Dẫn nước sạch về buôn làng
Trăn trở và quyết tâm tìm ra giải pháp trước hình ảnh người dân vùng non cao dùng những dòng nước đục ngầu, ô nhiễm trong sinh hoạt hằng ngày…
Dẫn nước sạch về buôn làng
Trăn trở và quyết tâm tìm ra giải pháp trước hình ảnh người dân vùng non cao dùng những dòng nước đục ngầu, ô nhiễm trong sinh hoạt hằng ngày…
Người dân ra bến nước ở làng Guah (xã Chư Á, TP Pleiku, Gia Lai) để tắm giặt, hứng nước sạch về dùng – Ảnh: Bá Dũng |
Đó là câu chuyện chung của những bạn trẻ thuộc “Giọt nước” và “Mang SODIS đến vùng cao” – hai trong sáu dự án đã giành chiến thắng trong cuộc thi sáng tạo “Mùa hè nước 2015”.
“Mùa hè nước 2015” do Trung ương Hội Sinh viên VN, Cục Quản lý tài nguyên nước, nhãn hàng Comfort một lần xả và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức (thông qua trang web www.1tym3nuoc.vn).
“Các bài thi năm nay thể hiện tính sáng tạo, nhân văn cao hơn năm ngoái… Điều đó cho thấy đam mê của các bạn sinh viên với cộng đồng, bảo vệ nguồn nước là rất rõ nét. Chúng tôi tin rằng hun đúc những đam mê trên chính là cách bền vững nhất để tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội |
Bà Vũ Hương Thảo (trưởng nhãn hàng Comfort) |
Bể nước sạch của sinh viên
Hơn một tháng qua, bến nước – địa điểm lấy nước sạch – ở làng Guah (xã Chư Á, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn chật kín người vào mỗi buổi chiều. Từ các nương rẫy cà phê, người dân mang theo can nhựa, lọ… kéo nhau ra bến nước để tắm giặt, vùng vẫy dưới dòng nước trong xanh chảy ra từ bể mà mọi người gọi là “bể nước của sinh viên tặng cho làng”.
Phan Duy Cường – sinh viên Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, trưởng nhóm “Giọt nước” – cho biết trong những lần đi tình nguyện và chứng kiến thực trạng người Ja Rai cùng nhiều dân tộc khác trên Tây nguyên thường ra sông, suối, nơi có dòng nước chảy để chắt nước về dùng…, Cường và một số người bạn quyết tâm thực hiện dự án xây bể lọc nước.
“Trước đây người dân làng Guah có thói quen ra hứng nước ở bến nước đầu làng về làm nước uống, nấu nướng, tắm giặt… trong khi bến nước nằm giữa nhiều ruộng vườn, rẫy cà phê và nghĩa địa. Nguồn phân bón, thuốc trừ sâu cũng như rác ngấm sâu vào lòng đất, theo các mạch nước chảy xuống bến. Nhiều trẻ em trong vùng bị thổ tả, người già bị các bệnh về đường ruột, tiêu hoá…” – Duy Cường nói về lý do chọn xây bể tại làng Guah.
Nguồn nước chảy ra từ lòng đất sẽ được dẫn qua các bể lắng – nơi than hoạt tính, cát sỏi được xếp làm màng lọc. Thông qua lớp màng lọc này, các tạp chất sẽ bị loại bỏ và dòng nước chảy ra các vòi, từ đó người dân hứng dùng trực tiếp.
Tương tự, những ngày này, hơn 1.000 đồng bào thiểu số tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã được tiếp cận với nguồn nước sạch thông qua dự án “Mang SODIS đến vùng cao” của nhóm sinh viên khoa môi trường ĐH Khoa học Huế.
Ấp ủ mong muốn tìm ra một giải pháp tạo nước sạch đơn giản, chi phí rẻ và thiết thực cho đồng bào thiểu số, bạn Nguyễn Hữu Long (ĐH Khoa học Huế) đã dành thời gian tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu.
Thông qua sự hỗ trợ của tiến sĩ Phạm Khắc Liệu (trưởng bộ môn kỹ thuật môi trường), Hữu Long biết đến phương pháp SODIS (khử trùng vi sinh vật bằng ánh sáng mặt trời) và nhận thấy đây là phương pháp phù hợp nhất nên đã đầu tư nghiên cứu, soạn kế hoạch chi tiết và tham dự cuộc thi “Mùa hè nước 2015” với quyết tâm chiến thắng để nhận được kinh phí hỗ trợ.
“Hiện nay, ở xã Nhâm hầu hết người dân phải dùng nước trực tiếp từ các con sông, suối và nước giếng. Qua phân tích 45 mẫu nước uống và sinh hoạt tại tám thôn của xã Nhâm thì cho thấy thông số coliform (đánh giá chất lượng nước) tổng trong các mẫu vượt rất nhiều lần so với quy chuẩn của Bộ Y tế, nguy cơ nhiễm phân và tiềm ẩn các bệnh về đường ruột là rất lớn” – Hữu Long giải thích về việc chọn xã Nhâm (huyện A Lưới) là địa phương hạt nhân để tập huấn thí điểm trước khi nhân rộng ra toàn huyện.
Long cho biết phương pháp SODIS được nhiều trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới nghiên cứu, áp dụng từ năm 1991, khi phơi các chai nước ngoài ánh sáng gay gắt của mặt trời từ 6 – 10 giờ thì có thể tiêu diệt được 99% các mầm bệnh trong nước là vi khuẩn và 95% các mầm bệnh là đơn bào, ký sinh trùng…
Thành quả được ghi nhận
Ngày 28-9 vừa qua, không khí ngôi làng Guah rộn ràng như trẩy hội. Sau gần một tháng cùng sinh viên cõng gạch, đắp đất làm bể lọc nước… già làng và dân trong vùng đã tập trung về bến nước để chứng kiến những giọt nước sạch đầu tiên chảy ra từ bể. Thay lời cảm ơn đến những gương mặt trẻ biết sống vì cộng đồng, người dân trong làng đã quây quần và mổ gà, rót mời họ rượu cần…
Công trình bể lọc nước sạch ở làng Guah có khả năng lọc trung bình mỗi ngày 12.000 lít nước, đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân ở Guah và các làng lân cận. Ít ai biết chỉ hai tháng trước đó, các thành viên nhóm “Giọt nước” gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục dân làng xây bể ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ từ cán bộ xã. “Nước chảy đá mòn”, bằng sự kiên trì và chân thành, nhóm cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu từ mọi người.
Già làng Aní của làng Guah phấn khởi: “Bà con ở đây từ trước đến nay dùng cái nước chảy ra từ núi nhưng không biết nó bẩn, giờ có sinh viên giảng giải, xây tặng cho làng bể nước rồi, được dùng nước sạch thì vui quá chớ! Ăn uống cũng không lo bị đau bụng, ốm đau nữa”.
Ông Nguyễn Văn Quang – chủ tịch xã Chư Á – khẳng định dù mức đầu tư không lớn nhưng công trình bể lắng do nhóm sinh viên Trường CĐ Sư phạm Gia Lai thực hiện có ý nghĩa rất lớn, không chỉ hỗ trợ thiết thực cho người dân mà có tác động trong việc thay đổi nhận thức cho người làng.
Ngoài việc giới thiệu phương pháp SODIS, Hữu Long còn xây dựng mô hình SODIS thí điểm tại 10 hộ gia đình thuộc xã Nhâm nhằm đem lại cái nhìn trực quan cho bà con. Điều này đã nhận về những phản hồi tích cực.
Ông Hồ Viết Rưng – phó chủ tịch UBND xã Nhâm – nhìn nhận dự án góp phần thay đổi dần thói quen sử dụng nước từ các nguồn chưa đảm bảo vệ sinh của bà con, đặc biệt là các hộ gia đình có thói quen uống nước lã.