Cuộc ‘trường chinh’ tìm kiếm ‘suối nguồn tươi trẻ’ đã bắt đầu có manh mối, sau khi giới khoa học cho hay đã tìm được gien có thể giúp tăng 25% tuổi thọ ở người.
Chén thánh của sự trường thọ
Cuộc ‘trường chinh’ tìm kiếm ‘suối nguồn tươi trẻ’ đã bắt đầu có manh mối, sau khi giới khoa học cho hay đã tìm được gien có thể giúp tăng 25% tuổi thọ ở người.
Các nhà khoa học thuộc Đại học ETH Zurich (Thuỵ Sĩ) và Bệnh viện Đại học Jena (Đức) vừa tiết lộ đã phát hiện 30 gien có liên quan đến tình trạng già đi về mặt thể chất ở sinh vật sống, từ đó hứa hẹn khả năng hướng đến trường thọ ở người, theo trang tin Medical Express.
Để rút ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích khoảng 40.000 gien nhằm chọn lọc những đầu mối của sự trường thọ. Kho dữ liệu về gien trên được tập hợp từ 3 dạng sinh vật: một loài giun tròn, cá ngựa vằn và chuột. Dựa trên kho gien này, họ tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy một cơ chế tương đồng ở 3 loài sinh vật khi chúng trải qua 3 giai đoạn là thơ ấu, trưởng thành, già đi. Các chuyên gia lấy mẫu và đo đạc các phân tử ARN trong những tế bào ở từng loại động vật. ARN là một trong hai loại a xít nucleic, đóng vai trò là cơ sở di truyền ở cấp độ phân tử. Kế đến, họ tạo ra những mô hình thống kê nhằm thiết lập điểm giao nhau của các gien quy định cùng một cách thức cho phép cơ thể của những sinh vật này trải qua 3 giai đoạn chủ chốt của đời sống.
Kết quả cho thấy cả 3 sinh vật trên sở hữu khoảng 30 gien giống nhau, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình già đi. Đội ngũ nghiên cứu đã có thể xác định quá trình lão hoá ở giun bằng cách khoá một số ARN cụ thể ở những gien tương ứng. Hành động vô hiệu hóa ARN giúp kéo dài tuổi thọ của sinh vật thí nghiệm thêm ít nhất 5%. Thậm chí, trong đó có gien bcat-1 được chứng minh có năng lực ảnh hưởng đặc biệt. Cụ thể, Giáo sư Michael Ristow thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: “Khi chúng tôi ngăn chặn ảnh hưởng của gien trên, thời gian sống của giun tròn được kéo dài đến 25%”.
Nhóm chuyên gia giải thích cách thức gien bcat-1 tác động đến tuổi thọ của sinh vật, vì nó mang mật mã sản xuất enzyme cũng có tên bcat-1. Tồn tại một cách tự nhiên trong các khối xây dựng protein ở thực phẩm, enzyme bcat-1 tạo ra các amino a xít L-leucine, L-isoleucine và L-valine. Khi họ ngăn chặn hoạt động của gien bcat-1, chuỗi a xít amino trên dần tích tụ trong mô, kích hoạt quy trình tạo phân tử làm tăng tuổi thọ ở loài giun. Và điều quan trọng là các đối tượng được tăng tuổi thọ vẫn duy trì tình trạng thể chất khoẻ mạnh. Giáo sư Ristow cho rằng cơ chế này cũng diễn ra ở người, hứa hẹn giúp con người sống lâu hơn và mạnh khoẻ hơn.