DẠY HỌC BẰNG CẢ YÊU THƯƠNG Người thầy được học trò yêu quý nhất
35 năm đứng lớp, thầy Lê Đình Diệp (Trường THPT Bình Sơn, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) luôn được học trò yêu quý, bởi ở tiết học của thầy ngoài chuyện dạy chữ còn dạy làm người.
Người thầy được học trò yêu quý nhất
35 năm đứng lớp, thầy Lê Đình Diệp (Trường THPT Bình Sơn, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) luôn được học trò yêu quý, bởi ở tiết học của thầy ngoài chuyện dạy chữ còn dạy làm người.
Thầy Diệp cùng với Vân (giữa) và Côi, hai em học trò đang được thầy cưu mang – Ảnh: Trần Mai |
“Tôi sinh ra ở Huế, những năm tháng chiến tranh ăn bo bo, củ chuối đi học. Đói nghèo là điều đáng sợ, nhiều bạn đồng môn dù học rất giỏi nhưng phải bỏ học vì không chịu nổi, nên mỗi lần thấy em học trò nghèo nghị lực tôi thấy mình trong đó. Nói thật tôi sợ học trò nghỉ học lắm, làm thầy mà học trò nghỉ học hết thì có nước thất nghiệp” – thầy Diệp bắt đầu câu chuyện “rất Huế”.
Thương lắm học trò nghèo
Dạy kiến thức không bằng dạy làm người. Nếu cho em thấy được cái sai chắc chắn sẽ thay đổi được |
Thầy LÊ ĐÌNH DIỆP |
Năm 1979, thầy Diệp vào Trường THPT Bình Sơn dạy học. Trường nghèo, thầy nghèo, học trò nghèo, đến cuối năm gần nửa trường bỏ học. Lớp thầy chủ nhiệm cũng thế, vắng dần rồi một số em “mất tích” không lý do.
Người thầy giáo trẻ lại đến tận nhà vận động học trò đến lớp. Trong những ngày đó để giữ lớp không “mất học trò”, có chiếc xe đạp “xịn” thầy cũng đưa luôn cho học sinh.
Cho đến giờ thầy Diệp không nhớ mình đã cưu mang bao nhiêu học sinh. Thầy chỉ nhớ mỗi năm có ít nhất một em mồ côi hay gia cảnh đặc biệt khó khăn được thầy nhận nuôi để tiếp tục đến trường. Trong rất nhiều thế hệ, thầy nhớ nhất cậu học trò miền biển tên Trường, tốt nghiệp năm 1982, cha mất, mẹ bệnh, cậu học trò giỏi nhất lớp nghỉ học hơn một tháng.
“Tôi cùng thầy hiệu trưởng tới nhà mới biết mẹ bắt nghỉ học vì không nuôi nổi. Hai anh em ngơ ngác nhìn nhau vì ai cũng nghèo, mà phòng tập thể của tôi đã có hai em ở cùng rồi. Gạo một người nuôi bốn người, cái đói vây lấy căn phòng thầy Diệp, nhưng mỗi đêm chiếc đèn dầu vẫn sử dụng hết công suất để trò học bài, thầy soạn giáo án. Sau này Trường đỗ vào ĐH, hai em kia vào CĐ, nhận được tin là ôm nhau khóc luôn”, thầy Diệp cười hiền.
Hay câu chuyện về Nguyên, cậu sinh viên năm 2 Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cũng vậy. Cách đây ba năm nếu như không có thầy Diệp mang về nhà nuôi, giờ này có lẽ cuộc đời cậu bé mồ côi cha, mẹ ốm cũng đã giống như hai người chị của mình phải sớm nghỉ học đi làm thuê.
Nói về thầy, Nguyên bảo: “Hãy để em nói vì em chưa bao giờ được nói về thầy của mình, mà chắc em có nói ngàn lời cũng không thể hết tình cảm của thầy dành cho”.
Với Nguyên, thầy Diệp như người cha, bởi hơn hai năm cơm nước, bệnh tật, thậm chí tiền mua vé xe đi thi, tiền nhập học cũng được thầy Diệp lo cho.
“Có lẽ cuộc đời em chỉ làm được một điều không phụ công lao của thầy, đó là đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn địa trong kỳ thi hai năm trước” – Nguyên nghẹn ngào.
Hiện thầy đang cưu mang hai em Nguyễn Thị Kiều Vân và Phạm Thị Côi cùng lớp 12C3, cùng cảnh mồ côi cha mẹ. Cả hai đang cố gắng vào đại học như những thế hệ anh chị được thầy cưu mang trước đó.
“Dạy kiến thức không bằng dạy làm người”
May mắn của nhà trường và học sinh Tiết học của thầy luôn được lồng ghép những câu chuyện sinh động để học trò thảo luận. Từng nhiều lần dự giờ tiết dạy của thầy Diệp, thầy Nguyễn Ngọc Tựu, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, thừa nhận cách dạy địa lý đa dạng, vận dụng tinh tế cả toán học lẫn văn học, lịch sử… của thầy Diệp. “Tôi cứ nghĩ đó là môn học bài nhưng khi dự giờ thầy Diệp dạy, tôi đã thay đổi suy nghĩ đó” – thầy Tựu cho biết. Cả một đời “trồng người”, câu nói thầy Diệp tâm đắc nhất là: “Đừng ham mê danh lợi mà quên chuyện dạy chữ dạy người” của người thầy mẫu mực Chu Văn An. Thầy Diệp nói nửa đùa nửa thật: “Đó là giáo án lớn nhất mà đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy mình chưa bao giờ soạn xong”. Thầy Hồ Tấn Sĩ, hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, tự hào: “Nhà trường và học sinh may mắn lắm mới có được một người thầy mẫu mực như thế. Mỗi năm trường bình chọn người thầy được học trò yêu quý nhất, thầy Diệp luôn đứng đầu toàn trường”. |
Trong cuộc đời dạy học của mình, thầy Diệp chưa bao giờ nói lớn tiếng với học trò. Với thầy, một giáo viên la hét trên lớp khác nào bất lực. Mỗi học trò có một hoàn cảnh và tính cách khác nhau, phải dùng tình cảm để hiểu được.
Cậu học trò Nguyễn Duy Phương dù đã tốt nghiệp CĐ ra trường đi làm nhưng vẫn tranh thủ thời gian đến nhà thầy Diệp để nghe thầy chỉ dạy.
Nhà khá giả, từng là học sinh giỏi nhưng Phương không thích học bằng game, chẳng ai khuyên nhủ được. Chính game đã dẫn Phương từ học trò giỏi thành cá biệt và dẫn luôn vào con đường phạm pháp.
Nhắc lại chuyện này, cậu học sinh cá biệt một thời vẫn có chút ngại ngần: “Năm đó em hay nghỉ học, thường xuyên đánh nhau nên trường kỷ luật đuổi học, mãi đến sau này mới biết thầy chủ nhiệm xin, cam kết nếu em không thay đổi thầy sẽ đứng ra chịu trách nhiệm”.
Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thể làm thay đổi được Phương cho đến khi em bị công an bắt giữ vì tội trộm cắp. Thầy Diệp tìm hiểu mới biết Phương hết tiền chơi game, đánh liều trộm máy bơm nước của người dân.
Một đêm trắng suy tư, thầy Diệp nghĩ nếu mình không cảm hóa được cậu học trò này thì xem như thất bại.
Quyết tâm cứu học trò, thầy Diệp giấu chuyện, không báo cáo ban giám hiệu, một mình đến nhà trưởng Công an huyện Bình Sơn đúng vào lúc vị này đang tỉa cây, thầy bắt chuyện: “Tôi thấy cây đẹp là nhờ công anh uốn nắn. Anh nghĩ nếu như một đứa trẻ lỡ lần đầu phạm sai lầm mình có nên tạo điều kiện để sửa sai không?”.
Sau cuộc nói chuyện ấy, thầy Diệp viết giấy bảo lãnh, lên phòng tạm giam đón Phương về. “Hôm đó, thầy nói đây là lần cuối cùng thầy giúp, nhưng đừng vì thầy mà hãy thương chính tương lai của mình để thay đổi, nếu không sẽ hối hận cả đời” – Phương kể.
Sau hôm đó, thầy cô, bạn bè chẳng còn thấy Phương ngỗ ngược, lười học, đánh nhau nữa mà là một Phương rất mới: chăm chỉ, sôi nổi trong lớp và rất hòa đồng.
Không chỉ nổi tiếng bởi việc cưu mang học trò nghèo, uốn nắn học trò cá biệt, thầy Diệp còn nổi tiếng toàn tỉnh Quảng Ngãi bởi là chuyên gia đào tạo học sinh giỏi địa lý. 17 năm tham gia đào tạo “gà chọi” chưa năm nào thầy thất bại khi học trò ở ngôi trường huyện của mình ra “đấu trường” toàn quốc. Với riêng môn địa lý, Trường THPT Bình Sơn luôn dẫn đầu toàn tỉnh về tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia.