27/11/2024

Chúa Nhật XXXII – TN A – 2014 Thanh tẩy chính mình là đền thờ Chúa

Giáo Hội long trọng mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô là thánh đường đầu tiên của Giáo hội Công giáo, và muốn mời gọi chúng ta nhìn lại ngôi thánh đường mà chúng ta đang được mời gọi để xây dựng và bảo trì cho xứng đáng với Chúa.

 Chúa Nhật 32 TN A – 2014

Thanh tẩy chính mình là đền thờ Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô là thánh đường đầu tiên của Giáo hội Công giáo, và muốn mời gọi chúng ta nhìn lại ngôi thánh đường mà chúng ta đang được mời gọi để xây dựng và bảo trì cho xứng đáng với Chúa.

1. Đôi dòng lịch sử

Thánh đường Latêranô khởi đầu là một phần cung điện của hoàng đế Rôma. Chúng ta biết trong 3 thế kỷ đầu của Giáo Hội, các hoàng đế Rôma đã ngăn cấm không cho người Công giáo tin theo đạo và đã ra lệnh giết tất cả những ai theo đạo Công giáo. Vì thế các tín hữu tập trung cầu nguyện theo từng nhóm nhỏ trong các tư gia hoặc trong các hang đào ngầm dưới các nghĩa trang mà người dân Rôma rất ngại không dám bước vào.

Năm 313, hoàng đế Constantinô ra chiếu chỉ Milan để công nhận các Kitô hữu được tự do theo đạo Công giáo. Nhờ người mẹ là thánh Hêlêna, chính hoàng đế đã trở lại đạo Công giáo. Gia đình hoàng gia thuộc dòng họ Latêranô nên đã dâng hiến một phần cung điện của mình để làm đền thờ đầu tiên cho Giáo hội Công giáo và đền thờ này được dâng kính cho thánh Gioan Tẩy Giả nên người ta thường gọi là đền thờ Gioan Latêranô. Trong nhiều thế kỷ, các vị giáo hoàng đã sống và làm việc ở đây, nên đây là trung tâm của Giáo Hội Công giáo. Vài thế kỷ sau, người ta mới xây cung điện giáo hoàng trên đồi Vatican mà chúng ta thấy bây giờ.

Đền thờ Latêranô còn được coi như một biểu tượng của đạo Công giáo được chính các vua chúa công nhận. Đó không phải chỉ là một đền thờ vật chất mà còn là biểu tượng của lòng tin và tình yêu mà từng tín hữu dâng kính cho Thiên Chúa qua đời sống tốt lành của mình, khiến cho những người xưa kia bách hại mình trở thành tín đồ cùng với mình để tôn thờ và dâng hiến cho Thiên Chúa, tạo thành đền thờ thật sự của Thiên Chúa là Giáo Hội.

2. Chúng ta là đền thờ Thiên Chúa

Ý nghĩa của đền thờ đã được thánh Phaolô giới thiệu cho chúng ta qua bài đọc II (1Cr 3,9-11,16-17): “Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?… Vì đền thờ Thiên Chúa chính là anh em”. Người Việt Nam từ trước đến nay đã góp công góp của rất nhiều để xây dựng những đền thờ dâng hiến cho Chúa, nói lên lòng yêu mến và kính tôn của mình. Nhưng đôi khi vì quá chăm lo đến đền thờ vật chất mà quên đi chính mỗi người tín hữu là đền thờ Thiên Chúa và là những viên đá sống động xây dựng lên ngôi đền thánh trên nền tảng là chính Chúa Giêsu: “vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11).

Thánh Phaolô nói đến nền tảng là Chúa Giêsu vì ngài muốn mọi người tín hữu xây dựng đời mình trên sự hiểu biết và gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô. Nếu Người đã nói với chúng ta rằng Người chính là con đường, là sự thật và sự sống, là tình yêu và lòng nhân hậu, là nguồn ân sủng của Thánh Thần…. thì xây dựng trên Chúa Giêsu Kitô là chúng ta xây dựng đời mình cũng như đời sống của cộng đồng Dân Chúa trên sự thật, sự sống, tình yêu, nhất là trên những giá trị của Tám Mối Phúc và lời khuyên Phúc Âm mà Chúa Giêsu Kitô giới thiệu cho chúng ta. Nếu chúng ta xây dựng trên nền tảng đó, chúng ta mới trở thành thân thể sống động của Chúa Giêsu Kitô để người khác nhìn vào đền thờ là chính chúng ta, người ta mới cảm nghiệm được Chúa Giêsu sống động đang ở giữa họ và mang lại ơn cứu độ, bình an, hạnh phúc cho họ.

Tuy nhiên, chúng ta có thể giống như những người Do Thái xưa kia chăm chú xây dựng đền thờ Giêrusalem vật chất trong suốt 46 năm, nhưng lại quên xây dựng con người mình, khiến cho nó mất đi sự thánh thiện phải có đối với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã thanh tẩy đền thờ Giêrusalem bằng cách xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Người đã nhắc nhở: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16).

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại đền thờ là chính mỗi người: xem chúng ta có thật sự trở thành một nơi cầu nguyện, một nhà để chúng ta gặp gỡ nhau, cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc và đón nhận được những ân sủng của Thiên Chúa hay chúng ta đã trở thành những con người buôn bán ở trong đền thờ này. Chúa Giêsu muốn thanh tẩy chúng ta để chúng ta cảm nghiệm được mình là những chi thể trong thân thể sống động của Người “vì đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,21).

Chúng ta là những viên đá sống động làm nên đền thờ Thiên Chúa. Nếu chúng ta thật sự đặt nền móng của đời sống mình trên những giá trị mà Chúa Giêsu kêu gọi, chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ thu hút những người khác đến trong đền thờ này. Họ sẽ đi vào con đường sự thật và sự sống của Chúa Giêsu, sẽ đi theo con đường tình yêu, lòng nhân hậu của Người để tất cả cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ.

3. Thanh tẩy Đền thờ

Nhưng nếu chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình hiện nay, có lẽ chúng ta đang được mời gọi để cùng với Chúa Giêsu làm một cuộc thanh tẩy đời sống. Trong ít ngày qua, tờ nhật báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên ở Thành phố Hồ Chí Minh nói đến những con heo ở vùng Hố Nai, Biên Hoà được bơm đầy nước trong những cơ sở giết mổ cung cấp thịt cho TP.HCM. Rồi hàng ngàn con heo và hàng chục ngàn gia cầm như gà vịt được nuôi bằng thuốc tăng trọng độc hại cũng từ vùng này. Chưa kể chuyện xe chở bia bị lật ở vòng xoay Biên Hoà bị người dân ở đây cướp nhiều két bia, thay vì giúp đỡ người bị nạn thu nhặt đồ bị rơi.

Nhưng chúng ta thử hỏi xem, những người vùng Hố Nai, Biên Hoà đó là ai? Họ có phải là những người tín hữu Công giáo? Một số linh mục bạn của tôi ở vùng Hố Nai, Biên Hoà được giáo dân biếu thịt, rau, kể lại lời giáo dân nói với mình rằng: “Thưa cha, đây là heo nhà con mổ, không có thuốc tăng trọng, con nuôi để dành cho gia đình ăn và biếu cha mà thôi. Đây cũng là rau sạch trồng riêng, không bón hoá chất và phun thuốc trừ sâu độc hại của Trung Quốc. Cha ăn cho lành”. Giáo phận Xuân Lộc gồm vùng Biên Hoà, Hố Nai, Gia Kiệm có tỷ lệ giáo dân cao nhất nước (33%), thử hỏi những tín hữu ở đó có thật sự là những người tôn trọng sự thật, sự sống, tôn trọng tình yêu, bác ái, công bình đối với nhau và với người khác không?

Chắc chắn không phải tất cả những người Công giáo ở vùng Hố Nai, Biên Hoà đã làm những điều không đúng với giáo lý của Chúa Giêsu, nhưng cũng không ít những con người ở vùng đó đang xúc phạm đến sự sống khi bán ra những hàng hoá, thực phẩm độc hại. Họ không những vi phạm luật công bình mà còn phạm điều răn “thứ V là chớ giết người” trong Thập giới. Nếu chúng ta nói rộng hơn đến các vùng có nhiều đồng bào Công giáo như Bùi Chu, Phát Diệm, Vinh…thử hỏi họ có tôn trọng sự thật, sự sống, tình yêu, công bình, lòng khoan dung…như Chúa mời gọi?

Chúng tôi nhớ đến trách nhiệm “đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề” (1Cr 3,10) của các linh mục, tu sĩ khi họ khuyên nhủ người tín hữu trong giáo xứ của mình thể hiện sự công bình, bác ái  bằng việc nuôi trồng và bán ra những sản phẩm an toàn, lành sạch, tốt rẻ cho nhau và cho cả những người ngoài Công giáo. Khi thực hiện được điểu đó, họ giống như anh em tín hữu Hàn Quốc, tạo nên thương hiệu riêng của Công giáo, tạo nên tiếng thơm là thịt rau của những vùng do đồng bào Công giáo sản suất đều có chất lượng đảm bảo, an toàn. Vào cửa hiệu của người tín hữu Công giáo là người ta luôn mua được hàng tốt, rẻ, đẹp, an toàn, không cần phải trả giá. Đó cũng là một trong các lý do chính khiến tỷ lệ người Công giáo Hàn quốc tăng nhanh trong những năm vừa qua, từ 1% vào năm 1949 tăng đến 10,5% vào năm 2013 trong khi người Công giáo Việt Nam giữ tỷ lệ gần 7% trong suốt 130 năm qua.

Kết luận

Chúng tôi muốn gợi ý vài điều cụ thể, không có ý chê trách ai, nhưng mời gọi anh chị em: cùng với Chúa Giêsu chúng ta thanh tẩy đền thờ là chính mình để giúp cho người khác cảm nghiệm được sự sống của Thiên Chúa. Sự sống thần linh đó đang chuyển thông qua chúng ta đến họ để khi gặp gỡ chúng ta họ cảm nghiệm được niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Chúa.