30/11/2024

Thầy Trần Nguyên Phò – Thầy hiệu trưởng trường tôi

Năm 1976, thầy Trần Nguyên Phò về trường. Trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định từ là một trường có ba cấp I, II, III được đổi thành Trường cấp III Hoàng Hoa Thám (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

 

Thầy Trần Nguyên Phò - Thầy hiệu trưởng trường tôi

 

Năm 1976, thầy Trần Nguyên Phò về trường. Trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định từ là một trường có ba cấp I, II, III được đổi thành Trường cấp III Hoàng Hoa Thám (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). 




Thầy Phò lúc còn làm hiệu trưởng Trường Hoàng Hoa Thám
Thầy Phò lúc còn làm hiệu trưởng Trường Hoàng Hoa Thám

Thầy về trường với bộ đồ bộ đội, đầu đội nón cối, chân mang đôi dép râu, bước hùng hục…

Thì ra thầy không phải bộ đội. Thầy là giáo viên thực thụ: tốt nghiệp khoa văn sử Trường đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1962, về dạy ở Hải Phòng. Đến năm 1965 thầy vào Nam làm cán bộ giáo dục, rồi bị bắt, bị giam ở Phú Quốc.

Năm 1973 trao trả tù binh, thầy về lại mái trường cũ ở Hải Phòng. Giữa tháng 4-1975, thầy được điều về Hà Nội, được phát quân trang quân dụng và đưa vào Sài Gòn.

Từ hiệu trưởng Trường cấp I, II, III Thánh Mẫu, Gia Định (sau là Trường THCS Lam Sơn) rồi về Trường Nguyễn Bá Tòng thầy chỉ có mấy bộ đồ bộ đội mang theo. Trong hai năm ở Trường Hoàng Hoa Thám, thầy hiệu trưởng mặc đồ bộ đội ấy để lại cho chúng tôi nhiều điều bất ngờ…

Trong một lớp học có em là con của cán bộ cách mạng, có em là con của viên chức, sĩ quan chế độ cũ, có em mẹ cha đạp xích lô, mua gánh bán bưng… Các em cùng bước vào một cổng trường, cùng ngồi trong một lớp học, các em phải được đối xử như nhau

Thầy TRẦN NGUYÊN PHÒ

Chút nghĩa chút tình

Bất ngờ trước hết là buổi họp hội đồng giáo viên đầu tiên: thầy nói đại khái thầy rất vui, rất vinh dự được về mái trường Nguyễn Bá Tòng vì đây là một trường lớn nổi tiếng của bên đạo, rất nề nếp, quy tụ được nhiều thầy cô là cây đa cây đề của ngành giáo dục Sài Gòn mà thầy từng nghe tiếng như thầy Phan Khải (Trung tâm Diên Hồng), thầy Phạm Văn Chương – từng dịch, viết sách, dạy tiếng Anh, thầy Nguyễn Thanh Tâm dạy toán, thầy Nguyễn Ký từng làm giám học Trường Quốc học Huế, dạy sinh, thầy Đinh Văn Lành dạy lý, thầy Bùi Viện dạy văn…

Điều làm mọi người ngạc nhiên là cuối buổi họp thầy nói: “Cuối cùng, tôi xin phép được nói với thầy cô về hai bà cụ…”.

Đó là hai bà cụ ốm yếu, lưng còng đang sống trong trường, không gia đình, không người thân thích. Hai cụ vào Nam năm 1954, theo phục dịch ở nhà thờ. Khi nhà thờ dời khỏi trường, hai cụ vẫn ở lại trường, bơ vơ.

“…Thưa các thầy cô – thầy hiệu trưởng nói – Hai cụ không còn biết đi đâu, cùng trời cuối đất rồi… phải ở lại với chúng ta. Thôi thì rau khoai gì cũng được, mỗi người một tí, cưu mang…”.

Mấy hôm sau, nhiều thầy cô đề nghị và cùng với thầy Phò đóng góp… mở cho mỗi cụ “một cửa hàng tạp hóa” nằm gọn trên một chiếc rổ nhỏ: một cụ bán bánh kẹo, một cụ bán khoai lang, khoai mì ngay trong trường.

Trong những tháng ngày khốn khó ấy, thầy Phò và nhiều thầy cô khác ít nhiều đều chia sẻ với hai cụ có khi là lon gạo, vài gói mì, có khi là tí bột ngọt, miếng đậu phụ…

Hơn một năm sau một cụ qua đời, nhà thờ lo mai táng chu đáo. Thầy hiệu trưởng đã điều động một lớp học đứng hai hàng từ nhà thờ đến đường Phan Đăng Lưu tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng…

Mới đây gặp lại, tôi nhắc lại chuyện hai bà cụ, thầy Phò xúc động nói: “Tập thể giáo viên Hoàng Hoa Thám hồi đó tốt thật ông ạ..”, rồi bỗng giọng thầy như nghèn nghẹn: “Tôi biết ơn hai cụ lắm…”.

Thấy tôi thắc mắc, thầy chậm rãi kể: “Hồi đó, các ông không biết đâu, mỗi lần bà cụ cắt khoai mì luộc bán, hai phần đầu bỏ, tôi nhờ cụ gom vào cái bao, chở về nuôi heo. Trước khi cho heo, tôi lựa ra cái nào còn được được thì luộc cho con có cái ăn sáng. Nhờ nuôi heo, cần kiệm mà tôi sắm được xe Honda ông ạ…”.

Và cứ như vậy, bộ đồ bộ đội xuất hiện sáng, chiều và tối (tối trường dạy bổ túc văn hóa) ở khắp nơi trong trường, trong mọi sinh hoạt chuyên môn, lao động, văn nghệ, trở thành mối dây kết nối các thầy cô, tạo thành một tập thể toàn tâm toàn ý vì công việc, vì học trò.

Giờ đây mỗi lần chúng tôi gặp nhau thường nhắc lại những chuyện cũ về trường, chuyện nào ít nhiều cũng có hình ảnh thầy Phò.

Hôm chủ nhật vừa qua, năm bảy anh em cựu giáo viên Hoàng Hoa Thám lại gặp nhau. Thôi thì đủ chuyện. Một thầy chuyển đề tài, kể lại chuyện “hồi ấy” ở trường nọ trường kia giáo viên có người thân đang ở trại cải tạo, đi thăm về bị ban giám hiệu phê bình, bắt viết tường trình, kiểm điểm. Một thầy hỏi: “Chuyện của Khổng Thành Ngọc các ông nhớ không?…”.

Nhớ, nhiều thầy nhớ. Riêng tôi nhớ rất rõ: Ngọc mới tốt nghiệp về trường, cùng chung tổ văn với tôi. Bố Ngọc đang học tập cải tạo ở Long Khánh. Một buổi sáng đang trong phòng giáo viên, Ngọc gọi tôi ra hành lang nói nhỏ: “Mai tớ chỉ có hai tiết, mình báo tổ trưởng rồi, cậu dạy giùm tớ, tớ đi thăm ông già…”.

Đi thăm ông già đang ở trại cải tạo hồi ấy bị coi như… một hành vi phạm tội nên chúng tôi muốn giấu ban giám hiệu. Ấy vậy mà không hiểu sao thầy hiệu trưởng biết.

Buổi chiều, chúng tôi đang ở sân trường, thầy Phò bước hùng hục đến nói với Ngọc: “Thầy vào đây, tôi có việc…”. Nhìn Ngọc lẳng lặng theo thầy vào phòng hiệu trưởng, tôi vừa buồn vừa lo: vậy là Ngọc không được đi thăm ông già rồi, là nguy rồi, bị phê bình, kiểm điểm rồi…

Nhưng không, Ngọc kể lại: vào phòng, thầy Phò chỉ chiếc ghế bảo: “Ông ngồi xuống đây” và hỏi ngay: “Mai ông đi thăm ông già phải không?”. Ngọc nổi da gà, ấm ớ nhận: “Dạ, mai là ngày người ta cho thân nhân…”.

Ngọc chưa biết cái gì sẽ trút xuống thì bất ngờ thầy Phò nói: “Đi thăm đi ông ạ, coi cụ khoẻ không, ở trại khó khăn lắm…”.

Như từ đâu rơi xuống, Ngọc chưa hết bàng hoàng thì thầy Phò lôi trong ngăn kéo ra một gói nhỏ được bọc giấy rất tươm tất đưa cho Ngọc, nói: “Nhờ ông cho tôi gửi lời thăm và cho tôi gửi cụ tí quà, chúc cụ sức khoẻ..”. Đó chỉ là nửa ký đường, vậy mà cầm gói quà mắt Ngọc cứ rưng rưng, nghẹn ngào…

...Thầy Phò bây giờ - Ảnh nhân vật cung cấp
…Thầy Phò bây giờ – Ảnh nhân vật cung cấp

Thầy là… thầy

Trong tổ văn, tôi và Khổng Thành Ngọc được cử làm thêm nhiệm vụ dạy bổ túc văn hoá. Hồi ấy học viên bổ túc văn hoá phần lớn là cán bộ, nhiều người là lãnh đạo ở địa phương, ban ngành. Không ít người học để “đủ tiêu chuẩn” cho vị trí công tác nên ý niệm về “tôn sư”, với họ, là điều rất xa lạ! Vì vậy nhiều đêm, từ lớp học ra tôi và Ngọc ngồi uống chung một ly đậu nành, lòng rất buồn…

Một hôm tôi đang đứng trên bục giảng, bỗng thầy Phò xuất hiện trước cửa. “Xin phép thầy Nguyên, thầy cho tôi mấy phút, tôi làm việc với lớp…” – thầy nói và bước vào, đứng trước lớp.

Nhìn chăm chăm vào học viên, thầy nghiêm giọng nói: “Trước hết, tôi yêu cầu các đồng chí đứng dậy. Tôi là hiệu trưởng, vào lớp, các đồng chí không biết đứng lên chào à?…”.

Người nọ nhìn người kia rồi cả lớp đứng lên. Sau khi cúi đầu chào lại và cho cả lớp ngồi xuống, thầy từ tốn nói: “Từ nay khi thầy cô vào lớp, đề nghị các đồng chí phải đứng dậy chào và thầy cô cho ngồi mới ngồi…”, rồi thầy nói nhiều điều rằng đi học để có thêm hiểu biết, kiến thức, có trình độ để làm việc; rằng đi học để biết đạo lý… “Ai là người giúp các đồng chí có những thứ quý giá ấy? Là thầy… Nhất tự vi sư, bán tự vi sư mà…”.

Chẳng bao lâu sau những buổi “làm việc” của thầy hiệu trưởng, thầy cô dạy bổ túc văn hóa vui lắm vì “học viên bây giờ biết lễ phép hơn…”.

Là thầy tất nhiên cũng có những lúc sai. “Nhiều cái tôi sai lắm ông ạ…”, lúc trò chuyện thầy Phò thường nói như vậy và kể về những cái sai của mình, như chuyện thầy bạt tai một học trò trong một buổi lao động.

Hôm ấy, học sinh hai trường Hoàng Hoa Thám và Thạnh Mỹ Tây cùng đi lao động. Mấy em nam Trường Thạnh Mỹ Tây nghịch, lấy đất ném xuống rạch cho nước dơ bắn lên quần áo mấy em nữ Hoàng Hoa Thám. Quần áo ướt nhèm, lấm lem, mấy em nữ ôm mặt khóc. Thầy Phò bắt được một em đang ném đất bèn tát em một cái… toé lửa.

“Tức quá… nhưng tát xong tôi biết mình sai ông ạ”. Biết sai nên thầy gặp ngay thầy Trần Thiên Niên, hiệu trưởng Trường Thạnh Mỹ Lợi, và nhờ thầy gọi em học trò bị đánh đến.

Em ấy sợ tái mặt nhưng rất bất ngờ vì nghe thầy hiệu trưởng nói: “Thầy xin lỗi em, thầy nóng nảy quá, nhưng em cũng sai…”. Cậu học trò cúi mặt lí nhí: “Dạ, thưa thầy em sai, em xin lỗi”. Thầy Phò vỗ vỗ vai em, cười nói: “Em không phải xin lỗi thầy, em nên đến xin lỗi các bạn gái…” và cậu học trò ngoan ngoãn, rụt rè bước về phía các bạn nữ sinh để xin lỗi…

Xứng đáng làm thầy

Giờ đây thầy Phò đã bước qua tuổi 80. Đến thăm thầy, lần nào thầy cũng hỏi tôi về các thầy cô Trường Hoàng Hoa Thám và thầy cười khà khà nhắc lại bài ca của trường: “Hoàng Hoa Thám nông dân Việt Nam anh hùng…” mà thầy cùng tổ văn chúng tôi viết lời và thầy Ngô Hạnh Phúc viết nhạc.

Thầy viết nhiều thơ, câu đối nặng tình với mái trường, đồng nghiệp bởi “rời viên phấn trắng lòng thương nhớ, vẫn trái tim hồng dạ sắt son…”.

Một đời gắn với ngành giáo dục: sau khi từ giã Trường Hoàng Hoa Thám, thầy về làm hiệu trưởng Trường Phổ thông lao động, trưởng phòng bổ túc văn hoá Sở GD-ĐT, rồi chánh thanh tra ngành giáo dục TP.HCM. Ở cương vị nào, thầy cũng để lại hình ảnh đẹp trong lòng đồng nghiệp.

HÀNG CHỨC NGUYÊN