29/11/2024

Giữ rừng để trồng sâm

Chính phủ vừa đồng ý thông qua đề án sâm quốc gia của tỉnh Quảng Nam. Mộng ước đưa Việt Nam trở thành cường quốc về sâm đẳng cấp thế giới rồi sẽ hiện dần trong đời thực.

 CÂU CHUYỆN SÂM – TỪ NGỌC LINH TỚI HAMYANG – KỲ 1:

Giữ rừng để trồng sâm

 

 

Chính phủ vừa đồng ý thông qua đề án sâm quốc gia của tỉnh Quảng Nam. Mộng ước đưa Việt Nam trở thành cường quốc về sâm đẳng cấp thế giới rồi sẽ hiện dần trong đời thực.


 

 


Lứa sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi ở làng Măng Lùng đang có trái sắp chín để hái ươm - Ảnh: H.V.M.
Lứa sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi ở làng Măng Lùng đang có trái sắp chín để hái ươm – Ảnh: H.V.M.

Mùa mới sâm Ngọc Linh (NL) đang bắt đầu với những chuyển biến sôi động từ nhiều phía khắp buôn làng. 

Để có được những chuyển động đó, người Quảng Nam đã lặn lội sang tận huyện Hamyang của Hàn Quốc để học về sâm. Hamyang là huyện miền núi xa xôi không khác nào Nam Trà My (Quảng Nam) hay Đắk Glei (Kon Tum) nhưng mỗi năm họ mang về cả tỉ USD từ sâm…

Khó ngăn được cảm xúc khi nhìn các thửa ruộng bậc thang nhỏ bé lọt thỏm giữa điệp trùng những cánh rừng nguyên sinh nơi các dãy núi cao chạm mây của cư dân đất sâm Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang.

“Dân mình giữ cái rừng lại để trồng sâm đó mà. Không còn cái rừng già thì không trồng được cái cây sâm NL đâu…” – những người Xơ Đăng trong vùng đang tuốt lúa bên ruộng nói.

Nhờ được cư dân gìn giữ, những vùng rừng nguyên sinh có độ cao từ 1.200m trở lên ở đây là địa bàn chính để đề án phát triển sâm NL của tỉnh Quảng Nam đứng chân.

Giữ lấy đất sâm, ngưng phá rừng

Từ thị tứ Tăk Pỏ, theo đường Nam Quảng Nam (tức QL40B, làm xong từ năm 2013) rồi rẽ theo đường liên xã Trà Nam – Trà Linh (mới vừa làm xong), chỉ một giờ đi xe máy và hơn nửa giờ vượt dốc là đến được làng Tà Lang – vùng đất sâm đầu tiên của xã Trà Linh.

Gọi “đất sâm” bởi không chỉ đất ở đó phải nằm ở cao độ thích hợp – từ 1.200m trở lên – mà cần phải còn rừng nguyên sinh để tàng cây che phủ cho cây sâm trồng quanh năm suốt tháng.

Từ những khoảng trống ở Tà Lang nhìn ra bốn phía đâu cũng núi cao ngút ngàn. Giữa ngày, những lớp sương mù dày đặc như mây vẫn che chắn khắp các sườn núi. Lối đi đến các nóc làng phần lớn đều phủ kín cây rừng, người vượt dốc bớt mệt nhờ độ mát lạnh từ rừng rậm toả ra.

“Vùng rừng này là vùng trồng sâm của dân Tà Lang trước đây. Mấy năm nay người ta không trồng nữa vì ở đây dễ bị nhổ trộm. Nay bà con tìm đến chỗ núi xa để trồng” – anh Hồ Văn Rủi, cư dân làng Tắk Ngo ở kề bên, chỉ vào cung rừng rậm trải hai bên đường, nói.

Thật khó ngờ, những cung rừng nguyên sinh ken dày cây đại thụ nằm sát nóc làng, bên đường đi lại được cư dân giữ gìn gần như nguyên vẹn.

“Dân mình giữ nhiều cái rừng già lại để có nước mà làm ruộng đó. Còn từ ngày biết trồng cây sâm NL dân mình càng giữ rừng nhiều hơn để có chỗ mà trồng cây sâm” – Rủi giải thích.

Các làng Tăk Ngo, Cam Bin, Măng Lùng nằm phía trên làng Tà Lang cũng là những thung lũng hẹp, hiểm trở được vây bọc tứ bề bởi rừng đại ngàn, nhìn vào chỉ thấy một thảm xanh trùng điệp với sương mù giăng toả.

“Làng Măng Lùng nằm ở chỗ cao hơn nên lạnh hơn, cây sâm trồng tại đó chịu hơn ở mấy làng phía dưới. Chỉ cách nhau có hơn một giờ lội bộ mà khác vậy đó…” – vẫn lời của Rủi.

Trà Linh là nơi cư dân Xơ Đăng biết mở ra việc trồng sâm NL để bán sớm nhất, nhiều nhất và thành công nhất ở đất sâm Nam Trà My.

Từ ngày sâm NL lên giá vì giá trị dược liệu của loại sâm này được biết đến, gần 15 năm nay cư dân đất sâm Trà Linh đã gần như ngừng hẳn việc phá rừng làm rẫy.

Tuy đến nay mỗi hộ ở đất sâm Trà Linh chỉ mới trồng dưới một sào (500m2) đất sâm nhưng họ đã hợp sức giữ rừng rất tốt.

“Chỗ trồng sâm phải có nhiều rừng già bao quanh bên ngoài mới giữ được độ ẩm, độ mát cho cây sâm phát triển vào mùa nắng.

Bởi vậy nên dân mình giữ rừng rất tốt. Cái rừng già để trồng sâm ở Trà Linh mình còn nhiều lắm, muốn đi cho hết phải lội bộ mất năm bảy ngày” – ông Hồ Văn Lang, bí thư chi bộ thôn 2 (gồm các làng nêu trên), nói.

Anh Hồ Văn Dép ở làng Tắk Ngo bên luống ươm hạt sâm ở rừng. Mới 4g chiều, vùng sâm trồng ở rừng đã tối mù - Ảnh: H.V.M.
Anh Hồ Văn Dép ở làng Tắk Ngo bên luống ươm hạt sâm ở rừng. Mới 4g chiều, vùng sâm trồng ở rừng đã tối mù – Ảnh: H.V.M.

Những hạt sâm gieo xuống rừng

Nỗi hân hoan hiện rõ trên nét mặt của người dân Trà Linh khi họ nhìn con đường từ nóc Mô Chai ở thôn 1 xã này nối với đường đến trung tâm xã đang được trải bêtông. Một số người ở Mô Chai, Tà Lang đã sắm xe máy.

Đường nhựa, đường bêtông mở đến xã, đến nóc làng tại đây như là “chuyện cổ tích” với dân làng bởi trước đây muốn đến thị tứ Tắk Pỏ cư dân phải đi – về mất hai ngày, vượt toàn dốc dựng khe sâu.

“Được trên làm cho con đường để cái ôtô đến xã, cái xe máy đến nóc làng, dân mình mừng cái bụng lắm. Chừ thì dân mình phải cố trồng cho nhiều cây sâm để mau hết cái nghèo, mau khá lên thôi” – một cư dân ở Trà Linh nói.

Hơn 10 năm nay việc trồng sâm NL đã giúp người Xơ Đăng ở đất sâm Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang thoát cảnh khó khăn, túng thiếu.

Vài ba năm nay sâm lên giá – từ 20 triệu đồng đến 30-35 triệu đồng/kg sâm tươi tuỳ theo hạng, loại – nhiều người trồng sâm ở đây đã khá hẳn lên.

Có đường xe, cuộc sống bớt khổ nhờ thông thương được với bên ngoài, có được những hiểu biết ít nhiều về kinh tế, về thị trường, cùng với việc trồng thêm cây sâm họ còn biết để củ sâm đến tuổi (khoảng 6-7 năm) mới nhổ bán thay vì nhổ bán sâm non (chừng 3-4 tuổi) để có nguồn thu khá hơn, ổn định hơn.

“Mình vừa mới trồng hơn 800 cây sâm một tuổi cách đây gần ba tháng. Còn sâm lớn từ 3-6 tuổi mình còn hơn 500 cây. Cách đây một tháng mình gieo được 600-700 hạt sâm hái từ vườn sâm của mình. Có cái đường xe đến xã, lại có cái đề án trồng sâm của tỉnh, dân mình phấn khởi lắm” – chủ hộ Hồ Văn Dép (ở làng Tắk Ngo) bày tỏ.

Chủ hộ Hồ Văn Dênh (cũng ở Tắk Ngo) cho biết mình vừa ươm được một lon hạt sâm (khoảng 1.000 hạt), vừa trồng được 400 cây sâm một tuổi, còn sâm lớn từ 4-6 tuổi ở chốt (điểm trồng của từng nhóm hộ để cùng bảo vệ) khoảng 300 cây.

“Không có cái gì bán được nhiều tiền như củ sâm NL. Dân mình đã biết trồng sâm từ lâu rồi. Đến chừ lại có chủ trương phát triển cây sâm NL của trên, Nhà nước đang làm con đường tới nóc làng mình, giúp vốn cho dân mình trồng sâm. Có cái con đường tốt để đi, để đưa hàng hoá đến đây mà dân mình không trồng nhiều cây sâm để khá lên là đáng chê lắm” – ông Dênh nói trong nỗi vui.

“Thôn 2 mình có 216 hộ, chiếm gần phân nửa số hộ trong xã. Hộ nào ở đây cũng có trồng sâm. Dân mình biết trồng sâm từ năm 1995-1997 nhờ học theo cách làm của trại dược Trà Linh đóng ở nóc Măng Lùng. Họ nhổ sâm con ở rừng về trồng, tìm hột sâm ở rừng về gieo.

Đến năm 2004 dân mình lại được tỉnh, huyện mua cây sâm con của trại dược Trà Linh phát cho trồng thêm. Nay có đề án phát triển sâm NL, việc trồng sâm của dân mình sắp tới sẽ có được nhiều cái lợi lắm. Xã, thôn với chi bộ mình đã họp dân nói cái đề án này rồi. Bà con phấn khởi lắm…” – ông Hồ Văn Lang nói.

__________

Kỳ tới: Trại sâm giống Tắk Ngo

 

HUỲNH VĂN MỸ