Khát vọng của Sơn
“Cơ thể dù tật nguyền nhưng trái tim em luôn cháy bỏng khát vọng chinh phục bến bờ tri thức và một ngày nào đó sẽ quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư CNTT mà mình ấp ủ bấy lâu”.
Khát vọng của Sơn
“Cơ thể dù tật nguyền nhưng trái tim em luôn cháy bỏng khát vọng chinh phục bến bờ tri thức và một ngày nào đó sẽ quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư CNTT mà mình ấp ủ bấy lâu”.
Mẹ Sơn luôn tự hào về nghị lực của con trai – Ảnh: Thanh Ba |
Đó là lời chia sẻ hết sức giản dị của Nguyễn Hùng Sơn (20 tuổi, thôn Phú Dương, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) – chàng trai không may nhiễm chất độc da cam và ngày ngày oằn mình chống chọi với căn bệnh xương thủy tinh quái ác đeo đẳng suốt mấy chục năm qua.
Vượt lên nỗi đau
Chân tay teo tóp, co quắp cùng gương mặt và cái đầu to dị thường là những nét ngoài hết sức đặc biệt của Sơn “thủy tinh” (biệt danh của Nguyễn Hùng Sơn). Căn nguyên của biệt danh này là do đã bao lần hai chân, hai tay và thân thể như “thủy tinh” của mình nứt gãy mà Sơn không tài nào nhớ nổi.
Nhắc đến căn bệnh hiếm gặp như một sợi dây bám riết lấy con trai bất hạnh, bà Đinh Thị Năm, mẹ Sơn, kể: “Sơn bị nhiễm chất độc dioxin từ cha. Lúc vừa lọt lòng mẹ, các bác sĩ chẩn đoán Sơn mắc bệnh xương thủy tinh và suốt đời tay chân không thể vận động như người bình thường. Nhưng khi thấy Sơn càng lớn càng nghị lực, biết vượt lên nỗi đau tôi lại mãn nguyện và tự hào về con”.
Tuổi thơ cắp sách đến trường gói gọn trong vòng bốn năm của Sơn là chuỗi tháng ngày dài đằng đẵng của những buổi lê lết bất chấp nắng mưa tìm kiếm con chữ. Quãng đường từ nhà tới lớp học không xa nhưng cậu học trò một thời dùng toàn thân bấu víu từng centimet mặt đất để nâng từng bước… mông nhỏ tới lớp.
Vỏn vẹn bốn năm quý giá được đi học, chưa năm học nào Sơn “thủy tinh” để tuột danh hiệu học sinh giỏi. “Cơ thể có thể khuyết tật nhưng khát vọng chinh phục tri thức thì luôn bùng cháy”, Sơn tâm đắc.
“9 tuổi em mới vào lớp 1 và bi bô tập đánh vần. Học hết lớp 4, em mắc chứng tâm thần phân liệt phải điều trị tại bệnh viện tâm thần suốt năm năm. Sau khi hồi phục thần kinh, do không thể quay lại lớp học văn hóa như trước nên em xin ba mẹ cho vào làng Hòa Bình (huyện Phú Ninh) để có điều kiện rèn luyện sức khỏe, đồng thời tiếp cận học vi tính, ngoại ngữ”, Sơn nhớ lại.
Khát vọng chinh phục
Sau hai năm sinh hoạt, học tập trong môi trường mới xa nhà, chẳng ai dám tin rằng Sơn “thủy tinh” bây giờ đã có thể sử dụng thành thạo máy vi tính và thực hiện các thao tác một cách thuần thục.
Càng kinh ngạc hơn khi Sơn giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh với người nước ngoài, đặc biệt chàng trai “thủy tinh” cao 60cm và nặng chưa đầy 30kg chỉ mới học ngôn ngữ này cách đây 10 tháng.
Trò chuyện về hai bộ môn mà mình đang trau dồi, Sơn chia sẻ: “Trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin là ước mơ từ nhỏ của em và để nắm bắt kiến thức về tin học, em nghĩ trang bị cho mình vốn tiếng Anh là hết sức cần thiết. Em sẽ cố gắng theo đuổi ước mơ này đến cùng”.
Ngoài ước mơ ấp ủ từ nhỏ, chơi đàn cũng là một sở thích mà Sơn nghĩ rằng sẽ là nghề giúp Sơn trong thời gian ngắn sắp tới có thể san sớt gánh nặng gia đình khi cha bị tâm thần (cũng vì di chứng dioxin) và ông bà ngoại già yếu.
“Hiện đang chơi guitar, nhưng guitar chỉ là chơi theo sở thích, còn để bươn chải mưu sinh em đang định hướng sẽ học đánh đàn organ. Em cập nhật thông tin trên mạng và hỏi han bạn bè thì được biết học loại nhạc cụ này mất khoảng một năm.
Sau khi học xong em sẽ liên hệ xin chơi đàn cho các buổi liên hoan, tiệc cưới để kiếm tiền phụ giúp mẹ và tiếp tục đầu tư theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin mà mình mơ ước”, Sơn bộc bạch.
“Tấm gương vượt khó vươn lên của Sơn là bài học bổ ích cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã học tập. Dõi theo từng bước đi của Sơn trên con đường chinh phục từ ước mơ này đến ước mơ khác, thật sự phải ngả mũ thán phục trước nghị lực của Sơn. Tôi tin chắc rằng Sơn sẽ thành công bởi vốn kiến thức mà Sơn trang bị để làm hành trang vào đời là hết sức kỹ lưỡng” – bí thư Xã đoàn Quế Thuận Nguyễn Văn Trường nói.