29/11/2024

Sẽ mở bảo tàng thiên nhiên ở Cần Thơ

Bảo tàng này sẽ là nơi bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp, còn là nơi các nhà khoa học hai bên cùng hợp tác nghiên cứu tìm ra giải pháp để bảo vệ môi trường tự nhiên.

  

Sẽ mở bảo tàng thiên nhiên ở Cần Thơ

 

Bảo tàng này sẽ là nơi bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp, còn là nơi các nhà khoa học hai bên cùng hợp tác nghiên cứu tìm ra giải pháp để bảo vệ môi trường tự nhiên.




Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ Ted Osius sau phiên khai mạc khóa họp - Ảnh: H.Nhung
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ Ted Osius sau phiên khai mạc khoá họp – Ảnh: H.Nhung

Khóa họp lần thứ 9 Uỷ ban hỗn hợp hợp tác khoa học – công nghệ Việt Nam – Hoa Kỳ (JCM9) chính thức khai mạc vào sáng 2-12, với sự tham dự của đại diện các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ.

Ngay tại buổi khai mạc, ông Ted Osius, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, công bố ý định mở bảo tàng bảo tồn thiên nhiên ở Cần Thơ.

Bảo tàng này sẽ là nơi bảo tồn thiên nhiên tươi đẹp của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là cơ chế chung để các nhà khoa học hai bên cùng hợp tác nghiên cứu tìm ra giải pháp để bảo vệ môi trường tự nhiên.

Khóa họp sẽ diễn ra trong ba ngày nhằm điểm lại tình hình thực hiện các dự án hợp tác về khoa học – công nghệ (KH-CN) giữa hai bên, đề ra những phương hướng, kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các chính sách và định hướng KH-CN mới của hai bên, từ đó tìm ra cơ chế thích hợp để thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hai bên.

Trong ba ngày JCM9 diễn ra, Chính phủ và chuyên gia hai nước tập trung thảo luận tại năm nhóm làm việc ở các lĩnh vực gồm khoa học y tế và sức khoẻ, nông nghiệp, trao đổi giáo dục và nghiên cứu, khoa học bảo tồn và môi trường, khí tượng, thuỷ văn và cảnh báo bão.

Ngoài ra, các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, không gian vũ trụ và năng lượng hạt nhân vẫn luôn được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước.

Hợp tác KH-CN Việt Nam – Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2000, với việc hai nước ký hiệp định nhân dịp tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam và đã gặt hái được nhiều kết quả như liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, hai bên đang trao đổi để tiến tới ký kết hiệp định khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình.

Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, hai nước đã ký chính thức Hiệp định 123 sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân vào tháng 5-2014, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận các công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Ông Ted Osius cho biết ngay từ khi hai bên chưa thiết lập quan hệ chính thức thì các nhà khoa học Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác với nhau trong hoạt động nghiên cứu khoa học và trong 15 năm chính thức hợp tác, cả hai bên cùng giúp đỡ nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu. Theo ông Ted, hai quốc gia đã đạt được nhiều thành công trong 20 năm bình thường hóa quan hệ và có thể hi vọng 20 năm kế tiếp còn đạt nhiều thành công hơn nữa.

Kể từ năm 2005 tới nay đã có hơn 30 dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế theo nghị định thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được triển khai và đưa lại những kết quả hứa hẹn.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, những dự án không chỉ tác động đến việc hình thành các cơ chế chính sách KH-CN mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo cho Việt Nam, tạo điều kiện cho hoạt động chuyển giao công nghệ.

Trong khuôn khổ khoá họp, ngày 3-12 sẽ diễn ra hội thảo “Hợp tác về KH-CN giữa Việt Nam – Hoa Kỳ: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”, sau đó đoàn công tác Hoa Kỳ sẽ làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao TP.HCM.

Việt Nam đề xuất 3 vấn đề mới

Kết thúc 15 năm hợp tác theo Hiệp định 123, bắt đầu giai đoạn mới, phía Việt Nam đề xuất ba vấn đề mới trong thời gian tới gồm:

1. Hoa Kỳ và Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học – công nghệ chung của hai nước về đội ngũ chuyên gia, thành tựu công trình nghiên cứu của hai nước, mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu…

2. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình Silicon Valey và những khu công nghệ thành công khác ở Ohio, Boston, Hoa Kỳ giúp Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách hành lang pháp lý liên quan và tìm kiếm các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học – công nghệ.

3. Kéo dài Quỹ đầu tư VIF về giáo dục của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam sau khi chương trình này kết thúc vào năm 2018, theo phương thức mới đồng đầu tư vì nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của Việt Nam còn rất lớn. Việc tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Ông Jonathan Margolis – phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về khoa học, vũ trụ và y tế, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ, đồng chủ tịch JCM9 – cho biết hai phái đoàn đều quan tâm đến thương mại hóa các ý tưởng đột phá.

Theo ông Jonathan, Hoa Kỳ nổi tiếng về hệ sinh thái đột phá sáng tạo nhưng hơn phân nửa các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ không phải là của công dân Hoa Kỳ, không sinh ra trên đất Mỹ, không phải tất cả ý tưởng, khát vọng đến từ Hoa Kỳ mà có những thành công đến từ bên ngoài nên phía Mỹ rất vui mừng được làm việc với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Trong khoá họp lần này có 40 thành viên là các chuyên gia và có 10 đại diện đến từ các trường ĐH Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tìm kiếm và thương mại hoá các ý tưởng từ các phòng lab ở trường ĐH. Xây dựng mối quan hệ giữa trường ĐH sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái đột phá sáng tạo.

HỒNG NHUNG – HIẾU TRUNG