29/11/2024

Thảo cầm viên Sài Gòn 150 tuổi xanh

Sáng 22.12, tại Thảo cầm viên Sài Gòn đã diễn ra triển lãm ảnh Thảo cầm viên Sài Gòn: Xưa và nay giới thiệu hình ảnh về địa điểm này từ năm 1865 đến nay.

 

Thảo cầm viên Sài Gòn 150 tuổi xanh

 

Sáng 22.12, tại Thảo cầm viên Sài Gòn đã diễn ra triển lãm ảnh Thảo cầm viên Sài Gòn: Xưa và nay giới thiệu hình ảnh về địa điểm này từ năm 1865 đến nay.





Trẻ em xem thú ở Thảo cầm viên - Ảnh: Tư liệu của Thảo cầm viên Sài Gòn

Trẻ em xem thú ở Thảo cầm viên – Ảnh: Tư liệu của Thảo cầm viên Sài Gòn


Bên cạnh đó, một cuộc hội thảo nhằm khẳng định giá trị của Thảo cầm viên Sài Gòn trong quá trình phát triển của TP.HCM cũng được tổ chức.

Tròn 150 năm kể từ ngày thành lập, Thảo cầm viên Sài Gòn (trực thuộc Sở GTVT TP.HCM) là một trong số ít thảo cầm viên có lịch sử lâu đời ở khu vực châu Á và thế giới, một bảo tàng thiên nhiên quý giá, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm.
Bộ sưu tập quý hiếm
Ban đầu nơi này được gọi là Vườn bách thảo Sài Gòn, được khởi công xây dựng trên khu đất hoang rộng 12 ha bên bờ kênh Rạch Lăng (Thị Nghè ngày nay) và hoàn thành vào năm 1865.
Theo tài liệu của Thảo cầm viên và các thông tin từ hội thảo, ông Louis Adolph Germain, một y sĩ thú y thuộc quân viễn chinh Pháp, đã được giao nhiệm vụ quy hoạch và thiết kế những khu vực đầu tiên cho việc ươm trồng các loài thực vật, xây dựng một số chuồng trại động vật, đồng thời thông báo cho công chúng gửi những loài động vật địa phương đến. 
Ngày 28.3.1865, ông J.B.Louis Pierre, người phụ trách việc chăm sóc Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ) qua nhậm chức Giám đốc Vườn bách thảo Sài Gòn. 
Đến năm 1877, ông quay trở về Pháp. Trong thời gian làm việc tại VN, ông Louis Pierre có rất nhiều công lao cho sự phát triển của Vườn bách thảo Sài Gòn: mở rộng diện tích lên 20 ha, cho du nhập nhiều loại cây nhiệt đới từ những nước châu Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á. Ông còn đưa hàng ngàn cây quý về trồng trên đường phố Sài Gòn và công viên (trong đó có nhiều cây ở Tao Đàn ngày nay) và thu thập hơn 100.000 tiêu bản thực vật nay vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng thực vật (Phân viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM). Khi Louis Pierre mất năm 1905, để ghi nhớ công lao của ông, một bức tượng bán thân bằng đá hoa cương được đặt ngay giữa lối vào Thảo cầm viên.
Năm 1924, Vườn bách thảo Sài Gòn mở rộng qua bên kia cầu Thị Nghè thêm 13 ha. Năm 1927, một chiếc cầu đúc được xây dựng nối liền hai khu vườn gọi là cầu Ông Nghè. Tại đây hiện còn hai công trình kiến trúc độc đáo (xây dựng năm 1926 và khánh thành năm 1929), nay là đền thờ vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, theo lối kiến trúc cổ kính phương Tây kết hợp đường nét hoa văn phương Đông. Một số chuồng trại quy mô lớn, kiên cố cũng được xây dựng trong thời gian này và tồn tại đến nay: chuồng cọp, khỉ và nhiều loài động vật của Nam bộ, Trung – Tây nguyên, cùng số lượng lớn thú ngoại nhập về nên có thêm tên gọi là Sở thú. Đây là địa điểm phục vụ nghiên cứu khoa học quan trọng, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến Sài Gòn.
Rừng tự nhiên giữa lòng thành phố
Sau 1975, Thảo cầm viên được tiếp quản hầu như nguyên vẹn, tuy nhiên do kinh tế lúc ấy còn khó khăn nên một địa điểm được xem là công viên khoa học lớn nhất Đông Dương này gần 10 năm hầu như không được đầu tư nên xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, UBND TP.HCM đã khẩn trương cho xây dựng, cải tạo nhiều hạng mục: nhà chế biến thức ăn, xưởng sửa chữa, nhà trú nghỉ của du khách, nhà vệ sinh công cộng. Đặc biệt vào năm 1989, chuồng trại đã được mở rộng và nâng cấp, thích hợp với đời sống sinh thái nhiều loài thú. 
Việc giao lưu, hợp tác với nhiều vườn thú trên thế giới: Đức, Nhật Bản, Singapore, Malaysia đặc biệt được chú trọng làm cho bộ sưu tập động vật ở Thảo cầm viên Sài Gòn ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Có rất nhiều loài thú lạ lần đầu tiên xuất hiện tại VN như: hà mã, cọp Amur, đười ươi, hươu cao cổ, tê giác, cọp Bengal, ngựa vằn, linh dương, cò đỏ, khỉ râu trắng, khỉ sóc… 
Một số động vật quý bắt đầu thích nghi với điều kiện nuôi nhốt và sinh sản thành công: hươu cao cổ, linh dương, sừng kiếm, linh dương đầu bò, cọp Bengal cùng nhiều động vật hiếm của VN: trĩ sao, báo lửa, cọp Đông Dương, vượn má vàng, voọc bạc…
Ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Nếu như năm 1975, Thảo cầm viên Sài Gòn chỉ có hơn 100 cá thể với 60 loài động vật thì đến nay bộ sưu tập động vật đã lên đến 1.000 cá thể với 123 loài. Ngoài các động vật quý hiếm đang được nuôi dưỡng, Thảo cầm viên Sài Gòn hiện có 2.500 cây thuộc 360 loài: từ cây sọ khỉ có chu vi thân đến 10 m, tuổi thọ gần 150 năm đến những cây xanh có trong danh mục sách đỏ của VN: cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ, 20 loài hoa lan rừng độc đáo và bộ sưu tập xương rồng, bonsai, kiểng cổ rất có giá trị. Chính sự đan xen giữa các thành phần cây thân gỗ, thảm thực vật làm cho Thảo cầm viên như một khu rừng tự nhiên giữa lòng thành phố”.
Sẽ có thêm Sài Gòn Safari tại Củ Chi
Nói về kế hoạch phát triển trong tương lai, ông Phạm Anh Dũng, Phó giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn, tiết lộ: “Theo quyết định của lãnh đạo TP.HCM, Thảo cầm viên Sài Gòn vẫn được giữ lại và sẽ quy hoạch thêm công viên Sài Gòn Safari tại Củ Chi, dự kiến rộng khoảng 465 ha. Hiện liên doanh giữa 3 đơn vị: Saigon Tourist, BenThanh Tourist và Thảo cầm viên Sài Gòn đã thiết lập xong và dự án Sài Gòn Safari sẽ sớm triển khai”.

Lê Công Sơn