Chân liệt, chí thép
Tưởng như đã thành người thực vật nhưng bằng nghị lực phi thường, ông Nguyễn Văn Thông đã vươn lên và được mọi người khâm phục bởi sự phi thường của mình.
Chân liệt, chí thép
Tưởng như đã thành người thực vật nhưng bằng nghị lực phi thường, ông Nguyễn Văn Thông đã vươn lên và được mọi người khâm phục bởi sự phi thường của mình.
Điều khiển xe máy xúc tuy chỉ cần đôi tay, nhưng với một người bị liệt hai chân như ông Thông cũng cần phải nỗ lực vượt bậc |
Từ một người khoẻ mạnh đi làm ở khắp các công trình để kiếm tiền chăm lo cho gia đình, sau một vụ tai nạn lao động, ông Nguyễn Văn Thông (43 tuổi, ngụ tại khu phố Phú Hội, P.Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) trở thành người tàn tật với tỉ lệ mất sức đến 94%.
Tám năm trời nằm trong bệnh viện
Tai họa ập đến với ông vào năm 2002, trong lúc đang thi công cho một công trình thì ông bị chiếc cần cẩu đập mạnh vào lưng, rơi từ giàn giáo xuống đất bất tỉnh. Sau vụ tai nạn này, ông bị gãy đốt sống lưng, từ phần lưng trở xuống hai chân bị liệt hoàn toàn, nằm một chỗ không thể di chuyển.
Suốt tám năm trời nằm trong bệnh viện là quãng thời gian tuyệt vọng nhất cuộc đời ông, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn vì phải lo tiền chữa trị.
Tuyệt vọng hơn khi người vợ đưa con gái duy nhất của hai người bỏ đi tìm hạnh phúc mới. Rồi con gái của ông cũng đột ngột qua đời do bệnh tật khiến tinh thần ông suy sụp hẳn. Nhiều lần ông quyết định tự tử do không chịu nổi áp lực nhưng đều không thành.
“Ông trời không cho mình chết thì chịu thôi, mình phải ráng mà sống có ích thôi” – ông Thông tâm sự.
Vốn là một người thợ máy có tay nghề giỏi, sau khi vực dậy tinh thần, ông làm đơn xin phép chính quyền cho dựng tạm một căn chòi lá làm chỗ ở trên khu đất dự án đang chờ thực hiện, đây cũng là “xưởng” sửa chữa cơ khí để làm việc hằng ngày với các loại máy móc.
Vẫn tự mình kiếm sống
Do bị liệt nửa người, ông tự chế một tấm phản rồi nằm trên đó làm việc, lúc di chuyển phải nhờ sự giúp đỡ của người cháu. Lúc sửa những chiếc xe máy xúc hay ôtô, ông phải nằm bệt xuống đất giữa trưa nắng loay hoay để sửa.
Do có tay nghề, lại làm việc nhiệt tình nên nhiều người thường đưa máy đến cho ông sửa. Có những người ở xa hàng chục cây số khi máy hư đều đón ông về nhờ giúp đỡ.
Nhìn cảnh ông nằm bệt dưới đất vã mồ hôi, nhiều người không khỏi xót xa cho số phận của một con người bất hạnh, nhưng lòng đầy khâm phục bởi nghị lực phi thường của ông.
Ngoài sửa máy, ông còn điều khiển thành thạo các loại máy xúc, ôtô cải tiến với sự giúp đỡ của người cháu. Vì vậy mà nhiều người thuê ông làm các công trình như san lấp đường, làm nhà, đóng cừ… Nhờ đó ông có thêm một khoản thu nhập nhỏ lo cho cuộc sống.
Là người biết rõ hoàn cảnh và chăm sóc sức khoẻ cho ông, bà Bùi Thu Cúc (49 tuổi, phòng khám tại thị xã Thuận An) vẫn chưa hết xúc động khi nhắc đến hoàn cảnh đặc biệt này. Bà cũng chính là người đã động viên, giúp đỡ ông trong những ngày tháng khổ cực.
“Tôi chưa từng thấy một người nào có nghị lực như anh, phải gánh chịu những mất mát lớn trong đời nhưng anh vượt qua được và sống có ích. Không những vậy anh còn chịu khó làm việc nuôi sống bản thân và cha mẹ già, quả thật đáng khâm phục nghị lực phi thường của anh, đây đúng là tấm gương lớn cho mọi người noi theo” – bà Cúc chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Gặp, trưởng khu phố Phú Hội, cho biết hoàn cảnh ông Thông là một trường hợp đặc biệt tại địa phương, dù chỉ nằm một chỗ nhưng ông vẫn chịu khó làm việc để sống.
Địa phương đã đề xuất cho ông được hưởng chế độ người tàn tật 340.000 đồng/tháng nhưng chỉ là hỗ trợ một phần, tất cả đều phụ thuộc vào sự nỗ lực của ông.
Anh Nguyễn Văn Thông cố dùng hết sức đôi tay của mình để sửa chữa máy móc dù phải nằm trên phản gỗ – Ảnh: Xuân An |
Do bị liệt nửa người nên sức khoẻ của ông rất yếu, mỗi tuần đều phải chuyền nước để có sức làm việc |
Bị liệt nhưng ông điều khiển các loại máy thành thạo, vì vậy ông có thể đi đóng cừ thuê kiếm tiền |
Giữa trưa nắng, ông phải nằm sấp dưới nền đất loay hoay sửa máy móc |
Hằng ngày, việc tắm rửa của ông phải nhờ sự phụ giúp của mẹ |
Lúc giải lao, ông trò chuyện với những người hàng xóm |
Việc di chuyển lên xuống được sự giúp đỡ của người cháu |
Giây phút hiếm hoi được quây quần bên mấy đứa cháu, đây là niềm vui sau những ngày làm việc cật lực |