Tình yêu là dầu thắp sáng ngọn đèn của chúng ta
Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nổi tiếng đề cập đến mười thiếu nữ được mời tham dự tiệc cưới, tượng trưng cho vương quốc nước Trời, tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu. Đây là một hình ảnh diễn tả niềm vui, nhưng qua đó, Đức Giêsu muốn dạy một chân lý làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
Tình yêu là dầu thắp sáng ngọn đèn của chúng ta
Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXXII TN, 6/11/2011
Anh chị em thân mến!
Những bài đọc Sách Thánh trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn về sự sống vĩnh cửu mà chúng ta đã bắt đầu nhân ngày tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. Về điểm này, ta thấy có một sự khác biệt thật rõ ràng giữa người tin và người không tin, hay ta cũng có thể nói được là giữa người hy vọng và người không hy vọng. Thật thế, Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Thêxalônica: “Anh em thân mến, về những người đã an giấc nghìn thu, chúng tôi không muốn để anh em không hay biết gì, để anh em khỏi phải buồn phiền như những người không có niềm hy vọng” (1Th 4,13). Niềm tin vào cái chết và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô trong phạm vi này cũng đã đưa ra một đường phân chia triệt để. Thánh Phaolô luôn nhắc lại cho các Kitô hữu thành Êphêxô là trước khi đón nhận Tin Mừng, họ không “có Đức Kitô, không được hưởng quyền công dân Israel, và xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa, không có hy vọng và không có Thiên Chúa trên trần gian này” (Ep 2,12). Thật thế, tôn giáo của người Hy Lạp, những phụng tự và những huyền thoại ngoại giáo không có khả năng soi sáng cho ta hiểu mầu nhiệm cái chết; một câu khắc của người xưa có viết: “In nihil ab nihilo quam cito recidimus”, nghĩa là: “Từ hư vô cho đến hư vô, chúng ta giảm sút nhanh chóng biết bao”. Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, nếu chúng ta loại bỏ Đức Kitô, thì thế giới này chỉ còn là trống rỗng và chìm vào trong bóng tối tăm. Ngoài ra, điều này cũng còn được xác nhận trong những cách biểu lộ của hư vô chủ nghĩa đương thời mà lắm khi vô tình, nhưng đáng buồn thay, lại đầu độc biết bao bạn trẻ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nổi tiếng đề cập đến mười thiếu nữ được mời tham dự tiệc cưới, tượng trưng cho vương quốc nước Trời, tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu (Mt 25,1-13). Đây là một hình ảnh diễn tả niềm vui, nhưng qua đó, Đức Giêsu muốn dạy một chân lý làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Thật thế, năm trong số mười thiếu nữ được nhận vào dự tiệc cưới, bởi vì khi chàng rể đến, các cô có sẵn dầu để thắp đèn, trong khi đó thì năm cô kia không được vào dự tiệc, bởi vì họ không khôn ngoan, họ không mang theo dầu. “Dầu” ở đây biểu thị điều gì cần thiết để được chấp nhận vào dự tiệc cưới? Thánh Âu Tinh (x. Diễn từ 93, 4) và các tác giả cổ điển khác cắt nghĩa đây là một biểu tượng của tình yêu mà ta không thể mua bán bằng tiền, nhưng nhận lãnh nhận như một hồng ân, giữ gìn trong tâm hồn và thực hành bằng những việc làm. Khôn ngoan thật là biết rút tỉa điều tốt đẹp nhất từ cuộc sống có sinh có tử này để thực thi những việc làm nhân ái, bởi vì sau khi chết, ta không còn làm được điều gì nữa. Khi chúng ta sống lại để chịu phán xét sau cùng, thì sự phán xét ấy sẽ dựa trên nền tảng tình yêu được thể hiện trong cuộc sống trên trần gian này (x. Mt 25, 31-46). Và tình yêu này là một hồng ân của Đức Kitô, được đổ vào tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Ai tin vào Thiên Chúa-Tình Yêu thì mang trong lòng mình một niềm hy vọng bất diệt, như một ngọn đèn soi cho họ vượt qua đêm đen cái chết để đi đến ngày đại lễ sự sống.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria là Sedes Sapientiae [Toà Đấng Khôn Ngoan] dạy chúng ta sự khôn ngoan thật đã hoá thành nhục thể trong Đức Giêsu. Người là Con Đường dẫn chúng ta từ đời sống này đến Thiên Chúa, đến Đấng Vĩnh Hằng. Người đã làm cho chúng ta biết được gương mặt của Chúa Cha, và như thế, đã cho chúng ta một niềm hy vọng yêu thương. Chính vì thế, Giáo Hội hướng về Thân Mẫu của Chúa với những lời sau đây: Vita, dulcedo, et spes nostra [là sự sống, là sự ngọt ngào và là hy vọng của chúng con]. Chúng ta hãy học nơi Mẹ để biết sống và chết trong niềm hy vọng vững chắc.