29/11/2024

Tưởng nhớ Len Aldis – một tấm lòng nhân ái bao la

“Len Aldis là một người rất hiền hậu và giàu lòng nhân ái. Nhiều bạn bè của ông ấy trên thế giới đều biết ông ấy đặc biệt như thế nào đối với các trẻ em nghèo, khuyết tật và mang chất độc da cam ở Việt Nam”.

 

Tưởng nhớ Len Aldis – một tấm lòng nhân ái bao la

 

“Len Aldis là một người rất hiền hậu và giàu lòng nhân ái. Nhiều bạn bè của ông ấy trên thế giới đều biết ông ấy đặc biệt như thế nào đối với các trẻ em nghèo, khuyết tật và mang chất độc da cam ở Việt Nam”.




Ông Len Aldis (phải) - người dành trọn cuộc đời đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - là người nước ngoài đầu tiên nhận giải “Bạn đồng hành quanh tôi” của báo Tuổi Trẻ vào năm 2005 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Ông Len Aldis (phải) – người dành trọn cuộc đời đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – là người nước ngoài đầu tiên nhận giải “Bạn đồng hành quanh tôi” của báo Tuổi Trẻ vào năm 2005 – Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Ông Len Aldis – nhà đấu tranh vì hoà bình và người bạn của các nạn nhân chất độc da cam – vừa qua đời tại nhà riêng ở London (Anh) hôm 27-11.

Qua Tuổi Trẻ, nhiều người Việt Nam gắn bó với ông Len Aldis đã bày tỏ sự xúc động trước sự ra đi của ông và lòng cảm kính khi nhớ về ông.

* Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam):

Đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lý

Tôi được biết tin ông Len Aldis qua đời sáng 30-11 từ mạng xã hội Facebook. Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và đau buồn khi hay tin ông ấy qua đời trong một hoàn cảnh rất đáng thương ở quê nhà. Chúng tôi đang tìm cách liên lạc với người đại diện bên Anh để chia buồn.

Len Aldis là một người rất hiền hậu và giàu lòng nhân ái. Nhiều bạn bè của ông ấy trên thế giới đều biết ông ấy đặc biệt như thế nào đối với các trẻ em nghèo, khuyết tật và mang chất độc da cam ở Việt Nam.

Ông ấy đến Việt Nam không dưới 50 lần và lần nào cũng đều dành thời gian thăm trực tiếp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông luôn có ý chí kiên quyết ủng hộ Việt Nam và vụ kiện đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam.

Ông ấy là người rất nhiệt tình và có uy tín với chính khách. Aldis từng xin chữ ký của thủ tướng Anh để ký vào quyển sách, bán đấu giá các sản phẩm để ủng hộ nạn nhân da cam.

Ông Aldis thường kể rằng ông ấy rất bức xúc với các công ty hoá chất của Mỹ đã gây thảm hoạ môi trường và làm tổn hại nghiêm trọng sức khoẻ của các nạn nhân. Cái chính là ông ấy rất tâm huyết. Ông ấy từng nói với tôi rằng dù tuổi đã cao nhưng khi nào còn sống sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam.

* Bác sĩ Ngọc Phượng (nguyên giám đốc Bệnh viện 
Từ Dũ, TP.HCM):

Người có tấm lòng hết mình vì 
người khác

Tôi rất buồn khi nghe tin ông Aldis qua đời, ông ấy đúng là một con người điển hình trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam.

Tôi nhớ là lần đầu đến Việt Nam, ông ấy có tới thăm Bệnh viện Từ Dũ mà lúc đó tôi đang là giám đốc. Tôi đưa ông ấy tới thăm làng trẻ em khuyết tật Hoà Bình và đưa cho ông ấy xem các mẫu bệnh phẩm ngâm phoóc môn, giải thích cho ông ấy việc có những trẻ bị dị tật vì ảnh hưởng chất độc da cam như thế nào. Ông ấy rất xúc động. Từ đó về sau, những lần trở lại Việt Nam tiếp theo ông đều tới thăm làng trẻ em Hòa Bình.

Sau này qua những người bạn ở Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, tôi mới hay ông Aldis rất nghèo. Ông sống một mình trong căn gác nhỏ tại Anh. Những lần qua lại thăm Việt Nam phần lớn ông đều đi bằng tiền lương hưu dành dụm. Ấy thế nhưng một mình ông ấy miệt mài làm bản tin cho Hội hữu nghị Việt Nam – Anh mà ông được bầu làm chủ tịch, cứ ba tháng ra một số, đều đặn không nghỉ.

Ông Aldis là người có tấm lòng hết mình vì người khác, việc ông ấy ra đi đúng là một thiệt thòi với những nạn nhân da cam. Tôi vẫn nhớ ông ấy thường nói: “Bà Phượng chính là người đã dẫn dắt tôi vào cuộc đấu tranh vì nạn nhân da cam. Lần đầu nghe bà ấy kể về việc này, tôi đã rất sốc”.

Ông chia sẻ với tôi nỗi bất bình trong vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân da cam. Ông bảo “tại sao mọi việc đã có căn cứ khoa học rõ ràng và sáng tỏ như vậy rồi mà phía các công ty hóa chất Mỹ vẫn chối tội?”. Chính ông ấy đã mang các báo cáo nghiên cứu của tôi về Anh để tiếp tục công cuộc đấu tranh vì các nạn nhân da cam.

Thật sự bây giờ khi nhắc tới tên ông Len Aldis, trong tâm trí tôi hiện ngay ra hình ảnh một con người có vóc dáng cao lớn, gương mặt tròn tròn với nụ cười thường trực. Và tôi nhớ tới việc ông ấy đã huy động 1 triệu chữ ký của mọi người để tố cáo sự huỷ hoại tàn khốc của chất độc da cam ở Việt Nam gửi tới tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, gửi tới tổng thống Mỹ…

* Bà Đặng Hồng Nhựt (nguyên phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM):

Tôi nhớ tấm lòng đôn hậu của ông

Tôi rất bất ngờ khi hay tin ông Len Aldis – một người bạn lớn của Việt Nam, một ân nhân của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – vừa qua đời tại Anh.

Tôi biết ông Aldis từ năm 2004 thông qua công việc và các email trao đổi liên quan tới nạn nhân da cam ở Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng. Nhưng phải tới năm 2010 tôi mới có dịp gặp mặt ông ấy trực tiếp.

Lần đó tôi đặc biệt ấn tượng với góp ý của ông cho dự án xây dựng làng Cam tại TP.HCM mà lúc đó tôi là người phụ trách. Khi nghe tôi trình bày dự án xây dựng một ngôi làng dành riêng cho việc chăm sóc các nạn nhân da cam, ông Aldis có đề nghị ngoài những khu vực phục vụ trực tiếp các nạn nhân, cần có thêm một khu vực dành cho những người thân của họ.

Ông Aldis cho rằng số nạn nhân chất độc da cam đang sống tản mát trong các gia đình rất nhiều và không ít thân nhân của họ phải gánh chịu khổ cực lâu dài trong quá trình chăm sóc người bệnh cả đời.

Việc có thêm một khu hỗ trợ như vậy sẽ giúp các gia đình có người bị ảnh hưởng chất độc da cam yên tâm gửi gắm người thân của họ trong một giai đoạn nào đó không thể tự mình chăm sóc.

Là người làm dự án làng Cam nhưng tôi cũng không nghĩ ra ý đó. Đóng góp của ông Aldis cho thấy đó thật sự là suy nghĩ rất chu đáo, nhân hậu của một con người có tấm lòng nhân ái bao la.

Tôi vẫn nhớ một cử chỉ nhỏ nhưng biểu thị tấm lòng thật đôn hậu của ông Aldis. Lần đó tôi tặng ông ấy một chiếc móc khoá kết bằng hạt cườm do các em là nạn nhân chất độc da cam làm.

Ông ấy đã tiếp nhận rất trân trọng và đeo nó ngay vào một chiếc khoá kéo trên đồ dùng của ông. Tôi rất bất ngờ và cảm động trước vẻ vui sướng thành thực của ông ấy khi ngắm nhìn cái móc khoá.

Một ấn tượng sâu sắc nữa của tôi về ông Aldis là sáng kiến thu thập chữ ký của mọi người trong chiến dịch vận động ủng hộ nạn nhân da cam. Từ sáng kiến của ông, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM chúng tôi cũng đã triển khai chiến dịch vận động lấy chữ ký mọi người và từ đó kêu gọi được rất nhiều sự chung tay góp sức của cộng đồng trong công cuộc vì nạn nhân da cam, đặc biệt trong dự án xây dựng làng Cam ở Hóc Môn.

Người đấu tranh vì nạn nhân chất độc 
da cam Việt Nam qua đời

Theo thông báo của cảnh sát London hôm 28-11, họ đến nhà ông Len Aldis lúc 19g11 ngày 27-11 sau khi nhận được yêu cầu từ bạn bè ông – những người đã tìm cách liên lạc với ông mà không được. Cảnh sát phát hiện ông qua đời ở tuổi 85. Không có nghi vấn bất thường gì về cái chết của ông Aldis.

Hồi tháng 8 vừa qua, theo TTXVN, ông còn dựng gian bán đồ lưu niệm và thủ công mỹ nghệ, nhằm gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Những đồ lưu niệm và thủ công mỹ nghệ như tranh sơn mài, búp bê dân tộc, túi thổ cẩm, quạt giấy, bưu thiếp phong cảnh của Việt Nam do chính ông mang về Anh sau những chuyến thăm Việt Nam.

THU ANH

Q.TRUNG – D.K.THOA ghi