15/11/2024

Cuộc gặp gỡ quốc tế các tôn giáo tại Anvers, Bỉ

Trong các ngày từ 7 đến 9 tháng 9 năm 2014, cuộc gặp gỡ quốc tế các tôn giáo đã khai diễn tại Anvers, Bỉ, nhân tưởng niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến bùng nổ. Cuộc gặp gỡ đã do Cộng đồng Thánh Egidio tổ chức theo tinh thần của các buổi liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi, do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng hồi năm 1986.

Cuộc gặp gỡ quốc tế các tôn giáo tại Anvers, Bỉ
 
Phỏng vấn ông Marco Impaglilazzo, Chủ tịch Cộng đồng Thánh Egidio


Trong các ngày từ 7 đến 9 tháng 9 năm 2014, cuộc gặp gỡ quốc tế các tôn giáo đã khai diễn tại Anvers, Bỉ, nhân tưởng niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến bùng nổ. Cuộc gặp gỡ đã do Cộng đồng Thánh Egidio tổ chức theo tinh thần của các buổi liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi, do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng hồi năm 1986.

Cuộc găp gỡ năm nay có đề tài là “Hoà bình là tương lai”. Tham dự cuộc gặp gỡ có 350 đại biểu các tôn giáo lớn trên thế giới và nhiều nhà trí thức cũng như giới chức chính trị.

Trong các ngày hội họp, các tham dự viên đã thảo luận về các thách đố lớn mà thế giới đang phải đương đầu hiện nay, như các cuộc xung đột và chiến tranh mới đang khuynh đảo tình hình nhiều nước tại Trung Đông, Bắc Phi, cũng như tại Ucraina, khiến cho hàng ngàn người chết, hàng chục ngàn người bị thương và hàng triệu người phải di cư lánh nạn. Đặc biệt thê thảm là tình trạng của các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tại Irak và Syria. Đó là chưa kể tới số phận của người Palestine sống trong Dải Gaza. Có người cho rằng một loại Đệ tam Thế chiến, theo từng mảng một, đã bắt đầu. Người ta cũng sợ rằng nếu các vũ khí nguyên tử lọt vào tay các dân quân của Nhà nước Hồi, chắc chắn họ sẽ không ngần ngại sử dụng chống lại các nước Tây phương, đứng đầu danh sách là Hoa Kỳ và Israel. Và đáng lưu ý là trong thời gian qua chính Tổng thống Nga Vladimir Putin là người đã nhắc tới các vũ khí nguyên tử mà Nga đang sở hữu và điều đó cũng cho phép người ta hiểu ngầm rằng Nga sẵn sàng sử dụng khi cần.

Cuộc họp liên tôn cho hoà bình đã bắt đầu chiều Chúa Nhật 7-9-2014 với một lễ nghi phụng vụ đại kết trong Nhà thờ Chính toà Anvers. Giảng trong dịp này, Đức cha Johan Bonny, Giám mục sở tại, đã nói: “Ước mong của chúng tôi là đối thoại với nhau trong bầu khí huynh đệ và hoà giải. Như là các người có tôn giáo chúng tôi cần có một thế giới hoà bình hơn, và chúng tôi sẵn sàng hoạt động cho điều này.”

Đức Thượng phụ Antiokia và toàn Đông phương kiêm thủ lãnh Giáo hội Chính thống Siro đại đồng, Aphrem II, đã nhắc tới hoàn cảnh thê thảm của các Kitô hữu tại Irak vá Syria. Ngài nói: “Thiên Chúa ở giữa chúng ta, khi chúng ta thấy niềm hy vọng nơi đôi mắt của một trẻ em bị bó buộc phải rời bỏ nhà cửa và thành phố Mossul của em bên Irak cho một số phận không biết ra sao. Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, khi chúng ta thấy một người cha đã mất tất cả gia đình ông vì các vụ tàn sát dã man xảy ra tại Sadad của Syria, nhưng ông vẫn còn thanh thản cười và hạnh phúc tuân hành ý Chúa mà ông biết là Ngài gần gũi ông trong nỗi âu lo của mình.”

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn ông Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio.

Hỏi: Thưa ông Impagliazzo, bầu khí thế giới hiện nay như thế nào?

Đáp: Đó là một bầu khí chiến tranh, từ Trung Đông cho tới cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, và biết bao nhiêu xung đột khác vẫn còn tiếp diễn bên Phi châu, tôi đặc biệt nghĩ tới Cộng hoà Trung Phi. Vì thế, người ta tự hỏi nói tới hoà bình có ý nghĩa gì trong một giai đoạn, trong đó chiến tranh xem ra thắng thế, bởi vì còn có nhiều người nghĩ rằng cách thức duy nhất để đánh bại chiến tranh là một cuộc chiến khác. Trái lại, tại Anvers này, với biết bao vị lãnh đạo tôn giáo đến từ khắp nơi trên thế giới, theo tinh thần cuộc họp liên tôn Assisi, chúng tôi xác tín điều trái ngược: đó là phương pháp duy nhất để vượt thắng chiến tranh là chiến thắng nó với hòa bình.

Hỏi: Phi châu đã luôn luôn ở trong tim của Cộng đồng Thánh Egidio và của các cuộc gặp gỡ này và cả năm nay nữa, giữa biết bao nhiêu bảng giới thiệu có nhiều bảng được dành cho Phi châu. Đặc biệt có một bảng dành cho Nigeria, là quốc gia đang phải sống một giai đoạn bạo lực mạnh mẽ vì sức tiến của lực lượng Boko Haram.

Đáp: Thật là rất hay sự kiện trong biết bao nhiêu cuộc khủng hoảng bên Phi châu, như tại Nigeria hay tai Cộng hoà Trung Phi, các tôn giáo có một vai trò mới đối với hoà bình. Điều này minh xác rằng trực giác của Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1986 tại Assisi đã có tính cách ngôn sứ. Nghĩa là tái trao ban cho các tôn giáo vai trò giảng hoà trên thế giới. Đặc biệt liên quan tới cuộc xung đột tại Nigeria, giờ đây phải kêu gọi các Kitô hữu, Công giáo cũng như Tin Lành, và các tín hữu Hồi theo con đường đúng đắn của Hồi giáo, nhận diện làm sao để có thể cô lập vấn đề Boko Haram khỏi tôn giáo. Nghĩa là chúng tôi muốn tránh bất cứ sự hàm hồ nào giữa tôn giáo và bạo lực, loai trừ tất cả các hàm hồ còn có đó nơi một vài nhận vật nào đó lợi dụng tôn giáo để tiếp tục sử dụng bạo lực chiến tranh. Đây cũng là mục đích của bảng đặc biệt dành cho Nigeria: nghĩa là tách rời tôn giáo khỏi bạo lực.

Hỏi: Như vậy là người ta nhấn mạnh vai trò của các tôn giáo để tạo thuận tiện cho hoà bình, trong các xung khắc đã không do các tôn giáo làm nảy sinh ra, trái nghịch với điều mà một ít người khẳng định, có đúng thế không, thưa ông?

Đáp: Đúng, tuyệt đối đúng. Một phần bởi vì có trách nhiệm của vài người lấy danh nghĩa tôn giáo để gây chiến. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng rất thường khi chúng là các xung khắc chủng tộc hay vì các lý do tranh giành tài nguyên phong phú hoặc các lý do tư sản. Chắc chắn là bây giờ có hiện tượng mà người ta đặc biệt nhận ra nơi Hồi giáo: đó là các nhóm cuồng tín, các nhóm khủng bố, tôi nghĩ tới hai nước hồi giáo mới bên Nigeria và bên Irak. Và ý tưởng trên thế giới có hai nước Hồi giáo là điều hơi lạ lùng đối với thế giới. Hai thực tại này lợi dụng đề tài này. Vì thế, các tôn giáo phải cứng rắn hơn trong việc khẳng định rằng không có loại liên đới nào ở giữa và không thể có loại liên đới nào giữa bạo lực và tôn giáo.

Hỏi: Thưa ông Impagliazzo, đề cập tới Irak người ta nghĩ ngay tới các cuộc bách hại tàn khốc mà các Kitô hữu và người Hồi Yazidi đang phải gánh chịu tại miền bắc Irak, nơi họ đã tìm lẩn tránh khỏi sự tấn kích của các dân quân của Nhà nước Hồi, có phải vậy không?

Đáp: Vâng, đây là đề tài chính trong đại hội liên tôn của chúng tôi. Chúng tôi rất sung sướng, khi thấy đại biểu của mọi tôn giáo và chủng tộc Irak có thể tham dự đại hội: từ các đại biểu Suunít, Sciít, Yazidi cho tới các Kitô hữu. Chúng tôi cùng nhau tìm hiểu đâu sẽ là tương lai của Irak, vượt ngoài giai đoạn đen tối hiện nay. Bởi vì vấn đề cũng là chuẩn bị cho thời gian đến sau nữa, chuẩn bị cho việc xây dựng một tương lai hoà bình.

Hỏi: Trong bao năm gặp gỡ theo tinh thần đại hội liên tôn Assisi, người ta đã thấy rằng trong các cuộc thảo luận bàn tròn, các tham dự viên đã bàn luận về rất nhiều đề tài: từ vấn đề người già cho tới vấn đề môi sinh, cho tới các vùng ngoại ô của các thành phố. Tuy nhiên, rất tiếc là không thể không ghi nhận trong các thời gian sau này và nhất là năm nay, người ta nói nhiều đến khủng bố phá hoại và phong trào Hồi giáo cực đoan. Trong kiểu này thì thật khó mà thành công trong việc duy trì sống động niềm hy vọng, có đúng thế không, thưa ông?

Đáp: Tôi tin chúng ta phải nghĩ rằng thế giới cần có một tương lai, tất cả chúng ta đều cần có một ngày mai, và nhất là chúng ta phải duy trì sống động niềm hy vọng khởi đầu từ tiếng khóc, từ nỗi khổ đau của các phụ nữ, của các trẻ em Irak, của người già, của tất cả các nạn nhân của chiến tranh. Tiếng khóc này đối với chúng tôi là một dấn thân và một lời mời gọi lãnh các trách nhiệm mới. Tôi phải nói rằng các tôn giáo trong đại hội ở Anvers này cũng được mời gọi tự kiểm thảo mình: Chúng ta đã có khả năng xây dựng một thế giới hoà bình tới cỡ nào? Quá ít. Vì thế, tiếng kêu của người đau khổ là một lời mời gọi mới, kêu gọi chúng ta liên đới và dấn thân mạnh mẽ hơn nữa cho hoà bình thế giới. Và chính từ đây nảy sinh ra niềm hy vọng: hy vọng nảy sinh, khi người ta đụng chạm tới khổ đau.

(RG 8-9-2014)