08/01/2025

Mất vợ vì máy gọt khoai mì

“Lúc đó tôi gần như mất tất cả. Gia đình, bạn bè, hàng xóm, thậm chí ngay cả lúc ăn cưới, tôi cũng chỉ ngồi một mình và được chiếu cố bằng những ánh mắt mỉa mai diễu cợt.”

 

Mất vợ vì máy gọt khoai mì

 

“Lúc đó tôi gần như mất tất cả. Gia đình, bạn bè, hàng xóm, thậm chí ngay cả lúc ăn cưới, tôi cũng chỉ ngồi một mình và được chiếu cố bằng những ánh mắt mỉa mai diễu cợt.”

 

 

Ông Linh chế tạo máy gọt mì - Ảnh: Thanh Huy
Ông Linh chế tạo máy gọt mì – Ảnh: Thanh Huy

Nông dân Nguyễn Linh (ở tổ dân phố 9, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã chế tạo thành công chiếc máy gọt khoai mì và củ quả dạng dài, mang lại tiện lợi, hiệu quả cho cả ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Đến thị trấn Chư Ty, hỏi ông Nguyễn Linh thì ai cũng vui vẻ chỉ đường cho chúng tôi đến nhà ông. Hai bên đường đến nhà ông bạt ngàn rừng khoai mì, đó là động lực để ông quyết tâm sáng chế chiếc máy gọt khoai mì giúp những người nông dân tiết kiệm thời gian và công sức lao động.

Bên cạnh căn nhà đơn sơ giản dị là chiếc máy gọt khoai mì mà ông đã dày công sáng chế, thậm chí đánh đổi cả gia đình, gia sản trong 10 năm mới hoàn thành.

Tan vỡ gia đình

Tôi về lập nghiệp ở vùng đất Chư Ty này năm 1996, người dân ở đây chủ yếu trồng khoai mì. Sau khi thu hoạch thì đến công đoạn gọt sạch vỏ khoai, cắt nhỏ phơi khô, sau đó bán cho các nhà máy chế biến xăng sinh học hoặc nhà máy chế biến thức ăn gia súc.

Thông thường một nhân công gọt vỏ trong một ngày đạt 200-250kg khoai mì. Nhưng thực tế trong vỏ khoai mì có chất cyanua rất độc làm hại sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Vì vậy tôi mày mò tìm hiểu và bắt đầu chế tạo chiếc máy này vào đầu năm 2005

Ông NGUYỄN LINH

Những ngày đầu tiên chuẩn bị vật dụng để chế tạo máy thật sự là khó khăn. Tài chính và nguyên vật liệu thiếu thốn, ông đã mất nhiều đêm không ngủ. Ghi chép tính toán để làm sao hoàn thành được chiếc máy hẳn không phải là điều dễ dàng.

Biết được ý định sáng chế máy gọt củ mì của ông, nhiều người bắt đầu nghi ngờ và cười mỉa mai. Bởi họ biết ông chỉ là một người nông dân và không biết chút gì về cơ khí.

Kinh tế gia đình cũng chẳng khá giả gì, các con thì còn đi học. Thời gian đầu ông cũng có chút lưỡng lự. Nhưng đến năm 2005, người con trai cả học hết năm thứ nhất đại học và quyết định sống tự lập, vừa học vừa làm, đến lúc này ông thật sự bắt đầu quyết tâm để làm ra chiếc máy.

Ba tháng sau, ông chế tạo ra một chiếc máy gọt vỏ củ mì và bắt đầu kéo vào rẫy để gọt thử. Đi cùng ông là bốn thanh niên ông thuê trong xóm.

Khi chiếc máy được kéo vào rẫy và vận hành thì bất chợt nó nổ tung. Mọi người hốt hoảng bỏ chạy. Riêng ông vì đứng gần nên áo bị cuốn vào máy nhưng rất may ông chỉ bị xây xát nhẹ.

Ấm ức, ông lại thuê người kéo máy về và hì hục làm lại. Cái máy thứ hai cũng thế, dù không nổ tung nhưng cũng không thể tải được bằng nhông xích.

Mọi người bắt đầu nhìn ông ái ngại. Thậm chí có người còn nói ông bị điên.

Củ mì có độ dài và kích thước to nhỏ khác nhau, làm sao gọt bằng máy được. Và ông ấy cũng chẳng có chút kinh nghiệm hoặc chuyên môn gì mà muốn làm nhà sáng chế? Có người thông cảm thì khuyên ông nên ngừng lại, không nên mạo hiểm lần nào nữa.

Nhưng điều khiến ông buồn nhất là vợ ông cũng bắt đầu dao động và muốn ông ngừng ý định chế tạo máy. Song niềm đam mê vẫn cháy bỏng trong ông. Ông bắt đầu bán đất, bán rẫy để mua vật liệu. Cho đến một ngày ông trở về nhà thì vợ ông đã bỏ đi. Ông đau đớn gần như gục ngã.

Ai cũng nghĩ rằng sau sự việc đó ông sẽ từ bỏ ý định chế tạo máy gọt củ mì. Nhưng rồi sau một tuần kể từ ngày vợ đi, ông bắt đầu gượng dậy và tiếp tục công việc của mình.

Phá đi làm lại…

Một mình ông tiếp tục hì hục khuân vác sắt thép, lắp ghép… quên cả thời gian. Thậm chí có năm tới chiều 30 tết mà nhà chẳng còn gì để ăn vì ông mải mê làm.

Nghĩ đến thời gian đó hai khóe mắt ông đỏ hoe: “Lúc đó tôi gần như mất tất cả. Gia đình, bạn bè, hàng xóm, thậm chí ngay cả lúc được mời ăn đám cưới, tôi cũng chỉ ngồi một mình và được chiếu cố bằng những ánh mắt mỉa mai diễu cợt.

Ngày làm vật vã, nhưng có những đêm khó ngủ, tôi lang thang khắp các nẻo đường, đầu óc lúc nào cũng suy nghĩ về cái máy. Cố gắng tìm ra một giải pháp, một cấu trúc hợp lý. Tôi kiên định chọn con đường đi của mình.

Hoặc là để lại cho đời một thứ gì, nhất là những người nông dân cùng chân lấm tay bùn như tôi, hoặc là tôi mất tất cả. Cuối cùng thì tôi đã tìm ra những mấu chốt quan trọng trong thiết kế. Dù tiến độ tôi làm rất chậm và hầu như phải làm đi làm lại hàng chục lần các chi tiết”.

Ông phá cái máy thứ ba và tận dụng vật liệu để làm cái thứ tư, không làm lớn như cái máy trước. Lần này ông thu nhỏ làm theo dạng mô hình.

Bây giờ thì vườn cũng bán, nhà đã cầm và ngân hàng cũng không dám cho ông vay nữa. Ông xoay ra mượn vốn của anh em mình để làm.

Ông lặn lội đến TP.HCM, có khi ra tận Huế để tìm kiếm vật liệu. Một số nguyên vật liệu khó tìm ông phải đi lại rất nhiều lần. Cứ thế một mình ông loay hoay với chiếc máy.

Cuối cùng cho chạy thử thì chiếc máy cũng gọt được hai lớp vỏ lụa và vỏ đỏ của củ mì khá đẹp.

Nhưng sự thành công đó chưa vừa ý của ông, vì ông muốn làm thế nào thiết kế được một máy vừa gọt mì trên rẫy cho nông dân vừa dùng cho nhà máy công nghiệp. Có thể máy sử dụng cho tất cả địa bàn và gọt được công suất lớn. Vì vậy máy cần độ bền và chính xác cao. Và làm thế nào để một người dân có kiến thức trung bình có thể tháo lắp và dễ dàng thay thế những bộ phận, nhất là các lưỡi dao gọt.

Về kỹ thuật gọt đối với nhà nông thì tương đối dễ, vì họ gọt sọc dưa rồi phơi, chất cyanua theo nắng sẽ bốc hơi. Nhưng với công nghiệp, là những nhà máy chế tạo bột mì thì phải gọt loại bỏ càng nhiều vỏ đỏ ở củ mì càng tốt.

Suy đi tính lại, ông lại tháo chiếc máy thứ tư ra tìm cách chế tạo và thay đổi kết cấu máy. Cứ thế, bốn năm sau ông mới hoàn chỉnh chiếc máy theo ý mình.

Bao nhiêu khó khăn cứ vần lấy ông. Những ngày công việc gần hoàn tất, ông lại phát hiện mình bị bệnh tiểu đường rất nặng. Cơ thể luôn luôn đau nhức vì thời gian ông làm việc quên cả ngày đêm. Có những ngày ông phải quỳ gối trong nhiều giờ để tháo, lắp chiếc máy có cả ngàn chi tiết này.

Thành công 

Chiếc máy lắp ráp lần thứ năm hoàn thiện, ông bắt đầu cho gọt thử. Công suất một ngày máy gọt được 30 tấn, bằng 150 nhân công làm việc. Thậm chí có thể tăng năng suất lên 40-45 tấn/ngày.

Đối với nông dân, từ nay họ sẽ không còn lo chuyện tìm kiếm nhân công gọt vỏ mì để phơi cho kịp thời vụ. Đối với công nghiệp thì nhà máy chế biến tinh bột mì sẽ tiết kiệm được bể rửa, bể chứa, bể lọc, điện, nước…

Và khi gọt tập trung sẽ có số lượng lớn vỏ để làm phân vi sinh, hoặc chuyển sang làm biogas phục vụ lại cho nhà máy. Chất xơ sau khi chế biến sạch được sấy làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhưng điều quan trọng nhất của nhà máy chế biến tinh bột mì đó là xử lý được khá lớn vấn đề môi trường.

Sau thành công đó, ông lặn lội ra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để giới thiệu về chiếc máy. Cùng thời điểm này ông tham gia cuộc thi “Nhà sáng chế Việt năm 2014” do kênh VTV2 Đài truyền hình VN tổ chức và Bộ Khoa học – công nghệ bảo trợ.

May mắn ông nhận được giải nhất của tháng và đang chờ kết quả cuộc thi của năm. Chiếc máy của ông được hội đồng giám khảo và các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Khỏi phải nói ông vui mừng đến thế nào. Người dân nơi ông sinh sống bắt đầu nhìn ông bằng cặp mắt thiện cảm hơn và hiện nay họ tự hào về ông.

Khi được hỏi tâm nguyện của ông là gì, ông nói: “Tôi mong chiếc máy này được Nhà nước cấp bản quyền và sau đó sẽ sản xuất đồng loạt để phục vụ nông dân và các nhà máy chế biến tinh bột mì, giúp nông dân và các nhà máy giảm bớt thời gian, kinh phí, đặc biệt là giảm bớt độc hại cho sức khỏe con người”.

 

THANH HUY – THANH VÂN