27/11/2024

Tái rao giảng Tin Mừng

Những người Tái rao giảng Tin Mừng được mời gọi trước tiên bước đi trên Con Đường, là chính là Đức Kitô, để làm cho người khác biết được vẻ đẹp của Tin Mừng ban sự sống. Và trên Con Đường này, người ta không bao giờ bước đi một mình, nhưng bước đi cùng với cộng đoàn

 Tái rao giảng Tin Mừng

Thánh lễ cầu nguyện cho việc Tái rao giảng Tin Mừng
Vương cung Thánh đường Vatican
Chúa Nhật XXIX TN, 16/10/2011

 

Chư huynh đáng kính,
Anh chị em thân mến!

Tôi vui mừng cử hành Thánh lễ hôm nay cho anh chị em là những người dấn thân làm việc trên nhiều vùng đất khác nhau trên toàn thế giới trên mặt trận Tái rao giảng Tin Mừng. Phụng vụ hôm nay kết thúc cuộc gặp gỡ mà chúng ta đã bắt đầu hôm qua để trao đổi quan điểm về những lĩnh vực truyền giáo và để lắng nghe một số chứng tá đầy ý nghĩa. Chính tôi cũng đã muốn trình bày với anh chị em một vài tư tưởng, nhưng ngược lại, hôm nay tôi bẻ bánh Lời Chúa và Thánh Thể với anh chị em – tất cả chúng ta đều cùng nhau chia sẻ -, xác tín rằng không có Đức Kitô, là Lời và Bánh sự sống, chúng ta không làm được gì (x. Ga 15,5). Tôi vui mừng nhận thấy đại hội này được diễn ra trong khung cảnh tháng Mười, đúng một tuần trước Ngày Thế giới Truyền giáo: Ngày thế giới nhắc cho chúng ta chiều kích phổ quát thích hợp của việc Tái rao giảng Tin Mừng, phù hợp với chiều kích của việc truyền giáo ad gentes.

Tôi gửi lời chào thân tình đến tất cả anh chị em đã đáp lại lời mời gọi của Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ việc Tái rao giảng Tin Mừng. Tôi xin chào và cảm ơn vị Chủ tịch của bộ phận điều hành trung ương mới được bổ nhiệm là Đức cha Salvatore Fisichella, cũng như những cộng sự viên của ngài.

Giờ đây chúng ta hãy quay về các bài đọc Sách Thánh mà qua đó Chúa nói với chúng ta hôm nay. Bài đọc I, được trích từ sách đệ nhị Isaia, nói với chúng ta Thiên Chúa là một, là độc nhất; ngoài Đức Chúa ra không có chúa nào khác, và ngay cả vua Cyrus hùng mạnh, hoàng đế Ba Tư, cũng là một phần trong chương trình vĩ đại hơn mà chỉ mình Thiên Chúa biết và thực hiện. Bài đọc này cho chúng ta biết ý nghĩa thần học của lịch sử: những khúc rẽ lịch sử, các cường quốc nối tiếp nhau, tất cả đều nằm dưới quyền thống trị tối cao của Thiên Chúa, không một quyền bính trên trần gian nào có thể thay thế chỗ đứng của Thiên Chúa đưoợc. Thần học về lịch sử là một khía cạnh quan trọng, thiết yếu của việc Tái rao giảng Tin Mừng, bởi vì con người thời đại chúng ta, sau thời kỳ bất hạnh do những đế quốc cực quyền trong thế kỷ XX gây ra, cần tìm lại một cái nhìn toàn bộ về thế giới và về thời gian, một cái nhìn thực sự tự do, hoà bình, cái nhìn mà Công đồng Vatican II đã truyền lại cho chúng ta trong những tài liệu của Công đồng mà các vị Tiền nhiệm của tôi, là người Tôi tớ Chúa Phaolô VI và Chân phước Gioan Phaolô II đã minh hoạ qua huấn quyền của các ngài.

Bài đọc hai là phần mở đầu thư thứ nhất gởi tín hữu Thêxalônica. Lá thư này rất gợi ý,  bởi vì đây là lá thư cổ nhất được truyền lại cho chúng ta từ nhà loan báo Tin Mừng vĩ đại nhất của mọi thời đại là Tông đồ Phaolô. Trước tiên Thánh Phaolô nói với chúng ta Tin Mừng không được loan báo một cách riêng rẽ: quả thật, ngài cũng có các cộng sự viên là Silvain và Timôtê (x. 1Th 1,1) và nhiều người khác nữa. Và liền sau đó ngài thêm một ý tưởng khác rất quan trọng: cầu nguyện bao giờ cũng phải được đi trước, đồng hành và theo sau hoạt động loan báo. Quả thật ngài viết: “Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa cho tất cả anh em, luôn nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện” (c. 2). Kế tiếp, vị Tông đồ nói rằng ngài rất ý thức về sự kiện không phải ngài đã chọn các thành viên của cộng đoàn, mà là chính Thiên Chúa: “đã chọn anh em”, ngài đã khẳng định như thế (c. 4). Mỗi vị thừa sai của Tin Mừng phải luôn để ý đến chân lý này: chính Chúa tác động tâm hồn bằng Lời Thiên Chúa và bằng Thần Khí của Ngài, kêu gọi con người chấp nhận đức tin và hiệp thông với Giáo Hội. Cuối cùng, Thánh Phaolô để lại cho chúng ta một giáo huấn rất quý giá, được rút ra từ kinh nghiệm của ngài. Ngài viết: “Tin Mừng của chúng tôi đến với anh em không chỉ bằng lời nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần và một niềm xác tín sâu xa” (c. 5). Loan báo Tin Mừng, để được hữu hiệu, cần sức mạnh của Thần Khí, Đấng mang lại sức sống cho lời truyền giảng và làm cho người loan báo được “xác tín sâu xa” mà Thánh Tông đồ đã nói tới. Từ ngữ “xác tín” này hay “xác tín sâu xa”, trong nguyên bản Hy Lạp là pleroforia: một từ ngữ, trong trường hợp loan báo Đức Kitô, không diễn tả nhiều đến khía cạnh chủ quan, tâm lý mà đúng hơn diễn tả sự viên mãn, trung thành, tính trọn vẹn. Lời loan báo này, để được trọn vẹn và trung thành, cần phải có những dấu chỉ và hành động đi kèm theo, như Đức Giêsu khi Người rao giảng. Lời, Thánh Thần và sự xác tín – được hiểu như thế – sẽ không thể nào tách rời nhau và bảo đảm cho sứ điệp Tin Mừng được truyền bá cách hữu hiệu.

Giờ đây chúng ta suy nghĩ về trích đoạn Tin Mừng. Đây là một bản văn nói về tính hợp pháp của việc đóng thuế cho hoàng đế Caesare với câu trả lời nổi tiếng của Đức Giêsu: “Như thế, hãy trả cho Caesare những gì thuộc về Caesare, và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Nhưng trước khi đi đến vấn đề nộp thuế, có một đoạn văn trước đó mà ta có thể áp dụng cho những ai được Chúa giao cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Thật thế, những người đang nói với Đức Giêsu – môn đệ của người biệt phái và những người thuộc phe Hêrôđê – khen ngợi Người, họ nói: “Chúng tôi biết Thầy trung thực và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa và cũng chẳng vị nể ai” (c. 16). Lời khẳng định này, mặc dầu do  tính đạo đức giả mà ra, nhưng cũng đáng cho chúng ta quan tâm. Những môn đệ của người biệt phái và của Hêrôđê không tin vào điều mình nói. Họ chỉ khẳng định điều đó như một captatio benevolentiae để cho người ta nghe mình, nhưng lòng họ quá xa chân lý này; trái lại, họ chỉ muốn gài bẫy Đức Giêsu để có thể tố cáo Người. Còn trái lại, đối với chúng ta, câu nói này thật quý giá: quả thật, Đức Giêsu trung thực và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa và chẳng vị nể ai. Chính Người là “đường của Thiên Chúa”, mà chúng ta được mời gọi bước đi. Ở đây chúng ta có thể nhớ lại những lời của Đức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Gioan: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (14,6). Về điểm này, lời chú giải của Thánh Âu Tinh giúp chúng ta hiểu rõ hơn: “Đức Giêsu cần phải nói “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”, bởi vì, một khi biết được đường Người đi, thì họ chỉ cần biết Người đi đâu. Đường dẫn đến chân lý, dẫn đến sự sống … Và chúng ta đi đâu, nếu không phải là đi đến Người? Và chúng ta đi con đường nào, nếu không phải là đi qua Người?” (In Evangelium Iohannis tractatus 69,2). Những người Tái rao giảng Tin Mừng được mời gọi trước tiên bước đi trên Con Đường này chính là Đức Kitô, để làm cho người khác biết được vẻ đẹp của Tin Mừng ban sự sống. Và trên Con Đường này, người ta không bao giờ bước đi một mình, nhưng bước đi cùng với cộng đoàn: một kinh nghiệm hiệp thông và huynh đệ được ban tặng cho những ai chúng ta gặp, để chia sẻ với họ kinh nghiệm của chúng ta về Đức Kitô và về Giáo Hội của Người. Như thế, chứng tá được liên kết với lời rao giảng có thể mở rộng tâm hồn của những ai đang đi tìm chân lý, để họ có thể biết được ý nghĩa cuộc đời của họ.

Chúng ta cũng hãy suy nghĩ ngắn gọn về câu hỏi trọng tâm đề cập đến việc nộp thuế cho Caesare. Đức Giêsu trả lời bằng tính hiện thực chính trị làm chúng ta phải ngạc nhiên, tính hiện thực này được liên kết với quan điểm nhìn nhận Thiên Chúa là tâm điểm của vũ trụ dựa theo truyền thống của các tiên tri. Chúng ta phải nộp thuế cho Caesare, bởi vì hình ông ta được dập nổi trên đồng tiền; nhưng con người, mỗi con người, đều mang trong lòng mình một hình ảnh khác, hình ảnh của Thiên Chúa, và như thế, cuộc sống của mỗi người là của Thiên Chúa và chỉ của một mình Ngài thôi. Các Giáo phụ, rút cảm hứng từ sự kiện Đức Giêsu nói về hình của hoàng đế được khắc trên đồng bạc đánh thuế, đã chú giải đoạn văn này dưới ánh sáng của khái niệm cơ bản xem con người là hình ảnh của Thiên Chúa được nói đến trong chương một sách Sáng Thế. Một tác giả vô danh đã viết: “Hình của Thiên Chúa không được dập nổi trên vàng, nhưng trên nhân loại. Đồng tiền của Caesare là vàng, đồng tiền của Thiên Chúa là nhân loại… Do đó, hãy trả lại của cải bạn có cho Caesare, nhưng hãy giữ lại cho Thiên Chúa  lương tâm vô tội duy nhất mà bạn có, nơi bạn chiêm ngưỡng Thiên Chúa… Quả thật, Caesare đã ra lệnh cho hình của ông phải được in trên mỗi đồng tiền, nhưng Thiên Chúa  đã chọn con người được Ngài sáng tạo để phản ảnh vinh quang của Ngài” (Vô danh, Tác phẩm không đầy đủ về Matthêu, bài giảng 42). Và Thánh Âu Tinh đã nhiều lần sử dụng trích dẫn này trong các bài giảng của mình: “Nếu Caesare đòi người ta in hình của ông trên đồng tiền – Thánh Âu Tinh khẳng định -, thì Thiên Chúa lại không đòi con người hình của Ngài được khắc ghi trong họ sao?” (En. in Ps., Thánh vịnh 94, 2). Và ngài còn nói thêm: “Cũng như đồng tiền đóng thuế phải được trả về cho Caesare, thì linh hồn được gương mặt của Chúa chiếu sáng và ghi dấu cũng phải được trả về cho Thiên Chúa” (sđd., Thánh vịnh 4, 8).

Câu nói trên của Đức Giêsu rất phong phú về nội dung nhân loại học và ta không thể  giản lược vào bối cảnh chính trị mà thôi. Do đó, Giáo Hội không thể chỉ nhắc lại cho con  người sự phân biệt đúng đắn giữa lĩnh vực quyền hành của Caesare và quyền bính của Thiên Chúa, giữa bối cảnh chính trị và bối cảnh tôn giáo. Sứ mệnh của Giáo Hội, cũng như sứ mệnh của Đức Kitô, chủ yếu là nói về Thiên Chúa, nhắc lại quyền tối thượng của Thiên Chúa và nhắc lại cho mọi người, đặc biệt cho các Kitô hữu đã đánh mất căn tính của mình, rằng Thiên Chúa có quyền đòi hỏi tất cả những gì thuộc về Ngài, nghĩa là sự sống của chúng ta.

Để mang lại một nhiệt tình mới cho sứ mệnh của toàn thể Giáo Hội là dẫn đưa con người ra khỏi sa mạc mà họ lắm khi họ thường xem là nhà của mình đến nơi sự sống, đến tình bạn của Đức Kitô mang lại cho chúng ta sự sống viên mãn. Tôi đã quyết định công bố một “Năm Đức Tin” để cắt nghĩa qua một tông thư. “Năm Đức Tin” này sẽ bắt đầu vào ngày 11-10-2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II và sẽ kết thúc vào ngày 24-11-2013, nhằm ngày lễ trọng kính Đức Kitô Vua Vũ Trụ. Đây sẽ là một thời gian ân sủng và dấn thân để thật sự quay về với Thiên Chúa, để củng cố đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, và để vui mừng loan báo Thiên Chúa cho con người của thời đại chúng ta.

Anh chị em thân mến, anh chị em là những người chủ chốt trong hoạt động Tái rao giảng Tin Mừng mà Giáo Hội đã lãnh nhận và đang hoàn thành mà không phải là không có khó khăn, nhưng vẫn với niềm phấn khởi như những Kitô hữu thời sơ khai. Để kết luận, tôi xin lấy lại lời của Tông đồ Phaolô mà chúng ta vừa nghe: tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho tất cả anh em, và không ngừng nhắc đến anh em trong kinh nguyện, trước mặt Chúa luôn nhớ đến việc anh em làm trong đức tin và lao nhọc trong đức mến và niềm hy vọng kiên vững của anh em vào Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria, người đã không hề sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” với Ngôi Lời Thiên Chúa, và sau khi đã cưu mang Ngôi Lời trong dạ, đã lên đường lòng đầy vui mừng và hy vọng, sẽ luôn là mẫu gương và là người dẫn đướng chỉ lối cho anh chị em. Hãy học nơi Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta để sống khiêm nhường và đồng thời, sống can đảm, đơn sơ và thận trọng; hiền lành và mạnh mẽ, không phải bằng khí giới của trần gian, mà bằng sức mạnh của chân lý. Amen.