29/11/2024

Ông trùm ba kích

Từ đề tài nghiên cứu khoa học thất bại khi còn là sinh viên, Nguyễn Bá Hiển (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã bỏ lại tấm bằng đại học cùng ước mơ xin việc tại thành phố để lên núi “ở ẩn”.

 GƯƠNG MẶT

Ông trùm ba kích

 

Từ đề tài nghiên cứu khoa học thất bại khi còn là sinh viên, Nguyễn Bá Hiển (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) đã bỏ lại tấm bằng đại học cùng ước mơ xin việc tại thành phố để lên núi “ở ẩn”.




Nguyễn Bá Hiển kiểm tra các lồng sâm ba kích giống có độ tuổi khác nhau - Ảnh: Trường Trung
Nguyễn Bá Hiển kiểm tra các lồng sâm ba kích giống có độ tuổi khác nhau – Ảnh: Trường Trung

Sau nhiều năm gắn bó cùng núi rừng Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Hiển đã trở thành một “ông vua” ba kích mới của vùng này với số lượng cây giống lên tới hàng chục ngàn. Giờ đây, vườn ươm của “ông trùm” này là nơi cung cấp toàn bộ cây giống ba kích cho địa bàn tỉnh và các vùng núi Tây nguyên.

Nhờ gắn bó với loại cây này, Hiển đã trở thành phó chủ tịch UBND xã trẻ nhất của huyện Tây Giang khi mới 24 tuổi.

Học làm… vua

Năm 2009, cậu sinh viên năm 2 khoa sinh – môi trường (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đăng ký với nhà trường đề tài nghiên cứu khoa học: Đánh giá sự sinh trưởng của cây ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô ra thực tế.

“Mục tiêu của đề tài khi ấy là mang những cây ba kích mà các đàn anh đi trước trong khoa ươm thành công trong phòng thí nghiệm lên trồng lại ở chính cái nôi của nó là vùng Tây Giang. Phải trồng cho nó bén rễ khoẻ mạnh, sống với tỉ lệ, số lượng lớn rồi ghi chép lại là coi như thành công – đơn giản là rứa” – Hiển cười chép miệng nhớ lại.

Chàng sinh viên mang theo chừng trăm cây ba kích rời phòng thí nghiệm đến miền núi Tây Giang trồng thử. Áp dụng hết những kiến thức sách vở có được trên giảng đường để chăm cây, nhưng kết quả không cây nào sống tới 10 ngày do lạ khí hậu, thổ nhưỡng.

Thất bại với đợt nghiên cứu đầu tiên, Hiển lại bật ra ý tưởng “dời phòng thí nghiệm” từ trường đến xứ sở ba kích để có thời gian nghiên cứu và thực tế hơn. Lần thứ hai, Hiển mang theo một ít dụng cụ thí nghiệm đón xe đến xã Lăng (huyện Tây Giang) tìm gặp Bríu Pố – “ông vua” ba kích ở đây – để học hỏi.

Chuyện về ông Bríu Pố, người đầu tiên ở vùng này trồng được cây sâm ba kích, thì cả Hiển và chúng tôi đều đã được nghe trước đây. Năm 2004, khi ông Pố còn là bí thư xã Lăng thì tiến sĩ Ngô Văn Trại ở Viện Dược liệu học trung ương đến Tây Giang khảo sát. Ông Pố dẫn tiến sĩ Trại đi khắp không gian nước, rừng và làng thì phát hiện cây dược liệu quý là sâm ba kích tím. Từ đó ba kích đắt như tôm tươi.

Cơn sốt nổi lên, người Cơ Tu ở đây đổ xô vào rừng cứ thấy cây nào lá tím, thân dây có củ thì đào lên mang đi bán. “Bà con lấy củ bỏ dây vì cho rằng đây là cây của trời nên không trồng được. Ban đầu tao cũng theo người dân vào rừng đào, nhưng đào miết cũng cạn kiệt. Vợ chồng tao đi qua mấy con núi cũng chẳng tìm được là bao nên tao mang thử vài dây về trồng theo kiểu cắm dây khoai lang, ai ngờ lại sống” – Bríu Pố kể lại.

Khi nguồn củ từ rừng cạn kiệt, mấy ngàn dây ba kích của Bríu Pố đã trở thành tài sản vô giá biến ông thành “vua”.

Thời điểm Hiển đến học nghề, Bríu Pố đã có trong tay vườn cây ba kích trồng trên một quả đồi rộng lớn. Sau chừng chục lần đón xe đến để nghe ông Pố chỉ dạy, cùng ông băng rừng tìm sâm, Hiển vỡ lẽ ra đề tài của mình có thể chẳng bao giờ thành. Với vốn liếng công nghệ và thời gian ít ỏi trong tay, Hiển không thể thực hiện đề tài với ba kích.

Ở lại với núi rừng

Tốt nghiệp đại học, Hiển cất tấm bằng đến Tây Giang ở luôn với Bríu Pố để hằng ngày được tiếp xúc với cây ba kích. Hai năm Hiển theo ông Pố ươm ba kích theo kiểu truyền thống, cứ mang một dây hơn nửa mét về cắm xuống, chăm đủ ba năm tới khi tốt lên để lấy củ.

Lấy xong củ lại mang đúng cái dây nửa mét ấy cắm xuống. Tỉ lệ đẻ giống là 1:1, chỉ đưa củ ra thị trường chứ không có giống cho bà con cùng sản xuất. Thấy không hiệu quả và lo suy thoái giống rừng, Hiển mang dây ba kích về, chặt từng khúc ngang mắt, sau đó ngâm vào thuốc kích rễ rồi cho vào hom có bón phân vi sinh và… chờ.

Một sáng, trong trại ươm nhỏ bên bìa rừng, tiếng Hiển hét lên làm ông Pố và người dân xung quanh sốt sắng chạy tới: “Ra rễ rồi, ba kích mọc rễ rồi, thành công rồi già Pố ơi!”. Những khúc ba kích chặt ra dài chừng 10cm nay đã đâm rễ. Từ một dây mẹ trước đây có thể chặt thành nhiều khúc và cho ra được nhiều cây con.

Thấy “chơi được” với cây ba kích, Hiển mạnh dạn ươm thêm cả ngàn gốc, gốc nào cũng ra rễ, bén đất mọc lên xanh tốt, khoẻ mạnh, chỉ “ngồi rung đùi” chờ ngày xuất trại. Nhưng rồi thất bại lần nữa tìm tới Hiển khi trời làm trận mưa dầm dề mấy ngày liền, ba kích con úng nước chết sạch.

Sau lần ấy, Hiển gần như khuỵu ngã vì bao nhiêu vốn liếng vay mượn bạn bè, người quen đã bị trận mưa dầm cuốn sạch. Đường cùng, Hiển mang xe máy, máy tính đi cầm cố rồi mua những thứ cần thiết lên rừng làm lại từ đầu.

Vườn ươm cũ được phá đi, thay vào đó là vườn ươm mới rộng rãi, kiên cố, có hệ thống tưới nước tự động, mái che kín đáo phòng khi mưa bão. 5.000 hom ba kích đầu tiên mọc rễ, bén đất, lớn vùn vụt được xuất đi, mang về cho Hiển số lãi hơn 30 triệu đồng.

Cũng từ số vốn liếng ấy, Hiển mở rộng vườn ươm. Hằng năm Hiển cung cấp cho bà con hàng chục ngàn cây giống, mỗi cây cứ ba năm thu củ một lần. Đất “thủ phủ” ba kích lại tốt, chẳng cần chăm bón nhiều nên củ cứ lớn vùn vụt, ba củ đã nặng chừng 1kg với giá 500.000 – 800.000 đồng/kg.

“Trước đây bà con phải mất bốn năm mới thu được củ do cây kém phát triển, bây giờ quá hiểu cây ba kích, mình tìm ra cách trồng chụm lại nhiều cây một chỗ, dùng thêm phân vi sinh thúc củ to để nhanh thu hoạch mà vẫn đảm bảo chất lượng” – Hiển chia sẻ.

Riêng Bríu Pố từ ngày có Hiển lên ươm sâm, ông không khỏi vui mừng vì thứ cây quý của rừng chẳng lo cạn kiệt. Ông còn sung sướng hơn vì được “đệ tử” bày cho cách cắt dây sâm, kích rễ, cách trồng, thúc củ to… – những kỹ thuật mà đời ông chưa hề biết tới.

“Trước đây tao dạy thằng Hiển trồng ba kích, nhưng bây giờ tao phải cắp vở sang vườn ươm nghe nó dạy lại. Tao gắn bó với loại sâm này lâu nên mọi người gọi là “vua”, nhưng thật sự hiệu quả trồng không bằng thằng Hiển. Cũng nhờ có nó mà bà con có cây giống trồng, Tây Giang coi như giữ được loại cây quý giá này. Bây giờ thằng Hiển mới là “vua” ba kích” – ông Bríu Pố nói rồi nhấp ly rượu ba kích uống 
vẻ mãn nguyện.

Hiện tại, vườn ươm của Hiển lúc nào cũng thường trực 40.000 cây giống chờ xuất bán cho các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum. Anh và một người nữa đang hợp tác trồng 20.000 cây củ trên diện tích 5ha và đang tiếp tục mở rộng diện tích.

Hiển nói: “Bà con xã Lăng đang trồng gần 200.000 cây ba kích, tới năm 2017 sẽ thu hoạch, cứ tính trung bình ba cây thì đào được 500.000 đồng. Chỉ nhẩm tính vậy là mình đã thấy mừng, sớm muộn gì bà con cũng sẽ thoát cảnh đói nghèo”.

Làm phó chủ tịch xã khi 24 tuổi

Nhờ sự cống hiến không mệt mỏi, gắn bó với vùng cao để gìn giữ loài cây quý, năm 2013 Hiển đã trúng cử vào chức danh phó chủ tịch UBND xã Lăng. Anh là cán bộ đặc biệt nhất, bởi là người đến từ địa phương khác (Hà Tĩnh) và trước khi lên giữ chức đã có thời gian gắn bó với vùng núi, cũng như có đề án phát triển kinh tế vùng và mang sinh kế đến cho bà con.

Cây giảm nghèo

Cây sâm ba kích có tên khoa học Morinda officinalis How, thường mọc hoang ven rừng. Người dân dùng ba kích làm vị thuốc bổ trí não và tinh khí, chữa di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Ông Nguyễn Văn Phú, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, cho biết sâm ba kích có giá trị kinh tế cao và là loài cây xoá đói giảm nghèo của địa phương.

TRƯỜNG TRUNG