phải lấy ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan và chuyên gia. Chúng tôi đã tham khảo vấn đề xây dựng cáp treo trong di sản thế giới từ một số chuyên gia Thụy Sĩ, cho thấy ở hầu hết các di sản thiên nhiên trên thế giới hiện nay đều có cáp treo.
Và cáp treo là phương án khai thác du lịch bảo đảm tốt nhất về cảnh quan môi trường và bảo tồn di sản cho PN-KB, ít phá vỡ và đụng chạm đến hiện trạng di sản nhất vì chạy trên cao, không vướng bận gì với dưới đất.
* Có cáp treo, số lượng khách vào hang động lớn nhất thế giới là Sơn Đoòng sẽ rất cao, điều này khiến nhiều người lo ngại cho việc bảo tồn giá trị của hang động này.
– Hang Sơn Đoòng đã có tiếng trong những năm qua trên thế giới nên chúng tôi rất cân nhắc trước khi quyết định cho khảo sát xây dựng cáp treo.
Nhưng theo như báo cáo ban đầu của Tập đoàn Sun Group, hệ thống cáp treo này từ ga đầu tiên ở động Tiên Sơn vào đến hang Sơn Đoòng chỉ có ba nhà ga ở sâu trong vùng di sản, và tại ga cuối ở Sơn Đoòng khách không ra ngoài cabin nghỉ ngơi ăn uống, do vậy sẽ không có xả rác thải.
* Các tour du lịch mạo hiểm đi Sơn Đoòng dù có số lượng khách ít nhưng mức chi trả lại cao, 3.000-6.000 USD/người. Nếu làm cáp treo, khách đông lên nhưng nguồn thu của mỗi du khách sẽ giảm?
– Đi theo tour mạo hiểm bằng đường bộ như hiện nay, lượng khách vào được Sơn Đoòng khoảng 200 người mỗi năm, mức thu 8-10 tỉ đồng. Nhưng nếu có cáp treo lượng khách sẽ cực kỳ đông, bởi Sơn Đoòng có sức hấp dẫn của hang động lớn nhất thế giới, không chỉ với người nước ngoài mà cả với người VN.
Hiện lượng khách đến với Quảng Bình đã là 2,5 triệu lượt và dự kiến sẽ trên 3 triệu trong năm tới. Trong lượng khách này, chỉ cần 1-1,5 triệu lượt người vào Sơn Đoòng thì mức thu đã rất cao.
Cơ bản nhất là người dân Quảng Bình cũng như VN sẽ thụ hưởng được di sản và di sản PN-KB phục vụ được đại chúng. Theo tôi, đó là điều cốt lõi trong việc vừa bảo tồn vừa phát huy được di sản.
* Có ý kiến cho rằng cáp treo sẽ triệt tiêu các tour du lịch mạo hiểm bằng đường bộ vào Sơn Đoòng, như vậy là cái này được thì cái kia mất?
– Điều này, theo tôi, là không đúng vì sở thích của mỗi người khác nhau. Tour mạo hiểm đường bộ vẫn có một bộ phận du khách nước ngoài và trong nước yêu thích và họ vẫn đi.
Những người không đủ sức khỏe để đi bộ đường rừng, bơi lội trên sông suối hay leo trèo vách đá cao sẽ chọn đi cáp treo. Ai cũng được thỏa mãn nhu cầu đến với hang động lớn nhất thế giới.
Sơn Đoòng như một cô gái đẹp ở trong hẻm Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Minh Trường – tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group (đơn vị đầu tư) – cho biết: “Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có đặt vấn đề kêu gọi đầu tư với Tập đoàn Sun Group, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng một hệ thống cáp treo đi từ Phong Nha lên thẳng hang Sơn Đoòng. Sau khi chính quyền tỉnh Quảng Bình đặt vấn đề, chúng tôi đã có tìm hiểu, nghiên cứu bước đầu và nhận thấy: về mặt thuận lợi thì địa phương này hiện có nhiều ưu điểm như có bờ biển đẹp, Vườn quốc gia PN-KB nằm gần đường Hồ Chí Minh nên giao thông đi lại rất thuận tiện, nhất là hệ thống hang động tuyệt đẹp. Tuy nhiên cái khó khăn nhất là vị trí quá hiểm trở. Đã có người ví hang Sơn Đoòng như một cô gái tuyệt đẹp nhưng không mấy ai có cơ hội ngắm nhìn chỉ vì nhà ở sâu trong hẻm quá. Vậy nên làm thế nào để đưa Sơn Đoòng ra với thế giới bên ngoài là điều chính quyền tỉnh Quảng Bình đang hướng đến. Về phía Sun Group, chúng tôi đã mời tư vấn nước ngoài (chuyên về cáp treo) đến để khảo sát làm sao đừng phá cảnh quan mà vẫn xây dựng được hệ thống cáp treo. Bởi chúng tôi hiểu rằng Sơn Đoòng là một vị trí đầu tư rất nhạy cảm. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu có đầu tư thì Sun Group cũng sẽ đầu tư một hệ thống cáp treo có công nghệ hiện đại hơn nhiều lần so với hệ thống cáp treo đang sử dụng tại Bà Nà (Đà Nẵng). Và nếu có đầu tư thì nhà đầu tư phải đảm bảo các tiêu chí về phát triển bền vững mà Unesco công nhận”. Ông Trường cũng nhấn mạnh: “Trên thế giới hình thức vận chuyển khách đi bằng cáp treo đến các địa điểm di sản (đã được Unesco công nhận) là rất phổ biến với hơn 80 điểm. Sun Group cùng các nhà tư vấn nước ngoài sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp tiếp cận không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường cũng như tổng mức đầu tư trước khi quyết định”. Cũng theo ông Trường, đây là du lịch theo kiểu khám phá, khác với du lịch kiểu nghỉ dưỡng như ở Bà Nà, vậy nên nếu có làm hệ thống cáp ở Sơn Đoòng thì cũng chỉ để đưa khách lên rồi quay xuống lại chứ không có chuyện xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên đó được bởi hạ tầng (điện, nước) không thể đáp ứng. |