Thầy khiếm thị dạy… võ
Khó có thể tưởng tượng một người khiếm thị lại đi dạy… võ, mà lớp võ của anh thu hút rất đông võ sinh.
Thầy khiếm thị dạy… võ
Khó có thể tưởng tượng một người khiếm thị lại đi dạy… võ, mà lớp võ của anh thu hút rất đông võ sinh.
Hơn 30 năm luyện võ và 20 năm mở lớp dạy võ, huấn luyện viên Nguyễn Kim Hoàng (sinh năm 1978, ở Q.Ba Đình, Hà Nội) khiến nhiều người ngưỡng mộ không chỉ ở tài năng mà còn ở nghị lực vượt lên nghịch cảnh của mình.
Bước ngoặt cuộc đời
Mối duyên với võ của anh Hoàng bắt đầu từ năm 7 tuổi. Sớm bộc lộ năng khiếu của mình, Hoàng gặt hái nhiều thành tích ở môn võ cổ truyền từ cấp quận cho đến thành phố. Khi pencak silat du nhập VN, Hoàng nhanh chóng tiếp cận môn võ này và được giao nhiệm vụ đứng lớp huấn luyện các võ sinh khác tại võ đường Thanh Lê. Khi đó anh vừa làm việc cho một công ty tư nhân về lĩnh vực công nghệ phần mềm vừa tham gia huấn luyện võ thuật.
Năm 2010, bất hạnh bắt đầu ập xuống, khi anh phát hiện mình bị suy thận nặng. Biến chứng của căn bệnh khiến anh mù hoàn toàn. Một sáng tỉnh dậy, anh đau đớn nhận ra mắt mình không còn nhìn được nữa. Từ người trụ cột trong gia đình, anh trở thành “gánh nặng”. Vệ sinh, ăn uống, đi lại của anh đều cần vợ giúp. Một võ sư mạnh mẽ đầy uy lực bỗng chốc phụ thuộc hoàn toàn vào người khác khiến anh chới với. Anh giam mình trong bóng tối, xa lánh mọi người. Anh sợ bị thương hại, sợ tiếng thổn thức hằng đêm của vợ, sợ cả khao khát và ước mơ trỗi dậy trong tim mình. Hình ảnh người vợ tần tảo, bỏ nghiệp thi đấu võ để mưu sinh, tập chạy xe máy chở chồng đi chữa bệnh khiến anh suy nghĩ. “Tàn nhưng không phế”, anh quyết tâm đứng dậy.
Nghe gió biết bài quyền
Anh Hoàng nói, nhờ võ thuật mà anh vượt qua được những điều tưởng như không thể. Đó là những lúc đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết; khi ống thông mạch máu ở cầu tay bị vỡ khiến máu phun ra như suối, ướt đẫm áo… Nhờ đam mê võ, anh có động lực trở lại làm huấn luyện viên võ.
Tháng 3.2010, anh quay lại lớp võ. Những học trò cũ đến lớp đón chào thầy. Tuần 3 buổi chạy thận, thời gian còn lại, anh dành hết cho võ thuật với 3 câu lạc bộ võ thuật pencak silat và võ cổ truyền tại ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia), Trường THPT Trương Định và công viên Bách Thảo. Ban đầu, lớp chỉ có 7 võ sinh, đến nay mỗi khoá có 20 – 50 võ sinh theo học. Nhiều võ sinh theo học 5 – 6 năm cũng về trợ giảng giúp thầy Hoàng.
Đầu tiên, Hoàng sẽ mô phỏng trước. Từng chiêu thức, cách tung tay, gạt, đẩy, xoay người, cử chân, chỉ tay, kỹ thuật, lực… được Hoàng truyền đạt rất kỹ lưỡng. Sau đó, trợ giảng sẽ giúp anh quan sát, kiểm tra, bổ trợ lại cho lớp học để các bạn tiếp thu bài và tăng cường tính thực tế, cọ xát.
Anh cho biết: “Võ thuật là môn thể thao đòi hỏi nhiều về thể lực và sự nhanh nhẹn của người học. Các thao tác va chạm, đánh đấm, phản xạ đòi hỏi phải tức thời. Chính vì thế, sự tinh anh của đôi mắt vô cùng quan trọng. Tôi không nhìn thấy được, nên phải tận dụng các giác quan khác. Tai tôi nghe tiếng gió để biết đường đi của bài quyền, còn bàn tay cảm nhận các đòn đánh có đủ lực không. Cứ thế mà nắn, mà chỉnh”.
Lớp võ giúp anh duy trì đam mê võ và truyền cảm hứng cũng như niềm yêu cuộc sống cho những người trẻ. Hoàng Khương Duy, một võ sinh cũ vẫn thường về lớp trợ giảng, nói: “Thầy thường khuyên chúng tôi, khi còn trẻ, các em hãy cố gắng phấn đấu, nỗ lực và cống hiến hết mình. Đến giờ, tôi vẫn luôn tự hào bởi thầy dạy cho tôi không chỉ những bài quyền mà cả nghị lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh”.
Quỳnh An