Châu Á vẫn có nguy cơ dính Ebola
Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo dịch Ebola ở Tây Phi càng kéo dài thì càng có nhiều nguy cơ người nhiễm bệnh đến châu Á.
Châu Á vẫn có nguy cơ dính Ebola
Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo dịch Ebola ở Tây Phi càng kéo dài thì càng có nhiều nguy cơ người nhiễm bệnh đến châu Á.
Bác sĩ và y tá thực tập chống dịch Ebola tại Trung tâm Y khoa quốc gia ở Seoul (Hàn Quốc) – Ảnh: NMC |
Mặc dù nhiều chính phủ đã đưa ra các kế hoạch ứng phó, tăng cường quan sát tại sân bay và xem xét các biện pháp cách ly hoặc theo dõi trong vòng 21 ngày, các chuyên gia y tế vẫn lo ngại những khu vực kém phát triển đang đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát và khó kiềm chế.
Đã chuẩn bị, nhưng…
Tại những nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines hay Indonesia, vẫn còn nhiều người sống trong cảnh nghèo khổ, chen chúc trong các khu ổ chuột và một hệ thống y tế yếu kém không được hỗ trợ kinh phí.
Bên cạnh đó, những nguy cơ nhập Ebola là rất rõ. Chính phủ Philippines cho biết có khoảng 1.700 lao động người Philippines đang làm việc tại ba nước Tây Phi có dịch là Liberia, Sierra Leone và Guinea, đó là chưa kể 100 binh sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đang trú đóng tại Liberia. Bác sĩ Antony Leachon, chủ tịch công đoàn bác sĩ Philippines, âu lo: “Chúng tôi có 10 triệu lao động đi làm ở khắp thế giới nên nguy cơ dịch Ebola là có”.
Mới đây, người phát ngôn Bộ Y tế Philippines Lyndon Lee Suy cho biết sẽ cách ly 21 ngày với các công dân Philippines trở về từ vùng dịch, nhưng ông cũng lúng túng không biết “ai sẽ trả chi phí y tế đó”.
AP dẫn lời trưởng khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore Dale Fisher nói các chính phủ trong khu vực cần đào tạo nhân viên y tế chuyên về xử lý dịch bệnh Ebola và cần hỏi thông tin lịch sử đi lại ngay lập tức đối với những người có các triệu chứng của bệnh.
Ông Fisher cũng nói dịch Ebola có thể được kiểm soát nếu người nhiễm bệnh nhanh chóng bị cách ly và tìm ngay những người có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân. Ông lấy ví dụ của Nigeria, nước vừa tuyên bố sạch dịch Ebola.
Thế nhưng theo AP, vấn đề đáng ngại là nhiều người có thể nói dối về lịch trình của mình hoặc uống các loại thuốc thông thường để giảm sốt tức thời nhằm tránh các biện pháp phát hiện tại cửa khẩu.
Mỹ tăng tốc chống dịch
Hôm qua, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power, đã đến thủ đô Conakry của Guinea – chặng đầu tiên của chuyến thăm ba nước Tây Phi Guinea, Liberia và Sierra Leone – để kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế chống dịch Ebola và cũng nhằm đánh giá kỹ vì sao thế giới đã thất bại trong việc ngăn chặn dịch tại đây.
Trong lúc đó, việc ngăn chặn dịch tại Mỹ cũng gặp một số vấn đề. Một y tá người Mỹ tham gia điều trị bệnh Ebola ở Sierra Leone mới đây lên tiếng chỉ trích việc bị đối xử “như tội phạm” khi trở về Mỹ. Cô đang bị buộc cách ly tại một bệnh viện ở New Jersey trong 21 ngày, thời gian ủ bệnh tối thiểu của virút Ebola.
Nữ y tá Kaci Hickox bị cách ly theo chính sách mới được thống đốc Chris Christie của New Jersey công bố hôm thứ sáu. Thống đốc New York Andrew Cuomo cũng đưa ra biện pháp tương tự.
Động thái của New Jersey và New York đưa ra sau khi bác sĩ Craig Spencer ở New York được xác định dương tính với virút Ebola sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân Ebola ở Guinea. Một số chính trị gia Mỹ thậm chí kêu gọi cấm du lịch đến ba nước trung tâm vùng dịch ở Tây Phi.
Việc siết chặt kiểm dịch các nhân viên y tế trở về từ Tây Phi cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Mỹ khi vừa thúc đẩy các chuyên gia của Mỹ tham gia dập dịch ở châu Phi, vừa phải đối mặt với mối lo ngại từ trong nước.
Các nhà hoạt động cũng lên tiếng về tính hợp hiến của các quy định kiểm dịch mới, cảnh báo các quy định này có thể ngăn cản nhân viên y tế tham gia tình nguyện chiến đấu chống Ebola ở châu Phi.
Những biện pháp kiểm dịch của New York, New Jersey và tiếp đó là Illinois “mạnh tay” hơn so với khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), cơ quan quản lý phản ứng liên bang đối với dịch Ebola. CDC cho biết họ “quy định các tiêu chuẩn cơ sở nhưng chính quyền bang và địa phương có quyền thắt chặt các biện pháp nếu như họ thấy phù hợp”.
Trong khi đó, Mali đang gấp rút đối phó với cuộc khủng hoảng Ebola sau khi bé gái nhiễm bệnh đã tử vong. Em bé là trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên ở nước này. Theo Tổ chức y tế thế giới, có rất nhiều người đã tiếp xúc với bé gái trên chặng đường hàng trăm kilômet từ Guinea qua Mali.
Úc có ca nghi nhiễm đầu tiên Trong khi đó, theo AFP, hôm qua chính quyền Úc cho biết một thiếu nữ nước này đã được cách ly trong bệnh viện và được xét nghiệm Ebola sau khi cô gái 18 tuổi này có triệu chứng sốt sau chuyến trở về từ Guinea. Kết quả xét nghiệm đầu tiên có thể được công bố hôm nay 27-10. |