Mọc đầu sinh vật này trên thân sinh vật khác
Giờ đây, đội ngũ chuyên gia của Đại học Tufts (bang Massachusetts, Mỹ) đã phát hiện năng lực tái tạo kinh người ở loài sán dẹp, chưa từng được ghi nhận trong lịch sử khoa học.
Mọc đầu sinh vật này trên thân sinh vật khác
Giờ đây, đội ngũ chuyên gia của Đại học Tufts (bang Massachusetts, Mỹ) đã phát hiện năng lực tái tạo kinh người ở loài sán dẹp, chưa từng được ghi nhận trong lịch sử khoa học.
Không cần phải được can thiệp vào ADN, những con sán này có thể mọc lại đầu và não của những loài sán hoàn toàn khác biệt, theo website của Đại học Tufts.
Các nhà nghiên cứu đã có thể buộc những cá thể sán dẹp còn sống thuộc loài Girardia dorotocephala mọc lại những dạng đầu và các cơ chế não của những loài sán khác.
Bằng cách can thiệp vào các kênh protein gọi là các liên kết khe, đóng vai trò truyền dẫn những tín hiệu điện giữa các tế bào, nhóm chuyên gia Đại học Tufts đã thay đổi được sự phân bổ của các tế bào gốc trưởng thành ở sán, cùng với hình dạng đầu và não bộ ở vật thí nghiệm. Tuy nhiên, đầu của các sinh vật khác trên thân sán dẹp chỉ tồn tại tạm thời sau vài tuần. Cuối cùng, chúng cũng mọc lại những chiếc đầu cũ. Dù vậy, sự thay đổi này không làm mất đi ý nghĩa của phát hiện mới.
“Bằng cách điều chỉnh sự kết nối của các tế bào thông qua các khớp thần kinh điện tử, chúng tôi đã có thể chuyển hoá bố cục não và hình dạng đầu thuộc về một loài hoàn toàn khác trên một sinh vật với gien di truyền bình thường (không bị can thiệp)”, theo tiến sĩ Michael Levin – người dẫn dắt cuộc nghiên cứu.
Phát hiện mới của các nhà sinh học ở Massachusetts đã tiết lộ một bí mật cho thấy thông tin bên ngoài chuỗi gien di truyền có thể xác định cơ chế giải phẫu học trên diện rộng.
Diễn biến trên thân sán dẹp Girardia dorotocephala đã cung cấp một gợi ý, theo đó giới khoa học có thể khai thác các mạch sinh lý học trong quá trình tiến hoá để can thiệp vào kế hoạch tượng hình cơ thể của một sinh vật. Kiến thức này được dự đoán có thể áp dụng trong việc điều chỉnh dị tật bẩm sinh hoặc cần phải nuôi các cấu trúc sinh học mới sau chấn thương.
Phi Yến